31 December 2016

ĐÊM CUỐI MÙA THU - Nguyễn Lê Hồng Hưng

Hôm nay mặt trời tỏa sáng yếu ớt được một lát rồi trốn đâu mất. Những đám mây xám đã trở thành màu đen đậm che phủ cả bầu trời. Mưa rơi không nhiều nhưng thẳng giọt, những giọt mưa bắn xuống lòng đường rào rạt và làm rãnh nước bên đường nổi bọt. Những chiếc lá màu vàng lưa thưa còn vướng lại trên cành cũng sắp sửa về với cội nguồn. Trời sắp vào đông rồi, tôi với Iwan đạp xe tới khu mua sắm vùng Marghera thuộc thành phố Venezia. Vừa tới nơi Iwan liền đi thẳng vô tiệm bán đồ thể thao mua lưỡi câu. Nó nói:

– Chú chờ tui một lát, mua xong tui ra liền.

Tôi nói:
– Mầy thong thả lựa đồ mua, mình có nhiều thời gian mà, tao đi dạo quanh đây, khi nào mua xong mày gọi điện cho tao.
– Okay, lát gặp.
Tôi đi băng ngang khoảng sân rộng hướng qua trung tâm chợ Panorama. Giữa sân trống, đèn bóng nhỏ giăng từ những trụ cột thấp lên chót cột cao, theo mái nhà viền óng ánh bàng bạc biểu tượng của ngày Chúa ra đời. Giữa tháng Mười Hai, trời lành lạnh, mưa lai rai, không khí Giáng Sinh tràn ngập, không gian hiền từ như chuyển tải tình thương về từ cõi xa xăm.

Trong các cửa tiệm người ta treo đèn, kết hoa và màu sắc vui tươi in rõ trong những phần quà gói gấy kiếng bóng treo lủng lẳng và xếp ngay ngắn trên những dãy kệ dài. Tôi dạo gần khắp siêu thị nhưng không mua gì hết. Nhìn quanh người đẩy xe, người xách giỏ, trong xe, trong giỏ người nào cũng đựng nhiều đồ đạc, chỉ có tôi là tay không. Đi ngang qua quày rượu thấy một chồng bia Heineken xâu lại từng cặp, tức là hai lon một chùm, dung tích một lon 33cl, giá một cặp là €1,90, giá bia Heineken trong các tiệm bình thường là €1,30 một lon, hôm nay siêu thị hạ giá bia Heineken. Không lưỡng lự, tôi chộp liền năm cặp, tính đi xem chơi nên không xách giỏ đựng đồ, tôi bèn ôm mười lon bia vô ngực rồi đi thẳng ra quày tính tiền.
Trả tiền xong, tôi định xin túi nhựa đựng bia. Iwan tới đứng sau lưng hồi nào hông biết, hai tay nó mở miệng sẵn chiếc ba lô chìa ra trước mặt tôi:
– Bỏ vô đây nè chú.
Tôi ngạc nhiên day qua, hỏi:
– Ồ, mày tới hồi nào?
Nó cười hì hì.
– Vừa tới thấy chú đi ra nên tui đứng đây chờ.
Bỏ mười lon bia vô ba lô xong, chúng tôi đi ra phía trước cửa khu chợ. Tôi hỏi:
– Mày còn mua gì nữa hông?
Nó chỉ tay qua tiệm bán thuốc lá nói:
– Tui vô đó mua mấy gói thuốc và thẻ điện thoại.
Tôi chợt nhớ ra:
– À. tao cũng vô đó mua mấy thẻ xe bus.
– Chú định vô Venezia hả?
– Mua bỏ túi phòng khi cần.
Vô tiệm mua đồ xong trở ra thì trời lại mưa. Tôi nói.
– Dạo này trời hay mưa quá, hôm ở Trieste bị mắc mưa, qua Venezia cũng bị mắc mưa, bận áo mưa vẫn bị ướt như chuột lột, hôm nay bị mưa nữa. Iwan đưa tay ra hứng mưa và nói:
– Mưa không nhiều, hổng ướt đâu chú.
Tôi hỏi Iwan.
– Mày tính sao?
Nó nhìn ra ngoài trời và nói:
– Tui phải mua kebab cho ba đứa ở trên tàu, chú đi với tui nhé.
Tôi chỉ tay vô bên trong khu chợ Panorama:
– Trong kia có tiệm pizza cũng có bán kebab.
– Nhưng thịt heo không à, chỗ này của đạo Hồi.
– Đi thì đi.
Chúng tôi kéo áo cho kín ngực và trùm đầu cẩn thận rồi ra chỗ để xe lấy xe đạp. Iwan đạp đi trước, tôi đạp theo sau. Quanh qua quẹo lại hai ba con đường tới một quán bán kebab nó dừng lại trước cửa, chờ tôi dừng xe nó nói:
– Tới rồi chú.
Tôi bước xuống dựng xe, nó rút hai sợi dây cáp khoá xe ra. Tôi hỏi:
– Gần cửa tiệm mà khoá chi nhiều vậy?
Nó kéo hai cỗ xe lòn dây vô hai bánh xe, vừa khoá nó vừa nói:
– Ở Ý mà chú.
Tôi chợi nhớ mấy tuần trước tôi bị mất một chiếc xe đạp vì tôi khoá loại khoá thường, trong khi ở đây ai cũng khoá bánh trước bánh sau bằng lòi tói hoặc dây cáp lớn bằng ngón tay cái. Tôi nhìn vô quán, xuyên qua khung kính, thấy một thanh niên da nâu nhỏ thó quấn khăn hijab hồi giáo có bộ râu giống y chang râu của Osama bin Laden. Tôi hỏi:
– Ồ, người In Đô hả?
– Hổng phải, Bangladesh chú, ở đây có kebab gà rất ngon, lát nữa chú ăn thử.
Khoá xe xong tôi với Iwan đi vô quán. Trong quán trưng bày một búp phê, một lò nướng pizza bằng than, một kẹp nướng kebab bằng điện bên cạnh một xâu thịt bự như cái khạp dựng đứng đương quay bên vỉ lửa điện cháy hồng. Phía trước một tủ lạnh đựng nước ngọt, một cái bàn và bốn ghế cao cẳng, quán nhỏ xíu mà lại vắng teo. Chúng tôi vừa bước vô, gã thanh niên từ trong bước ra mừng rỡ ôm Iwan hôn theo cách chào của đạo Hồi. Xong cái màn xã giao, gã day qua tôi chìa tay bắt. Tôi chưa kịp giới thiệu thì Iwan nói:
– Chú Tấn, trên tàu tụi tui kêu là uncle Tấn.
Gã gật đầu, nắm chắt tay tôi gặt gặt:
– Okay, tui cũng kêu uncle Tấn. Chú tới từ đâu?
– Việt Nam.
– À, Việt Nam, chú theo đạo nào?
– Ồ, đạo hả? Đơn giản lắm, đạo của tui là tử tế và tình thương.
Iwan chen vô:
– Chú Tấn đạo Phật.
Vừa nghe nói đạo Phật gã day ngang hỏi.
– Chú có biết đạo Phật bên Miến Điện hông?
– Có.
– Họ giết người, cướp của, đốt nhà của đạo Hồi.
– Tui biết.
– Chú thấy thế nào?
Tôi nhìn gã cười một cái, bán buôn trước mặt hổng lo mà chuyện bên kia trái đất. Tôi để tay lên vai gã và từ tốn hỏi:
– Này ông bạn, bán buôn có khá lắm hông?
– Ồ, lúc lênh lúc xuống, tùy Allah cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
Iwan chen vô nói với gã:
– Ông làm cho tui hai kebab ăn tại đây, thêm ba cái gói đem về.
Gã vừa gật đầu với Iwan vừa thụt lui vô trong nhưng mặt vẫn hướng về phía tôi:
– Chú có dọc kinh Koran không?
– Ồ, tui hổng biết tiếng Á Rập.
Gã đi vô lấy thịt và bánh ra làm kebab, vừa làm vừa nói chuyện về Allah, về thiên đường cho chúng tôi nghe. Tôi và Iwan ngồi lên hai chiếc ghế cạnh chiếc bàn cao. Gã làm hai phần kebab bưng ra để lên bàn cho tôi và Iwan. Hình như nói chưa đủ, gã đi vô trong một lát sau đem ra một tablet, không biết mở cái gì mà tôi nghe phát ra tiếng ồn ào. Khi gã đem tablet dựng trước mặt chúng tôi, mới thấy trên màn ảnh một đại hội các tôn giáo tổ chức bên Ấn Độ, phần diễn thuyết của mấy giáo chủ đạo Hồi. Gã tỏ vẻ hài lòng khi thấy chúng tôi không ý kiến, lúc đó mới chịu vô làm tiếp mấy phần kebab. Bỏ kebab vô lò kẹp nướng rồi gã trở ra mở tủ lạnh lấy hai lon nước ngọt để trước mặt chúng tôi:
– Cái này tui mời.
Khi gã trở vô, Iwan ái ngại nhìn tôi và nói nhỏ:
– Xin lỗi chú.
– Chuyện gì?
Iwan hất mặt vô chỗ gã đương lui cui trở kebab:
– Hắn nói về đạo nhiều quá.
Tôi vỗ nhẹ nhẹ lên vai Iwan:
– Hổng sao đâu, ai cũng có tín ngưỡng riêng. Mày không thấy sao, ngày nay người ta lồng những lời hay ý đẹp trong nhiều tấm hình châm ngôn của Chúa, của Phật, của Allah... post tràn lan trên mạng, trên Facebook. Những tín đồ của các giáo phái đi rao giảng khắp nơi, họ nói về nước thiên đường, cõi cực lạc nào đó ở ngoài trái đất. Nhưng thiên đường đâu hổng thấy mà ngày nào cũng nghe bom nổ, máu đổ và người chết.
Iwan rùng mình một cái:
– Chú hổng thấy phiền sao?
– Lên thiên đường mà gặp những người râu quai nón, vấn khăn hijab kiểu này chắc phiền lắm đó. Không sao, thong thả ăn uống đi, suy nghĩ nhiều quá cũng là phiền.
Chúng tôi ăn uống xong đứng lên tính tiền. Gã thanh niên tính tiền xong, cầm bọc kebab ra trao tận tay Iwan. Thấy Iwan cầm điếu thuốc định đốt, gã ra vẻ nghiêm khắc, nói.
– Không được hút, phạm giới (haram). Iwan bẽn lẽn day ngang bỏ điếu thuốc vô thùng rác. Gã tỏ vẻ hài lòng giống như người cha hài lòng khi thấy đứa con ngoan. Gã day qua đưa cho tôi một quyển sách cỡ bàn tay bằng tiếng Anh.
– Chú đọc để hiểu biết về đạo Hồi.
Không muốn lôi thôi, tôi cầm quyển sách gật đầu:
– OK, cám ơn.
Tôi và Iwan đi ra, gã đi theo tới cửa và đưa ngón tay cái ra trước mặt tôi gặt gặt:
– Tốt tốt, tôi bảo đảm, theo đạo Hồi chú sẽ được lên thiên đường tức khắc.
Tôi nhìn qua bên kia đường, thấy trước cửa dãy nhà đối diện, những bóng đèn tí ti chớp nhá trên cây thông hoặc kết thành biểu tượng của mùa Giáng Sinh. Dân Ý theo đạo Thiên Chúa, những năm gần đây nước Ý phải gánh chịu dân tỵ nạn qua từ bắc Phi, bên kia bờ Địa Trung Hải, dân chúng sợ tụi khủng bố trà trộn làm ẩu, vậy mà gã vấn khăn, để râu và truyền giáo đạo Hồi giữa thánh địa của Thiên Chúa, quả thật gã không coi dân Ý ra gì hết.
Trên đường đạp xe về, mưa còn lâm râm, làm những chiếc lá vàng trên đường ướt nhẹp. Dưới ánh sáng lờ mờ của những bóng đèn đường từ xa dọi lại, vài cô gái trẻ bán dâm mang túi xách đứng ỏng ẹo, thấy chúng tôi chạy ngang các cô đưa tay chào mời. Chúng tôi chạy thẳng tới ngã tư dừng lại chờ đèn đỏ. Iwan móc thuốc ra bật quẹt châm hút, phà một hơi khói, ngó mấy con nhỏ với vẻ mặt khát khao, nó nói:
– Đạo hồi chơi gái cũng phạm giới.
Tôi chỉ điếu thuốc trên tay nó và nói:
– Hút thuốc cũng phạm giới vậy.
– Đạo Phật có phạm giới hông chú?
– Phật thì có giới luật, nhưng tao thì không.
– Sao vậy chú?
– Vì tao chưa thành Phật.
Thấy mặt thằng nhỏ có vẻ thèm chơi nhưng còn ngần ngại. Tôi chỉ tay qua mấy cô gái đứng đằng kia, nói:
– Mày thấy không, mấy đứa nhỏ đó đứng dưới mưa, giữa trời lạnh, nếu đứng như vậy suốt đêm, sáng mai bị bịnh cũng hổng chừng. Mày đưa cô ta vô khách sạn, được nằm nệm êm, có lò sưởi ấm áp, được chơi và được tiền. Trước mua vui sau là việc nghĩa, đâu có đạo nào cấm giúp người và cấm người ta không được vui sướng, phải không?
Có lẽ mấy cô gái thấy đèn xanh cho người đi xe đạp và đi bộ bật lên mấy lần mà chúng tôi không băng qua đường, nên có cô tới chào mời. Iwan nhìn tôi dò ý, tôi nói với nó:
– Mày muốn chơi thì chơi, đưa túi đồ cho tao, tao đem xuống tàu trước.
Nó dòm qua cô gái và ngó qua tôi, nói:
– Chú hổng chơi hả?
– Khùng, tao già rồi, lỡ đương chơi bị giựt méo miệng, sôi bọt mép, người ta chụp hình nằm trần truồng đăng lên báo mất công nổi tiếng, kỳ lắm.
- Tại mấy ông đó dùng thuốc nhiều quá.
- Già rồi hông dùng thuốc làm sao chơi.
– Vậy chú chờ tui được hông? Một giờ thôi.
– Mày chơi tới sáng cũng hổng sao.
– Mười hai giờ tới phiên tui trực.
Tôi cúi xuống bấm điện thoại xem giờ xong ngước lên, nói:
– Mới hơn tám giờ, đưa ba lô tao mang, mày thong thả chơi từ từ, khi nào xong phone cho tao.
– Chú xuống tàu hả?
– Thì đưa kebab cho mấy đứa ở dưới ăn cho ngon.
Iwan nói.
– Nhưng tui không muốn mấy đứa biết tui chơi gái.
– Tao thấy tụi nó cũng chơi hà rầm.
– Nhưng chú xuống có một mình, tụi nó hỏi tui.
Tôi chỉ tay qua quán bar bên kia đường.
– Được rồi, mày yên tâm chơi đi tao qua bên đó ngồi chờ mày.
Đèn đường bật lên màu xanh, tôi nhón người định đạp xe băng qua đường. Iwan kêu lại:
– Chú chờ tui một lát.
Iwan day qua hỏi cô gái đi với nó tới khách sạn bằng xe đạp được không. Cô gái lắc đầu đòi đi tắc xi. Iwan day qua tôi:
– Vậy tui để xe đạp chung với xe chú trước quán bar nhé.
Tôi nói:
– Dĩ nhiên.
Iwan day qua kêu cô gái chờ một lát nhưng cô ta đòi đi theo. Định băng qua đường, nhưng đèn đường bật sang màu đỏ, chúng tôi phải đứng lại chờ đèn xanh rồi mới dắt xe băng qua.
Bên trong bar sáng sủa, trên vách treo đèn bóng li ti hình ngôi sao, cây thông và nhiều biểu tượng Thiên Chúa. Những món bánh pizza, bánh ngọt để trong búp phê cũng trang hoàng đẹp đẽ theo phong cách của mùa Giáng Sinh. Rượu nho trắng, rượu nho đỏ và nhiều hiệu rượu xếp thứ tự, ngay hàng trên kệ. Không gian ấm áp, sáng sủa, đâu còn nơi nào thích hợp, lãng mạn cho các buổi hẹn hò hay tụ họp gia đình ấm cúng hơn nơi này. Cô gái đứng trong bar chào tôi, tôi không nghe được tiếng Ý, nhưng cũng đoán được cô hỏi gì. Tôi bước tới đứng trước bar, nói:
– Cô cho tôi ly bia loại nhỏ:
Cô gái rót bia đưa cho tôi, tôi bưng ra chiếc bàn dài, để ba lô xuống và leo lên ngồi. Chợt nghe có tin nhắn qua điện thoại, tôi móc điện thoại ra xem, thì ra hôm kia có cô bạn nhắn hỏi:
– Giáng Sinh tới rồi anh có chương trình gì hông?
Tôi trả lời:
– Giáng Sinh gần kề, thương yêu nhiều và thoang thoáng nhớ nhung... Tới hôm nay cô mới nhắn trả lời:
– Có gia đình để yêu thương, có nơi để nhớ là số một trên đời...
Hớp một hớp bia, tôi bấm máy trả lời.
– Nếu có nơi để nhớ thì gọi điện thoại hỏi vài câu thì hết nhớ liền.
Gởi tin nhắn xong tôi khoá internet, cất điện thoại vào túi. Bưng ly bia lên hớp một hớp, nhìn nhóm người ngồi quanh một chiếc bàn rộng và những đôi tình nhân hay cặp vợ chồng ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn nhỏ. Chợi nhiên tôi thấy mình lẻ loi. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác cô đơn, một cảm giác nhẹ nhàng và lòng thoang thoáng nhớ nhung một cái gì không rõ rệt.

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Trieste 15-12-2016