Một lần, sau khi rời chức vụ ngoại trưởng, bà Hillary Clinton đã ví việc
chính trị giống như làm xúc xích! Không nên để cho mọi người trông thấy cảnh
đang làm xúc xích như thế nào, họ sẽ ghê, không dám ăn! Chỉ cho thực khách thấy
miếng xúc xích thơm phức sau khi đã làm xong! Bà Clinton nói câu này trong một
bài diễn văn do công ty tài chánh Goldman Sachs mời năm 2013, và mới được
WikiLeaks tiết lộ. Ngay lập tức, bà Clinton bị tố cáo là một nhà chính trị “hai
mặt.”
Thực ra đây là một ý tưởng cũ, nhiều người Mỹ đã nói từ lâu, khi bàn đến
việc Quốc Hội làm luật. Ðạo luật nào cũng trải qua những trao đổi, mặc cả giữa
các đại biểu và các nhóm quyền lợi tư; không ai muốn cho người ngoài được biết.
Chính phủ Mỹ xác nhận mật vụ và tình báo Nga đã “hack” (lấy lén, ăn trộm)
những emails và diễn văn của phe Hillary Clinton, và cung cấp cho WikiLeaks.
Chưa thấy một tiết lộ nào của WikiLeaks về phía ông Donald Trump.
Ông Vladimir Putin có nhiều lý do để ghét bà Clinton. Năm 2011, sau khi ông
tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống lần nữa, dân Nga tổ chức cuộc biểu tình lớn
nhất từ sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ. Ông đã làm tổng thống hai nhiệm kỳ
“liên tiếp” từ năm 2000. Năm 2008, vì Hiến Pháp bắt buộc, ông đã rút lui, xuống
làm thủ tướng. Nhưng Hiến Pháp Nga không cấm một người ứng cử tổng thống lần
thứ ba, nếu cách quãng.
Dân Matxcơva xuống đường tố cáo cuộc bầu cử Quốc Hội gian lận, và phản đối
ông Putin thao túng chính quyền. Lúc đó bà Clinton là ngoại trưởng Mỹ, đã đứng
về phía người biểu tình, bà nói: “Nhân dân Nga… xứng đáng có quyền bỏ phiếu tự
do, công bằng và minh bạch, như nhân dân các nước khác!” Ông Putin kết tội bà
Clinton xúi giục dân Nga nổi lên chống chính phủ!
Năm 2014, xảy ra vụ Nga chiếm Crimea của Ukraine, lấy cớ bảo vệ dân gốc Nga
sống ở đó. Bà Clinton đã thôi làm ngoại trưởng nhưng cũng phê bình; bà ví hành
động của ông Putin giống như năm 1939 Hitler chiếm một vùng lãnh thổ Tiệp Khắc,
cũng lấy cớ để bảo vệ dân gốc Ðức!
Nhưng không nên hạ thấp ông Putin mà nghĩ rằng vì tư thù nên ông muốn phá bà
Clinton. Putin phải biết, dù Trump hay Clinton làm tổng thống, Mỹ và Nga sẽ vẫn
còn đối đầu nhau hàng chục năm nữa.
Vậy tại sao Putin lại thọc gậy bánh xe vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay?
Ông muốn hạ thấp giá trị của toàn thể chế độ dân chủ tự do mà dân Mỹ đã theo
đuổi từ hơn 200 năm qua. Ông muốn bàn dân thiên hạ nhìn thấy thể chế dân chủ
phơi bày toàn những chuyện xấu xa, các ứng cử viên đều tầm thường, mất nết, dân
chỉ bầu lên những người lãnh đạo bất tài, bất xứng. Ông Putin muốn cảnh “làm
xúc xích” trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ nhơ bẩn hơn nữa, phơi bày cho cả thế
giới ai cũng thấy! Ðể sau này mỗi lần có người Mỹ nào bày tỏ ý kiến về chế độ
độc tài hậu cộng sản ở Nga thì dân chúng Nga không nghe, không tin nữa!
Nhiều người Mỹ cũng không hãnh diện về quang cảnh mùa bầu cử năm 2016. Từ
trăm năm nay chưa thấy một cuộc tranh cử tổng thống nào xuống thấp như năm nay.
Báo chí và các đài phát thanh, truyền hình hầu như không còn bàn bạc, so sánh
các chính sách trị quốc của hai ứng cử viên. Người dân chỉ chú ý đến những lời
ông Trump khoe khoang về khả năng chinh phục phụ nữ của ông hoặc nghe bà
Clinton giải thích tại sao việc dùng máy riêng trao đổi email là không phạm
pháp.
Có những điều nếu bị tiết lộ khiến nhiều người kinh ngạc. Thí dụ, một cuộc
đối thoại, do CNN tìm ra, cho thấy năm 1998, ông Trump đã so sánh nỗi rủi ro bị
bệnh trong “trận chiến” với các cô gái đẹp của ông không kém gì mối nguy hiểm
của các chiến binh Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn, ký giả
Howard Stern khen Donald Trump rằng, “Ông can đảm hơn cả các cựu chiến binh ở
Việt Nam, vì ông… you’re braver than any Vietnam vet because you’re out there
screwing a lot of women (xin miễn dịch ra tiếng Việt). Trump đáp lời, nói đùa
rằng đáng lẽ Quốc Hội phải tặng ông Huân Chương Danh Dự (Congressional Medal of
Honor).
Một người không đi lính, không thấy chiến tranh bao giờ mới đùa cợt lối đó.
Trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đây, một ứng cử viên xúc phạm đến các
cựu chiến binh và các tử sĩ như thế thì chắc dư luận đã ồn ào yêu cầu rút lui.
Nhưng năm nay khác. Ngay sau các tiết lộ về những lời ông Trump khoe khoang như
trên, một cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy ông Trump được 39% cử tri ủng hộ.
Tức là khoảng 60 triệu người Mỹ vẫn chấp nhận ông làm tổng thống. Là một nhà
kinh doanh, ông Trump biết rằng dù năm nay thắng hay bại, nếu sang năm ông lập
một công ty truyền thông vĩ đại mới, để phục vụ và khai thác nhu cầu tâm lý 60
triệu người đó với những luận điệu tranh cử năm nay, ông sẽ thành công.
Ông Vladimir Putin có thể ngồi rung đùi cười. Ngay bây giờ, ông Putin phải
hào hứng khi nghe ứng cử viên Donald Trump báo trước nếu ông thua tức là do bầu
cử gian lận! Vị tổng thống Mỹ sắp tới, dù là Trump hay Clinton, sẽ đứng trước
một quốc gia đang chia rẽ, phân liệt, người dân mất niềm tin vào các định chế
quốc gia. Các định chế đó đều nhân danh lý tưởng tự do dân chủ. Nước Mỹ có thể
mất niềm tin của thế giới bên ngoài. Nguy hiểm hơn, người ta không còn nhìn
thấy những cái hay, cái đẹp của chế độ dân chủ mà chỉ thấy nó lộn xộn, với
những thủ đoạn bẩn thỉu.
Nếu ở một nước nào đó mà cuộc bỏ phiếu không công bằng, minh bạch, thì nước
đó gánh chịu hậu quả. Nhưng nếu cuộc bỏ phiếu ở nước Mỹ mà bất công, bất minh,
thì đó là đe dọa cho tương lai chế độ dân chủ khắp thế giới!
Dân Mỹ có thể được an ủi phần nào khi biết rằng bên nước láng giềng, dân
Canada đang mở một chiến dịch: Nói tốt về nước Mỹ: Tell America It’s Great!”
Một trang mạng Internet được lập ra, từ thành phố Tornoto, bắt đầu gửi các
thông điệp lạc quan về nước Mỹ, dân Mỹ, cho các hàng xóm ở phía Nam nghe. Một
người trên video nói: “Chúng tôi ở Canada muốn nói các bạn ở dưới đó ‘quá tốt’
(how great you guys are down there!).” Mạng Internet này không nhắm kiếm tiền,
không hề nhận quảng cáo!
Canada và Mỹ chia sẻ một biên giới dài nhất và hòa bình nhất trên thế giới.
Mỗi ngày có 400,000 người qua lại và gần hai tỷ hàng hóa trao đổi giữa hai
nước. Trong cuộc gặp gỡ với Thủ Tướng Justin Trudeau năm nay, Tổng Thống Mỹ
Obama đã nói đùa về tình trạng cứ bốn năm một lần, nhiều người Mỹ lại “thề
thốt” là sẽ bỏ nước sang Canada sống, nếu ứng cử viên tổng thống mà họ ghét đắc
cử! Nhưng sau đó rồi họ cũng mau quên.
Dân Canada vẫn tin tưởng vào hệ thống chính trị của nước Mỹ. Liệu họ có lạc
quan quá đáng, như vẫn bị mang tiếng đó hay không?
Dân Chủ không phải là một thứ lý tưởng, như các tôn giáo. Chế độ dân chủ chỉ
bao gồm những “luật chơi chính trị” do con người đặt ra, và con người có thể
sửa đổi liên tục. Không có gì bắt buộc người dân lúc nào cũng lựa chọn đúng
“con người tài ba lỗi lạc nhất” hay chính sách, chủ trương ích lợi nhất. Thực
ra, cũng khó phán xét lựa chọn của người dân, khi loài người khó đồng ý với
nhau những tiêu chuẩn thế nào là người tài giỏi, chính sách nào là hay hơn, khi
chưa được thí nghiệm! Dân Anh Quốc đã bỏ phiếu rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, dù
tất cả các đảng chính trị ngăn cản. Dân Anh hay các nhà chính trị đúng? Dân
chúng Colombia mới bỏ phiếu bác bỏ một thỏa hiệp giữa chính phủ và nhóm quân
nổi loạn FARC nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài 52 năm! Tổng Thống Juan
Manuel Santos được trao giải Nobel hòa bình nhờ kiên trì thương thuyết trong
sáu năm qua. Còn người dẫn đầu phong trào chống bản thỏa hiệp, Alvaro Uribe là
một cựu tổng thống Colombia, mà trước kia đã chọn ông Santos làm bộ trưởng quốc
phòng! Dân đã nghe lời ông Uribe khuyên, ông Santos đành phải chịu! Luật chơi
dân chủ vẫn được tôn trọng, ở Anh và ở Colombia.
Ở nước Mỹ, ông Trump đã thu hút được những cử tri bất mãn với giới lãnh đạo
của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Vì kinh tế thay đổi quá nhanh đảo lộn cuộc
sống, mà các nhà chính trị chưa biết cách thích ứng. Mỗi lần kinh tế biến
chuyển đều có những người chịu thiệt hại vì không thay đổi kịp. Cuộc cách mạng
tin học giúp hàng triệu người tốt nghiệp đại học kiếm được việc làm lương cao; và
nhiều xí nghiệp mới ra đời thoắt đã thành lớn nhất thế giới! Trong khi đó kinh
tế toàn cầu hóa khiến nhiều xí nghiệp cũ suy tàn và nhiều người mất việc; vì cả
hai không thể cạnh tranh với các nước nghèo hơn. Một phần tư các sản phẩm y tế
mới của General Electrics do các khoa học gia Ấn Ðộ sáng chế, và năm 2010 công
ty này không phải đóng thuế đồng nào cho chính phủ Mỹ. Năm 2007-2009, Apple chỉ
đóng thuế 2.4% cho nước Mỹ trên những lợi tức kiếm được ở ngoại quốc.
Kinh tế lên nhưng không chắc đã tạo thêm công việc mới. Năm 1990, ba công ty
xe hơi Mỹ ở Detroit thu nhập 250 tỷ đô la, trị giá cổ phần của cả ba cộng lại
là 36 tỷ, và họ sử dụng 1 triệu 200 ngàn công nhân. Năm 2014, ba công ty lớn
nhất ở Thung lũng Ðiện tử (Apple, Alphabet (Google) và Microsoft) cũng thu nhập
khoảng đó, 247 tỷ đô la, nhưng trị giá tổng cộng hơn 1,000 tỷ! Và họ chỉ sử
dụng 137,000 công nhân trong nước Mỹ! Ai cũng phải đặt câu hỏi: Có điều gì bất
ổn, cần thay đổi trong cả hệ thống hiện nay?
Nhiều triệu người Mỹ chịu thua thiệt do cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2007
gây đại suy thoái kinh tế, dưới thời một tổng thống Cộng Hòa. Từ 2008 đến nay,
kinh tế Mỹ đã lên trở lại, lên chậm chạp nhưng không ngừng. Tuy nhiên, những
người đó nhìn cảnh thị trường chứng khoán lên, trong thời một ông tổng thống
đảng Dân Chủ, còn chính họ vẫn chưa được hưởng gì. Cuộc bầu cử năm nay là cơ
hội cho “những người bị bỏ quên lên tiếng,” qua ứng cử viên Donald Trump. Ðó là
đời sống dân chủ. Ở một nước độc tài đảng trị thì không ai được lên tiếng.
Người dân tự do lên tiếng, đó là sức mạnh của chế độ tự do. Dân Chủ là một
bộ máy có khả năng tự sửa chữa. Nếu một cuộc bàu cử không đem lại kết quả tốt,
người ta luôn luôn có cơ hội thay đổi ý kiến trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Trong
bốn năm chờ đợi, mọi người biết rằng vị tổng thống mới sẽ không thể làm bậy; vì
có các định chế khác đóng vai cân bằng và kiểm soát. Quốc Hội, quyền tư pháp
độc lập, guồng máy hành chánh độc lập, quyền tự do lập hội, lập đảng, và một
nền báo chí tự do. Những định chế này bảo đảm cuộc sống dân chủ, tự do, dù ai
đắc cử tổng thống cũng vậy.
Màn trình diễn làm xúc xích chính trị sẽ còn tiếp tục trong ba tuần nữa ở
nước Mỹ. Ông Putin có thể quậy để “bêu riếu” cả cuộc vận động tranh cử tổng
thống Mỹ, cho dân chúng nước ông thỏa mãn, tự coi là mình hay hơn. Nhưng cứ chờ
ba bốn năm, người Nga sẽ phải so sánh kinh tế ở hai nước. Họ sẽ tự hỏi, với một
vị tổng thống được bàu lên trong cảnh ồn ào hỗn láo như thế, “phép lạ nào”
khiến mức sống của dân Mỹ trung bình càng ngày càng vượt xa dân Nga? Phép lạ đó
là chế độ dân chủ tự do.
Ngô Nhân
Dụng