Năm Khỉ sắp qua năm Gà sắp tới mặc dù sợ "bút sa gà
chết", tôi vẫn muốn tản mạn một chút để chào đón năm mới Đinh Dậu này,
bạn hãy cùng tôi đi dạo chợ Gà nhé!
Theo tôi năm 2016 không phải là năm con khỉ, mà là năm con
cá, vì sự kiện cá chết do Formosa và nhà cầm quyền cộng sản "cõng rắn cắn
gà nhà" gây ra. Bao nhiêu tổn hại từ vật chất đến tinh thần, ai cũng
ngao ngán. Sấm trạng Trình đã viết:
Khỉ nọ ôm con ngồi khóc mếu,
Gà kia vỗ cánh chập chùng bay…
Tôi cũng không hiểu lắm “gà bay” ông Trạng nói ở đây nghĩa
như thế nào, nhưng vẫn tin rằng trong năm Đinh Dậu sắp tới vận mệnh nước nhà và
từng người sẽ được bay cao hơn.
Chuyện về gà thì rất nhiều, chắc bạn đã biết rồi nhưng tôi
cũng xin sơ lược lại chút chút, biết đâu vì bận rộn có chuyện bạn đã quên.
Đầu tiên là truyền thuyết về An Dương Vương, chuyện ông đã
phải giết con gà trắng sống ngàn năm hóa thành tinh rồi mới xây được thành Cổ
Loa. Rồi trong sự tích Sơn Tinh -Thủy Tinh, gà đã được nhắc đến khi vua Hùng
thách cưới đòi có ba lễ vật mới gả con gái là Mỵ Nương gồm: Voi chín ngà, gà
chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Trong Phật học đã có người giải thích: "Cái này có
nên có cái kia" nghĩa là cả hai trứng gà và con gà cùng có một lúc, có
gà trống tất yếu phải có con gà mái v.v… Đó là triết lý Duyên Khởi, là Tánh
Không trong Phật Giáo để giải thích được các hiện tượng của thế giới quan và vũ
trụ quan.
Cũng có người cho là gà trống, rắn độc và con lợn, là biểu
tượng của tam độc: THAM, SÂN, SI. Anh gà trống thích một mình sở hữu đám gà
mái, sẵn sàng dương cựa đánh đuổi gà khác, bị coi như tham ái, tham dục.
Người dân cũng có tập tục "gà mở cửa mã" để
con gà đi 3 vòng quanh ngôi mộ mới. Nếu chúng ta không giữ vững cương vị của
mình, thì sẽ bị hỏi: “Bụt ở trên tòa, gà nào dám mổ mắt?”
Trong Kinh Thánh, việc ông thánh Phêrô chối Chúa Giêsu 3 lần
trước khi gà gáy cũng đã được ghi rõ. Điều này khiến gà trống trở thành biểu tượng
của sự cảnh giác. Vào thế kỷ 6, đức Giáo hoàng Gregorio thứ nhất tuyên bố gà trống
là biểu tượng của Kitô Giáo. Vào thế kỷ 9, đức Giáo hoàng Nicola I ra lệnh đặt
hình gà trống lên các gác chuông nhà thờ. Chúa Giêsu cũng đã trách: “Hỡi
Jerusalem, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các ngươi như gà mái ấp ủ con mình
trong cánh, mà các ngươi chẳng muốn". (Mt 23:37; Lc 13:34). Ở Đà Lạt
cũng có nhà thờ Con Gà rất nổi tiếng và đẹp. Tên chính thức là nhà thờ chính
tòa Ðà Lạt, nhưng vì trên thánh giá có tượng một con gà cách mặt đất 27m nên
người ta quen gọi là nhà thờ Con Gà. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã sáng tác ca khúc nổi
tiếng Bài Thánh Ca Buồn về giáng sinh tại địa danh này.
Vào thời Tam Quốc, khi Tào Tháo mang quân đánh nước Thục tới
đất Hán Trung thì bị chặn lại. Khổng Minh đã dùng mẹo thắng nhiều trận làm cho
quân Tào nao núng. Khi đó Dương Tu vào bẩm xin mật khẩu gác ban đêm, Tào Tháo
liền phán hai chữ “Gân gà”. Khi ấy chắc họ Tào đói bụng và thấy gân gà dẻo dai
lắm nên mới chọn hai chữ ấy.
Gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp. Trên
trống đồng xưa, gà và chim là những loài vật được thể hiện khá nhiều.
Ở Nam Dương, người ta có đền thờ gà và tổ chức lễ hàng năm để
vinh danh thần Gà. Không chỉ Đông Nam Á, thời nữ hoàng Victoria, người Anh cũng
xem con gà trống là biểu tượng của đàn ông và sức sống. Nhà văn danh tiếng
Aldrovandi cho rằng gà trống là “tấm gương tốt nhất và trung thực nhất về
người cha trong một gia đình”.
Theo cổ sử, đá gà là một trong những môn chơi phổ biến trong
xã hội người Ai Cập, Ba Tư, Do Thái và Trung Đông. Thời vua Henry thứ VIII thế
kỷ 16, đá gà ở Anh thịnh hành đến độ trở thành một loại thể thao quốc gia,
nhưng đến thời nữ hoàng Victoria thì môn thể thao này bị suy tàn vì sắc lệnh của
triều đình cấm chọi gà.
Ở Mỹ, đá gà cũng có thời rất thịnh hành. Tổng thống George
Washington, Thomas Jefferson, Andrew Jackson và Abraham Lincoln là những người
rất ham mê đá gà. Cho đến nay, chỉ có tiểu bang Louisana và một phần tiểu bang
New Mexico cho phép đá gà, còn các nơi khác đều cấm. Tôi rất ủng hộ luật cấm
này vì tội nghiệp mấy con gà và không thích có người mê mẩn "cá độ"
hao tốn tiền bạc thì giờ. Hưng Đạo Vương trong Hịch Tướng Sĩ đã từng quở trách
những người ham mê chọi gà mà quên việc lớn của nước nhà. Chà, tôi cũng hơi nhột
vì dù không thích trò chọi gà, tôi cũng từng ham mê những thứ khác mà quên
trách nhiệm của mình.
Trong chuyện Kiều, người ta đã đếm được tên 55 loài cỏ cây
và 49 loài vật, trong đó có con gà như trong câu "Tiếng gà nghe đã gáy
sôi mái tường" hoặc "tiếng gà xao xác gáy mau". Thi
hào Nguyễn Du cũng đã nhắc tới chữ “trăm năm" mười lần trong Kiều, nên câu
chuyện này theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều đúng là câu chuyện ý nghĩa
"ngàn năm".
Trong Chinh Phụ Ngâm cũng đã có câu than thân của người phụ
nữ cô đơn chờ chồng:
Gà eo óc gáy sương năm trống
Rồi chuyện Phạm Công, Cúc Hoa cũng có liên hệ tới gà, ai
cũng cảm động vì khi trời sáng gà gáy thì Cúc Hoa phải rời con để trở về cõi
âm:
Cúc Hoa nước mắt ròng ròng
Nghe gà gáy giục mà lòng tái tê
Còn trên Thiên đình thì sao? Từ thuở xa xưa ấy chính Ngọc
Hoàng Thượng Đế cũng đã nuôi gà qua câu chuyện Cóc kiện ông Trời .
Khi viết phiếm luận, tôi thường dựa theo công thức là nói về
đề tài đó trong văn chương, trong dân gian, trong khoa học, trong chuyện chưởng...
nhưng khi viết về gà tôi không nhớ ra được thí dụ nào trong chuyện Kim Dung
dính líu tới gà, ngoài câu hát diễu "Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc
một cái ra ba con gà mái”!. Hồi bé tôi cũng hay hát câu này, nhưng xuất xứ
của nó thì chịu thua. Ấy thế nhưng nói về võ công thì vào thời Tây Sơn, Nguyễn
Lữ là người đã sáng tạo ra môn Hùng Kê Quyền tức là bộ quyền gà chọi, lợi hại lắm
đấy.
Nói về các nhân vật nổi tiếng sinh trong năm Dậu, thì phải kể
tới Vua Đinh Bộ Lĩnh (925-979) sanh vào năm Ất Dậu. Ất Dậu này xưa xửa xừa xưa,
không phải năm 1945 khi có nạn đói Ất Dậu. Bà Đoàn Thị Điểm cũng tuổi Dậu
(1705-1746), vua Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792) thì tuổi Quý Dậu đã đánh
tan đội quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị nhà Thanh. Thi hào Nguyễn Du (1765-1820)
cũng cầm tinh con gà.
Trong bộ tranh truyền thống làng Đông Hồ, tranh gà và heo
chiếm đa số. Bộ tranh gà lợn được trang trọng treo trong nhà nhân dịp Tết để diễn
tả niềm mong ước được sung túc, dồi dào sức khỏe. Chả thế mà nhà thơ Hoàng Cầm
đã viết:
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, Màu dân tộc sáng bừng
trên giấy điệp.
Hiện nay trên thế giới, người ta thống kê có gần 200 giống
gà khác nhau, tất cả đều xuất thân từ loài chim rừng màu đỏ có tên là Red
Jungle Fowl, tên khoa học là Gallus. Trong cuốn “Origin of Species”, Darwin
cũng khẳng định các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng
Đông Nam Á.
Mới đây bên Nhật có chuyện con gà Masahiro may mắn thoát chết
3 lần, nhân viên sở thú Osaka thấy vậy không dám cho vào "thực đơn" nữa.
Số là người ta đem con gà Masahiro này làm thức ăn cho chồn, khi thấy nó khá
già không muốn chưng bày trong sở thú nữa. Thế nhưng dù đem cho chồn, thậm chí
cho cọp, sư tử ăn, nó vẫn sống nhăn (hay là nó già thịt dai quá nên bị chê??).
Nhân viên sở thú lấy làm lạ đăng tin, thế là người ta ùn ùn tới Sở Thú xem cho
được con gà lạ này, số người đông đến nỗi phải ghi tên trước mới được ôm nó chụp
hình lấy hên.
Khi xưa ở Tây Ninh ba má tôi cũng có thả ít con gà trong vườn
nuôi để có thịt ăn. Tôi được cho riêng một con gà nhỏ nuôi như con
"pet" của mình, nó có bộ lông loăn xoăn rất đặc biệt, tôi đặt tên là
con gà "Ngoéo". Nó hay lẩn quẩn dưới chân vì tôi luôn có thức ăn đặc
biệt cho nó, nhưng có ngày nó bị ăn trộm bắt mất. Thấy tôi buồn khóc thút thít,
má tôi liền có "good idea" là đi ra chợ khu bán gà để kiếm. Hai mẹ
con đang đi lớ ngớ thì bất ngờ Ngoéo nhận ra tôi, nó đưa cao cổ lên nhìn và kêu
cúc cúc cầu cứu, tôi không thể nào quên được ánh mắt con gà lúc đó. Rõ ràng là
nó nhận ra tôi. Má tôi trả tiền mua lại nó đem về, nhưng cuối cùng trộm cũng tới
"ẵm" nó đi lần thứ hai và lần này thì không tìm lại được nữa.
Bạn có từng ở trại tỵ nạn không, nếu có chắc bạn biết
"gà đạp mìn" nghĩa là gì. Khi ở trại tỵ nạn chờ sang nước thứ ba định
cư, đa số ai cũng nghèo phải ăn đồ hộp do Cao Ủy Tỵ Nạn phát, nếu có chút tiền
mới ra chợ mua được thịt cá tươi ăn thêm. Hồi ấy người địa phương đem tới trại
bán những bộ xương gà loại để hầm nước súp, chúng tôi mua về luộc ăn, mút mát gặm
xương, đặt tên là gà đạp mìn vì chỉ khi đạp phải mìn nổ banh xác mới chỉ còn
xương như thế!
Gần đây bên Việt Nam có gà Dân chủ. Các nhà tranh đấu cho Tự
Do Nhân Quyền như Lê thị Công Nhân, Nguyễn Thị Kim Liên (mẹ của Đinh Nguyên
Kha) cần tiền để sinh sống, nên đã nuôi gà và bán cho bạn bè. Đồng bào trong nước
và hải ngoại đều mua để ủng hộ, có người mua cả 10 con nhưng không lấy gà, trả
tiền rồi nhờ người bán đem biếu cho bà con dân oan ăn dùm. Nghe thật là cảm động.
Mong những con gà Dân chủ này sẽ luôn đem tiếng gáy để đánh thức niềm tin cho
Dân oan, cho đất nước không còn Cộng sản.
Lúc xảy ra cá chết “Formosa” có người tiếc cá đem cho gà ăn,
hàng trăm con gà chết lăn quay nhưng bọn cầm quyền bảo gà chết là vì ăn quá no.
Những giải thích kiểu này chỉ có thể ma-dze in Vietnam, nờ hờ cờ nờ (ngu hết chỗ
nói!)
Cũng có loại gà đi bộ, tức là gà nông trại đi tới đi lui
không phải gà công nghiệp nhốt trong chuồng, thịt không bị bở nhưng giá mắc hơn
gà thường. Nói nôm na thì gà ốm mắc hơn gà mập nặng ký, nghĩ cũng nghịch lý. Đó
là giá gà ta, còn gà tây - món không thể thiếu trong ngày Noel, Lễ Tạ Ơn - thì
lại khác, càng to càng mắc vì tính theo "pound". Mỗi dịp lễ lớn bên
đây các chợ đều cùng nhau hạ giá một số món để người dân mua ăn mừng lễ, còn ở
Xã Hội Chủ Nghĩa thì vào dịp Lễ Tết các con buôn lại thi nhau cắt cổ người dân,
nhân viên phải bóp bụng mua quà cáp đút lót cấp trên, rõ khổ! Nói tới gà tây
thì phải kể chuyện các tổng thống bên Mỹ cũng thực hành "phóng sinh".
Kennedy là tổng thống Mỹ đầu tiên thả một con gà tây vào tháng 11, 1963 không
giết thịt, nhưng mãi đến thời George Bush vào năm 1989, lễ xá tội cho gà tây mới
trở thành truyền thống ở Nhà Trắng. Obama ngày 23 tháng 11, 2016 vừa qua đã thả
2 con gà tây cuối cùng với tư cách tổng thống Mỹ trong dịp lễ Tạ Ơn.
Về địa danh có liên hệ tới gà thì phải kể tới mũi Kê Gà ở
Phan Thiết, ngó ra hòn Khói là nơi làm muối. Gọi là mũi Kê Gà vì bàn tay thiên
nhiên đã vô tình xếp những hòn đá thành hình dáng trông gần như cái mỏ gà, đã
Kê mà còn Gà, phải giống đầu gà lắm người ta mới nhấn mạnh như thế.
Người ta tin khi gà mái gáy là điềm xui, chuyện bất thường.
Gà cũng góp phần vào việc dự báo thời tiết: "Chớp đông nhay nháy, gà
gáy thì mưa". Ở vùng quê cũng có loại cỏ tên là cỏ Gà với câu truyền
khẩu "Trời đang nắng cỏ gà trắng thì mưa".
Bạn có được cha mẹ ru ngủ bằng các câu ca dao như:
“Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi"... hoặc:
“Em tôi buồn ngủ buồn nghê, buồn ăn cơm nếp cháo kê, thịt
gà" không?
Ngon và ấm áp quá nhỉ, sau này có con tôi cũng hát ru những
câu này, chúng chẳng hiểu gì nhưng cũng thích lắm, cứ bảo “mẹ hát nữa
đi...."
Bạn có nghe qua câu:
“Con rắn không chưn nó đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú, nuôi nổi chín mười con" chưa?
Hình ảnh gà mẹ ấp ủ gà con là hình ảnh của tình mẫu tử, sự
thương yêu, Tết này bạn dự định sẽ làm gì cho cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo?
Người đàn ông góa vợ không tục huyền được gọi là "Gà
trống nuôi con", tôi có quen một vài anh ở vậy lo cho con rất đáng
khâm phục, dù "không đàn bà thì gà bươi bếp"
Trong văn chương, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã miêu tả:
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Bàng Bá Lân đã gợi lên nét đẹp ngày Xuân trong câu thơ ngắn gọn:
Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh Lợn-Gà
Riêng nhà thơ Lưu Trọng Lư đã diễn tả thật hay:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không
Ngôi sao làng thơ cận đại là Vũ Hoàng Chương đã viết bài thơ
Xuân cuối cùng của đời mình - sau tháng Tư 1975 - khi cái xã hội quanh ông xuống
cấp rất tệ như sau:
Tối chưa tối hẳn, sáng sao đành
Gà lợn om sòm cả bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh?
Trong âm nhạc thì có các bài hát thiếu nhi rất dễ thương nhắc
tới gia cầm, như bài: “Hai chú gà con đi chơi với nhau, chú che cái dù chú đội
mũ trên đầu". Bạn có hát tiếp được không?
Nói tới nhạc thì đã có người thử nghiệm cho gà nghe nhạc
giao hưởng, dựa theo nguyên tắc bên Nhật cho bò nghe nhạc để thịt mềm thành thịt
bò Kobe nổi tiếng. Sau 2 tháng, chủ trại gà nhận thấy sản lượng trứng tăng khoảng
6%, hàm lượng dinh dưỡng trong trứng cũng tăng 3% so với trước. Có lẽ kết quả
này là nhờ nhạc êm ái đã giúp gà giảm căng thẳng, không giật mình bởi những tiếng
động bên ngoài. Bạn tin không? Hay là hãy thử nghiệm để chính mình nghe nhạc
xem sao!
Về văn chương thì chắc bạn đã đọc qua chuyện ngụ ngôn gà đẻ
trứng vàng, đại khái người kia có con gà đẻ ra trái trứng bằng vàng, nóng nảy
tham lam mong mau giàu nên mổ bụng gà ra tìm của, than ôi gà chết mà chẳng thấy
vàng ròng đâu nên “mặt tái như gà cắt tiết". Chuyện này nhắc tôi một
lần nữa phải kiên nhẫn, phải suy nghĩ thiệt hơn trước khi quyết định việc gì, đừng
láu táu vội vã. Bên Mỹ thì có loạt chuyện làm đẹp tâm hồn với tựa đề
"Chicken Soup for the Soul", giúp đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp giải trí
và nhất là học đạo làm người.
Cũng xin nhắc qua về quyển tiểu thuyết Chị Dậu, tức là tác
phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố. Buồn thay cho số phận người dân nghèo bị hà hiếp,
thế nhưng so với xã hội ngày nay thì đời sống còn tệ hơn nhiều, nhiều địa danh
trở nên nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi" vì quá đói nghèo. Thương
ghê cho đất nước Việt Nam, vậy mình hãy cùng góp tay làm cái gì đó cho quê
hương.
“Khách đến nhà không gà thì vịt”, người Việt mình
luôn hiếu khách quý mến bạn bè, tiếc là ngày nay đa số người dân ở Việt Nam đều
nghèo đói khó có thể thực hành câu này.
Trong dân gian đã có các câu: “Khôn ngoan đá đáp người
ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, hoặc “con gà tức nhau tiếng gáy”,
“Xúi trẻ ăn kít gà”... để chúng ta áp dụng vào thực tế làm cuộc sống ý
nghĩa hơn.
Gà là loài vật thật ích lợi, khi sống thì cho tiếng gáy thay
đồng hồ báo thức, dáng vẻ màu lông rực rỡ góp phần tạo nên bức tranh đẹp của cuộc
sống miền quê thanh bình, yên ả. Khi chết thì cho thịt, nào là gà xé phay, gà
rô-ti, cháo gà, xôi gà, phở gà, gà xối mỡ …. Trên mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên
ngày Tết mà có nguyên con gà luộc thì đẹp biết mấy. Lòng gà, mề gà, phao câu
cũng là món nhậu khoái khẩu, chân gà chế thành món "phùng chảo", làm
gỏi chân gà không vất đi phần nào. Sang tới Âu Mỹ thì có gà chiên hiệu ông già
Kentucky, thơm ngon béo bổ (nhưng đừng ăn nhiều quá kẻo... bổ ngửa!). Trứng gà
có thể nào là luộc, là chiên, là ốp-la, trứng gà lộn, sôđa sữa hột gà... Trứng
gà đánh với bột mì có thể làm bánh thuẩn, bánh bông lan hoặc còn là dược phẩm
pha chế dưỡng da. Ông bà ta thường luộc trứng để cạo gió mỗi khi bị cảm sốt.
Lông gà thì có thể chế biến thành một loại bột giặt hữu hiệu, ngoài ra còn dùng
làm cây cọ để viết, làm chổi lông gà (hồi bé bạn có bị ăn "chả lông gồi",
chổi lông gà chưa?). Lông gà còn dùng làm quạt, làm áo lông gà, làm cầu cho môn
thể thao đá cầu. Ngay cả chất thải của gà cũng có thể dùng làm phân bón cho cây
cối….
Con gà bé nhỏ như thế mà có biết bao ích lợi, biết đúng giờ,
tôi nhột lắm vì chính mình đã từng trễ hẹn nhiều lần. Mong là trong năm mới này
tôi sẽ có ý chí quyết tâm sống tốt hơn.
Vâng, đầu năm chúng tôi xin được chúc quý bạn thật nhiều điều
tốt đẹp, khỏe mạnh không bị cúm gà ho gà kẻo "trói gà không chặt",
ngủ ngon giấc để khỏi "ngủ gà ngủ gật". Chúc bạn tránh chuyện
cãi nhau trong gia đình khi "ông nói gà, bà nói vịt". Quý anh
thì không bị thói "mèo mả gà đồng", mọi người ai cũng tỉnh táo
nhận định tránh "trông gà hóa cuốc", tay chân khéo léo viết chữ
đẹp khác kiểu "gà bới", nếu đi chơi xa không gặp chuyện "vắng
chủ nhà, gà mọc đuôi tôm", tánh tình dễ chịu không "bới vết
tìm lông", mọi điều hanh thông tốt đẹp.
Để kết thúc buổi chợ gà, xin tặng bạn tấm hình chụp của đóa
hoa mào gà - dù có người cho là loại hoa bình dân nhưng vẫn được bán trong các
chợ Hoa ngày Tết - màu hoa thắm tươi tình đồng bào, tình nhân loại, ta cùng mỉm
cười chào đón Xuân sang....
Xuân Đinh Dậu 2017
Nguyễn Ngọc Duy Hân