Thảm cảnh chết đói chưa bao giờ xẩy
ra tại một nước không có chiến tranh, vậy mà chuyện chết đói đang xẩy ra tại
thành phố Maturín, Venezuela, tháng Bẩy vừa rồi; nạn nhân là cậu Kevin Lara
Lugo.
Cậu chết nửa tiếng đồng hồ trước ngày sinh nhật thứ 16: chết đói. Cái chết của
Lugo được truyền thông thế giới đề cập nhiều lần, vì Venezuela đã có lúc vô
cùng sung túc về mặt kinh tế, giầu có đến mức chính phủ có khả năng cung cấp
miễn phí nhiều tiện nghi cho quần chúng.
Nguồn lợi chính của Venezuela là dầu hỏa; dầu xuất cảng đem lại 95% tổng trị
giá mọi thứ hàng xuất cảng của Venezuela, và là một nửa tổng sản lượng quốc gia
(GDP); dầu hỏa nuôi sống 30.5 triệu dân trong suốt 30 năm (1950-1980) với mức
sống sung túc nhất của cư dân các quốc gia Nam Mỹ.
Cuộc khủng hoảng vì dầu mất giá năm 1980 gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống
của người Venezuela, lạm phát làm tiền tệ mất giá đến 99% đưa đến cuộc đảo
chánh của ông Hugo Chavez và chế độ cộng sản.
Chavez quốc hữu hóa những giếng dầu do người ngoại quốc làm chủ, tái phối trí
lợi tức giúp công nhân, thợ thuyền, và cả người thất nghiệp có cuộc sống phong
lưu hơn. Ông qua đời vì bạo bệnh năm 2013, năm ông mới 58 tuổi.
Từ đó nền kinh tế Venezuela mỗi ngày một thêm sa sút vì đợt dầu mất giá kéo dài
mấy năm nay. Chánh phủ kiểm soát giá, đốc thúc nông nghiệp và kỹ nghệ nhưng
tình trạng vẫn không cải thiện mà mỗi ngày một suy sụp hơn.
Mọi thứ hàng đều khan hiếm, kẻ cả thực phẩm, nước uống, dược phẩm, dụng cụ, đồ
phụ tùng sửa xe ..., tiền mất giá 700%, đến mức không còn đổi ra ngoại tệ được
nữa, và thành phần dân nghèo lên đến 80%.
Dân chúng xếp hàng dài trước các tiệm thực phẩm, tiệm tạp hóa, để sau hàng giờ
chờ đợi và hy vọng, khám phá ra là tiệm trống trơn, không có gì để bán nữa cả.
Lugo đi lang thang ngoài đường tìm
thực phẩm, vì trong nhà cậu không còn thứ gì có thể đút vào miệng để nhai cho
đỡ đói. Cậu nhặt được một khúc sắn còn sống, ăn ngấu, ăn nghiến rồi trúng độc,
được khiêng vào bệnh viện, quằn quại đau đớn, bà mẹ cậu ngồi bên chiếc cáng,
cáng còn đặt trong phòng đợi, vì cậu chưa được nhận vào bệnh viện chăm sóc.
Bác sĩ đi qua, bà Yamilet Lugo -mẹ cậu Kevin Lara Lugo- cũng không buồn xin bác
sĩ chăm sóc cho Lugo, vì chính bà cũng biết là bệnh viện không còn một thứ y
dược nào nữa; nằm tạm trên cáng trong phòng nhận bệnh, hay nằm trên giường bệnh
nó cũng không sống nổi.
Ngồi bên đứa con sắp chết bà bảo nó, “15 năm nay, năm nào mẹ cũng hát mừng sinh
nhật con, ngày sinh nhật năm nay con chết, mẹ không hát nữa.”
Kevin Lugo có còn nghe mẹ nó nói hay không? Nó vẫn thở, và chỉ 2 tiếng đồng hồ
sau mới tắt thở, chết trên chiếc cáng người ta dùng để khiêng nó vào bệnh viện.
Venezuela cũng đang chết như Kevin, lạm phát làm đồng bạc trở thành giấy lộn,
không mua gì được nữa; công nhân văn phòng bỏ sở tìm đến sống bên các hầm mỏ,
hoặc ven rừng, nơi thiên nhiên còn cống hiến cho họ chút thực phẩm -cây cỏ hay
sinh vật hoang dã. Lối sống đó tạo ra đủ thứ bệnh, đưa họ vào bệnh viện.
Bác sĩ giải phẫu đem họ lên mổ trên những mặt bàn mổ bẩn thỉu, vì thiếu nước
rửa; bệnh điên loạn trở thành phổ biến hơn; bác sĩ tâm thần cột bệnh nhân vào
ghế, hay cột xuống giường cho qua cơn điên loại, vì không còn thuốc an thần cho
họ uống nữa.
Một số người có vũ khí, tìm cách giết hoặc uy hiếp người khác, chiếm đoạt thực
phẩm của nạn nhân. Nhiều người cưỡng chiếm ngư thuyền để cướp hải sản, đôi khi
cướp cả ngư thuyền để ra khơi, đa số không trở về nữa.
Venezuela đang chết đói, người chết đói, gia súc chết đói, bên cạnh một nước Mỹ
thừa thãi thực phẩm, nhà hàng dọn cho thực khách những phần ăn quá thừa thãi,
ăn một nửa đổ đi một nửa.
Tổng thống mãn nhiệm Obama đã đầu tư 6,6 tỉ mỹ kim vào chương trình 'Feed the
Future' (nuôi thế hệ sau); nói là 'nuôi thế hệ sau' nhưng số tiền này vẫn đang
được chi dùng để cung cấp thực phẩm cho 30 triệu người Venezuela đói khát.
Bà Kimberly Flowers, giám đốc chương trình Global Food Security Project, nhận
định, “không có ngân khoản nào đủ để cung cấp thực phẩm cho vài trăm triệu
người đói trên khắp thế giới. Chỉ riêng 3 quốc gia Syria, Yemen hay South Sudan
cũng đã có đến 56 triệu người không đủ thực phẩm để ăn cho no.”
Tại những quốc gia chiến tranh như Syria hôm nay, và Việt Nam ngày xưa, Mỹ cung
cấp thực phẩm; tại những quốc gia đang sống trong hòa bình, Mỹ giúp họ khai
triển một nền nông nghiệp sung mãn và đa dạng -trồng đủ thứ cây để cung cấp
thực phẩm và nguyên liệu kỹ nghệ.
Kevin trúng độc vì ăn một củ sắn đắng (bitter yucca); mặc dù sắn vẫn là loại
thực phẩm vô hại cho nhiều người khác; dân địa phương làm bánh bằng bột yucca
-bột lấy từ những củ sắn phơi khô để làm bay hơi loại mủ độc.
Người Việt Nam vẫn luộc sắn tươi để ăn; Kevin không kịp luộc sắn, ăn ngay củ
sắn mới đào được, lại ăn nhiều, ăn trong lúc quá đói.
Bác sĩ Luis Briceđo cho biết Kevin
chết vào lúc 11:30 ngày 7/25/2016, nửa tiếng trước ngày sinh nhật; ông cho là
Kevin có thể bị ngộ độc vì đang quá đói nên mủ sắn mới tác động nhanh chóng và
khốc liệt như vậy.
Briceđo còn cho phóng viên truyền thông Mỹ biết là từ ít lâu nay bệnh nhân
thường tìm mua thuốc và đem theo khi nhập viện để bác sĩ chích và chỉ dẫn thuốc
uống cho họ.
Kevin chết tối hôm trước, thì sáng hôm sau, cậu học sinh trung học Jesús
Maestre, bạn của Kevin, hỏi bạn học, “Các anh, các chị biết tin Kevin chưa?”
Không ai trả lời vì ai cũng biết, cũng buồn; chết đói đang là thảm kịch diễn ra
hàng ngày tại Venezuela.
Người Venezuelan khóc thương người
chết, và lo buồn phận mình. Không ai phiền trách tổng thống Nicolas Maduro, mặc
dù để dân chết đói trong cảnh hòa bình, có nhiều thuận lợi cho những việc trồng
tỉa, chăn nuôi, chài lưới, quả là lỗi của một quốc sách kinh tế.
Nguyễn Đạt Thịnh