Người ta thường nói:
“Chúng ta đi mang theo quê hương!” Nhưng quê hương là gì? Phải chăng đó là ngôn
ngữ, thói quen trong cuộc sống, câu hò, giọng hát và miếng ăn, thức uống
hàng ngày. Nhưng quê hương đâu phải chỉ có vậy, và như vậy là hết!
Bước chân lên bờ mà người ta gọi đó là mảnh đất tự do, bước
chân xuống đất một phi trường nào đó mà người ta gọi là đất hứa, chẳng mấy chốc
mà chúng ta đã quên hết. Mang theo quê hương nhưng chúng ta đã bỏ lại rất nhiều
thứ, như người chăn chiên bỏ bầy chiên lại cho lũ sói rừng. Chúng ta bỏ lại người
sống lẫn người chết, người chết đã đành, người sống thì cũng như người đã chết.
Người sống hôm nay là những anh em thương binh quặt què của chúng ta, những người
trong một đất nước tối đen mà mắt mình thì không còn trông thấy ánh sáng, sống
đời sống lây lất trong cái thảm cảnh lê lết của những ngày tháng vô vọng còn lại.
Một người tù binh còn lành lặn, còn lại sau chiến tranh, đã
mất đơn vị, không còn hàng ngũ, lạc bạn bè trên trận địa, sống giữa thù hận, kỳ
thị, sống đã là một chuyện đau khổ. Chúng ta nghĩ thế nào một người thất trận,
mù hai mắt, cụt hai chân, không còn hai tay, giữa rừng người thắng trận kiêu ngạo
mà vô nhân tính, mà không thể chết.
Không ít người chỉ còn biết sống trong tình thương của người
qua đường không quen biết, mà người qua đường cũng không cần biết con người khốn
khổ đó là ai, khi chúng ta còn ngồi trong ghế nhà trường, sống hạnh phúc trong
một thành phố chan hòa ánh sáng, nơi quán cà phê hay những đêm vũ trường, bên bữa
cơm gia đình ấm cúng khi họ còn ba ngày lương khô, hai cấp số đạn, băng rừng lội
suối.
Chúng ta có gần 100 vị tướng lãnh, những người mà “cấp bậc
là xương máu của thuộc cấp,”(*) được may mắn ra đi trước khi Sài Gòn thất thủ,
bỏ lại gần một triệu quân tinh nhuệ, hàng chục nghìn thương binh bị đuổi ra khỏi
quân y viện, đã có ai có cái ý nghĩ kêu gọi đồng bào ở hải ngoại nghĩ ra chuyện
“lon gạo thương binh.” Phải đợi đến 20 năm sau, mới có những người bạn đồng
ngũ, mới ra khỏi nhà tù tập trung, thoát nạn, quần tụ nơi đây, ngồi lại với
nhau, nghĩ cách kiếm đồng tiền cho bạn bè. Cho đến bây giờ, mỗi năm, cả thế giới,
nhiều lắm là chúng ta mới có khoảng $2 triệu cho thương binh, trong con số $13
tỷ gửi về Việt Nam, mà đã có người kêu la bài bác, hô hào thương binh ngưng nhận
tiền cứu trợ, vì đồng tiền gửi về này, giúp cho chế độ Cộng Sản vững mạnh và sống
còn!
Có người còn dạy khôn các cơ quan cứu trợ thương binh ngưng
gửi tiền giúp cho các thương binh, để dành năng lực ủng hộ cho một cuộc vận động
không tưởng. Cũng có người dối trá với chính mình, khi khai tử đồng đội, cho rằng
việc cứu trợ thương binh là một việc làm “dối trá,” vì bây giờ, sau 40 năm, làm
gì còn có thương binh nữa!
Về việc đối xử với thương binh thua trận của chính phủ Cộng
Sản hiện nay, thì chính phóng viên trong nước, Bùi Minh Quốc cũng đã công nhận:
“Chính sách của chính quyền Việt Nam lâu nay từ sau 1975 tới nay rất tệ. Tức là
họ phân biệt đối xử và họ không quan tâm tới cái quyền sống của số anh chị em
thương phế binh của phía VNCH này.”
Việc cởi mở “có giới hạn” như những diễn tiến liên quan đến
thương binh VNCH tại chùa Liên Trì hay Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn trong thời
gian gần đây, và chưa lúc nào danh xưng Việt Nam Cộng Hòa được nói đến nhiều
như hôm qua, hôm nay sau 40 năm bị chôn vùi và lăng mạ. Nhưng những điều này
cũng không thay đổi được cuộc sống đen tối của những người đã chịu khổ 40 năm
qua, nhất là những anh em ở xa vùng phố thị. Điều đáng buồn hơn là ngoài các chức
sắc tôn giáo, một triệu người miền Nam trong 3 triệu người Sài Gòn hôm nay, vì
đang chạy theo “cơm áo gạo tiền,” hay ký ức đã xói mòn, như người mất trí, chẳng
còn ai lo âu, đoái hoài đến những người anh em năm cũ.
Trước khi nói đến những gì mà những người có lòng ở hải ngoại
đang cố gắng tìm con đường sống cho các thương binh, công việc cấp bách hiện
nay là tăng cường sự cứu trợ, vì con số thương binh chết càng ngày càng nhiều,
vì tuổi tác, bệnh tật và đói nghèo. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, anh em thương
binh cần chén cơm, viên thuốc hơn là những lời hứa hẹn hão huyền.
Chiến dịch “Một Gia đình-Một Thương Binh” đã được Hội HO Cứu
Trợ TPB phát động cách đây vài ba năm, tuy thấy đơn giản, nhưng thật khó khăn.
Người có hảo tâm dễ dàng gửi đến hội một số tiền, nhưng thấy phiền phức khi phải
có trách nhiệm, cưu mang lấy một gia đình, thường trực vài ba năm, lo lắng cho
họ. Đồng tiền bảo trợ giờ đây ấm áp thêm những lời thăm hỏi, thấm đượm tình người.
Chiến dịch này không phải là để trút gánh nặng cho quần
chúng, để các hội đoàn thiện nguyện phủi tay, đóng cửa, mà chỉ là lời kêu gọi sự
quan tâm của chúng ta đối với từng hoàn cảnh riêng của mỗi một người, mà người
cho kẻ nhận gặp nhau trong sự ân cần, gần gũi.
Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn đầy tình người, lẽ tất
nhiên là khó khăn hơn khi chúng ta gửi đến các hội thiện nguyện một số tiền, mà
thường là chúng ta chẳng hề quan tâm đến người nhận là ai.
Chỉ tính riêng những gia đình những người cựu quân nhân
trong tập thể cựu tù nhân chính trị, hay những quân nhân đã vượt thoát ra đi
vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, là những người đã từng chiến đấu bên cạnh
anh em thương binh ngày nay, đôi khi còn là cấp chỉ huy, con số này lên đến hằng
trăm nghìn. Một trăm nghìn gia đình bảo trợ cho 15,000 hồ sơ thương binh, không
phải là chuyện khó khăn không làm được, nhưng cũng phải nói đây là chuyện khó
khăn.
Phần lớn, có những chuyện chúng ta hay quên phải có người
khác nhắc nhở, phần lớn chúng ta “có lòng” nhưng trong cuộc sống lại thường “vô
tâm,” chúng ta đi nhưng thường ít khi quay đầu ngó lại.
Có những người chết cho chúng ta được sống, có những người
thương tật cho chúng ta lành lặn, có những người đành ở lại để chúng ta có cơ hội
ra đi.
Huy Phương
(*) Lời của Tướng Lương Xuân Việt