08 December 2016

VĂN TỰ - Hồ Đình Nghiêm


Poet Rumi (1207-1273)

Tôi đọc thấy câu này của Albert Einstein, nó khiến tôi phải suy nghĩ:
“I think 99 times and I find nothing. I stop thinking, swim in silence, and the truth comes to me”.
Suy nghĩ trong câm lặng, đạo lý vẫn trốn trong bóng tối, cứ chưa thông. Con người là cây sậy biết suy tư, hơn thú vật bởi biết phân biệt giữa thiện, ác. Phải sử dụng đầu óc, Rumi mới viết thành lời nhắn nhủ:

“Raise your words
not your voice.
It is rain
that grows flowers,
not thunder”.
Vậy thì hiểu điều Einstein nói, cần chấp nhận một sự thật: Những người nếu không cảm thông được sự câm lặng của bạn, họ sẽ chẳng bao giờ hiểu ra những lời bạn muốn diễn đạt. Bởi “silence isn’t empty, it’s full of answers”.

Ngón tay Phật chỉ vầng trăng cũng bắt ta phải “swim in silence”.
Những kẻ ưa trầm tư, muốn diện bích cùng khoảng lặng, một hôm buộc phải đối đầu trước bao khổ nạn đang trùng trùng giăng bủa, phản ứng của hắn ta sẽ sinh ra thứ manh động gì? Chẳng lẽ chỉ thốt đúng bốn chữ: Đời là bể khổ!
Đại gia Bill Gates rất đúng khi phát biểu: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khổ thì đó không phải do lỗi ở bạn, nhưng nếu bạn chết trong sự khốn khó thì rõ là lầm lỗi bạn gây ra.” Bill Gates sẽ chẳng lập ngôn như vậy nếu “ảnh” được chào đời và bó thân ở Việt Nam. Đất nước có hơn 240 phó chủ tịch tỉnh, 122 thứ trưởng, 40 ngàn tiến sĩ và 17 triệu người dân nghèo (thu nhập bình quân: 35 USD/1 tháng. Theo điều tra của World Bank).
Mưa một trận, phố biến thành sông, thì thiên tai bão lụt nhấn chìm đôi ba tỉnh trong biển nước mênh mông là điều ắt phải xảy tới. Mấy chục ngàn ông bà tiến sĩ ở xứ Việt hẳn biết Charles Bukowski, một vị tiên tri: “Vấn nạn trong cuộc đời, đó là những người tài giỏi luôn mang đầy ngờ vực trong khi đứa ngu xuẩn thì tự trang bị lắm niềm tin”. Loay hoay, tiến thối lưỡng nan, rồi giận lẫy theo kiểu học tài thi phận khi biết rằng đất nước ta chưa thể sản xuất ra được một con ốc vít. Một cái thây người bó chiếu được chở đi bằng xe gắn máy cô quạnh giữa trưa là hình ảnh đối cực với đoàn xe hơi bóng lộn chạy vào đường cấm giữa phố Hội An của các quan lớn. Bé con thò đầu ra khỏi mái nhà nước ngập lên gần nóc ở Quảng Bình sẽ đối chọi với hình ảnh các bà lớn đi tham dự lễ lạc đình đám ở Hà Nội khô ráo. Có còn một lời gì để thốt nên khi ngó thấy? E chỉ biết ngữa mặt mà cười rộ, cười theo cách của Lão Tử: “Người sáng suốt nghe đạo thì gắng sức mà thi hành, người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, người tăm tối nghe đạo thì cười rộ.” Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa!
Vô luân, vô đạo. Một bọn người tăm tối u mê trong quyền lực hưởng thụ, xa cách với đám đông cùng khổ mãi lóp ngóp bơi giữa trầm luân. Vì vô đạo nên con dân khó thực hành và nuôi dưỡng điều hay lẻ phải: Sẽ tốt đẹp khi cất bước mình ta, hơn là đi cùng đám đông về sai một đích tới.
Những lên đường lẻ bóng, kiểu như Mẹ Nấm đã bị quỉ tha ma bắt. Mọi lối đi đều biến thành đoạn trường bởi sự lãnh cảm đang như một thứ văn hoá ứng xử. Mẹ Nấm hãy đọc thầm thơ Bùi Giáng:

“Sẽ đi cùng bước chân mùa
Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thêm
Hào hoa bỏ lại bên mình
Lá thiên thu đẹp làm thinh bên đường”.

Ở các nước văn minh tiến bộ con người thong dong tự do di chuyển giữa những lối đi có hoa có bướm và khi bị công đạo sờ gáy ai kia, điều đó chẳng khiến người ta phải hoang mang bợn lòng. Ngược lại ở chốn cùng khổ có địa hình chữ S kia, khi chúng bắt bớ, cầm tù con người cứng cỏi tựa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, dĩ nhiên bọn ấy sẽ bị toàn thể nhân loại đứng ra lên án, can thiệp. Thiên thu mãi còn lá reo giữa trời lộng gió. “Anh nhìn lên vòm cây gió thổi, lá như môi thầm thì gọi em về”. (Vườn Xưa của Tế Hanh).
Bàn chuyện đạo, không thông. Nói chuyện đời, bất khả. Xin chép lại đây bốn câu thơ giàu hình tượng. Thơ thuộc dạng đánh đố. Thử suy nghĩ, bạn có hình dung ra ẩn dụ, về một đáp số:

“Cò tha rác, đợi chờ tin lửa
Bỗng đâu mây phủ tràn đầu
Người không biết, trăm năm thành phụ
Người biết, vắng mặt lại sầu.”

Có đạt không, có tới không khi bốn câu ấy nhằm tả đến chuyện hút thuốc vấn? Tôi đang sầu, nhờ lửa xông mây phủ đầu. Tôi đứng rít khói bên trời này đầy lá thu vàng mãi chưa lìa cành, khói huyền vương lên cây để nhớ lại những lần đi lội nước lụt ở tuổi hoa niên. Dạo ấy không thấy nhà máy thuỷ điện, không biết mưa cực đoan, không có xả nước đúng quy trình và tuyệt đối chẳng có sống chung với lũ.
Quy luật sống của chúng ta, tiến triển và biến đổi thân phận từ khỉ dần vươn đến người. Chỉ có thuyết Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang làm cách mạng để muốn đảo lộn phép tự nhiên ấy. Oái oăm thay, người thì bắt vô ngồi bó gối chuồng hẹp trong khi đàn khỉ vẫn lộng hành bên ngoài để tác yêu tác quái.
Lại phải ngậm ngùi mang cổ thi ra đọc:

“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”

Và mơ màng: Cả mấy chục triệu cây thông cùng hò reo, chắc bọn lâm tặc cũng phải buông cưa bỏ của chạy lấy người, nhỉ? Ôi, ngày ấy sẽ thôi gió mưa. Ngoài biển khơi vầng dương vừa sáng mọc lại. Nói mấy cũng không vừa! Thư bất tận ngôn. Ngôn chẳng bị thế lực phản động buộc phải cạo sửa. May thay!

Hồ Đình Nghiêm