Bước vào tiệm food to go, tôi thoáng thấy một phụ nữ da đen
- mà tôi nghĩ ngay là người Mỹ đen hay Phi châu, đứng trước quầy thức ăn dường
như đang lựa chọn. Như thường lệ, tôi đứng đợi tới phiên mình. Bỗng dưng nghe
cô ta nói rất rõ ràng bằng tiếng Việt "Bán cho tui một phần cơm chiên nhỏ",
làm tôi ngạc nhiên quay lại nhìn, vì không ngờ cô ta nói tiếng Việt rành thế.
Da cô này rất đen, đúng điệu là dân lai Mỹ đen chính hiệu. Khi tôi ra bàn ngồi
ăn, cô gái bước đến rụt rè chỉ vào chiếc ghế bên cạnh tôi và hỏi "Tui ngồi
đây được không?" Tôi gật đầu.
Trời Cali vào đông lành lạnh, ngồi gắp từng đũa mì Nam vang nóng mà nghe ấm cả
lòng. Đang múc muỗng nước lèo thì chị da đen lên tiếng "Trời lạnh quá, ăn
cái này ngon lắm mà không chắc bụng". Tôi quay sang nhìn thì bắt gặp cô
đen vừa đưa tay chỉ chỉ vào tô mì tôi đang ăn, vừa nói với ánh mắt có vẻ thèm
thuồng. Chị đen nói với cái giọng chân chất rất nhà quê "Cơm chiên nó hổng
ngon bằng nhưng nó chắc cái bụng, tui mới khiêng đồ nặng nổi". Thấy ái ngại,
tôi nói ngay "Chị ăn không, tôi kêu tặng chị một tô". Chị đen lắc đầu
"Giờ ăn hổng kịp đâu, trễ xe bus là cả tiếng nữa mới có chuyến sau".
Tôi hỏi "Chị làm gì mà phải khiêng nặng?". Chị đáp "Tui lau chùi
cầu tiêu, lau sàn nhà, chùi rửa hết tất cả phòng, sắp xếp đồ đạc lại ngay ngắn,
khiêng bàn ghế, nhiều bàn ghế nặng lắm, cái gì tui cũng làm hết đó, để mười giờ
người ta vô thì mọi thứ phải sạch sẽ đâu vô đó". Rồi chị tiếp "Tui ở
xa, nên 7 giờ phải dậy rồi, đi xe bus tới đây thì phải đổi xe bus khác mới tới.
Nhưng đói quá nên tui phải xuống mua đồ ăn cho no bụng cái đã rồi mới lấy bus
đi tiếp đến chỗ làm". Tôi cứ nghĩ chắc chị đen này đi làm thêm overtime
ngày cuối tuần, nên tôi nói "Chị làm thêm cuối tuần vậy, họ trả chị khá
không?" Chị nói ngay "Tôi đâu có lãnh lương, làm cho nhà thờ mà, cái
này là tui tự nguyện làm, tui làm là cho Chúa, mà tui làm nhiều năm nay rồi...".
Vừa thấy tội nghiệp cho chị đen, tôi vừa thầm khâm phục chị đã có can đảm mà đứng
chờ hai chuyến bus từ 7 giờ sáng, ngày chủ nhật - là lúc mà ai nấy đều đang
ngon giấc với khí trời rất lạnh ở bên ngoài. Chị không những đã làm được điều
phi thường đó, không có lương, một cách vui vẻ, mà lại từ nhiều năm qua...
Bỗng dưng tôi muốn làm quen "Chị tên gì? Mà tại sao chị lại tự nguyện làm
công việc này từ bao lâu nay, nhà thờ không có người nào phụ chị sao?". Thấy
có người quan tâm, chị đen có vẻ xúc động, nỗi xúc động mà tôi linh cảm như của
một con người thường bị hất hủi bỏ rơi. Chị nói nhỏ lại "Tui tên Amy, là
tên Mỹ đó, còn tên Việt nam, tui không thích nó...". Chị có tên Việt nam?
"Ừa, mà tui ghét nó lắm...". Tôi ngạc nhiên "Tại sao chị lại
ghét tên mình?" Chị đen im lặng, và rồi chị kể, bằng cái giọng quê mùa một
mạc ....
... " Khi Má sinh ra tui thì mọi người ai cũng đã ghét tui rồi. Chỉ vì tui
ra đời dưới ngôi sao xấu, bởi vì cái màu da đen đúa không sao che dấu được của
tui. Tui đâu có quyền được chọn màu da gì để sinh ra, cả Má tui cũng không chọn
được cho tui. Nhà tui nghèo lắm, ở ven bờ một con sông. Gia đình tui gồm có sáu
người: Má và năm chị em, chị Hai, chị Ba, chị Tư , tui, rồi đến em trai Út. Mấy
chị và em trai là da vàng, chỉ có tui là đen thui thôi. Nhà tui nghèo mạt rệp,
cả căn nhà dột nát không có cả cái bàn hay cái giường, cái ghế. Một mình Má đi
mò ốc cả ngày để bán lấy tiền mua đồ ăn cho sáu miệng ăn. Mới ba, bốn tuổi là tụi
con nít đã ghét tui. Tui tên Tí, họ Mai là họ của Má, vì Ba bỏ Má từ khi Má mới
có bầu tui. Tụi con nít cả đám cứ đi theo sau tui hát nhạo là "Cút về Mỹ
đi con Tí đen". Có đứa còn lấy que tre vít cứt chim, cứt gà rồi kêu cả bọn
xúm lại đè tôi xuống, trét vô miệng tui, tới khi nào tui lạy, tui khóc thì tụi
nó mới tha. Năm sáu tuổi, Má cho tui với mấy chị đi học trường làng, nhưng tụi
học trò khinh ghét tui lắm. Có lần tụi nó hè hội đồng tống một đống cứt gà vô
miệng, tui không chống cự được nên nuốt vô cổ họng, nghe thúi ình và chua loét.
Tui oẹ ra, tụi nó bóc nhét vô lại. Tui vùng vẫy, la hét. Thấy tui khóc dữ quá,
mấy chị và em trai xúm lại binh, thì tụi nó đánh mấy chị, vừa đánh tụi nó vừa
chửi " Đồ Mỹ đen không cha cút về nước đen mà sống ". Lần đó tui chạy
về khóc với Má sưng cả mắt. Má cứ im lặng và rồi bà cho tui nghỉ học luôn. Nhiều
lúc tui thèm được đi học, thèm được chơi chung, bất cứ trò chơi nào với chúng bạn,
vậy mà đứa nào cũng chê là tui đen, tui dơ, tui thúi... hổng ai thèm chơi.
Tui tủi thân lắm nên hỏi Má. Má bảo là "Ba bỏ Má từ lúc tui chưa sinh ra nữa".
Tôi ức lắm, hỏi lại "Thế Ba tên gì? Sao Má không đi tìm?". Má im lặng,
rồi Má khóc. Tui thương Má quá, và tui ghét Ba lắm. Tui thề sẽ có một ngày tui
tìm gặp Ba và hỏi Ba cho ra lẽ...". Im lặng. Chị đen tiếp "Tại Ba mà
giờ này tui vẫn chưa biết đọc, biết viết. Người ta nói là tui mù chữ. Mắt tui
sáng mà, tui thấy đường, nhìn tờ báo thì tui chỉ thấy hình, chớ không biết đọc"...
Rồi từ đó tui thui thủi chơi một mình. Nhà nghèo quá làm gì có tiền mua đồ
chơi, nên tui cứ quanh quẩn bên bờ biển mà lượm mấy cái vỏ ốc, hốt cát bỏ vô
đó, rồi đổ đi, rồi lại hốt vào. Hễ có lượm được cái vỏ ốc nào đẹp đẹp, tui để
dành vô cái thùng giấy, lâu ngày có nhiều, tui đem ra ngắm một mình , thích lắm.
Tui nhớ lần nọ tui đem ra khoe con bạn, nó lại kêu mấy đứa khác tới coi. Tui
khoái lắm, trong bụng chắc mẫm thế nào bọn nó cũng khen cho coi. Ai dè, tự dưng
thằng Tọc giựt mạnh một cái làm rách thùng giấy, rồi nó quăng tung tóe hết cả
chục cái vỏ ốc của tui ra biển. Tui hoảng hốt giơ hai tay chụp lại nhưng không
kịp, thế là mất hết đống vỏ ốc " gia tài " mà tui gom góp gần cả năm
trời. Tui đứng đó khóc ròng, cúi xuống nhìn thì chỉ còn sót lại trên cát một
cái vỏ ốc to bằng nửa bàn tay, một bên màu đen còn nửa bên kia màu trắng. Tui lật
đật lượm lên, dấu vào túi áo. Đám trẻ xúm quanh la to "Cút về Mỹ mà lượm vỏ
ốc. Ở đây không có thứ gì cho mầy đâu, đồ da đen". Tui tủi thân quá chạy về
nhà khóc với Má. Lần đó Má cũng khóc. Hôm đó Má nói "Làm cái vỏ ốc mà còn
sướng hơn Má con mình, bởi nó không biết buồn, không biết khóc, nó tự do khi
thì nằm trên cát, lúc lại nhập vào biển cả bao la. Còn Má con mình, suốt đời chỉ
sống nhục mãi ở đây thôi". Tui quý cái vỏ ốc trắng đen này lắm, cứ lâu lâu
đem ra nhìn. Phần nửa màu đen, sao mà đen thủi đen thui giống da của tui, còn
bên kia màu trắng lại óng ánh như có pha lê. Nhớ có lần Má tui dạy "Con
người ta giống cái vỏ ốc này vậy, có đen có trắng, có tốt có xấu. Da con dù có
đen như bên này, nhưng con phải sống tốt, sao cho cuộc đời mình có ý nghĩa mà
óng ánh như nửa bên kia"...
Một hôm bỗng dưng Má nói "Tí đen ơi, đúng là Trời thương Má con mình, mình
sắp hết khổ rồi...". Thì ra là chính phủ nước của Ba tui (chính phủ Mỹ)
cho nhà tui đi theo diện con đen (con lai). Má và tui mừng hơn bắt được vàng.
Lúc vô phỏng vấn, tui run quá nên cứ khóc, mà tay chân thì lạnh ngắt. Tui cứ sợ
ông Bill - tên ông hỏi chuyện Má tui, mà thấy tui đen, tui xấu, tui hôi, tui
dơ... ổng không cho đi thì tui phải ở đây suốt đời tui khổ lắm. Má tui cũng
khóc, năn nỉ cô thông dịch xin ông Bill cho đi Mỹ. Lúc đó tui nghe ai cũng nói ở
Mỹ sướng lắm, con nít được đi học, dù mình đen cũng không ai đánh mình, không
ai nhét cứt vô miệng mình... Khi đó chị Hai và chị Ba có chồng rồi, còn chị Tư
và em trai thì chưa. Má định nếu được đi Mỹ rồi thì Má sẽ nhờ người làm đơn xin
chính phủ cho chị Tư và em tui đi sau. Đêm trước hôm phỏng vấn, Má lo quá không
ngủ được, mấy mẹ con cứ ngồi ôm nhau khóc cả đêm. Với gia đình tui, thì nước Mỹ
là thiên đàng, chỉ tới Mỹ thì chúng tui mới hết khổ. Khi ông Bill biết rằng chị
Tư và em trai còn độc thân, ông nói "Chiến tranh đã làm cho Bà và các con
cực khổ, nên nay vì nhân đạo, chúng tôi cho Bà, cô con gái lai và cả hai người
con độc thân cùng đi để qua Mỹ đùm bọc nhau mà sống". Cả nhà tui khóc, vì
mừng quá, đến nỗi quên cả nói lời cám ơn ông Bill...
Đặt chân đến "thiên đàng" Virginia, bốn Má con tui không biết một chữ
tiếng Anh, nói không được câu nào, mà đọc cũng rặn không ra, còn viết thì một
chữ bẻ đôi cũng không biết. Một người quen cùng làng ngày xưa nhận ra Má nên
giúp tìm dùm cho chúng tôi thuê một căn appartment nhỏ xíu một phòng ngủ để cả
nhà ở chung.
Cả nhà tui đi làm đủ thứ nghề nặng nhọc đễ đắp đỗi qua ngày. Tui còn nhớ lần
thi vô quốc tịch, tui lo quá chừng, cứ học thuộc lòng những câu hỏi như con vẹt,
vì tui có đọc và hiểu được chữ nào đâu. Có một chị người Việt đọc cho tui nghe
các câu hỏi rồi biểu tui học cho thuộc, hễ người ta hỏi câu nào thì trả lời y
như đã thuộc. Vậy mà may mắn ghê, tui đậu. Khi họ hỏi tui muốn có tên Mỹ không,
hay vẫn muốn giữ cái tên Việt nam là Tí Mai, thì tui khóc. Không biết nói tiếng,
tui nhờ cô thông dịch nói dùm với ổng là "Tui ghét lắm cái tên Tí đen, vì
nó đen như màu da tui, đen như tuổi thơ nghèo hèn của tui". Ông Mỹ trắng hỏi
tui muốn tên gì. Lúc đó tui chỉ nhớ đến đứa cháu họ xa, đi lính cho quân đội Mỹ.
Có một lần về thăm Má con tui ở Virginia, nó nói lý do nó đi lính là vì nó muốn
đền ơn chính phủ. Tui nhớ mang máng nó có nói quân đội Mỹ gọi là...
"AMI"... gì đó thì phải. Thiệt tình khi đó tui không biết chữ
"AMI" viết làm sao nữa, nên tui nói đại với cô thông dịch là
"Tui muốn cám ơn chính phủ Mỹ, cám ơn ông Bill đã thương mà cho Má con tui
đi, nên tui muốn có tên Mỹ là AMI, có nghĩa là quân đội". Tui còn nhớ khi
nghe tui nói vậy thì cô này cười, dễ thương lắm, và cô viết tên tôi lên tờ giấy
đưa cho ông Mỹ. Thế là passport của tui có cái tên Amy Mai từ đó. Mãi sau này
tui mới biết là cô đã quên chữ e rờ (R), vì quân đội viết là "army",
nhưng sao có người lại nói với tui là cô ta cố tình quên...?
Sau đó vài năm thì phát hiện ra là Má tui bị có nước trong phổi. Bác sĩ sau khi
hỏi cặn kẽ thì giải thích rằng "Do Má ngâm nước lạnh hằng mấy chục năm liền
khi đi mò ốc, nên giờ phổi Má yếu lắm". Mấy chị em sợ quá, đứa nào cũng đi
làm quần quật mà không sao đủ tiền mua thuốc cho Má. May mà Trời thương, nên lại
có người hàng xóm ngày xưa biết chuyện, bảo chị em tui qua Cali ở đi thì khí hậu
ấm sẽ tốt hơn cho sức khỏe của Má. Nhưng tiền đâu mà mua vé máy bay? Cô Anh bảo
"Khi xưa lúc chồng cô mới chết, cô một mình với con nhỏ, sức khỏe yếu nên
không sao ngâm nước nổi, nhờ Má cho cô bữa bịch ốc, khi mấy con tôm mà sống qua
ngày, nên cô muốn đền ơn Má bằng cách mua bốn vé máy bay cho chúng tôi qua
Cali, cô cũng đã thuê sẵn một appartment nhỏ (cô Anh đã trả trước một tháng tiền
nhà) cho Má con tui.
Thế là cả nhà kéo nhau qua Cali. Cả tháng trời không ai xin được việc làm. Khi
chỉ còn vài ngày là hết tháng, tụi tui lo lắm vì tiền đâu để trả cho tháng tới?
Gọi phone cho cô Anh thì cô và gia đình đi đâu rồi nên không sao liên lạc được.
Một buổi tối trước ngày Giáng sinh, mấy Má con đứng đón bus về nhà. Trời lại lạnh
, bụng ai cũng đói, nên không còn sức để mà đi, cứ đứng mà run. Chúng tôi thấy
nhiều người đi vào một nhà thờ nhỏ. Vì lạnh quá, nên chúng tôi cũng đi vô đại định
tìm một chỗ trú cho ấm chút rồi sẽ về. Đó là buổi tối đánh dấu một bước ngoặc lớn
trong cuộc đời chúng tui. Trên kia, mục sư Bảo đang giảng về tình yêu của Chúa.
Ông nói "Chúa luôn dang rộng vòng tay yêu thương cho mọi người". Có lẽ
lúc ấy, vì quá buồn, mỏi mệt và tủi thân, nên bốn Má con đứng khóc ròng. Một
người đàn bà bước lại hỏi thăm ( sau này tui mới được biết làvợ mục sư Bảo). Má
con tui thật lòng kể hết. Vợ chồng mục sư cùng một vài cô chú ở nhà thờ thấy tội
nghiệp nên chở dùm mấy Má con về nhà, rồi hôm sau người ta đem đồ đến cho, bàn
ghế, quần áo, tiền bạc, thức ăn. Rồi đích thân vợ chồng mục sư giúp điền đơn
dùm Má con tui để xin tiền bệnh, tiền trợ cấp. Cũng chính nhờ sự động viên,
nâng đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần mà má con tui mới sống nổi qua ngày...
Và từ đó chúng tui đi nhà thờ mỗi chủ nhật. Cám ơn Chúa. Cầu nguyện cho Má mau
hết bệnh. Cầu nguyện cho mấy chị em có công ăn việc làm. Các cô chú trong nhà thờ
đối xử rất tốt với tui, không ai nhìn màu da tui mà khinh khi hết. Tui vui lắm
khi mọi người cứ kêu "Amy, đến phụ cô làm cái này đi!", "Amy, ăn
chút gì cho có sức rồi hẵng làm chứ cháu ..". Và tui biết là ở nơi nào có
Chúa, thì tui có tình thương...
Mang ơn vợ chồng mục sư Bảo và các cô chú trong nhà thờ, nên mấy chị em tui
tình nguyện làm bất cứ việc gì nhà thờ cần. Tiền thì không có, nên chúng tui
đóng góp bằng công sức và thời gian. Tui không bao giờ buồn vì công việc mình
làm hết. Mà cầu tiêu ở Mỹ sạch sẽ lắm kìa, không có dơ, không có thúi như mấy đống
cứt gà mà hồi nhỏ tui phải nuốt đâu. Tui vui lắm, dù công việc có cực nhọc cách
mấy, vì tui biết mình làm là đền đáp công ơn Chúa...
Và rồi một ngày Chúa gọi Má tôi về với Ngài. Bà chết khi trong túi mấy chị em cộng
lại hết vẫn chưa được một đồng. Lúc còn sống, Má cứ ước có tiền về Việt nam
thăm chị Hai, chị Ba và các cháu. Vậy mà mơ ước chưa thành, Má đã ra đi. Tui
còn nhớ lúc biết mình sẽ không qua khỏi, Má nói với các chị em tui "Ngày
xưa Má cứ ước ao cả nhà mình qua đến được thiên đàng, nhưng nếu như Má có mất
thì mấy con ráng lo cho Má về Việt nam mà chôn cất, dù gì nằm bên bờ sông ngày
xưa với mấy con ốc, Má vẫn thấy ấm lòng hơn...". Cả nhà ai cũng đều biết ước
nguyện cuối cùng của Má là được chôn nơi miền quê cha đất tổ, mà đào đâu ra tiền
để chở xác Má về Việt nam? Tụi tui chỉ biết khóc, vì không mua nổi một quan tài
cho Má. Vợ chồng mục sư Bảo biết rõ ước nguyện của Má, nên tối nào mục sư cũng
lên đài kêu gọi mọi người giúp một tay. Đêm nào mấy chị em cũng ngồi trên đài với
mục sư Bảo và tụi tui cứ khóc, thương Má, mang ơn vợ chồng mục sư và tất cả những
người hảo tâm. Nhiều người mang tiền đến tận nhà giúp. Cuối cùng quyên góp được
16 ngàn đồng - cả một gia tài mà mấy chị em tui không bao giờ dám mơ tới. Phải,
16 ngàn đồng - con số này suốt đời tui không thể nào quên. Đó là công ơn của hằng
trăm người, mà nhiều nhất là vợ chồng mục sư Bảo và bác sĩ Nguyễn Hùng. Anh Tuấn
ở nhà quàn biết hoàn cảnh nhà tui, nên anh bớt cho hai ngàn tiền chi phí chuyên
chở xác Má về Việt nam. Em trai tui được mua vé đi cùng về Việt nam với Má. Rồi
số tiền còn lại thì mục sư đưa cho em tui về mua đất và lo chôn cất Má. Thế là
cuối cùng Má cũng được về yên nghĩ vĩnh viễn bên vùng ven biển ngày nào với những
con ốc nhỏ ngày xưa. Tạ ơn Chúa. Tạ ơn những tấm lòng...
Hôm đưa em trai ra phi trường, tui đưa nó gói giấy trong đó có cái vỏ ốc trắng
đen. Tui dặn nó nhớ thảy xuống huyệt khi chôn Má. Nó không chịu, hỏi lại là
" Chị quý nó lắm mà ? ". Tui gật đầu. Nhưng tui biết Má thích biển,
và đặc biệt là cái vỏ ốc này, Má cũng quý nó như tui. Lời Má dạy con ghi nhớ,
con không tiền, không có gì tặng Má. Thôi con gửi Má cái vỏ ốc này, Má mang
theo mà về với Chúa. Mong Má nói với Ngài rằng " Con Tí đen vẫn luôn cố gắng
sống tốt, sao cho cuộc đời đẹp và có ý nghĩa nhưng nửa trắng óng ánh bên kia của
vỏ ốc...
Chị Amy ngừng kể. Tôi im lặng, vì tôi biết có nói gì cũng sẽ là rất thừa thãi
vào giây phút này. Bất chợt chị nói " Tui không biết tên Ba, phải chi tui
được gặp lại ông Bill năm nào phỏng vấn, có thể tui nhờ ổng tìm ra Ba tui...
"
- Chị mong gặp lại Ba chị à? Chị không giận Ba sao ?
- Ngày xưa tui ghét Ba lắm. Nhưng Chúa dạy rằng "Mình phải biết tha thứ và
yêu thương. Tui chỉ mong gặp Ba, để nhìn ông và kêu một tiếng "BA" một
lần trong đời". Ngừng một chút, chị tiếp "Và tui sẽ nói rằng "Ba
đã làm Má khổ và con buồn. Vậy thôi..."
Gió ngoài trời lành lạnh, báo hiệu một mùa Giáng sinh nữa lại sắp đến. Tôi hỏi
"Năm nay Giáng sinh, chị sẽ làm gì?". Chị Amy buồn buồn đáp "Tui
đến nhà thờ dọn nhà cầu, khiêng bàn ghế, lau chùi các phòng, dự Thánh lễ rồi về
nhà... nhớ Má. Má mới mất năm ngoái thôi, nên tui nhớ bả lắm, nhớ cả cái vỏ ốc
trắng đen ngày xưa...". Chị lại tiếp "Năm nào tui cũng đâu có tiền mà
mua gì dâng tặng nhà thờ, hay tặng vợ chồng mục sư - người mà gia đình tui mang
ơn cả đời, nên tui chỉ biết cầu nguyện cho mọi người. Nhiều lúc tui buồn lắm,
vì không năm nào có tiền mua món quà gì dâng Chúa..."
- Những gì chị làm, chắc chắn là Ngài sẽ biết mà. Tôi tin chắc là thời gian,
công sức và tấm lòng của chị, sẽ là một trong những món quà mà Ngài ưng ý nhất...
Chị Amy chỉ cười, không nói. Tự dưng chị hỏi "Khi nào cuộc đời tui đăng
lên báo, chị cho tui xin ba tờ được không?"
- Được chứ. Tôi đáp ngay.
- Tui sẽ mang biếu vợ chồng mục sư Bảo một tờ, bác sĩ Nguyễn Hùng một tờ, còn một
tờ tui sẽ nhờ ai đó đọc cho tui nghe, tại tui không biết chữ, rồi thì tui sẽ giữ
nó mãi suốt đời. Phải chi Má còn sống, nghe đọc tờ báo này, chắc Má tui vui lắm...".
Chị Amy nhờ tôi gửi bài viết này kính tặng vợ chồng Mục sư Nguyễn Xuân Bảo, bác
sĩ Nguyễn Hùng cùng tất cả những tấm lòng nơi Thánh đường Sàigòn. Chị nói
"Đây là món quà - từ trái tim, chị dâng tặng mọi người nhân mùa lễ Giáng
Sinh ".
Trước khi chia tay, tôi hứa sẽ mang tặng chị Amy ba tờ báo, và sẽ đọc cho chị
nghe. Chị nói "Cám ơn người đẹp". Tôi ngượng ngùng "Chị đừng gọi
tôi là người đẹp, kỳ lắm". Amy đáp "Đẹp chứ, bởi vì chị trắng hơn
tui.."...
Tôi quay đi. Chạnh cả lòng. Nhìn xuống làn da mình, tôi tự hỏi "Cuộc đời
này có được bao người thật sự "trắng da" hơn chị?"
Hoàng Thanh