31 December 2016

NGUYỆT KHUYÊN - Phan Việt Thuỷ


Thiếu nữ áo tím
Đỗ Duy Tuấn

Nắng chiều vàng vọt, nhảy múa trên từng ngọn cây kẻ lá. Những mái nhà san sát. Mái tôn ôm sát mái tôn lóng lánh. Con đường dẫn vào phố bắt đầu từ ngã ba. Mọi sinh hoạt tấp nập, nhộn nhịp tập trung dọc theo hai bên con đường nầy. Sự gặp gỡ thân thiết cũng bắt đầu từ đây. Hàng phương vỹ đỏ rực kẻ thành một đường chia khu phố thành hai miền rõ rệt.


Mỗi khi thấy hoa phượng lác đác rơi, lòng tôi không khỏi nao nao với những kỷ niệm tuổi học trò. Một mùa chia tay, rồi hai mùa chia tay… Mỗi lần như thế, tôi thấy mình như cao lớn hẳn lên với bao lưu luyến. Nhớ cổng trường im mát, nhớ những người bạn thân ngồi bên nhau suốt bao nhiêu năm trời. Nhớ quay quắt. Nhớ những vị thầy đáng kính, suốt đời tận tuỵ với học trò. Bây giờ, từ trên căn gác nầy nhìn vào khoảng trời xanh mênh mông và những hình ảnh bạn thân hiện về: nào Châu mọt sách, Tùng còm, Thuý đanh đá… tản mác mỗi người mỗi phương. Tất cả đã vào đời. Bây giờ, tôi chỉ còn lại một người, Công Tằng Tôn Nữ Nguyệt Khuyên. Ai đọc cái tên thôi cũng đủ mỏi mắt. Không biết trên xứ sở nầy còn có ai tên dài hơn Nguyệt Khuyên nữa không?

Tôi quen Nguyệt Khuyên như một tình cờ, điền giúp tờ đơn thi vào đại học. Tôi nhớ, tôi đã viết đi viết lại hai lần vẫn không ép đủ khoảng trống điền tên. Cái tên thế nào thì con người Nguyệt Khuyên cũng như thế, lê thê, lượt thượt. Nổi bật nhất là mái tóc không khác đuôi ngựa. Ai nhìn cũng phải say đắm, nhất là lúc Nguyệt Khuyên đi ngược chiều gió. Có mật lần tôi hỏi Nguyệt Khuyên:

– Sao em không cắt ngắn tóc bớt đi?.
Nguyệt khuyên trả lời một cách dễ thương làm tôi xúc động:
– Em chưa một lần thề thốt.
Có lẽ, tôi yêu Nguyệt Khuyên bắt đầu từ đó. Tôi không ngờ tình yêu đã đến. Quả thật, có ai tính toán được tình yêu bao giờ. Tôi như uống vào một thứ rượu kỳ diệu, ngây ngất. Cảm giác lưng lưng những lần hẹn hò gặp gỡ, đưa đón.
Tôi vào đại học trước Nguyệt Khuyên một năm. Cho nên, tôi phải làm đủ thứ giúp Nguyệt Khuyên: chép bài, mượn sách, ngồi giảng đường nghe giảng. Tôi say mê thú vị là hàng tuần chở Nguyệt Khuyên đến thư viện mượn sách. Tôi nhận ra mình như khù khờ của kẻ đang say trong tình yêu. Nhưng tôi thấy chưa có khoảng đời nào thú vị, đẹp đẽ bằng thời gian tôi yêu Nguyệt Khuyên say đắm đến thế.
Cuộc đời sinh viên quả thật nghèo. Hàng tuần, phải ngửa tay xin ba mẹ từng năm, mười đồng. Biết vậy, chứ không có năm, mười đồng trong túi cũng thành thằng cù lần. Có một chiều Thứ Bảy, tôi phải mượn một người bạn mười đồng để đưa Nguyện Khuyên đi xem phim hay. Bạn bè ai cũng đi xem, mình ở nhà sao được. Trong lúc xem phim, đến đoạn ngọn đèn mờ dần, tôi nói với Nguyệt Khuyên:
– Tình yêu chúng mình cũng như ngọn đèn. Anh là cái tim đèn và em là dầu trong bình. Nếu ngày nào đó, không còn dầu trong bình thì tim đèn cũng héo hon tắt ngụm.
Nguyệt Khuyên quay sang tôi, đưa tay nhéo một cái:
– Anh nầy so sánh kỳ quá. Vậy thì thiếu gì dầu, anh kiếm đâu cũng được.
Tranh luận vui vui vậy mà chúng tôi đã bỏ qua một đoạn phim hay. Tôi tự ví cuộc đời tôi như căn phòng tối, cần có cây đèn. Tôi là tim đèn và Nguyệt Khuyên là dầu. Nếu không có cây đèn, cuộc đời tôi sẽ âm u.
Bốn năm trời trôi qua, tưởng như một giấc mộng. Tôi và Nguyệt Khuyên có những mong ước rất tầm thường, một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Hai chúng tôi say sưa với những công tác xã hội, làm bất cứ việc gì có thể giúp người nghèo khổ. Năm lụt mang lại vô cùng tai hoạ, nhiều gia đình đói khát, thiếu thốn. Chúng tôi cùng một số bạn bè trong gia đình Phật tử chèo thuyền đi tiếp tế thức ăn, nước uống từng nhà. Trời mưa tầm tã, gió mạnh từng cơn. Cái lạnh thấu xương se thắt. Hai hàm răng run lập cập nhưng ai cũng vui vẻ hào hứng chèo những con thuyền nhỏ đi từ nhà nầy sang nhà khác vừa trao phẩm vật vừa vớt người. Chẳng bao lâu, những chiếc thuyền cấp cứu đã đưa được mấy trăm người đàn bà, trẻ con và người già lên một góc phố cao. Người lo nấu cơm phát thuốc. Người khác tiếp tục di chuyển số người đang trong vòng nguy hiểm.
Cuối năm đó, tôi ra trường và biết thế nào cũng phải đi xa. Từ đó tôi bắt đầu hỏi cưới Nguyệt Khuyên. Bao nhiêu khổ tâm tràn đầy tâm hồn tôi. Nguyệt Khuyên thuộc dòng giỏi gia đình quí tộc. Gia đình tôi nghèo lắm, làm sao bây giờ. Ngang trái bắt đầu. Ba mẹ Nguyệt Khuyên nhất định không cho chúng tôi thành vợ chồng. Nguyệt Khuyên cho biết, mẹ Nguyệt Khuyên nói:
– Làm sao để họ hàng ngồi lại được, bao nhiêu to nhỏ xầm xì bỉu môi bỉu miệng, ai mà chịu được.
Tôi ngỏ ý cùng cha mẹ tôi, cha mẹ tôi cũng lắc đầu lia lịa: gia đình mình nghèo quá con ơi. Người ta chắc chắn không chịu đâu.
Tôi nghe nói mà tâm hồn não nề. Giận mình và thương cho những cô gái sinh ra trong những gia đình quí tộc. Trước khi yêu ai, phải đắn đo chọn lựa. Chọn lựa người thuộc dòng dõi gia phong, giàu hay nghèo, địa vị thế nào. Tôi nghĩ đến là nhức cả đầu. Trong xã hội Việt Nam, tình yêu, hôn nhân sao mà phức tạp quá. Thời đại bây giờ mà còn phân biệt giai cấp, giàu nghèo.
Phố vừa lên đèn. Những con đường nhộn nhịp vào buổi tối như ngộp thở. Hơi nóng buổi chiều còn sót lại oi bức. Nguyệt Khuyên đến, mặt mày ủ rũ, hớt ha hớt hãi. Tôi đoán biết thế nào cũng có chuyện không lành. Chưa kịp ngồi xuống, Nguyệt Khuyên đã nói:
– Nan giải quá anh ơi. Em không có phương thức giải quyết. Em biết như thế nầy, em đã không thèm quen anh làm gì cho khổ như thế nầy.
– Em nói sao? Vừa rồi ở nhà có chuyện gì?
– Ba mẹ em nhất định không cho em lấy anh. Nhưng em cũng đã nói là em đã yêu anh thật lòng. Em mà không lấy được anh, em chẳng bao giờ lấy được ai. Em sẽ đi tu cho trọn tình trọn hiếu. Cũng bởi câu nói nầy mà cả nhà em làm rầm cả lên, cho em là người con bất hiếu, không vâng lời ba mẹ. Người em bây giờ bủn rủn tay chân, đầu óc như điên cuồng.
– Từ từ đã nào. Cha mẹ ai mà không thương con. Chúng mình tìm cách xoay đổi tình thế.
Cứ nghĩ như thế, tôi và Nguyệt Khuyên chuyển sang chiến tranh lạnh, không nói năng đề cập gì đến chuyện cưới hỏi nữa và cũng không van nài, tranh luận.
Nguyệt Khuyên nói đầy tin tưởng:
– Cứ để yên vậy. Một năm, hai năm ba mẹ em thấy em càng ngày càng lớn tuổi mà chưa chịu lấy chồng. Khi đó, ba mẹ em dục em “lo lấy chồng đi con”. Em nghĩ, chúng mình sẽ có cơ hội tốt. Nhiều người con gái khác thường sợ hết tuổi thanh xuân, khó lấy chồng. Riêng em, em chẵng sợ ế đâu. Vì em đã trao trọn niềm tin nơi anh. Em chẳng bao giờ nghĩ anh sẽ phản bội em. Tình yêu chúng ta sẽ không phai nhạt.
Thành phố đang yên tĩnh bỗng bừng bừng nhốn nháo như nồi bắp rang. Tin chiến sự ác liệt lan tràn trên các báo, đài phát thanh. Mọi người xôn xao bàng hoàng. Ban- mê- thuột di tản chiến thuật. Huế thất thủ. Tiếng súng nổ mỗi lúc mỗi gần hơn. Mỗi buổi sáng thức dậy, mọi người sửng sốt. Người nầy hỏi người kia, tình hình thế nào. Chẳng ai biết rõ đích xác. Cả thành phố hốt hoảng, hoang mang. Tin tức từ người nầy sang người kia không biết tin vào ai. Ai cũng biết tình hình nguy kịch lắm rồi. Ra đường, gặp người quen ai cũng thở dài hỏi “tính sao? Đi cách nào?”. Có người bình tĩnh trả lời “không sao đâu”.
Từng đoàn xe chở lính về. Từng toán lính chia thành nhóm đứng từng góc phố. Chiến trận đang xẩy ra ngay trong thành phố. Từ giờ phút đó, cả thành phố như lên cơn sốt. Lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực. Mới đầu, mọi người không dám bước ra khỏi nhà. Nhưng khi thấy từng đoàn xe các loại chở đầy người, túi xách. Từng nhóm lính cởi bỏ quân phục cùng vợ con, gia đình chạy hoảng loạn. Cả thành phố như ong vỡ tổ. Xe đạp, xe Honda, xe hơi chở đầy người, túi xách, đồ đạc. Một bà mẹ chỉ gánh nổi hai đứa con ngồi trong thúng ở hai đầu và một túm gạo, vừa đi vừa khóc. Một chiếc xe gắn máy chở một lúc sáu người, hai vợ chồng và bốn đứa con. Một vài xe đạp chở đầy đồ đạc. Biển người ùa ra ngã quốc lộ 1. Con đường xuống cửa biển tràn ngập xe và người. Tôi sắp xếp cho ba mẹ và mấy em tôi chuẩn bị ra đi. Mẹ tôi khóc não ruột, những tiếng khóc như đứt từng khúc ruột. Một người mẹ khổ nhọc tạo dựng nhà cửa sự nghiệp, bây giờ buông bỏ hết, làm sao không khỏi đau lòng.
Tôi chạy vội đến nhà Nguyệt Khuyên. Tôi phải chen lấn, len lỏi qua được những chặng đường đầy người và xe mới đến được nhà Nguyệt Khuyên. Vừa đến cửa nhà, nhà im vắng. Tôi gọi cửa hoài, chẳng có một ai mở cửa. Thế là biết chắc Nguyệt Khuyên và cả gia đình đã ra đi. Giờ nầy Nguyệt Khuyên đang ở đâu? Đi theo hướng nào? Làm sao bây giờ? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập đến trong trí óc tôi. Tôi quay trở lại nhà ba mẹ tôi. Mỗi chặng đường là mỗi gian nan khổ ải. Làn sóng người chạy lui chạy tới, hốt hoảng la lớn “chúng nó đến rồi”. Xe tăng T54 ở ngã ba đường.
Thế là con đường về nhà tôi bị cắt đứt. Trời bắt tối. Tôi vừa đi vừa chạy. Tôi phải băng qua những con đường tắt lầy lội. Tôi bị sụp xuống hố, người ngã té xuống. Tiếng súng nổ chát chúa, mỗi lúc một gần hơn. Tôi nghe rõ tiếng la, tiếng khóc cả người lớn lẫn trẻ con. Tôi lấy sức bình sinh ngồi dậy. Toàn thân tôi không còn cảm giác. Đêm càng hun hút sâu thẳm. Những com đom đóm như những bóng ma ghê rợn nhập nhòa trong đêm. Đến nhà, nhà chẳng còn ai. Không khí lạnh lùng ảm đạm. Tôi như người mất hồn. Tôi phải làm gì bây giờ? Ba mẹ, em tôi và Nguyệt Khuyên đang ở đâu? Tôi không còn suy nghĩ, chạy vào nhà tìm kiếm bình nước, vài bộ quần áo cho vào túi xách và cắm đầu chạy. Trời tối đen như mực, mịt mù choáng váng. Những tiếng nói, thở dài xôn xao trong những căn nhà dọc theo hai bên đường trong đêm tối. Từng đoàn người vừa đi vừa chạy ra hướng bãi biển. Đoàn xe hơi không còn đi được nữa đành bỏ lại choán cả đường. Một vài thây xác người nằm rãi rác hai bê vệ đường. Nhiều người, nhất là đàn bà và trẻ em gào thét thảm thiết “ba ơi, mẹ ơi”. Khổ đau dồn dập khổ đau, còn bất hạnh nào hơn. Chiến tranh rồi lại chiến tranh. Đôi chân bước đi không còn cảm giác.
Tôi mơ màng thấy Nguyệt Khuyên hiện ra trong trí, ao ước gặp lại Nguyệt Khuyên trước khi trút hơi thở. Hình ảnh Nguyệt Khuyên đang lê bước nặng trĩu trên con đường thoát thân. Tôi rưng rưng nước mắt nghĩ đến ba mẹ tôi, em tôi và Nguyệt Khuyên.
Một tháng trôi qua. Tôi nằm ở bệnh viện, mong ngóng từng phút từng giờ tin tức ba mẹ tôi và Nguyệt Khuyên. Khung cửa sổ bệnh viện vẫn mở ra mỗi sáng. Tôi thèm thuồng muốn ôm vồ lấy những tia nắng ban mai. Ngoài kia đường tiếng người và xe chạy náo nhiệt như trong cơn lốc bão táp.

Phan Việt Thuỷ