Ngày xưa cách đây chừng khoảng 25 năm. Thằng khùng tôi có thân với hai anh
em nhà Đạt Duy. Đạt là anh có vợ trước nhưng không ở riêng vì không vốn liếng
ra riêng cho chết à? Cả hai vợ chồng và thằng em tên Duy cùng nương nhờ dưới bóng
bà mẹ làm nghề bói toán. Phải công nhận càng nghèo người ta càng tin vô bá láp.
Cỡ Trí tôi mà đôi khi còn xoè tay nhờ con mụ ba trợn coi cho một quẻ nói chi
dân ngu khu đen.
Đùng một cái thằng Duy quy y của phật. Chả là gần nơi tôi tạm ngụ có một cái chùa,
tuy nhỏ nhưng linh lắm, bá tánh vẫn thường đến ngôi tự nầy để xin ơn trên phù
hộ cho… trúng số. Ở chùa được ba tháng Duy về thăm mẹ già với cái đầu trọc và
mặc một bộ áo nâu. Anh em gặp lại mừng thôi thì hết lớn. Trí tôi mới hỏi bạn
rằng:
– Mày có bị khùng không mà xuống tóc đi tu? Bộ có ông Phật nào độ mày hả?
Duy lắc cái đầu trọc lóc:
– Ở nhà khổ quá tao vô chùa cho phẻ. Nói vậy chớ vô chùa có đồng ra đồng vô hơn
ở nhà.
Tôi kinh ngạc;
– Làm đếch gì mà ở trỏng có tiền.
Thông cảm cho. Trí tôi vốn bụi đời nên ăn nói có hơi báng bổ.
Duy kể rằng trong chùa bá tánh công quả nhiều lắm, lâu lâu Duy chôm trong thùng
công đức nên có chút đỉnh. Sau đó Duy đưa tiền cho anh là Đạt đi mua bia lên
cơn về uống. Hồi đó có bia Vitamen là quý hoá lắm. Tôi hỏi:
– Làm sao chôm?
Duy trả lời:
– Tao vót một thanh tre mõng thiệt mõng rồi bôi mủ mít lên đầu thanh tre, thọc
vô kẻ hở rồi lôi lên. Nhưng phải chôm lúc hai giờ sáng chứ ban ngày sư ông biết
là chết mồ tổ liền.
Có bia lên cơn nên Duy khai tiếp:
– Trong chùa có ni Tâm là ngon cơm nhứt.
– Ngon làm sao?
– Cứ lễ lớn là sư trụ trì làm một cây lộc. Trên đó gắn cả ngàn cái phong bì
đựng câu sấm. Ai hái lộc xong là nhờ ni Tâm giải . Giải là cho tiền. Hiểu
không?
Nghe qua thằng khùng tôi buồn cười tợn. Nhưng tợn nhất là Duy nhờ tôi dẫn đi
khu bả đậu. Khu bả đậu là khu để đàn ông mua còn đàn bà bán tình. Chỉ có thứ
đồi truỵ mới đến khu nầy. Tôi nói:
– Tu hành kiểu mày chắc xuống địa ngục a tỳ sớm quá Duy ơi.
Duy nói:
– Kệ mẹ tao. Mày không biết ông trụ trì của chùa tao ở đâu. Ổng còn quá cha ông
nội tao nữa.
– Sao?
– Ổng ba đứa con hai bà vợ luôn đó mày.
– Trời đất ơi…
Có vitamen bia lên cơn nên Duy cười khùng khục:
– Mày nghĩ coi. Thầy chùa không có vợ thì làm sao có phật con? Mà thôi. Có đi
khu bả đậu không?
Trí tôi phải dẫn ông con đi chớ biết sao giờ? Lâu lâu bạn bè nhờ không giúp đâu
có được. Với lại bia bọt uống rồi. Xôi chùa ăn là ngọng miệng. Đúng không?
Tất nhiên là Duy phải thay nâu sồng bằng một bộ xi vin. Ai lại mặc đồ tu vào
khu bả đậu? Hai mươi lăm năm trước, tức là sau thống nhất mười lăm năm, chả
hiểu làm sao tàn dư của chế độ cũ – báo chí gọi vậy – vẫn không chịu già. Họ
vẫn trẻ như tuổi đời họ khai: “Em mới mười tám hai mươi hà…” e là chế độ cũ đã
bào chế thành công thuốc trường sinh bất lão rồi quá. Và. Chắc ai cũng biết,
vào lúc mà chúng ta đang sống đây, một cô gái chạy hoả hoạn từ một karaôkê che
mồm bằng áo chip đã bị chửi cho tắt bếp nói gì đến mua bán tình. Nhất là hai
mươi lăm năm về trước thì chết chứ chẳng chơi.
Trong phim “ tôi vào đời” diễn viên Y Phụng đóng vai bán hoa và bán ở bờ sông
Sài gòn. Truy quét đến là chạy như ngựa tế. Xã hội ta. Đất nước ta luôn tôn
vinh phụ nữ. Chỉ có bọn tư bản phương tây mới đồi truỵ còn ta thì không. Mua
bán tình là phạm tội. Kẻ mua người bán nhỡ bị hốt cốt thì vong mạng. Nên chi
muốn mua phải tinh thông ngõ ngách chợ tình. Sỡ dĩ Duy nhờ tôi mà không nhờ ai
khác là vì tôi – trí khùng – vốn là thằng ăn nhờ ở đậu ở bến tắm ngựa đến tinh
như quỷ sứ. Nhưng quỷ cỡ nào rồi cũng bị phản đòn. Vụ phản nầy do Duy mà ra.
Duy cho tôi một suất mua tình – tất nhiên rồi – đời ai chả cho không ai cái gì
cả đúng không? Nhưng tôi thề tôi không mua. Nói láo cho bà bắn chết không kịp
ngáp. Có hai lý do. Một là tôi sợ. Sợ cái gì xin nói sau. Hai là lúc ấy Trí tôi
vợ con rồi. Nhà đói lắm. Thèm cơm nhiều hơn thèm đường phèn. Trí nhét túi đồng
bạc của mình để mua gạo cho vợ con. Thiệt là vậy. Xin thề lần nữa. Biết rằng có
thề nghìn lần cũng chả ai tin. Vì suy cho cùng đàn ông ai thấy lạ và nõn nường
lại không ham?
Một thằng dẫn mối đưa Duy vào một khu hoang hoá và đen hơn bóng tối. Nơi sinh
sống của muỗi mòng và bẩn thỉu. Tôi ngồi ngoài quán cóc uống ly trà đá chờ bạn.
Mụ nội cha ơi. Đùng một phát – trong bóng tối của khu hành sự đèn pin của truy
quét tệ nạn loang loáng trong tiếng chửi thề hậm hực. Đứng lại. Đứng lại… tôi
đứng lên nhìn từng cặp nam nữ bị điệu ra. Thằng Duy – trời ạ – một tay bị cột
chung với một nữ lưu. Chuyến nầy có mà chết cả nút. Tại Duy mà ra. Nó đòi tôi
đi xa xa chứ gần nhà sợ thiên hạ biết. Tôi phải dùng xe đạp thồ đưa ông con ra
tận nơi nầy. Vậy mà vẫn bị dính chấu, biết làm sao đây trời hỡi?
Ngộ biến phải tùng quyền. Mọi cách phải giải cứu thằng nầy ra khỏi chốn a tỳ,
bằng không chuyến nầy nó chết. Tôi lân la đến bên một anh có súng, móc trong
túi ra điếu thuốc mời anh. Dăm câu ba chuyện một hồi tôi trổ giọng hối lộ như
thời kỳ đi rừng mua bảo vệ. May quá anh chịu ăn. Ở đời cái gì ăn được ta cứ ăn
phải không? Anh đòi tôi chung bằng bốn lần Trí tôi có trong túi. Và vậy là
thằng khùng tôi hoàn toàn thua cuộc. Móc hết ra trí năn nĩ:
– Em còn có nhiêu đây. Anh tha cho thằng bạn em một lần.
– Nó làm gì mà cạo trọc? Chống chế độ hả?
– Dạ đâu có. Nó mới sốt dậy nên trọc đầu.
– Sốt mà còn gái gú.
Anh nhìn mớ tiền trên tay Trí rồi nói:
– Nhiêu đây thì thua đi đại k.
– Em năn nĩ anh giúp cho một lần. Em cũng biết sống biết chơi. Thề là không
quên ơn anh.
Anh ngẩm nghĩ một hồi rồi gọi:
– Ê… Dũng… lại nói nghe nè…
Người tên Dũng bước tới. Anh ta ngó tôi một hồi rồi reo lên:
– Trời đất… Minh Tàn… mày làm cái đếch gì ở đây?
Đúng là trời cao bất phụ hảo nhân tâm. Để kể cho quý bạn nghe về tay Dũng này.
Nhân đây nói luôn chuyện sợ. Chính tay Dũng nầy khiến Trí tôi sợ chuyện mua
tình. Trước đây Dũng là bảo vệ rừng. Suốt kiếp trong rừng nên lâu lâu về phố gã
ngu lắm. Lèo quèo sao đó để bị nổ ống khói nên hắn gặp tôi nhờ cứu độ. Tình
thiệt mà nói tôi vốn rất bố láo. Có ba giọt rượu cũng hay pháo rằng ba cái
giang mai mồng gà hoa khế hột xoài với tao là chuyện nhỏ. Nổ rằng:
– Tụi mày biết không? Giang mai hay sùi mào gà ngó vậy nhưng không nguy bằng hột
xoài. Không biết cách trị cho dứt điểm thì vi khuẩn sẽ nằm yên trong dương vật
chờ ngày bột phát. Lúc nầy thuật ngữ y học gọi là KIS. Đến khi ta già trên bảo
dưới không nghe thì vi khuẩn sẽ sống lại làm bộ phận sinh dục cứng như đá và
đau đớn kinh khủng. Lúc ấy phải cắt bỏ và lúc nầy thuật ngữ gọi là KOS. Thằng
nào lỡ bị cái nầy thì gặp tao.
Dũng bị ngay bon và gặp tôi. Tôi bảo nó sử dụng trụ sinh từ Pini đến Lincocin
đều không thuyên giảm. Thì ra ông con bị lây cấp tá trở lên chứ không là cấp
uý. Vậy là phải sử dụng Plageltin mới dứt điểm. Đây là loại trụ sinh thế hệ thứ
ba, một hộp bốn viên đắt bằng ba tháng lương của Dũng. Nhìn Dũng đau khổ vì hoa
liễu tôi sợ lắm. Dũng thề rằng có dịp sẽ trả ơn tôi. Nên đây cũng là dịp. May
cho tôi là không móc tí tiền còm để chung chi cho giải cứu. Duy thì sao các bạn
biết không? Trái đất tròn và hẹp té. Bảy năm trước đây tôi gặp lại Duy.
Tôi vốn là một tín đồ phật giáo bán chính thống. Cần phải nói cho rõ vụ chính
và bán nầy để khỏi gây hiểu lầm cho quý chư liệt vị. Để hiểu biết về Phật giáo
cho cặn kẽ thì Trí tôi không có cửa. Ít học thì đừng có mơ mà hiểu được nền
triết lý cao thâm của tôn giáo này. Những có không không có. Có đó mà không đó
hoặc hãy buông bỏ anh sẽ ngộ ra đời không là gì cả, hoặc là tỉnh động động tỉnh
khó hiểu chết bà. Đọc trong một cuốn sách nào đó kể rằng: Có hai sãi áo nâu
đang quét dọn sân chùa. Một cơn gió đi qua làm lay một cánh hoa trong chậu. Một
sãi nói: – Hoa động. Sãi kia cãi: – Hoa không động, gió động. Inh củ tỏi một
hồi sư ông đi đến khỏ đầu hai sãi mà rằng: – Hoa không động. Gió không động tâm
hai ngươi động. Nghe xong hai sãi liền đốn ngộ. Là sao? Hiểu thằng khùng tôi
chết liền.
Là tín đồ bán chính thống sức hiểu về phật giáo của tôi là niệm phật. Nghe rằng
niệm phật một lần là phúc đẳng hà sa. Trí tôi cũng thuộc được vài thời kinh nữa
đó. Những Chú Đại Bi. Liên Hoa. Bát Nhã tôi nằm lòng. Đêm đêm thắp hương lên
bàn thờ phật và gia tiên Trí tôi thường tụng lắm. Tụng xong là cầu xin ơn trên
phù hộ cho cả nhà bình an may mắn. Mấy đứa con đi làm công ty đừng bị chủ quản
nó đì là con cảm tạ vân vân… vậy gọi bán chính thống là quá xá đúng. Và cái
không hiểu, cái bán chính thống thường đưa con người ta tin vào hảo huyền. Tức
là tin vào cái tượng đất thó chứ không tin vào chính mình. Thậm chí tin đến
cuồng. Tục gọi cuồng tín.
Tám năm trước Trí tôi ngoại trừ bần cùng còn bị tai hoạ bủa vây. Con trai lớn
lâm vô sa đoạ và bị bắt đi cai nghiện cưỡng bức. Tâm tư người cha có đứa con
lâm cảnh tội tù xa xót lắm tha nhân hỡi. Được vài tháng đến đứa con gái bị
giết. Chao ôi là đau đớn. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Trí tôi ôm niềm
đau nằm trên võng tì tì nốc rượu cho quên sầu nhân thế. Nói thiệt nghe. Về rượu
dám nói một câu chỉ Kiều Phong trong Thiên long bát bộ và Lệnh Hồ Xung trong
Tiếu ngạo giang hồ mới dám ngồi chung bàn với thằng khùng tôi. Đứa con gái chết
vào tháng tám trời mưa trời mưa không dứt. Xe đưa áo quan ra huyệt phải có năm
thằng thanh niên vai u thịt bắp luân phiên cật lực tát nước mới đưa được áo
quan về đất mẹ. Tôi ngồi giữa nghĩa địa nốc bao nhiêu rượu cũng không say. Chợt
nghĩ đến những bà mẹ của hai miền nam bắc trong chiến tranh có người mất cả
chục đứa con. Mình thằng đàn ông buồn đã có rượu chia lửa còn họ thì sao?
Đêm nào Trí tôi cũng bên bàn thờ tụng cầu siêu cho con gái. Hết siêu đến an cho
thằng con trong trại. Cuồng đến độ tin rằng tụng càng nhiều thì con gái sẽ sớm
đầu thai, con trai sẽ mau chóng bị con ma tên tuý từ bỏ. Con gái chả biết có
siêu không chứ thằng con thì chịu. Bằng chứng là sau hai mươi bốn tháng cai nghiện
về được bốn tháng mười hai ngày nó bị hốt đi lần thứ hai. Trí tôi lòng lòng
những Đại Bi, Bát Nhã, Liên Hoa là vì vậy. Cả văn tế thập loại chúng sinh cũng
làu luôn mới là hay ác.
Có ông bạn người công giáo trùm một họ đạo lại là tổ trưởng an ninh nhân dân kề
bên nhà vẫn tạc thù với Trí khuyên rằng:
– Anh phật giáo thì nên lên chùa nhờ trụ trì đích thân cầu siêu cho cháu mau
siêu thoát.
Nhìn cái nhà của Trí như cái chuồng heo anh cám cảnh:
– Tôi quen thân với sư trụ trì. Ổng có cái nhà bỏ không. Mai anh đi với tôi lên
nói với ổng một tiếng xin ở nhờ, luôn tiện coi ngó dùm ổng luôn.
Còn gì quý hoá hơn. Hôm sau tôi lê thân tàn đi theo cán bộ. Anh dẫn tôi vô
chùa. Vô hẳn phòng riêng của sư trụ trì và trình bày vấn đề. Nghe xong sư nói:
– Chuyện cầu siêu của thí chủ thì để thầy nói với các sư đến tụng nhân 49 ngày
của cháu. Còn cái nhà thì không được…
Trầm ngâm một hồi sư tiếp:
– Thí chủ đừng nghĩ thầy ích kỹ mà tội lắm. Chẳng là cái nhà nầy một người bà
con của thầy nhờ mua hộ. Nhưng có đơn tố lên trên thầy dùng tiền công quả để
mua nhà riêng… mô phật… vậy nên xã đang quản lý. Căn nhà nầy không được cho ai
ở trong khi chờ giải quyết.
Nghe xong anh bạn cán bộ gật gù rồi cáo biệt thầy ra về. Tôi nấn ná:
– Anh về trước nhé, tôi về sau.
– Tôi nhìn sư thầy một hồi. Thực mà nói. Khi nhìn một sư ông áo vàng chả biết
chư liệt vị ra sao chứ tôi ít để ý lắm. Cứ như cái áo nó ám đến mụ mị con mắt
mình vậy. Nhất là quý sư thường như nhau. Mặt thịt hay xương chi đầu trọc tếu
bằng nhau khiến cho ai cũng như ai. Vị trụ trì nầy tôi ngờ ngợ. Chừng như tôi
đã gặp đâu đó trên đời. Nhìn một chặp tôi thốt lên:
– Trời ơi… Duy. Nhớ tao không?
– Cái mặt tôi – nói thiệt – bạn bè cách xa nhau nhưng bốn chục năm gặp là họ
nhận ra tôi liền. Bơi tôi có gương mặt rất là du côn. Vậy mà sư ông không nhận
ra mới lạ chứ. Sư nói:
– Mô phật… thì chủ nhầm tôi với ai rồi.
Tôi suýt cái chửi thề:
– Cái sẹo trên màng tang của mày tao quên sao được. Mày nhớ vụ bị bắt ở xóm bả
đậu không?
Thầy nhìn tôi rồi hấp háy mắt:
– Ủa… Minh Tàn hả… lâu quá mình nhận không ra…
Trên đường về, thoạt tiên tôi có trách. Nhưng ngẫm một hồi và tự đặt mình vào
hoàn cảnh của Duy nếu là tôi liệu dám nhận lại bạn cũ không? Rất biết sống biết
chơi từ đó tôi cạch luôn cái chùa – nơi mà – thàng bả đậu đang trụ trì. Việc gì
tha nhân không muốn ta chớ có nên làm. Có ngày ăn mã tấu vong mạng. Hồi mới
bước chân ra đời kiếm sống tôi bị nắng gió miền trung thiêu cho đen như cột nhà
cháy. Một hôm có thằng bạn gọi: Ê Minh Hắc. Cái giọng của nó vừa kỳ thị vừa bỉ
khinh làm tôi nóng mủi. Tôi không ư hử. Nói gọi tiếp lần nữa. Tôi nói hắc một
tiếng nữa là tao đập đó. Nó nói:
– Mày đen tao nói hắc chứ có nói bạch đâu mà tự ái.
Vậy là một cú đấm vô mặt nó liền. Ừ. Cái gì xấu hoặc không hay không phải của
tha nhân chớ dại mà lôi ra làm trò. Tôi không chùa nhưng bà xã thì thường
xuyên, thậm chí ngày sinh nhựt của thầy trụ trì cô vẫn lên bếp chùa làm công
quả, gọi là xin chút ít phúc đức cho con cháu về sau. Cũng đúng thôi. Ngày công
phụ hồ bét dem cũng hai trăm nghìn nay phụ không công cũng có cái ân điễn trị
giá chừng đó chứ. Đúng không? Tôi bán chính thống phật giáo thì nghĩ vậy. Có
hôm chùa về vợ tôi khoe:
– Ông Năm nè…. Hôm nay sinh nhựt thấy ông biết riêng cái khoản tiền nếp nấu xôi
hết bao nhiêu không?
– Nhiêu?
– Bảy triệu.
– Mấy? Trăm hay triệu?
– Triệu.
– Bà nội cha ơi…
Tôi suýt thốt lên với vợ là bà biết tay trụ trì là ai không? Làm sao bà xã tôi
biết được Duy đang là chưởng môn nhân cái chùa nầy? Thì ngay tôi còn không nhận
ra nói gì cô ấy. Ngày xưa mười bốn ký nay tạ tư là hiểu rồi. May mà tôi kìm
được.
Nhưng đời không bao giờ đơn giản. Có những cái ta không muốn nhưng sự đời cứ
mặc nhiên đưa lại buộc phải nghe phải thấy phải biết. Ông bạn an ninh nhân dân
trùm một họ đạo bò lên được cái trưởng ấp giới thiệu tôi với một lão gia kính
cận tám độ. Ông này là nhân vật còn sót lại từ thời di cư ‘54. Bẩy mươi ba tuổi
tên Tám Ẩn. Ông có một chiếc rim tàu mua được từ tiền trúng số đề. Già, mắt kém
nên không dám chạy. Cần một người có tuổi, chạy xe cẩn thận để đưa ông đi chơi.
Ngày năm chục ngàn xăng ông ta chịu. Lúc ấy công thợ hồ là năm chục. Chạy xe
chở đi chơi cơm chủ bao thì hết sức là vô mánh. Tám Ẩn tuy già nhưng sành sỏi
chiêu thức Trâu già khoái gặm cỏ non. Tôi có bổn phận dọc theo lộ mà rề rề. Nơi
tốp lại là những quán cà phê mái lá. Ở đó rất nhiều nữ tú đang chơi tiến lên
hoặc tứ sắc. Có khách là một cô chạy ra hỏi uống gì anh. Đem thức uống ra cô
hỏi tiếp mát xa không anh? Các cô không gọi Ẩn mà gọi Ẩu. Bữa nay Tám Ẩu đến
kìa. Hỏi sao gọi vậy các cô nói:
– Thì đụng đâu bốc hốt đó nên gọi Ẩu.
Kể ra vậy cũng vui.
– Hôm đó chạy đâu chừng năm mươi cây số Tám Ẩu ra hiệu cho tôi ngừng lại một
quán lá. Quán nầy mới nên chả em nào biết Ẩu là ai. Một cô ngồi chung võng với
tôi thăn thỉ thư giản đi cưng, từ sáng giờ ế quá không có đồng nào hết cưng ơi.
Tôi nói chú chỉ là thằng tài chạy thuê cho ông già đó thôi cháu ơi. Nghe vậy cô
dợm chân đứng lên thì tôi vội ôm cô ta lại và vùi mặt vào tóc cô. Cô ta tưởng
tôi muốn mát xa nhưng làm bộ.
Từ trong cánh cửa một hộ pháp bước ra.
Tôi phải vùi mặt để tránh vì đó là Duy.
– Thực ra đời sống nầy chả có gì đáng phải buồn hết. Suy cho cùng bản năng sống
của chúng ta là gì? Ông Bùi Hữu Nghĩa đã diễn tả tứ khoái của loài người qua
bốn câu: Cơm phiếu mẫu, chiếu bồ đoàn, ngữa nghiêng loan phụng, nhẹ nhàng nương
long. Ăn, ngủ, làm tình, đi ngoài là bốn cái không thể thiếu của loài người.
Nén lại một cái dứt khoát nó nổ cái ầm. Cái buồn nhất đây là nam mô một bồ dao
găm. Anh lợi dụng niềm tin bá tánh để mưu lợi riêng cho mình là nguy hại lắm.
Giá trả không ít đâu.
Tôi ở Thanh Sơn Định Quán Đồng nai từ khi chưa thành lập xã. Khi tôi bỏ xứ này
ra đi chưa có cái chùa nào hết. Vừa qua đọc trên báo nghe có một trụ trì của
chùa chi đó mơi xây dựng bị bắt về tội quan hệ với một vị thành niên. Tôi hỏi.
Một vài học trò của tôi nói ông sư này bị gài thầy ơi. Nhỏ nầy mới mười bốn
nhưng cà phê ôm bia ôm hơn năm rồi. Chuyện bị gài thế để kiếm tiền của một số
kẻ táng tận lương tâm là có. Nhưng anh là ai, là gì mà để bị gài? Thầy tu cả
trăm ông đang khất thực trên đường chả ông nào không có cái ai phôn tàu đẻ xem
phim… đồi truỵ? Đừng nói quý vị ngây thơ. Ông sư ở Thanh sơn khi bị bắt mới
thòi ra ông bị giáo hội trục xuất vì rất nhiều bá láp từ khuya rồi. Vậy, nhưng
anh vẫn qua mặt được chính quyền sở tại để trụ trì mà ngây thơ sao?
Làm sao nói bị gài? Tôi không tin. Chuyện của Duy đến đây tôi dừng, kể nhiều e
mệt trí bạn đọc. Ngày mai tôi sẽ kể cho quý chư liệt vị chuyện bị gài đến thân
bại danh liệt, vợ con không ngó của bạn tôi. Tay tổ trưởng an ninh nhân dân,
tay trưởng ấp, trùm một họ đạo…
Tát nhiên là nếu các bạn còn muốn đọc.
Nguyễn Trí