Nếu có loại tranh luận nào dẫn đến cãi lộn, mắng nhau, đấm
nhau, thì đó là cãi lộn chính trị. Ông Trump và bà Clinton thì chửi nhau, nhục
mạ nhau trên sân khấu. Còn fans của họ thì cãi nhau ngoài đường, trên mạng, có
lúc đánh nhau đến sưng mỏ.
Ai cũng có ‘fans.’ Và ai cũng có ‘fans cuồng.’
Nhưng tui muốn nói với các bạn: Hãy là fan, đừng là cuồng,
vì “cuồng” sẽ dẫn đến cực đoan. Vì “cuồng” đã là một dạng cực đoan.
Fans cuồng rất dễ nhận ra: Trump mà thắng thì tui bỏ nước Mỹ
tui đi. Trump mà thắng thì tui không biết giải thích cho con tui như thế nào.
Trump mà thắng thì tui đóng blog. Vân vân và vân vân. (Tui sẽ đợi xem có bao
nhiêu người Mỹ bỏ nước ra đi. Tui sẽ đợi xem bao nhiêu người đóng Facebook,
đóng blog. Tui cũng muốn nghe các anh/chị đã giải thích thế nào cho con cái
mình trong cái ngày sau ngày bầu cử).
Nước Mỹ này của mọi người Mỹ. Của bạn, của tôi, của người
tôi thương, của người tôi ghét, của bà Clinton, của ông Trump nữa (và của
Ivanka cùng Chelsea nữa chứ). Nhưng đừng bao giờ làm như thể ông Trump đẻ ra nước
Mỹ này, để nay ông làm tổng thống thì tui bỏ xứ tui đi.
Nếu chỉ vì ông Trump làm tổng thống mà phải bỏ xứ ra đi thì
bạn yêu cảm xúc của bạn, yêu quan điểm của bạn, chứ bạn yêu gì đất nước này. Và
tình yêu nước đó của bạn nó rất nhỏ, nhỏ đến độ nó … nhỏ hơn cả ông Trump. Cứ
tưởng tượng, tất cả những ai yêu Clinton (hoặc/và ghét Trump) đều bỏ nước ra
đi, thì ông Trump thành cái gì? Câu trả lời có sẵn: thành Putin, thành Kim
Jong-un, thành Tập Cận Bình…
Nếu bạn yêu nước Mỹ, yêu dân chủ, yêu chân thành đến độ sẵn
sàng bỏ nước ra đi chỉ để phản đối Trump, thì hợp lẽ nhất là bạn nên ở lại. Ở lại
để kiểm soát Trump, ở lại để 4 năm nữa bỏ phiếu cho đối thủ của Trump, ở lại để
góp thêm một phiếu cho nền dân chủ xứ này. Dân chủ là lao mình vào chứ không phải
bỏ chạy.
Hôm nay là ngày đầu tiên sau bầu cử, bạn đã giải thích gì với
con cái mình? Chắc hẳn đa số các bạn sẽ ôm con vào lòng, đôi khi nước lưng
tròng, nói như xin lỗi. “Xin lỗi con, ba/mẹ đã có lỗi vì ‘thằng’ Trump thành tổng
thống.” Còn mấy đứa nhỏ thì chắc hẳn mặt mũi phụng phịu, nấc lên từng hồi. “Tại
sao cái thằng tục tĩu đó lại là tổng thống của con.”
Bảo đảm với các bạn, không cần giải thích gì đâu, chỉ vài
ngày là quên hết. Rồi lũ nhỏ cũng phải đi học, phải làm homework, phải đi chơi
với bạn bè, hẹn hò với người yêu. Chúng không có nhiều thời gian cho “thằng
Trump” đâu. Vậy bạn đã nói gì với chúng ngày hôm nay? Nếu là tôi (nếu thôi, tôi
chưa có con), tôi sẽ dạy chúng hành xử để không bị người khác gọi là “thằng,” để
người khác khi nhìn vào sẽ thấy cả những giá trị tích cực của mình (cùng cả những
tiêu cực khác). Tôi cũng sẽ dạy chúng tinh thần của cuộc chơi dân chủ. Tôi sẽ
nói với chúng, đừng bao giờ nghĩ “một lá phiếu của tôi sẽ không thay đổi được
gì.”
Rõ ràng, “thằng Trump” rất tục tĩu. Nhưng nếu trong con người
“ông Trump” chỉ có tính chất “thằng Trump” thôi, tại sao ‘hắn’ lại được hơn 50
triệu người Mỹ bỏ phiếu? Nếu bà Clinton ngoan, hiền đến thế, sao cũng chỉ có 50
triệu người Mỹ bỏ phiếu? Tôi sẽ dạy con tôi nhìn vào Trump thật kỹ, và nhìn cả
một xã hội đang đánh giá Trump. Xã hội nào thì lãnh đạo đó. Nếu Trump tệ đến thế,
thì xã hội – trong đó có tôi và các bạn – tệ hại không kém. Bạn có tin điều ấy
không?
Tôi sẽ dạy con tôi một điều nữa: Hãy đi bỏ phiếu; đừng bao giờ
nghĩ rằng “Ôi, một lá phiếu của tôi chẳng thay đổi được gì. Cả xóm đi bỏ phiếu
là đủ rồi.” Tôi nói thật, Trump thắng là vì những người ghét Trump đã để Trump
thắng. Trump thắng là vì những người yêu Trump đã thật sự tin vào hệ thống bầu
cử, và làm mọi điều để thắng. Họ đi bỏ phiếu! Phía bên kia thì không! Tôi sẽ
nói với con tôi: “Đây là ví dụ rõ nhất của dân chủ con ạ. Đừng nản. Rồi con sẽ
trưởng thành, sẽ đi bỏ phiếu, sẽ tham gia thay đổi vận mệnh đất nước này.” Lá
phiếu là tiếng nói của chúng ta. Không đi bỏ phiếu chính là phản dân chủ (mà
đôi khi chỉ vì lười biếng).
Tôi cũng sẽ hỏi các bạn tôi đang than khóc, các bạn đã làm
gì trong mấy tháng qua? Các bạn có xuống đường, đi từng nhà, gõ cửa, vận động
cho đối thủ của Trump không? Các bạn có thức đêm, thức hôm, tham gia các cuộc vận
động cho đối thủ của Trump không? (Hỏi nhỏ một câu: Thế các bạn có đóng góp vào
quỹ tranh cử của đối thủ của Trump không?) Nếu các câu trả lời là “không,
không, không,” tôi muốn nói với các bạn: Chúng ta chỉ giỏi “chém gió” và ngồi
chờ người khác hành động.
Vậy thì, Trump thắng cử nghĩa là gì? Nghĩa là 4 năm sắp tới
Trump sẽ ngồi ở Tòa Bạch Ốc, sẽ là tổng thống nước Mỹ, sẽ ảnh hưởng nhiều lên
xã hội, nhưng không phải muốn làm cái gì cũng được. Tại sao? Tại vì đây là nước
Mỹ. “Check and balance” là triết lý kiểm soát quyền lực của chính trị Mỹ (cái
này thì con trai ông Trump nói một câu nghe được: Không phải ông già tôi muốn
làm gì cũng được đâu. Hệ thống công quyền và chính trị Mỹ có rất nhiều tầng nấc).
Trump thắng cử không phải là ngày tận thế. Tin tôi đi, các bạn
sẽ quên rất nhanh. Quên, không phải vì các bạn vô tâm, mà vì các bạn còn khối
điều lo toan khác. Nói thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng anh bạn tôi, một dược sĩ,
nói thế này: Cứ làm tròn chuyện của mình, còn ai làm tổng thống mặc kệ, tôi vẫn
phải đi làm 40 giờ một tuần. Thế thôi!
Cuối cùng, tôi muốn nói điều này với các bạn: Dân chủ, hình
thức xã hội đẹp nhất, cũng chính là nơi thử thách đấy bạn ạ. Dân chủ thử thách
tính văn minh và sự trưởng thành của xã hội. Nếu ưa chuộng dân chủ, hãy chuẩn bị
để đối mặt với thách thức. Tức là phải tham gia. Nếu chúng ta lên án độc tài,
nhất định chúng ta không để một xã hội dân chủ có điều kiện trở thành độc tài.
Than khóc, bỏ nước ra đi, đóng blog, vân vân và vân vân, là mầm mống cho độc
tài ra đời.
Thiện Giao