Để tưởng nhớ hai em – Nguyễn Phiêu Linh, Hồ Quang Trung –
và kính tặng tất cả Cựu SVSQ/TB/TĐ khóa 6/68 và khóa 4/68. ĐML
Dù ngày xưa bạn cùng lớp đã “xầm xì” rằng “hắn” hoạt động
cho Việt Cộng, tôi cũng không tin; vì – với trí óc non nớt của một nữ sinh
trung học cùng với bản tính ngay thẳng, lương thiện – tôi nghĩ, nếu “hắn” thích
Việt Cộng thì “hắn” ở lại ngoài Bắc chứ “hắn” theo gia đình di cư vào Nam để
làm gì!
Mấy mươi năm sau tôi mới biết, sau khi đỗ Tú Tài II, “hắn”
được sang Pháp du học và hiện nay “hắn” đang giữ một chức vụ quan trọng trong
guồng máy đầy ác tính của Cộng Sản Việt-Nam.
Nhìn hình của “hắn” và đọc bảng tin báo trong nước viết về
“hắn”, tôi ngồi bất động. Những thành tích nội tuyến và phản chiến của “hắn”,
ngày xưa, và bằng cấp của “hắn”, hiện tại, không hiểu có chinh phục được
ai hay không; nhưng đối với riêng tôi, tôi hoàn toàn không muốn bị nhận là người
bạn xưa của “hắn” dưới mái trường Võ Tánh.
Đối với tôi, từ ngày mới lớn cho đến bây giờ, khi nghĩ về
nam giới, hình ảnh tôi ngưỡng phục nhất là chàng trai trong quân phục; và hình ảnh
tôi yêu thích nhất là chàng trai với cây đàn.
Nhìn hình của “hắn” một lúc, tự dưng nước mắt của tôi nhạt
nhòa mà tôi không hiểu nguyên nhân. Một lúc sau, qua màn nước mắt, tôi không thấy
hình của “hắn” nữa nhưng tôi lại tưởng như tôi thấy được những người bạn ngày
xưa cùng học trường Võ Tánh như: Đặng Hữu Thân, “dân B1”; Ngô Đắc Phú, Lưu
Khương Đức “dân B4”; Võ Ấm, “dân B3”; Nguyễn Đình Tân, “dân B2” v.
v… Trong những hình ảnh vừa hào hùng, vừa thân thương vừa bi thảm của những
thanh niên miền Nam đã gục ngã trong cuộc chiến do Cộng Sản Việt-Nam chủ xướng,
tôi nhận ra Chú của các con tôi: Thiếu Úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung, xuất
thân khóa 4/68 sĩ quan trừ bị Thủ-Đức.
Trung cao dong dõng, đẹp trai, tính tình hiền hòa, nhã nhặn
và có ngón đàn Tây Ban Cầm rất nhuyễn. Khi nào về phép Trung cũng ghé thăm tôi.
Thỉnh thoảng Trung ôm Guitar, “từng tưng” vài đoản khúc bán cổ điển cho tôi
nghe. Đôi khi nghe Trung đàn những bản tôi thích, tôi cũng “la là la” và gật gù
theo tiếng đàn. Tình khúc Trung thích nhất là Mấy Dậm Sơn Khê của Nguyễn Văn
Đông. Tôi thường “ngân nga” theo và tôi đổi chủ từ cũng như túc từ để thích hợp
cho tình cảnh giữa chị em tôi: “Em đến thăm, áo em mùi thuốc súng ngoài mưa
khuya lê thê ... Em đến đây rồi em như bóng mây…Em hỡi em, đường xa vui đấu
tranh, giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc nghìn xưa!” Vừa “nghêu
ngao” hát vừa nhìn bộ quân phục hoa rừng của Trung tự dưng tôi cảm thấy nao nao
trong lòng một niềm ray rức!
Trước khi trở lại đơn vị, Trung cũng thường ghé nhà từ giã
tôi. Không thể giấu sự lo âu khi Trung bảo đơn vị của Trung sẽ được điều động về
Bình-Long, An-Lộc, tôi khuyên: “Chú cẩn thận”. Trung cười: “Em không
can chi mô. Chị đừng có lo.” Nhìn dáng Trung xa dần, tôi chợt liên tưởng đến
em tôi: Thiếu úy Pháo Binh Nguyễn Phiêu Linh, xuất thân khóa 6/68 Trường Bộ
Binh Thủ-Đức, đang biệt phái cho mặt trận Đức-Lập. Tôi âm thầm cầu nguyện cho
Trung và Linh.
Một sáng mùa Hạ năm 1972, chiếc Jeep dừng ngay trước nhà tôi
rồi một quân nhân Biệt Động Quân đẩy cổng, bước vào, gõ cửa.
Tôi hơi mất bình tĩnh. Bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động
Quân bước vào. Tôi nhìn quân nhân này, run giọng: “Thiếu úy Trung… làm sao rồi,
anh?” Quân nhân này vẫn trầm tĩnh: “Thưa bà, thiếu úy Trung bị thương,
đã được trực thăng đưa về bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.” Tôi bớt xúc động
ngay: “Dạ, cảm ơn anh. Tình trạng của chú Trung như thế nào ạ?” Anh đáp
rất thật: “Tôi không rõ lắm; vì tôi không có mặt khi đơn vị của thiếu úy
Trung đụng trận và tôi cũng chưa đến bệnh viện dã chiến Vũng Tàu.” Không kịp
từ giã người đưa tin, tôi cảm ơn anh một lần nữa rồi vội lách người qua cửa để
chạy vào báo tin cho Mạ (Mẹ) và Hà – vợ của Trung.
Mạ ngồi sững như pho tượng trong khi Hà khóc nức nở khiến
hai đứa con của Trung cũng òa lên khóc. Vừa dỗ dành con Hà vừa khóc vừa lấy vài
thứ cần dùng cho vào xách. Mạ ngạc nhiên: “Sửa soạn đi mô rứa?” Hà khóc
lớn hơn: “Con đi thăm chồng con”. Mạ ngăn lại: “Biết cái chi mà đòi
đi. Để nhờ chị Hai hắn ra coi tình trạng hắn ra răng rồi tính.” Quay sang
tôi, Mạ bảo: “Chao ôi! Thiệt là khổ! Anh Minh của hắn không có ở nhà, chừ
con coi giúp Mạ được chi thì con giúp, nghe. Con quen ai bên Biệt Động Quân thì
con xin cho hắn về hậu cứ chứ hắn bị thương mà hắn trở ra mặt trận Mạ sợ quá,
con ơi!”
Tại bệnh viện dã chiến, thấy mặt và tay chân của Trung vẫn
nguyên vẹn, tôi thầm mừng. Tôi dặn Trung: “Chú chịu khó chờ. Mai tôi sẽ đưa
các cháu đi Bến-Lức thăm anh Minh. Tôi sẽ hỏi anh Minh xem anh Minh quen ai bên
Biệt Động Quân…” Tôi chưa dứt câu, Trung đã nhìn tôi, nghiêm nét mặt: “Chị
đưa các cháu đi thăm anh Hai thì chị đưa; còn anh Hai quen ai bên Biệt Động
Quân để làm chi, chị Hai?” Lần đầu tiên từ ngày làm vợ của Minh tôi mới
nghe Trung nói chuyện với tôi một cách cứng rắn và nghiêm nghị như vậy. Tôi
không thể nói dối: “Ý Mạ muốn xin cho chú về hậu cứ.” Trung nhìn thẳng
tôi: “Chị Hai! Em tình nguyện về Biệt Động Quân không phải với mục đích để
làm việc tại văn phòng. Em có trách nhiệm, em có bổn phận, em có đơn vị của
em.” Tôi lúng túng: “Chú giận tôi, phải không? Tôi xin lỗi.” Nét mặt
của Trung dịu lại: “Đời mô em dám giận chị. Em chỉ hơi bực mình vì em đã
không muốn cho Mạ, Hà và chị biết tin em bị thương; rứa mà đứa mô thày lay…” May
quá, vì lúc sáng vội vàng, tôi không để ý tên người lính Biệt Động Quân đưa tin
cho nên tôi không cảm thấy bị khó chịu vì không nói ra sự thật. Trung nhìn đồng
hồ tay, tiếp: “Chiều rồi, chị nên đi về kẻo mấy cháu trông.”
Hôm sau, sau khi đưa các con đến Căn Cứ Hải-Quân Bến-Lức,
tôi mới được sĩ quan trực cho biết Minh đi hành quân, chiều mới về. Như thường
lệ, mỗi khi đến với đơn vị Hải-Quân, tôi thích thay y phục dân sự bằng quân phục
thủy thủ. Vừa mang đôi ba-ta xong, tôi nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa, tôi thấy chú
tài xế của Minh. Chú ấy nói: “Cô cho em đưa mấy đứa nhỏ ra bãi đáp trực
thăng đón Chỉ Huy Trưởng, nha, cô.” Tôi chưa biết đáp như thế nào thì nghe
tiếng bốn đứa con của tôi – ngồi sẵn trên xe Jeep – reo lên: “Măng! Măng!
Cho tụi con đi đón Ba, nhen, măng.” Tôi chỉ biết cười, vẫy tay rồi đóng cửa
lại.
Chỉ một chốc sau, tôi nghe tiếng xe thắng “két” rồi cửa
phòng mở toanh và con gái lớn của tôi hớt hãi chạy vào: “Măng! Măng! Trực
thăng… rớt rồi!” Tôi hoảng hốt chạy vội ra cửa thì thấy chú tài xế đang ôm
ba đứa con của tôi như thể trấn an. Và, tôi thấy, từ khắp mọi nẽo đường của Căn
Cứ Hải-Quân Bến-Lức mọi người chạy ùa về hướng cầu tàu. Tôi chạy theo dòng người,
bỏ mặc các con tôi.
Tiếng xe hồng thập tự từ ngoài cổng gác vọng vào. Mọi người
rẻ sang hai bên, nhường lối. Xe cứu thương từ từ “de” lui về hướng bờ sông. Một
chiếc ghe câu cặp bến. Vì đứng xa, tôi không thể thấy được những người trong
lòng ghe. Mỗi khi chiếc băng-ca khiêng một người – không phải là Minh – đi
ngang, tôi cảm thấy như tôi sắp quỵ xuống; vì tôi ngại Minh đã chết hoặc mất
tích trong dòng sông sâu. Trong khi tôi tưởng như sự chịu đựng trong tôi đã cạn
kiệt thì bỗng dưng, từ bờ sông, một anh thủy thủ vừa vội vàng chạy về phía tôi
vừa reo lên: “Cô ơi, cô! Em thấy Chỉ Huy Trưởng rồi! Em thấy Chỉ Huy Trưởng
rồi!” Vài người quay nhìn tôi rồi dạt ra hai bên, tránh lối cho tôi. Tôi bước
ra vừa khi chiếc băng-ca có Minh nằm bên trong được khiêng về hướng chiếc xe cứu
thương. Tôi chạy theo, thấy máu nhuộm ướt mặt Minh. Khi xe cứu thương rồ máy,
tôi tự động leo vào. Nhìn lui, tôi thấy chú tài xế của Minh chở các con tôi chạy
theo.
Trên chuyến trực thăng tải thương từ bệnh viện Long An về bệnh
viện Cộng Hòa, tôi tự hỏi không hiểu trái tim của Mạ còn đủ chỗ để chấp nhận
thêm tin Minh bị thương hay không!
Sau khi y tá đưa Minh vào phòng Điện Tuyến, tôi thấy một bác
sĩ đi về phía tôi. Tôi vui khi nhận ra đó là bác sĩ Vĩnh. Sau vài câu thăm hỏi
về gia đình, Vĩnh hỏi tôi nguyên do nào Minh bị thương nặng như vậy. Tôi thầm
ngạc nhiên vì Vĩnh tỏ ra bặc thiệp và nói nhiều hơn xưa. Tôi bảo Minh bị rớt trực
thăng. Vĩnh tròn mắt: “Hải-Quân mà lại bị rớt trực thăng?” Tôi cười như
mếu: “Dạ, anh ấy đi thanh tra những điểm đỗ quân.” Vĩnh lại hỏi: “Minh
làm gì mà đi thanh tra?” Tôi đáp: “Dạ, anh ấy là chỉ huy trưởng Liên
Đoàn I Ngăn Chận kiêm chỉ huy trưởng một đơn vị Đặc Nhiệm của Lực Lượng Tuần
Thám.” Vĩnh cười tinh nghịch: “Bỏ đàn bỏ hát để nghiên cứu về Hải-Quân
hay sao mà biết nhiều quá vậy?” Tôi cười gượng, chưa kịp đáp thì thấy chú
tài xế của Minh vừa đưa các con của tôi từ Bến Lức về tới. Tôi cáo từ Vĩnh để
ra xe với các con tôi.
Tôi nhờ chú tài đưa các con tôi về nhà, nhờ bà giúp việc lo
cho các cháu. Trước khi xe nổ máy, tôi chợt nhớ, vội dặn chú tài đừng cho Mạ biết
tin Minh bị thương, ngại Mạ lo. Xoay sang các con, tôi cũng dặn như vậy. Các
cháu ngạc nhiên: “Măng biểu tụi con không được nói láo mà!” Hơi lúng
túng một lúc tôi mới tìm ra giải pháp: “Thôi, được rồi. Mấy con không được
vô nhà bà Nội. Khi nào bà Nội hoặc các cô chú hoặc thiếm Trung ghé nhà mình thì
mấy con phải chạy ngay lên lầu, không được gặp bà Nội, thiếm Trung hoặc các cô
chú. Chịu chưa?” Nét mặt của các con tôi tiu nghỉu, buồn xo.
Suốt thời gian dài thăm nuôi Minh, tôi vẫn chưa cho Minh biết
tin Trung bị thương. Và tôi cũng không có thời gian để ra Vũng-Tàu thăm Trung.
Một hôm, đang sửa soạn các thứ cần dùng để đem lên bệnh viện
Cộng Hòa cho Minh, tôi thấy Trung bước vào nhà. Tôi ngạc nhiên. Trung bảo bác
sĩ cho Trung xuất viện và Trung từ chối mấy ngày phép dưỡng thương; vì đơn vị của
Trung bị “tụi hắn quần thảo liên miên!” Nhận ra nét ái ngại của tôi, Trung –
trong quân phục Biệt Động Quân, giày trận, mũ nâu – đứng thẳng, cụp hai chân
trong thế nghiêm rồi ưỡng ngực, bảo: “Em ‘ngon lành’ như ri mà chị lo cái
chi?” Tôi cười rồi cho Trung biết Minh bị thương. Trung ngồi lặng yên, nhíu
mày suy nghĩ rất lâu rồi bảo: “Chị Hai! Em chỉ đủ thì giờ ghé thăm Mạ, thăm
chị và vợ con em rồi em phải trở ra đơn vị ngay. Em không thể ghé thăm anh
Hai.” Nói xong Trung vội vàng từ giã tôi.
Tiễn Trung ra cổng, nhìn chiếc mũ nâu của Trung chập chờn,
khi ẩn khi hiện trong dòng người, tôi cảm nhận được niềm hãnh diện hòa lẫn với
nỗi lo âu trong lòng tôi!
Niềm lo âu trong tôi về sự trở lại chiến trường Bình-Long của
Trung cũng không khác mấy so với sự ái ngại của tôi khi biết Minh – sau khi xuất
viện và nghỉ bảy ngày phép dưỡng thương – được lệnh phục vụ trên Tuần Dương Hạm
Trần Quang Khải, HQ 2, để thực tập làm Hạm Trưởng; vì tôi hiểu Minh chịu sóng
không được!
Trong thời gian âu lo cho Trung và Minh, tôi quên bẳng Nguyễn
Phiêu Linh. Như để nhắc nhở sự vô tình của tôi, một nhân viên truyền tin từ Bộ
Tư Lệnh Hải-Quân đến nhà, đưa tin: “Thưa bà! Ông Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng Ty Nội
An thị xã Cam-Ranh, nhờ Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Cam-Ranh chuyển tin đến
bà là thiếu úy Nguyễn Phiêu Linh đã mất tích ở mặt trận Đức-Lập!” Tôi há
hóc mồm, nhìn sững người đưa tin, không thốt được một lời!
Sau một thoáng khủng hoảng tinh thần, tôi quỳ xuống, nhìn
lên bàn thờ Phật niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tác. Tôi cứ thành tâm cầu
nguyện Phật Bà mỗi ngày, mỗi đêm. Như một sự linh nghiệm từ Phật Bà, khoảng một
tuần sau, tôi nhận được điện tín của Ba tôi: “Linh bị Việt Cộng bắt. Linh đã vượt
thoát về trình diện đơn vị.” Tôi lại quỳ xuống, nhìn lên bàn thờ Phật, âm thầm
tạ ơn Phật Bà.
Thời gian này – mùa Hè năm 1972 – Vùng I, Vùng II và Vùng
III Chiến Thuật chìm ngập trong khói lửa, vì những trận tấn công quy mô và ác
liệt của Việt Cộng. Chỉ có Vùng IV tương đối bình yên.
Theo dõi tin tức qua báo chí, radio và TV, tôi rất lo âu cho
Trung và Linh. Vì đơn vị của Linh thuộc Vùng III chiến thuật; đơn vị của Trung
lại gần vị trí của Tướng Tử Thủ Lê Văn Hưng. Theo dõi tin tức, biết Bình Long –
An Lộc mỗi ngày phải “nhận” không biết bao nhiêu ngàn quả đại pháo của Việt Cộng,
tôi xốn xang và âu lo cho người em chồng mà tôi thương như em ruột của tôi!
Rồi một sáng sớm, chiếc Jeep dừng trước nhà, một quân nhân mặc
quân phục Biệt Động Quân bước vào. Như linh cảm được điều gì đó, tôi run quá, đứng
xa xa để bà giúp việc mở cửa. Anh Biệt Động Quân nhìn tôi: “Thưa, bà có phải
là bà Minh không ạ?” Nhìn nét mặt nghiêm và đôi mắt của anh Biệt Động Quân
như ẩn chứa điều gì rất khó tả, tôi cảm biết rằng tôi không thể đứng vững được
cho nên tôi dựa vào tường, vừa bước dần về ghế xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động
Quân vừa gật đầu. Như nhận biết sự xúc động tột cùng của tôi, anh Biệt Động
Quân đến bên tôi: “Bà bình tĩnh. Bà ngồi vào xa-lông đi”. Vừa ngồi vào
xa-lông vừa nhìn anh Biệt Động Quân, môi tôi run và trệ xuống như sắp khóc, tôi
hỏi từng tiếng: “Thiếu úy Trung tử trận rồi, phải không?” Anh Biệt Động
Quân đứng im, cúi mặt…
Tiếng xe Jeep rồ máy khiến tôi choàng tĩnh. Tôi hiểu rằng
tôi phải bình tĩnh, phải dồn tối đa nghị lực để giúp Mạ và Hà vượt qua cơn đau
này! Tôi biết, nếu, ngay giờ phút này, tôi vào cho Mạ và Hà hay tin Trung tử trận
thì không thể nào tôi đủ sáng suốt để làm bất cứ điều gì cho Trung khi quang
tài của Trung được đưa về! Tôi quyết định sẽ tin cho Mạ và Hà biết sau khi tôi
lo xong vài việc quan trọng cho Trung.
Tôi sang Bộ Tư Lệnh Hải-Quân, nhờ trung tâm Truyền Tin thông
báo cho HQ 2: “Em ruột của Hải-Quân trung
tá Hồ Quang Minh là thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung đã tử trận tại
Bình-Long”. Sau đó tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm xin nghi thức tụng niệm và nơi
quàng quang tài của Trung. Và tôi ghé nhà người anh của Cố thiếu úy Võ Ấm. Anh
này là chánh văn phòng của một nhân vật đầy uy quyền. Tôi nhờ anh xin cho Trung
một phần mộ trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.
Trên những đoạn đường lo việc hậu sự cho Trung, trong tâm
tôi đã sắp sẵn một bài viết về Trung. http://www.diepmylinh.com/
Nếu trên đời, trong địa hạc văn chương, có điều gì tôi hối
tiếc nhất, thì đó là bài tôi viết cho Hồ Quang Trung, đăng trên báo Tia Sáng,
mà nay tôi chỉ nhớ được câu cuối cùng: “Từ nay, chị sẽ tìm hình bóng em qua
nhân dáng oai hùng của Người Lính Mũ Nâu!”…
… Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng buồn thảm, chợt điện
thoại reng, đưa tôi trở về hiện tại. Tôi “Allo”. Từ đầu giây bên kia, giọng
nam, nói tiếng Anh:
- Chúc mừng ngày của Mẹ.
Tôi cũng đáp bằng tiếng Anh
- Cảm ơn. Xin lỗi, ai đây?
- Tôi là người bị bà dọa gọi cảnh sát bắt đây.
Tôi giật mình, nhớ lại cách nay vài hôm, trong buổi chiều đi
bộ tập thể dục, điện thoại cầm tay của tôi reng hoài mà khi mở ra, “allo”, thì
không ai trả lời. Nghĩ rằng có người phá cho nên tôi bực mình, nói tiếng Anh: “Làm
ơn đừng gọi số này nữa. Nếu gọi một lần nữa, tôi sẽ lấy số điện thoại của bạn rồi
tôi sẽ thưa cảnh sát.” Tôi đáp:
-Vâng, tôi có nói như vậy; vì tôi không biết ông là ai mà cứ
gọi phá tôi nhiều lần.
Đầu giây bên kia phát âm tiếng Việt:
-Tại điện thoại của tôi bị trục trặc chứ ai phá …bà làm chi.
Tiếng “bà” và giọng Huế khiến tôi nhận ra đây là Toàn, tác
giả nhiều tác phẩm tình cảm xã hội và nhiều thước phim chiến trường. Toàn cũng
là bạn thân của Minh từ xưa. Ngày xưa Toàn dạy tại trường Cường Để, sang Mỹ
Toàn học lại và tốt nghiệp bác sĩ nhãn khoa. Tôi cười:
-Dạ thưa Thầy.
-Sao? Thằng bạn già của tôi sao rồi?
- Dạ, ổng dạo này sướng lắm Thầy ơi! Người ta “sáng vác ô
đi, tối vác về”; còn ổng thì sáng xách xe đi, tối xách xe về.
- Còn bà, đang làm gì đó?
- Dạ, em đang đọc tin tức về Việt-Nam.
- Bà có gì lạ không?
- Dạ, em sắp đi Cali. Còn Thầy đang ở đâu?
- Tôi đang ở D.C. thăm con và lo vài chuyện, 3 tuần nữa mới
về Cali. Bà đi Cali. có việc gì?
- Dạ, em tham dự Hội Ngộ của khóa 6/68 sĩ quan Thủ-Đức.
- Bà có liên hệ gì với Trường Bộ-Binh Thủ-Đức?
- Dạ, Nguyễn Phiêu Linh, em của em, bị động viên vào khóa
6/68. Thầy nhớ Linh không, thưa Thầy?
- Nhớ chứ sao không. Cái thằng ốm ốm, “ông Già bà Già” bắt
nó theo canh chừng bà hoài đó chứ gì.
- Dạ. Linh không còn nữa!
- Biết rồi. Chừng nào bà đi? Cho biết ngày, tôi sẽ bay về
Cali. đón bà.
- Dạ, cảm ơn Thầy nhưng gia đình khóa 6/68 lo cho em rồi.
Toàn nghiêm giọng:
- Ngày xưa bà theo Hải-Quân, bà … bỏ tôi. Bây giờ bà theo Bộ-Binh,
bà bỏ tôi!
- Chết! Chết! Thầy ơi! Em đâu có là gì của Thầy mà Thầy bảo
em bỏ Thầy?
- Giận quá! Tức quá thì nói rứa đó! Tội nghiệp cho Cô Lượng
của tôi! Cô cứ bảo “Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho”. Chao ôi! Cô
nuôi cách chi mà sẩy mất tiêu!
Tôi tìm cách chuyển đề tài:
- Thôi, Thầy ơi! Đừng trách em nữa. Thầy đàn và hát cho em
nghe đi, Thầy.
- Yêu cầu tôi đàn hát thì tôi đàn hát cho mà nghe; hứa là
không báo cảnh sát bắt tôi, nghe chưa?
Tôi cười. Tiếng Piano tạo nên dòng Tango rộn ràng, vui tươi.
Tôi nhận ra Toàn đang đàn Tiếng Đàn Tôi của Phạm Duy. Dạo hết phân đoạn đầu,
Toàn bắt vào: “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt…Vì cuộc tình đã chết một
đêm nao…Mênh mông lả lơi, lạnh lùng em đã rời tôi…Khoan, khoan hò ơi! Lệ sầu rụng
xuống đàn tôi!” Không hiểu Toàn vô tình hay cố ý khi hát bài này, nhưng lời
ca làm tôi cảm thấy buồn buồn.
Toàn chuyển qua một tình khúc êm dịu: “Memories, pressed
between the pages of my mind. Memories, sweetened thru the ages just like
wine…”(1)
Theo dòng nhạc và tiếng hát ngọt ngào của Toàn, hình ảnh của
Linh chờn vờn trong tầm mắt tôi. Tôi nhớ những buổi sáng mờ sương, Linh và tôi
đi bộ từ đường Phan Đình Phùng băng qua vườn rau cải để đến trường Domain de
Marie, trên đường Hai Bà Trưng, Dalat. Tôi không quên được những “trận đụng độ”
giữa các hội tuyển nổi tiếng, Ba tôi thường cho tôi và Linh đi theo, vào sân vận
động xem đá banh, để thấy Ba tôi phỏng vấn các cầu thủ danh tiếng – nhất là thủ
môn Rạng – để viết tường thuật cho báo Đuốc Thiêng. Nhờ vậy, tôi biết chút ít về
nghệ thuật và quy luật đá banh. Cũng nhờ vậy, vào những dịp đội banh trường Võ
Tánh đấu với đội banh trường khác, tôi thấy Linh có những cú “sút” rất “thần kỳ”,
chàng giữ “gôn” đỡ không nỗi! Một “vai trò” mà Linh rất ghét, là – theo “lệnh”
của Ba Má tôi – Linh phải giả vờ đi ra đi vô phòng khách thường xuyên mỗi khi
có chàng nào đến nhà thăm tôi để “nghe ngóng” xem chàng nào có lời lẽ hoặc thái
độ không đứng đắng đối với tôi thì mách cho Ba Má tôi. Có lẽ Linh ít hợp với
Toàn; vì lúc Toàn quen với tôi tại nhà thầy Lượng thì tôi chỉ mới học đệ Lục hoặc
đệ Ngũ và Linh học sau tôi cho nên biết Toàn là giáo sư, Linh ngại. Linh gọi
Toàn bằng Thầy; tôi cũng gọi Toàn bằng Thầy. Dạo đó, vì tôi còn là trẻ con cho
nên Cô của Toàn, vợ thầy Lượng dạy Pháp văn và cũng là Mẹ của bạn tôi, cứ đùa:
“Toàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh-Điệp cho.” Linh và Minh rất hợp vì cả hai
đều thích đá banh và đều có cú “sút” “ngàn cân”. Linh nói với Ba Má tôi nhận
xét của Linh về sinh viên quân y Vĩnh: “Khi nào anh Vĩnh tới, Ba Má khỏi cần
bắt con ‘do thám’; vì anh Vĩnh chỉ ngồi nhìn chị Hai rồi cười chứ anh Vĩnh có
nói tiếng nào đâu!” Khi thụ huấn tại quân trường Thủ-Đức, Linh và Trung trở
thành đôi bạn thân.
Vừa nhớ đến đây, tôi chợt nhận ra Toàn đã hát trở lại phân
đoạn đầu. Đến phân đoạn thứ hai, lời ca làm tôi xúc động, bùi ngùi: “…Quiet
thought come floating down and settle softly to the ground like golden autumn
leaves around my feet. I touched them and they burst apart with sweet
memories…”(2) Tiếng hát của Toàn vẫn thiết tha, trầm ấm nhưng suối nguồn
thương nhớ Linh và Trung cứ cuồn cuộn dâng cao trong lòng tôi.
Nhìn bầu trời trong xanh của một sáng mùa Hạ, tôi tưởng như
tôi thấy lại Linh và Trung – trong quân phục sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ-Đức –
vào những cuối tuần xa xưa, khi Linh và Trung từ Quân Trường Thủ-Đức về Saigon
thăm tôi. Rồi, từ niềm nhớ thương chất ngất trong hồn, tôi tưởng như tôi không
còn nghe tiếng đàn và giọng hát của Toàn nữa nhưng tôi lại nghe được tiếng
Guitar của Trung trong ca khúc mà khi xưa Trung rất thích. Khi tiếng Guitar của
Trung đến đoạn gần cuối của ca khúc Mấy Dậm Sơn Khê tôi vừa “ngân nga” nho nhỏ:
“… Em hỡi em! Đường xa vui đấu tranh giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếc
nghìn xưa!” vừa cảm nhận hai hàng nước mắt âm ấm đang lăn dài trên khuôn mặt
hằn nhiều nếp nhăn của tôi!
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
1 và 2.- Elvis Presley's lyrics