Từ lâu nay, Nguyện có thói quen chiều thứ Sáu đi làm về thường ghé vô tiệm
tạp hóa cuối phố mua một chai Coca Cola nhỏ và một gói da heo chiên dòn. Ra
ngồi trong xe ngay ngắn, Nguyện từ tốn bóc gói tóp mỡ bỏ vào miệng ăn chậm rãi
từng miếng một. Nguyện nhắm mắt nhai thật chậm để thưởng thức những vị bùi, mặn
và béo ngậy toát ra từ những miếng tóp mỡ. Chờ cho những miếng da heo dòn rụm
tan dần trong miệng, Nguyện mới mở nắp chai Coca Cola, đưa lên uống một hơi dài.
Chất ngọt, cái lạnh, độ nồng của ‘the real thing’ quyện lấy cái béo ngầy ngậy
như một khúc giao hưởng làm Nguyện tỉnh cả người.
Tự nhiên khu phố hôm nay có vẻ nhộn nhịp hẳn lên. Nguyện nhìn quanh mới hay,
thêm một quán cà phê Việt Nam vừa khai trương bên cạnh tiệm cho mướn phim quen
thuộc. Nguyện đậu xe rồi thả bộ đến tiệm, hy vọng tìm được vài cuốn phim hay để
giải trí cuối tuần.
Thấy Nguyện tiến gân đến cửa, người đàn ông trẻ tuổi hiểu lầm dơ tay ra bắt
và bắt đầu quảng cáo. Hôm nay khai trương, tiệm có nhiều tiết mục đặc biệt, và
cà phê chỉ tính nửa giá!
Bình thường Nguyện ít khi nào vô những quán cà phê cửa đóng kín bưng; cửa sổ
dán kính tối mò, vì ngồi lâu sẽ bị ngộp vì khói thuốc, vì hơi người, và vì nhạc
vặn quá lớn. Nguyện thích ngồi ở những quán trên vỉa hè, vừa thoáng, vừa mát,
vừa yên tịnh để thả hồn theo trời xanh, mây trắng, nhưng nghe ông chủ quán mời
gọi, Nguyện cảm thấy hiếu kỳ muốn vào thử một lần cho biết.
Khó khăn lắm Nguyện mời tìm được một bàn trống. Ngồi khá lâu, mắt Nguyện mới
quen dần với bóng tối để nhận rõ sự vật. Đàng sau quầy tính tiền, vài cô tiếp
viên mặc những bộ đồ tắm hở hang như không thể nào hở hang hơn đang trò chuyện
vói khách hàng. Vài cô khác phục sức giản dị như vậy đang mang nước cho khách.
Đa số khách trong quán là thanh thiếu niên. Lâu lâu thấy có vài ông lớn tuổi
ngồi trầm tư bên ly cà phê, điếu thuốc.
Một cô bé Việt Nam đến gần hỏi Nguyện cần gì. Nguyện xin một ly đen đá và
trà nóng. Cô mỉm cười bỏ đi. Nhìn dáng cô đi xiêu vẹo trên đôi giầy cao gót,
Nguyện không tránh được không chú ý. Một lúc sau cô mang trà và cà phê lại bàn
Nguyện. Cùng lúc đó, một gã thanh niên đứng lên dơ tay gác lên khung cửa chính
như chắn không cho ai vào. Hắn nhìn dáo dác bên ngoài rồi huýt sáo làm hiệu.
Trong tích tắc, mấy cô chiêu đãi viên bảo nhau thản nhiên kéo ngang những mảnh
trên, kéo xuống những mảnh dưới để phơi bày thân thể. Mấy thanh niên hứng chí
la ó như ong vỡ tổ, mấy ông kín đáo nhìn lên, nhìn xuống, liếc ngang, liếc dọc.
Cô bé Việt Nam đứng trước mặt Nguyện cũng làm như những cô khác. Có điều Nguyện
thấy cô ngượng ngập, lúng túng một cách tội nghiệp. Cô đưa cánh tay khẳng khiu
một tay che ngang ngưòi, bàn tay còn lại khéo léo che hết phần bên dưới. Nguyện
nhìn tấm thân đúng là mình hạc, xương mai trước mặt, thắc mắc:
– Cháu không thích tại sao phải làm vậy?
Cô bẽn lẽn trả lời:
– Dạ, không làm theo ý chủ thì mất việc chú ạ.
Khoảng một vài phút sau, gã đàn ông đứng trước cửa huýt sáo một lần nữa như
một mật lệnh, các cô sửa sang lại quần áo. Mọi ngưởi lại bình thản như không có
chuyện gì vừa xẩy ra.
Nguyện đứng dậy bỏ tiền trên bàn rồi ra về. Trong tối bước ra ánh sáng,
Nguyện cảm thấy choáng váng như bị say nắng!
Cách đây một thời gian khá lâu. Ở Việt Nam có phong trào phụ nữ Việt Nam nhờ
người môi giới để lấy chồng ngoại quốc, phần lớn là đàn ông Đại Hàn. Youtube
thời bấy giờ không hiểu sao cho trình chiếu những khúc phim tuyển lựa phụ nữ
Việt một cách công khai và lộ liễu trên mạng. Các cô từ các tỉnh xa xôi muốn
lấy chồng ngoại quốc để giúp đỡ gia đình đã phải trải qua những cuộc tuyển lựa
gay gắt tại Sàigòn. Trên sân khấu, các cô chỉ quấn quanh mình một chiếc khăn
tắm, trên chiếc khăn tắm có số thứ tự. Khi nghe đến số của mình, ứng viên sẽ
tiến ra giữa sân khấu, trút bỏ chiếc khăn tắm, và phô bày tất cả những gì khán
giả và những khách đấu giá đòi hỏi. Sau này, gặp sự chống đối mãnh liệt của
cộng đồng Việt Nam, nhất là tại hải ngoại, công ty Youtube phải ngỏ lời xin lỗi
và lấy những đoạn phim ô nhục đó xuống vĩnh viễn.
Vì muốn giúp đỡ gia đình, một số phụ nữ Việt đã phải bỏ xứ theo người đến
những quốc gia xa cách quê hương ngàn dặm. Nếu số phần may mắn, họ được thương
yêu, đối đãi tử tế; số phận hẩm hiu, những phụ nữ này bỗng nhiên trở thành con
ở, vú em, và rất nhiều trường hợp trở thành kẻ cung phụng tình dục cho cả gia
đình chồng.
Theo tin tức từ CNN, hiện nay tại những tỉnh gần biên giới Hoa-Việt, tệ nạn
buôn người ngày càng gia tăng. Phần lớn vì vấn nạn trai thừa, gái thiếu do
chiến dịch ‘một gia đình một con’ của giới lãnh đạo Trung quốc gây ra. Ở những
thị xã như Lào Cai, Bắc Hà, và những làng mạc gần vùng biên giới, có nhửng
thiếu nữ ở lứa tuổi 13, 14 tuổi bị bắt cóc, bị chính thân nhân mình hoặc bạn bè
rủ rê, phục thuốc mang qua biên giới bán rẻ cho bọn con buôn. Cũng theo nguồn
tin của hãng thông tấn trên, đa số đàn ông Tầu không đủ khả năng tài chánh để
lấy vợ Tầu, họ chỉ có khả năng mua những thiếu nữ Việt từ những nhóm buôn ngưòi
về làm vợ. Những cô bé kém may mắn này nếu không ưng thuận kết hôn với một kẻ
xa lạ thì sẽ bị đánh đập, đầy đọa, và cuối cùng bán lại cho những ổ mãi dâm.
Theo truyền thuyết, năm 1301, vua Trần Nhân Tông nhận lời mời du ngoạn Chiêm
Thành, ngài được vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, lưu lại trong cung
điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Thái thượng hoàng có hứa gả con gái
cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là Vương hậu Tapasi, người
Java (Nam Dương) Sau đó nhiều lần, Chế Mân cử sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng
nhiều quan lại nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Nhập nội
hành khiển Trần Khắc Chung tán thành.
Năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý làm của hồi môn, vua Trần Anh Tông khi
đó mới đồng ý gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Công chúa khi về Chiêm
Thành, được phong làm Vương hậu thứ 2 với phong hiệu là Paramecvar.
Trong dân gian, có lẽ vì thời đó người Việt coi người Chiêm là dân tộc kém
văn minh nên đã có câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo
Ngày nay, những kẻ đến Việt Nam tìm vợ phần lớn đều từ những quốc gia tân
tiến, phát triển, nhưng nếu nói rằng văn minh, chưa chắc những kẻ này sánh bằng
những ngưòi Chiêm Thành thời xa xưa. Điều tệ hại hơn nữa là nhân phẩm của người
phụ nữ Việt Nam đang bị chính đồng bào mình chà đạp. Bằng hình thức này hay
dưới hình thức khác, phẩm giá phụ nữ Việt Nam đối với họ không hơn gì những cặp
chân ngắn hoặc dài.
Khổng Trung Linh