23 January 2017

NHỮNG NGÔI SAO SÁNG CHÓI TRÊN VÒM TRỜI HOÀNG SA - Ngô Nhân Dụng

Một lá thư báo tử, viết trước đây 43 năm, cho bà quả phụ Đại úy Huỳnh Duy Thạch biết tin chồng bà đã hy sinh vì tổ quốc, bức thư kể lại: “Trong trận hải chiến lịch sử ngăn diệt quân Trung Cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Đại úy Thạch và các chiến sĩ Hải quân thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ.10) đã nêu cao tinh thần bất khuất hào hùng quyết chiến quyết thắng trước kẻ thù chung của dân tộc. Dịp này, Đại úy Thạch chẳng may ngã xuống nhưng gương hy sinh cao cả của Đại úy đã như ngôi sao sáng chói trên vòm trời Hoàng Sa muôn thủa của quê hương.”

Đề đốc Trần Văn Chơn, tư lệnh Hải Quân gửi bức thư trên tới bà Lê Kim Chiêu ở số 8 Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, ông ca ngợi Đại úy Huỳnh Duy Thạch: “tổ quốc mất một người con yêu quý trong cuộc chiến hào hùng hiện nay của dân tộc …”

Những lời chia buồn “… thay mặt toàn thể quân nhân Hải Quân các cấp tôi thành kính nghiêng mình trước vong linh người quá cố và thành thật phân ưu cùng quý quyến” cũng được gửi tới những chiến sĩ Hải Quân khác bỏ mình ngày 19 tháng Giêng, năm 1974.


Sau 43 năm, đọc lại bức thư của Đề đốc Trần Văn Chơn, một người Việt Nam vẫn rưng rưng tưởng nhớ và biết ơn những những người con yêu quý của tổ quốc đã hy sinh trong sóng biển Hoàng Sa năm 1974; nghĩ đến cả những người con yêu quý của tổ quốc đã hy sinh năm 1988 ở Trường Sa. Đọc lại những lời lẽ viết theo công thức này chúng ta vẫn cảm động rơi lệ. Giống như những khẩu hiệu “độc lập, tự do, hòa bình, thịnh vượng,” vân vân, nói mãi và nghe mãi sẽ trở thành công thức khuôn sáo. Nhưng có những lúc, gặp đúng hoàn cảnh, chúng ta vẫn nức lòng khi hô to các khẩu hiệu đó. Chúng ta có thể sống lại mối xúc động của những người đầu tiên hô lên các tiếng “Tự Do!” “Hạnh phúc!” Trên thế giới vẫn có nhiều người sẵn sàng hy sinh cuộc đời hay mạng sống để thực hiện những lý tưởng chất chứa trong các mĩ từ đó.

Không biết gia đình những chiến sĩ Hải Quân Việt Nam bỏ mình trong trận hải chiến 1988, khi Trung Cộng đánh chiếm đảo Gạc Ma, có nhận được những bức thư tương tự hay không? Vị tư lệnh Hải Quân năm đó có ca ngợi các liệt sĩ đó “nêu cao tinh thần bất khuất hào hùng quyết chiến quyết thắng trước kẻ thù chung của dân tộc” như bức thư của Đề đốc Trần Văn Chơn nói về các chiến sĩ Hoàng Sa hay không? Có tỏ lòng thương tiếc “tổ quốc mất một người con yêu quý trong cuộc chiến hào hùng hiện nay của dân tộc …” với gia đình từng tử sĩ hay không?

Ngày nay, thân nhân của những tử sĩ ở Hoàng Sa và Gạc Ma đã có dịp gặp nhau. Họ có thể cùng xác định “kẻ thù chung của dân tộc,” của cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam vào năm 1974 cũng như năm 1988 là nước nào. Ngày kỷ niệm trận Hoàng Sa năm 1974 nhắc nhở chúng ta bổn phận bảo vệ tổ quốc. Tưởng nhớ Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988, nhớ những chiến sĩ “như ngôi sao sáng chói trên vòm trời Hoàng Sa, Trường Sa muôn thủa của quê hương Việt Nam,” chúng ta biết phải đoàn kết mới có thể chống lại “kẻ thù chung của dân tộc.”

Muốn dân tộc đoàn kết, trước hết, phải xây dựng một chế độ dân chủ do chính người dân bỏ phiếu lựa chọn. Chỉ một chính quyền “bởi dân, do dân và vì dân” mới đoàn kết được tất cả mọi người từ Nam ra Bắc; liên kết với các quốc gia khác trên căn bản bình đẳng để bảo vệ “vòm trời muôn thủa của quê hương;” xây dựng giáo dục, văn hóa, phát triển kinh tế, mở đầu một cuộc phục hưng đất nước sau khi bị tàn phá vì nội chiến và ngoại xâm, và bị kìm kẹp trong một chế độ độc tài vừa bất lực vừa lạc hậu.

Một người mới nhắc nhở dân tộc Việt Nam về triển vọng phục hưng là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật ở Sài Gòn, ông Kerry nói: “Tại Văn Miếu Hà Nội, có bia khắc câu này: Trời đã chuyển tới một thời kỳ phục hưng” (Nguyên văn: On Hanoi’s Temple of Literature, there is an inscription that reads, “Heaven has ushered in an era of renewal).

Nhiều người không biết ông ông Kerry nhặt đâu ra câu trích dẫn đó! Một người Hà Nội là bạn Tự Anh đi tìm, cho biết chính người phiên dịch cho ông Kerry cũng không rõ gốc câu này ở đâu ra. Đọc nguyên văn rồi, bạn Tự Anh “cũng chẳng biết tiếng Việt là gì,” nhưng đã tìm ra nguyên văn chữ Hán Việt, gồm hai vế: “thiên khởi trung hưng, thế khai văn vận.” Nghĩa là Trời bắt đầu cuộc trung hưng – Đời mở cho cuộc cai trị bằng văn!

Nhưng câu đối này, của ai và viết trong tác phẩm nào? Bạn Tự Anh than: “Họ mang câu chữ của mình ra đố mình mà mình lại mù tịt thì mất thể diện của người Việt Nam mình, xấu hổ quá!” Vì vậy, ngày 13 tháng Giêng, 2017, Tự Anh viết thư thỉnh ý một “bậc đại thụ về Hán Nôm” là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, ở Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cũng nghĩ “… ông Ngoại trưởng đánh đố đây!” Chắc các ông lãnh đạo chính quyền thuộc loại “ma dze in Việt Nam” cũng không biết đó là một thách đố! Ông Nguyễn Huệ Chi đã hỏi ý kiến các môn sinh cũ, “Nhưng các cô cậu học trò của tôi đều chẳng ai biết cả. Thế là tự mình phải mầy mò!”

Nguyễn Huệ Chi đoán rằng câu này không lấy trong văn học Trung Quốc, bởi vì, “Ngoại trưởng John Kerry đã trích dẫn trong bài nói của ông ta thì chắc là phải trích của người Việt Nam, chứ ai lại đem câu văn của Đại Hán mà mình đang chống chúng nó ra để giảng thuyết cho người Việt?”

Ông kết luận rằng “đây phải là một bài văn khoa cử, và phải được làm vào đời Lê trung hưng vì nội dung có nói đến “trời mở ra cuộc trung hưng.” John Kerry nói câu này được ghi khắc tại “Hanoi’s Temple of Literature” tức là Văn Miếu Hà Nội, mà ở đó thì đầy những bia tiến sĩ. Do đó, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã tìm thấy trong bài văn bia số 21, Quang Hưng ngũ thập niên Nhâm Thìn khoa tiến sĩ đề danh ký, 光 興 十五 年 壬 辰 科 進  士 題 名 記  (bia khắc tên các vị đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng thứ 15 - 1592) hai câu mở đầu là: “Thiên khởi  trung hưng - Thế khai văn vận - 天 起 中 興 / 世 開 文 運, nghĩa là:  Trời dấy vận trung hưng, thời thế mở ra công cuộc văn trị.” Quang Hưng là một niên hiệu của vua Thế Tông, Lê Duy Đàm. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho biết, tác giả bài văn bia này gồm hai vị, Thượng thư bộ Lễ Dương Trí Trạch và Hàn lâm viện Hiệu lý Nguyễn Văn Lễ.

Hai câu mở đầu bài văn bia nói đến Thiên và Thế, trời và cuộc đời. Vận Trời là chuyển biến trong xã hội và lịch sử, Cuộc Đời là do con người tự quyết định, tự tạo nghiệp cho mình. Chuyển biến lịch sử đã thấy rõ: Chế độ cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, Trung Cộng và Việt Cộng phải tự tư bản hóa; kinh tế toàn cầu khiến các quốc gia tùy thuộc lẫn nhau, không nước nào có thể xưng hùng xưng bá. Cảnh Trung Cộng và Mỹ tranh hùng đang diễn ra ngay trong vùng Biển Đông nước ta. Dân tộc Việt Nam có cơ hội phục hưng!

Phục hưng nghĩa là không dùng bạo lực và dối trá để trị dân, phải bắt đầu một chế độ “văn trị,” xây dựng đạo lý, thượng tôn pháp luật, tôn trọng những quyền tự do của con người!

Câu đố của John Kerry đã được Nguyễn Huệ Chi giải đáp. Chắc ông ngoại trưởng Mỹ cũng biết Hà Nội được gọi là nơi “ngàn năm văn vật!” Ông đến Việt Nam để cổ võ một nền “văn trị,” nên đã trích văn bia Quốc Tử Giám, như ông Obama đã biết trích dẫn Nguyễn Trãi và Truyện Kiều. Họ kính trọng người khác, nên cũng được kính trọng.

Mở đầu bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, ông Kerry có ý khoe nước Mỹ lắm tiền, bằng cách nhắc lời của ông hiệu trưởng trường, cho biết tòa nhà này được xây dựng năm 1967, “bằng tiền viện trợ USAID!” Nhưng ông cũng giải thích ngay rằng kinh tế nước Mỹ thịnh vượng là do một chế độ tự do dân chủ tạo nên. Ông nói, “Chúng tôi khuyến cáo Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, cũng như chúng tôi vẫn khuyên khắp thế giới. Tại sao? Vì những nước bảo vệ các quyền tự do căn bản của người dân thì họ thường tạo ra được những nền kinh tế biết canh tân, đa dạng, và phát triển.” Ông còn nhắc khéo, châm chọc khẩu hiệu “ổn định” của đảng Cộng sản, “Và, phải nói thêm, những quốc gia đó thường ổn định hơn nhiều.”

John Kerry lại vừa nhắc tới nhu cầu cải tổ, vừa ca ngợi lịch sử của Việt Nam. Ông bảo rằng sau mỗi lần thăm Việt Nam, ông lại thấy “một điều không bao giờ thay đổi ở xứ này là nhu cầu cần thay đổi.” Nhưng “dù thay đổi thế nào thì quốc gia này vẫn luôn luôn tự hào về truyền thống của mình, tự hào về văn hóa, lịch sử của mình.” Rồi ông nhấn mạnh, “nhất là tự hào về nền độc lập của nước mình!” Ai nghe đến đó cũng phải nghĩ đến công trình giành độc lập của dân Việt Nam sau ngàn năm Bắc thuộc!

Nhưng muốn kinh tế Việt Nam đạt tới trình độ “lợi tức trung lưu” vào năm 2035, ông Kerry khuyến cáo rằng điều đó chỉ đạt được qua những cuộc cải tổ để, “củng cố nền tảng thượng tôn pháp luật, khuyến khích sáng kiến canh tân, và giải phóng năng lực kinh doanh” của người dân.

Người Việt Nam chắc cũng nuôi hy vọng như lời chúc của ông John Kerry. Dân Việt vốn lạc quan, nhất là đồng bào miền Nam. Trong năm 2016, dân ở phía Nam đã bỏ ra 85,000 tỉ đồng (bằng 3 tỉ 570 triệu đô la Mỹ) đi mua vé số “với hy vọng đổi đời,” như nhà báo tường thuật.

Hy vọng đổi đời, hy vọng đó có thật và đang lên rất mạnh. Nhưng chúng ta không nên chỉ đi mua vé số cầu may. Người Việt Nam có thể quyết định đổi đời, đổi đời cho tất cả mọi người, cho cả đất nước, nếu chúng ta đoàn kết hướng về tổ quốc thân yêu.

Hải Quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà, tử trận ngày 19 tháng Giêng năm 1974, 30 tuổi, thân xác ông chìm cùng với con tàu Nhựt Tảo. Bà Ngụy Văn Thà gần đây mới trả lời một nhà báo: “Ông xã cô chết vì cái đất nước Việt Nam mình. Ổng là người Việt Nam, khi đất nước cần thì ổng chết cho đất nước. Cô chỉ nghĩ đơn giản vậy.”

Hôm nay chúng ta tưởng niệm Hoàng Sa và Trường Sa để nhắc nhở người Việt mối nhục đất nước bị ngoại bang xâm chiếm. Để người Việt đoàn kết, hướng đến tương lai với lý tưởng “Trời mở cuộc phục hưng,” không cần một người ngoại quốc nhắc nhở. Trước ngày 19 tháng Giêng năm 2017, một số nhà tranh đấu dân chủ đã tới thắp hương tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (nay là Nghĩa trang Bình An, thuộc Bình Dương). Lê Công Định, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Hoàng Vi, vân vân, đã cúi đầu tưởng niệm những người đã bỏ mình “trong cuộc chiến hào hùng của dân tộc …” như lời Đề đốc Trần Văn Chơn trong bức thư viết về Đại úy Huỳnh Duy Thạch.

Nhân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, đồng bào cả nước cùng nhau thắp hương tưởng nhớ các tử sĩ, những ngôi sao sáng chói trên vòm trời Hoàng Sa, Trường sa. Cầu nguyện tổ tiên và hương linh các chiến sĩ phù hộ cho đất nước ta “Mở cuộc phục hưng” để bắt đầu một chế độ “văn trị.”

Ngô Nhân Dụng