Hay tin, ông bỏ cả việc đang làm giở ở Sài
Gòn, vội vàng bay ra Hà Nội.
Vừa đặt va-li xuống nền nhà, ông cao giọng hỏi
vợ:
“Làm sao mà người ta trả lễ?”
“Vì con ông làm công an.”
“Công an thì sao mà trả lễ?”
“Ông đi mà hỏi người ta ấy.”
“Nhưng trước đồng ý, người ta đã biết nó là công
an rồi cơ mà?”
“Tôi biết đâu đấy. Sao ông cáu với tôi?”
*
Con trai ông và con gái gia đình ông giáo phố
bên học cùng nhau từ bé rồi yêu nhau và định lấy nhau. Cả hai đều ngoan, lại
môn đăng hộ đối, tưởng chẳng còn gì nữa phải bàn. Thế mà khi nghe tin con ông
vào Học viện công an, gia đình ông giáo có ý ngãng ra. May hai đứa yêu nhau
thực sự nên cuối cùng cũng xuôi xuôi, và tuần trước họ đã đồng ý cho làm lễ dạm
hỏi. Thế mà bây giờ… Trả thì trả, thành phố này thiếu gì con gái! ông nghĩ.
Đành là thế, nhưng ông thấy bị sĩ nhục. Một gia đình như ông, với một thằng con
hiền lành, tử tế như con ông mà bị trả lễ thì thật nhục. Hàng xóm sẽ khối anh
được dịp đơm đặt.
Tối đến, ông gọi riêng con trai ra một chỗ, hỏi
chuyện.
“Lý bảo bố mẹ cô ấy lần này làm căng, dứt khoát
không chịu.” Anh con nói.
“Vì sao?”
Anh ta im một lúc mới đáp:
“Vì có ai đó nhìn thấy con hôm công an dẹp vụ
cưỡng chế đất ở Cống Bầu.”
“Con ở đấy thật à?”
“Vâng.”
“Tưởng con lính văn phòng không phải làm những
việc đó…”
“Bây giờ cần là người ta điều hết.”
“Thế con làm gì ở đấy?”
Anh con ngước mắt nhìn bố, vẻ ngạc nhiên:
“Làm những việc công an phải làm với bọn phản
động. Bọn bị các thế lực thù địch kích động làm loạn…”
Đến lượt ông bố dướn mắt ngạc nhiên:
“Con có đánh người ta không? Thậm chí nổ súng?”
“Con thì không, vì chưa cần.”
“Còn nếu cần?”
Anh con không trả lời.
“Hôm dẹp mấy vụ biểu tình chống Tàu con có tham
gia không?
“Có.”
“Có đánh ai không?”
“Không. Chỉ xô đẩy. Mà bố hỏi kỹ thế làm gì nhỉ?
Đấy là việc của con. Nhiệm vụ của chúng con là bảo vệ đảng, bảo vệ đất nước,
bảo vệ nhân dân.” Anh con thậm chí cao giọng, là việc xưa nay ông chưa từng
thấy, vì nó vốn là đứa hiền và ngoan nhất nhà.
Rồi anh ta nói thêm:
“Trước bố đi bộ đội, cũng để bảo vệ đảng, bảo vệ
đất nước và nhân dân như con bây giờ thôi. Việc bố xưa bố làm. Việc con nay con
làm. Thế cả.”
Ông thấy vương vướng trong cuống họng.
“Không, khác hẳn. Xưa bố đánh giặc, đánh Mỹ. Nay
chúng mày đánh nhân dân. Xưa nhà nước lấy đất người giàu chia cho người nghèo.
Giờ thì ngược lại.”
Ông định nói thế. Thậm chí định tát và mặt thằng
con của mình, nhưng nghĩ thế nào, ông im lặng bỏ vào phòng mình.
*
Ông nằm ngửa, mắt nhìn trân trân lên trần nhà.
Vậy là con ông đã thay đổi. Trong nhà với bố mẹ
có thể nó vẫn như xưa, nhưng ra ngoài thì đã khác. Mà chỉ sau mấy năm học ở
trường cảnh sát. Người ta đã dạy cho nó những gì nhỉ? Chắc các ông thầy ở đấy
phải giỏi lắm mới thuyết phục được nó tin mấy ông bà nông dân chân đất mắt toét
và mấy vị trí thức già yêu nước là phản động để xô đẩy và đánh họ. Hay đạp vào
mặt họ. Hay thậm chí có thể bắn họ. Lúc nãy nó chẳng bảo “chưa cần” đấy thôi.
Láo! Nhục!
Hôm sau, ông nhẹ nhàng bảo vợ:
“Thôi, bà ạ. Người ta đã muốn thế thì mình cũng
im đi cho xong. Chắc họ phải có lý do của họ. Nhục cũng phải chịu chứ biết làm
thế nào.”
Bà vợ ông chỉ hiểu chữ “nhục’ theo nghĩa bẽ bàng
với hàng xóm chứ không biết ông hàm ý cái nhục khác còn lớn hơn.
Thái Bá Tân