Sáng nay, 9 tháng 11, mở mắt ra nghe tin ông Donald Trump là vị tổng thống
thứ 45 của Hoa Kỳ.
Nhà văn Mai Thảo có viết truyện ngắn mang tên: “Hồng Kông phía dưới chân”.
Tôi ở Canada, nếu viết về xứ cờ hoa có thể nhái tựa “Mỹ quốc phía dưới chân”.
Hai người bạn đi bên nhau, một cao một thấp. Hãnh diện vì sở hữu được số đo
1m80, hắn ngó xuống bạn: Sao rồi, dưới đó có nực không? Trên này gió thổi hiu
hiu, mát quá chừng quá đỗi! Đứa cao 1m60 có thể sẽ thoá mạ thằng bạn ưa phách
tấu kia bằng những chữ chỉ nằm trong tự điển do bọn người ở chợ búa, ở phở
quát, bún chửi, cháo mắng sáng tác ra. Rất hổ lốn, rất lộm cộm, rất ngượng mồm.
Cỡ như ông Trump ưa dùng chữ F**K, đồ chó cái…
Sáng nay, 9 tháng 11 và là thứ tư, có xổ số Lotto Québec. Tôi sẽ mặc áo ngự hàn
chống gậy bỏ ra hai chục bạc thử thời vận rủi may trên những con số. Một hình
thức cờ bạc nhưng tạm nghĩ là mình cất công đi bỏ phiếu vậy. Như bên nhà có vị
làm thơ: “Hôm nay bầu cử tự do, tìm người xứng đáng ta cho vào hòm”. Duyên
dáng, sâu xa, gợi hình.
Vì sao tôi mọc ra ý tưởng chơi vé số? Trước hết, tôi có hơi dị đoan. Nếu đảo
lộn con số ngày này sẽ bắt gặp biến cố đau thương 11.9. Ngày 9 tháng 11, ở đây
hoặc ở bên Mỹ, người ta vẫn nằm lòng cái số khẩn cấp ấy. Chín Một Một. Bấm số
đó, nghe trong điện thoại lời hồi âm sốt sắng: Nine one one. Chúng tôi giúp gì
cho bạn đây? Ba mươi giây, xe cứu thương, xe cảnh sát, xe chữa lửa đồng loạt
cất tiếng hú vang rân đổ ngay trước ngõ, đèn xanh đỏ quét vằn vện náo động một
đoạn phố. Có chuyện thật, xẩy ra ở Alberta nghe mà tiếc nuối cho kẻ lâm nạn.
Nạn nhân cùng tuổi tôi, dò trúng sáu số trên vé với lô độc đắc là 57 triệu đã
bị nhồi máu cơ tim, vợ gọi “nai oan oan” và chồng chết trên đường tới bệnh
viện. Vợ than: Oan ôi ông địa! Sau đám tang, đời bà quả phụ lật qua trang khác,
huy hoàng không bút mực nào tả xiết. Tiếng Việt đương đại gọi là: “Tớ chảnh cho
bỏ những ngày cơ cực”.
Tôi ở Canada, người bị chứng mộng du thì thích rêu rao “xứ lạnh tình nồng”.
Đang tuần đầu của tháng 11 mà tôi đã rét run và tôi vẫn siêng đi tìm lá diêu
bông xem thử nó nồng tới cỡ nào. Tôi viết văn, tôi chẳng lạ gì chuyện thêu dệt,
đặt điều và tôi thích sự thật: Nóng cứ bảo rằng nóng, lạnh cứ bảo rằng đang
chết cha mệ nội bởi cóng thân. Lại mượn nhà văn Mai Thảo một lần nữa: “Nồng cái
đếch gì, nhà quê bỏ mẹ!” Hồi chưa khuất núi nhà văn Mai Thảo định cư ở bang
California, xét theo địa hình thì “phía dưới chân”. Ông từng Bắc tiến đôi phen,
chúng tôi cùng đốt thuốc giữa trời lộng tìm chút “tình nồng”, nghe người ở Mỹ
nói, giọng Bắc di cư trầm ấm: “Xứ cậu văn minh hơn chốn tôi ở, làm cái đếch gì
mà chúng cấm người ta hút thuốc, hở!”
Tôi rất tự hào được làm công dân xứ lá phong cho dù mãi sống trong băng giá.
Tôi quen không mấy người vì tôi muốn tìm riêng cho mình chút hơi ấm. Tôi ngạc
nhiên, không ngờ chuyện bầu cử bên Mỹ, phía dưới chân, lại gây ra lao xao lây
lan ngược lên xứ sở hiền hoà này. Giả như chốn đó xả lũ không đúng quy trình
thì dân tình ở đây vẫn bình chân như vại, chẳng dắt xe máy đi lội sông và gát
ngoài tai những vụ cứu trợ lùm xùm việc từ thiện qua nhiều công đoạn bị hoạnh
hoẹ ác đức bất nhơn. Nhắc tới Mỹ nhớ ngay ra nỗi ám ảnh CIA, móng vuốt của hung
thần đó vươn dài qua tới địa hình chữ S. Công an xứ Việt bắt kẻ tình nghi rồi
phán: Mày không CIA thì là CIB chứ còn chối cãi gì nữa! Nếu có máu khôi hài tù
nhân sẽ thưa: Dạ, nói vậy là oan cho em, em công tác ở CIC cơ đấy!
Trong cuốn phim “Love” do Gaspar Noé đạo diễn, trình chiếu đã gây sốc cho bá
tánh vì dám phơi bày cảnh giường chiếu bạo liệt “vượt quá mức quy định”, nhân
vật nam trong phim tên Murphy đã nói một câu “cực đoan”: Sống với đàn bà trong
nhà, lên giường với họ giống như bạn làm tình với một nữ nhân viên CIA, chẳng
điều gì bạn có thể dấu giếm được! (Tôi có quen vài ông bạn ăn nói linh tinh như
Murphy).
Làm nhớ một chuyện cười ở bên Nga mãi được truyền tụng:
“Có tiếng đập cửa cấp bách ở một căn hộ tồi tàn. Chủ hộ là người đàn ông rụt
rè hỏi trong tiếng ho: Ai đấy?
Ở ngoài vọng vào tiếng đáp trả sắc lạnh: Thần chết.
Lậy Chúa tôi! Cứ ngỡ là KGB”.
Bỏ Nga, bỏ Mỹ, bỏ Canada để ngoái đầu về quê mẹ. Trông vời cố quận lòng mãi
đau bởi người người ở đó luôn bị đối đầu với vô vàn tai hoạ. Nổi cộm là lời ai
kia vừa than: “Ở Việt Nam, căn hộ xứng đáng nhất dành cho người trí thức chân
chính là lao tù!”
Tôi yêu Canada, vì chốn đây luôn cử người đại diện để gõ tay vào những cánh
cửa mãi nhốt kín chân lý. Yêu cách họ làm từ thiện. Yêu động thái mang đầy tính
nhân văn khi ở vùng cao luôn cúi xuống, quan hoài tới những kẻ bất hạnh bị chôn
vùi dưới vực sâu. Tôi yêu xứ sở hoà bình này, đã nửa đời người tôi chưa hề nghe
nhắc tới một cơ quan cực khủng tựa như KGB hoặc CIA chốn đây. Dân luôn sống
chan hoà trong công đạo, bình đẳng. Và những mùa bầu cử tìm chọn người hiền tài
đã diễn trong êm đẹp, không khiến những vùng đất thấp để ý, lao xao.
Hồ Đình Nghiêm