06 December 2016

NHÂN DANH KẺ THÙ TA - Đặng Châu Long


Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013)


Tôi không thể nào miệng câm
Tôi không thể nào tai điếc
Nên tôi khóc và tôi điên
Cho đến bao giờ đời bình yên!
(Phạm Duy, Tôi không phải là gỗ đá)


Ngày 07 tháng 10, đúng vào ngày sinh của tôi, Mỹ ra tuyên bố đã sẵn sàng cho thế chiến thứ ba. Dù đã tiên lượng sau khi Nga lên kế hoạch di chuyển 40 triệu dân, hay Tàu huênh hoang cho một cuộc chiến thần thánh nào đó, tôi vẫn không khỏi nao lòng cho thân phận người dân. Chỉ tính riêng trong Thế chiến hai, nếu lực lượng quân sự tử vong là 24 triệu thì dân thường đã lên đến 49 triệu, nghĩa là gấp đôi lần người lính trực diện chiến đấu. Vậy tương lai không có gì sáng sủa cho dân lành trong cuộc chiến tranh hủy diệt sắp tới. Ai là người hưởng lợi? và ai là nạn nhân?
Những lớp trẻ Việt Nam sinh từ thập niên 50 trở về trước đã từng là nạn nhân trong cuộc chiến tương tàn, đã quá rõ tính khốc liệt và tàn phá con người trong chiến tranh là như thế nào và dễ dàng biết được nồng độ cuộc chiến diễn tiến ra sao xuyên qua không gian mình sống dạo ấy.

Nếu năm 1968 là năm chính thức rộ lên những phong trào du ca sau hai năm hoạt động không chính thức khởi xướng bởi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, như Con Sáo Huế, Du ca Áo Nâu, Du ca Lòng mẹ, Du ca Trùng Dương, Du ca Vàm Cỏ Tây, Du ca Vàm Cỏ Đông, Hồ Gươm, Sông Hậu, Du ca Vượt Sóng, Ca Đoàn Trùng Dương, Du ca Giao Chỉ, Du ca Đà Nẵng, Du ca Kiên Giang, Biên Hòa, Toán Du ca Mùa Xuân, Du ca Phù Sa, Đồng Vọng, Về nguồn, Sao Việt….Những toán du ca đó là  những tuyên ngôn tỏ bày thân phận và con đường hiện tại của thanh niên trên cả nước: thì năm 1965 là năm tỉnh giác, năm cuộc diện chiến tranh mang diện mạo mới. Không còn là những quấy rối đơn lẻ, nhưng đã bắt đầu một cuộc tang thương bởi giật mìn, đổ quân, đối đầu, dội bom. May mắn thay, thanh niên miền Nam vẫn còn một ý thức sống nồng nàn, dìu nhau bằng những bài ca đánh động vào tâm thức cùng tình người bất chấp lửa bom. Năm ấy, Mười bài tâm ca ra đời, và bài ca Kẻ thù ta như một lần nhận diện khuôn mặt đời bằng tiếng nói khởi lên từ trái tim. Kẻ thù ta, bài tâm ca số 7 của Phạm Duy. Kẻ thù ta trông thật gớm ghiếc và đầy xấu xa, nhưng không phải là cái thật của cuộc xung đột chiến tranh này. Hãy lắng lòng nghe trần tình của một thế hệ thời đó thông qua ca từ của bài hát Kẻ thù ta thấm đậm tình người:

“Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hờn căm
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma

Thay vì cổ xúy một hận thù thì bài hát cố gắng xây dựng một mẫu con người lý tưởng để hy vọng từ họ sẽ có lớp trẻ biết nghĩ suy cho một cộng đồng, vì tương lai một xã hội khoan dung, khai phóng.

“Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai
Kẻ thù ta mang áo màu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta”

Trong truyện Tây du ký, Đường tăng đã nói: “Tâm sinh, chủng chủng ma sinh; tâm diệt, chủng chủng ma diệt”. Tất cả chỉ do bản tâm mà sinh đủ ma chướng đời. Vì thế, nếu ta không tự trang bị cho mình một tâm trong sáng thì tất cả sẽ luôn xáo trộn, bất an. Phải có một lớp người như thế, đó là ước nguyện của tâm ca 7:

“Người người ơi thương xót người nhỏ bé
Người người ơi thương xót người ngây thơ
Thương xót người bị mua
Thương xót người bị lừa
Thương xót người, thương xót ta (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai”

Chẳng những phải thương xót người nhỏ bé, người ngây thơ, mà ngay cả người bị mua, người bị lừa cũng phải khoan dung để thế giới sẽ không còn xao động và tính thiện sẽ được vinh danh. Thương xót người chính là thương xót ta vậy. Kẻ thù ta vẫn nằm đây, chẳng đâu xa nếu ta vẫn vô minh, vu khống, tham lam, tị hiềm thèm muốn, kiêu căng, hẹp hòi, chiếm hữu…thì chẳng mong gì thế giới quanh ta tốt đẹp hơn lên

“Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai
Kẻ thù ta tên nó là vu khống
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là lòng tham
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai
Kẻ thù ta trông mắt thèm lơ láo
Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu
Trong cõi lòng quạnh hiu
Trong óc hẹp tiêu điều
Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai
Người người ơi yêu mến người mãi mãi
Người người ơi yêu mến người khôn nguôi
Yêu mến người đầy vơi
Yêu mến người đêm ngày
Yêu mến người tay nắm tay (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai”

Nhưng bài ca, trong đó có bài Kẻ thù ta đã vang lên khắp các buổi sinh hoạt cộng đồng như thế trong suốt chặng dài chiến chinh tại miền Nam như thế, và vẫn còn âm vang mãi trong tim mỗi thanh niên mà ngày nay đã bước vào tuổi thu tàn. Dù chẳng ích gì, chẳng thay đổi nổi cuộc tương tàn, nhưng ít ra thế hệ ấy đã tỏ bày được thái độ của mình cùng đời.
Và Phạm Duy, cơn phấn khích tỏ bày mười bài tâm ca chưa kịp lắng đọng thì cơn binh lửa mậu thân đã xóa nhòa phần nào lòng tin vào tính thiện con người. Ông lại viết, lần này không phải là Tâm ca phần hai, nhưng là Tâm phẫn ca:
Tôi vẫn gọi những bài hát dữ dội ra đời sau vụ Tết Mậu Thân như vậy là ”tâm ca”, nhưng bây giờ ngôn ngữ của nó không còn ngọt ngào mà đã trở nên phẫn nộ. Tâm phẫn ca, cũng còn được gọi là ”bài ca nổi giận” (chanson en colère) lần lượt ra đời, phần nhiều là những bài thơ được phổ nhạc. Lý do là vì sau khi tâm ca và một vài bài tâm phẫn ca của tôi được phóng ra thì nó gây một tiếng vang trong đám thi sĩ và nhạc sĩ trẻ. Nhiều bài thơ chống chiến tranh được viết ra, ví dụ thơ của Thái Luân, Tâm Hằng, Luân Hoán v.v… và nhiều bản nhạc phản chiến được soạn ra, ví dụ những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Miên Ðức Thắng v.v…” (Phạm Duy)
Bây giờ ông đặt là Tâm phẫn ca, nhưng thời đó, những bài ca đó được in ra lẫn trong tập nhạc Thương ca chiến trường của ông như bài Nhân danh (thơ Tâm Hằng). Bi hài kịch (thơ Thái Luân), Đi vào quê hương (thơ Hoa Đất Nắng), Người lính trẻ.  Đó là những bài ca không còn niềm tin vào tính bản thiện của con người. Đời đã qua, và ông đã cạn niềm tin.

Vì giống nòi, tôi phải giết, phải giết
Giết vạn người, giết vạn người !
Xin nhân danh Tổ Quốc đẹp ngời
Vì giống nòi, tôi phải giết vạn người.
Vì lý tưởng, tôi phải giết, phải giết
Giết triệu người, giết triệu người !
Xin nhân danh giải phóng loài người”
(Nhân danh)


Ðạo diễn đưa tay lên
Ðạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch bỏ màn
Bi hài kịch chưa xong
Diễn viên rơi nước mắt
Ðạo diễn khóc hay cười
Khán giả thì bưng môi
Khán giả thì im hơi
Ôi bi kịch còn dài
Trong hay ngoài sân khấu
Bên trên hay là bên dưới
Ai cũng buồn như nhau”
(Bi Hài Kịch)


“Tôi vào quê hương qua nòng thép súng
Lửa cháy trong làng, lửa cháy trong thôn
Lửa cháy trong lòng, lửa cháy trong tim
Trên da mặt tôi mọc lên cổ thụ
Cổ thụ sai oằn lựu đạn mooc-chiê !”
(Đi vào quê hương)

Đúng là những bài ca cuồng nộ, mất lòng tin. Dù sao cũng là thái độ phải có để trút nỗi niềm căm phẫn. Riêng tôi vẫn thấy những bài trong tập Tâm ca thật đẹp ngời. Sống trong nỗi chết nhưng vẫn không nguôi ngoai tình người. Nếu lòng tin đã mất đi, ta chỉ còn lại tính thú. Từ đó thù hận ngút trời. Bao giờ trở lại một thời nhân bản lên ngôi. Hay phải cảm thán như Shakespeare trong vở kịch Romeo and Juliet “O love! O life! Not life, but love in death” . Phải chỉ còn là tình yêu trong cõi chết, khi nỗi đời đã thiêu rụi niềm mơ. Lớp trẻ chúng tôi bi thương thế đó. Từ niềm tin đã đi tới hoang mang căm phẫn để cuối cùng tàn rụi như những bụi sao băng nhỏ, va vào khí quyển, bùng cháy và tan biến giữa thinh không. Chỉ còn đọng lại chút hương xưa.

Đặng Châu Long
08-10-2016