29 December 2016

CHUYỆN ĐÊM CUỐI NĂM - Bùi Thanh Xuân

Anh bước lên bậc tam cấp khá khó khăn. Chẳng là anh bị một tai nạn lúc nhỏ nên chân đi khập khiểng. Tôi dìu anh lên bậc cuối cùng, mắt anh lướt nhanh rồi dừng lại chổ ngồi quen thuộc. Anh thích ngồi gần cửa sổ hơn. Chiếc bàn đã có người phụ nữ khác ngồi từ trước. Tôi chọn bàn bên cạnh

Ngập ngừng, anh nhìn người phụ nữ lần nữa, chị vẫn ngồi trầm tư
Đêm cuối năm vợ chồng tôi có thói quen cùng nhau đến quán cà phê này để được ngồi bên nhau, nhìn dòng người qua lại, cảm nhận khoảnh khắ cuối trôi qua rồi trở về nhà đón giao Thường thì tôi nói nhiều hơn
Tôi hỏi anh uống gì ? Anh lắc đầu trả lời “Gì cũng được”. Ngạc nhiên nhìn anh. Không lẽ anh giận tôi điều gì chăng? Lúc chiều vợ chồng vẫn vui vẻ, cười đùa với nhau, cùng nhau chuẩn bị một vài thứ cho ngày Tết
Tôi gọi hai ly cà phê đen đá. Anh gật đầu đồng ý, rút thuốc ra châm lửa. Rít một hơi dài rồi nhìn ra đường. Tính anh vẫn vậy. Mỗi lần vợ chồng giận nhau, anh chỉ nói vài tiếng rồi im lặng, không trò chuyện suốt mấy ngày. Tôi yêu anh cũng vì một phần đức tính ấy.
Khá lầm lì, anh không trò chuyện với tôi
Người phụ nữ bàn bên cạnh cũng đăm chiêu nhìn ra đường. Khuôn mặt chị khá đẹp. Thỉnh thoảng nói một câu tiếng anh để nhắc nhở cô bé khoảng năm tuổi đang chạy nhảy, tung tăng quanh quán. Cô bé có nét đẹp phương Tây. Tôi nhìn cô bé, bắt chuyện với người đàn bà lạ:
- Chị ở nước ngoài về thăm?
- Vâng !
Người đàn bà trả lời ngắn gọn, khuôn mặt không biểu cảm. Hình như chị đang suy nghi điều gì đó, không muốn trò chuyện với tôi
- Gia đình chị vẫn ở đây à ?
Người phụ nữ quay mặt đi.
- Không! Chẳng còn ai
Nét mặt buồn quá, đôi mắt thật đẹp Câu chuyện giữa tôi và người phụ nữ dừng lại khi chồng tôi bật lửa đốt thuốc. Anh liếc nhìn qua người phụ nữ khá lâu rồi im lặng. Anh đốt thuốc hơi nhiều
Người phụ nữ thật bí ẩn. Cách trả lời của chị khiến tôi tò mò
- Vậy chị về đây làm gì?
Người phụ nữ lắc đầu:
- Tôi về chơi thôi
- Chị đã có thời gian sống tại thành phố này phải không?
Người phụ nữ liếc nhìn ra đường, nơi tầm mắt của chị, chồng tôi đang suy nghĩ điều gì đó. Chị nói thật nhỏ:
- Tôi sinh ra và lớn lên nơi này, ngay tại chỗ này, cách đây vài căn nhà thôi. Tôi ra đi cũng từ nơi này…
- Ôi! Vậy sao? Tôi không nghĩ rằng chị đã từng sống ở đây
-Đúng vậy đó. Bốn mươi năm trước
Chồng tôi rút thêm điếu thuốc, bật hộp quẹt. Ánh lửa sáng bùng lên trên khuôn mặt. Tôi thấy anh ném cái nhìn thật nhanh về phía người phụ nữ, xuyên qua ngọn lửa của hộp quẹt ga. Ngọn lửa lắc lư ma quái bên dưới điếu thuốc rực cháy. Anh bưng ly cà phê lên. Qua vành ly, anh nhìn người phụ nữ ấy một lần nữa. Tôi nghĩ, có lẽ anh đang cố nhớ ra mình có quen biết hay không? Trước đây anh cũng đã từng sống gần đây mà.
- Chị ra đi từ hồi nào?
Chị đốt thuốc, nhìn tôi hồi lâu
-Tôi muốn quên chuyện này. Nhưng thôi, có lẽ là định mệnh. Tôi sẽ kể cho chị nghe
..
Tôi cùng gia đình ra đi trên chuyến tàu bão táp, mất hai người thân yêu. Ba tôi và anh trai. Tôi cũng mất luôn người yêu trước đó vài tháng. Hôm nay trở về đây không phải riêng chuyện nhìn lại ngôi nhà cũ của mình. Tôi về vì anh ấy
Mười bảy tuổi, học lớp mười một, tôi quen và yêu anh khi anh đang là sinh viên đại học khoa học Sài gòn. Nhà anh cách đây vài chục mét. Tổng động viên, anh rời giảng đường.
Đơn vị anh đóng gần đây nên chúng tôi thường gặp nhau. Anh đàn còn tôi hát. Tôi mất anh trong đêm ba mươi cuối cùng
Ba tôi là sĩ quan cấp Tá, làm việc tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn.
Trong số cấp dưới của ba tôi có một anh chàng thiếu úy trẻ, người miền Nam, thường hay lui tới và để ý tán tỉnh tôi. Anh chàng ăn nói nhẹ nhàng và lưu loát khiến tôi cảm thấy mến mỗi khi chuyện trò, nhưng để yêu thì không vì trái tim tôi đã có anh
Chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn, ba tôi hay đăm chiêu và cáu gắt. Đường phố lúc nào cũng đầy lính tráng và quân xa. Ngày trước, không hiểu chị có biết nơi này không? Nơi quán cà phê này gọi là ngã tư quân đoàn. Gia đình tôi ở cách đây vài trăm mét, phía đằng kia. Ngôi nhà mà bây giờ là ngân hàng gì đó. Vì ở gần khu quân sự nên tôi luôn nhìn thấy cảnh như chiến tranh sắp nổ ra.
Anh chàng thiếu úy lui tới nhà tôi nhiều hơn, hay nhỏ to gì đó với ba tôi. Có lẽ là bàn luận về chiến sự. Thật lòng, tôi cũng không quan tâm đến điều ấy lắm. Thỉnh thoảng đến bên tôi hỏi han chuyện học hành. Có khi chuyện này, chuyện nọ. Trong một lần như vậy, anh ấy đã đề nghị đưa tôi di tản vào Sài Gòn nếu quân đội miền Bắc tấn công vào đây. Điều đó khiến tôi hoang mang


Đêm ba mươi Tết anh đến. Chúng tôi dự định sẽ có một đêm thật tuyệt đón giao thừa với một tí lãng mạn
Chàng thiếu uý quanh quẩn trong nhà, có ý định nói điều gì đó. Tôi nghĩ vậy. Khi anh bước chân vào nhà cũng là lúc chàng thiếu uý nắm bàn tay tôi. Mọi việc xảy ra quá nhanh Tôi thảng thốt nhìn anh đứng bất động . Khoảnh khắc bất ngờ, tôi không hề lường trước được có một tình huống sẽ xảy ra như vậy.
Anh quay lại đơn vị, không từ biệt. Vài ngày sau tôi được tin anh chuyển ra một đơn vị tác chiến đóng tại Huế
Gia đình tôi ra đi trên hạm đội Mỹ vào cuối tháng ba. Đó là chuyến cuối cùng Mỹ tham gia di tản Trong đoàn người thất trận, có một anh lính nhận ra tôi. Người này là đồng đội của anh, báo cho tôi biết anh đã tử trận trên đường rút lui. Tôi dau đớn vật vã dưới cái nắng thiêu đốt trên biển.


Tôi mất mát quá nhiều. Anh trai tôi rơi xuống biển khi cố đu dây lên tàu. Trên tàu hỗn loạn, tiếng kêu gào, khóc lóc. Cha mất con, vợ mất chồng. Tiếng chửi mắng thô tục và cả tiếng súng nổ. Mạng sống con người rẻ hơn bèo. Chiến hạm Mỹ có nhiệm vụ cứu người di tản chứ không tham gia vào việc giữ an ninh trên tàu nên một số người đàn ông mang sung, mặc quân phục rằn ri, đe dọa, cướp bóc và hiếp dâm .Họ là những tên tù phá ngục.
Và tôi cũng là nạn nhân của lũ quái vật ấy.
Chúng đã cưỡng bức tôi ngay giữa đám đông, trước mặt ba mẹ. Mọi người bất lực nhìn tôi la hét, quẩy đạp. Mẹ tôi quỳ xuống lạy lục,van xin ngay dưới chân tôi.
Ba tôi lúc ấy quá uất ức. Từng là một sĩ quan quân đội vậy mà chỉ biết nhìn con gái bị cưỡng hiếp trước mặt mình. Trong giây phút kinh hãi, đau đớn, tuyệt vọng, nhục nhã ấy, ba tôi nhảy xuống biển tự vẫn.
Trong nỗi đau tột cùng của thể xác lẫn tâm hồn. Tôi ngất đi, thấy mình bay bỗng.
Có tiếng chim lảnh lót đâu đó. Tiếng suối reo. Tiếng mưa ràn rạt bên ngoài. Tiếng sấm sét ầm ào và tiếng u u xoáy vào từng tế bào cơ thể.
Rồi đâu đó vọng về tiếng đàn. Tiếng đàn của anh trong tâm thức tôi. Tiếng đàn nghe như dìu dặt, do dự, lừng khừng. Lúc vang, lúc lặng. Rồi lại xối xả. Tiếng thác đổ. ầm ào. .
Tỉnh dậy sau cơn mê đau đớn, tôi bềnh bồng, chao nghiêng. Nghe tiếng sóng đánh vào mạn sườn con tàu âm âm.
..


Tôi được định cư ở Mỹ sau khi chiến hạm chở người di tản vào đảo Guam. Con gái tôi chào đời sau đó tám tháng rưỡi. Kết quả của lần bị hãm hiếp tập thể trên chiến hạm Hải quân hùng mạnh nhất thế giới.
Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn không quên được những gì đã xảy ra. Có đôi lúc bi quan, tôi muốn tìm đến cái chết. Những lúc như vậy, tôi lại nghe văng vẳng tiếng đàn của anh. Nhờ vậy mà tôi tiếp tục sống đến bây giờ.
Tôi không bao giờ quên được cái chết của Ba tôi. Hình ảnh anh trai tôi bị sóng vùi đến ngất ngư rồi chìm dần dưới đáy chiếc tàu cứ ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ.
Tôi làm sao quên được hình ảnh anh bước vội ra khỏi nhà trong đêm ba mươi tết ấy.
Tôi tin anh vẫn còn sống đâu đó. Không gì có thể đánh lừa giác quan của tôi. Tôi có lỗi với anh, nhớ anh. Lo lắng cho số phận của anh sau chừng ấy năm xa nhau. Không biết anh lưu lạc về đâu sau lần loạn ly đó. Tôi đã trở lại đây nhiều lần vào dịp gần Tết. Tôi đã ngồi trong quán này ba lần trước vào đêm ba mươi Bốn mươi năm rồi, tôi vẫn sống với hình ảnh của anh trong tim. Một cuộc sống hãi hùng. Đã thử một lần đi lấy chồng để quên chuyện cũ, nhưng cuộc hôn nhân với một người Nhật không kéo dài được bao lâu. Vì chồng tôi không muốn sống với một người đàn bà lạnh cảm. Chúng tôi ly dị
Người phụ nữ lau vội những giọt nước mắt trên má. Chị nhìn đồng hồ.
- Có lẽ đã gần đến giờ tôi phải ra sân bay để vào Sài Gòn. Chuyến bay đêm ba mươi lúc nào cũng buồn. Đêm nay tôi muốn mời anh chị ly cà phê này vì đã cố gắng lắng nghe câu chuyện của tôi. Chị gọi hộ tôi taxi nhé!
Người phụ nữ gọi tính tiền, xong đứng lên, cầm tay con bé bước ra khỏi bàn. Tôi đến gần người phụ nữ và cảm ơn đã mời vợ chồng tôi. Cám ơn đã kể cho tôi nghe một câu chuyện tình buồn cuối năm. Tần ngần lúc lâu tôi hỏi:
- Chị còn nhớ tên anh ấy không?
Chị liếc vội vè phiá chồng tôi, nói khá nhanh :
- Sao tôi lại có thể quên được chứ. Anh ấy là N. X. Hôm qua là sinh nhật của anh ấy Tạm biệt anh chị nhé.
Hai bà cháu bước vội ra khỏi quán, vừa lúc taxi đến.
Hai tay vịn chặt mép bàn cho khỏi ngã. Đôi chân run rẫy không nhấc lên được. Tôi bất lực nhìn theo người phụ nữ
Khi cánh cửa taxi chuẩn bị khép lại. Thật khó khăn, tôi chạy vụt ra ngoài, nơi chiếc taxi đang nổ máy. Người phụ nữ ngạc nhiên nhìn tôi:
- Có gì vậy chị?
- Này chị ! Chị vừa gặp lại anh ấy rồi đấy. Chúc chị đi bình an.
Người phụ nữ nắm lấy tay tôi:
- Cám ơn chị ! Tôi nhận ra từ lúc anh ấy bước vào quán cùng chị cách đây hai năm trước rồi. Đây là lần cuối cùng tôi quay lại nơi đây. Gặp lại anh, tôi mãn nguyện và an lòng vì đã có chị bên cạnh. Đêm nay tôi thật hạnh phúc. Chăm sóc anh ấy nhé! Chuyện trò với chị vui lắm. Chào chị.
Đôi mắt người phụ nữ đỏ hoe.
Chiếc taxi vụt đi.
Chồng tôi lấy xe máy để về. Khó khăn lắm mới đẩy được chiếc xe xuống lề đường. Chân trái anh hơi khập khiểng. Mẹ chồng tôi nói rằng anh bị thương trong một trận đánh nào đó.
Bây giờ tôi đã hiểu nguyên nhân tại sao chân anh bước cao, bước thấp như vậy.

Bùi Thanh Xuân