28 January 2017

TÌNH THƯ TRÊN CÁT – Điệp Mỹ Linh

Dọn cơm lên bàn xong, Thảo-Ly chưa kịp ra sân mời Mẹ vào dùng thì thoáng nghe, từ radio của nhà bên cạnh, một dòng nhạc quen thuộc mà nàng yêu thích từ thời còn học trung học. Khi tiếng hát vang xa. Thảo-Ly đứng lặng để niềm xúc động cuồn cuộn xuôi theo giọng ca ngọt ngào: “On the day like today, we passed the time away, writing love letters in the sand. How you laughed when I cried each time I saw the tides take our love letters from the sand…”(1) Vừa nghe đến phân đoạn này, Thảo-Ly chạy vội vào phòng trong, mở radio để được lặng lẽ nghe trọn bài.

Thảo-Ly tựa vào góc giường, ôm radio, để giọng ca nồng nàn của Pat Boone đưa nàng trở về với những tháng ngày tươi đẹp, êm đềm và đáng yêu nhất của một đời người.
Những tháng ngày êm đềm và đáng yêu ấy, không những một mình Thảo-Ly mà dường như hầu hết học sinh lớp đệ nhị B trường trung học Võ-Tánh đều mong thứ Hai và thứ Tư qua nhanh để thứ Ba và thứ Năm đến sớm, được thấy Kiệt, giáo sư Toán-Lý-Hóa, xuất hiện trong lớp.
Mỗi khi Kiệt bước vào, cả lớp đứng lên trong thế nghiêm. Kiệt khoát tay, ra dấu cho cả lớp ngồi xuống, rồi Kiệt để cái mủ nhà binh của chàng lên góc bàn. Dáng người cao, gương mặt của Kiệt rất điềm đạm và mọi động tác của chàng đều từ tốn, nhưng Kiệt lại đem đến cho cả lớp một sinh khí vui tươi, một lối giảng dạy mới mẻ. Sau những lần thi tam cá nguyệt, nếu thừa thì giờ, Kiệt thường kể cho cả lớp nghe về những điều tốt đẹp tại các nước văn minh mà chàng đã du học và nhiều lần được đi tu nghiệp. Nhìn Kiệt và nghe những điều chàng kể, tất cả học sinh đều có những mơ ước thầm kín. Riêng Thảo-Ly, là một học sinh rất chăm chỉ, nàng chỉ ước mơ được đậu cao kỳ thi này để xin học bổng du học, và sẽ được đến những nơi mà Kiệt đã hết lời ca ngợi.
Rồi một chiều Hè, đang lang thang bên bờ biển, Kiệt chợt thấy mái tóc và dáng người quen quen ngồi ủ rủ cạnh gốc dừa. Đến gần, Kiệt nhận ra Thảo-Ly; nhưng Thảo-Ly vẫn cúi mặt cho nên Thảo-Ly không thấy chàng. Kiệt gọi: “Thảo-Ly! Phải Thảo-Ly không?” Thảo-Ly giật mình ngẫng lên. Thấy đôi mắt đỏ và những dòng nước mắt nhạt nhòa trên khuôn mặt xinh đẹp của cô học trò, Kiệt ngạc nhiên: “Thảo-Ly! Tại sao Thảo-Ly khóc?” Thảo-Ly òa khóc như trẻ thơ: “ Thầy ơi! Con rớt vấn đáp rồi!” Kiệt vừa cảm thấy tội nghịêp cho cô học trò rất siêng năng, vừa cảm thấy tức cười vì Thảo-Ly hành động giống như cô em gái bị Mẹ rầy rồi làm nũng với ông anh. Kiệt an ủi: “Rớt kỳ này thì thi lại kỳ sau. Đừng bi quan.” Thảo-Ly im lặng, quẹt nước mắt và thút thít. Kiệt tiếp: “Thôi, về gắng ôn bài để thi kỳ II. Thảo-Ly chỉ phải thi lại vấn đáp thôi, còn biết bao nhiêu người phải thi lại cả viết và vấn đáp. Nghĩ như vậy thì Thảo-Ly sẽ thấy Thảo-Ly may mắn hơn nhiều người. Đúng không?” Nghe lời khuyên của Kiệt, Thảo-Ly mới cảm thấy ngường ngượng, vội nín khóc. Kiệt hỏi: “Thảo-Ly đến đây bằng gì?Có ai đưa về không?” Thảo-Ly cố lấy giọng tự nhiên, đáp: “Dạ, thưa Thầy, bạn con chở con đến trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển. Khi con biết con bị rớt vấn đáp, con buồn, con đi bộ từ trường đến đây.” Kiệt nhìn chiếc Vespa của chàng đậu xa xa: “Nếu vậy thì Thảo-Ly chỉ nhà để tôi đưa về. Sắp tối rồi, không nên đi bộ một mình.”
Từ buổi chiều hôm đó, mỗi tối, Kiệt đến dạy kèm cho Thảo-Ly, theo yêu cầu của ông bà Trực, Ba Má của Thảo-Ly. Và cũng từ đó, Kiệt mới biết Thảo-Ly có nhiều năng khiếu về âm nhạc. Kiệt tặng nàng những dĩa nhạc thời trang ngoại quốc mà Kiệt đã mua từ những lần tu nghiệp. Và ca khúc Love Letters In the Sand này là “ruột” của Thảo-Ly.
Khi Pat Boone hát đến phân đoạn cuối, Thảo-Ly vừa rơi nước mắt vừa hát theo nho nhỏ, như muốn thì thầm với Kiệt: “…Now my broken heart aches with every wave that breaks over love letters in the sand.” (2) Bản nhạc dứt vừa lúc bà Trực lựng chựng bước vào:
- Ra ăn cơm, con.
Thảo-Ly “dạ” nhưng vẫn ngồi yên. Bà Trực thở dài. Không biết bao nhiêu nghìn lần bà Trực tự trách chỉ vì Bà mà Thảo-Ly phải sống cô đơn, vò võ như thế này! Bà Trực lại thở dài, quay ra, đến bên bàn thờ thắp nhan. Như mọi ngày, khi cắm nhang trước tấm ảnh của ông Trực, Bà vừa vái lạy vừa rơm rớm nước mắt, khấn với Ông: “Ông à! Ông ‘đi’ lâu rồi mà sao Ông không chịu ‘đem’ tôi theo? Tôi muốn ‘đi’ theo Ông để cho Thảo-Ly dễ giải quyết cuộc đời của nó. Tội nghiệp con, Ông à. Thấy nó sầu khổ tôi đứt ruột, Ông biết hôn?” Tủi thân, một tay bà Trực vái ông Trực, tay kia Bà quẹt nước mắt.
Trở ra phòng khách, ngồi bên mâm cơm, bà Trực nghĩ Bà nên thay đổi thái độ may ra Thảo-Ly sẽ nản lòng, không muốn sống với Bà nữa. Vì đã chọn thái độ cho nên khi Thảo-Ly trao cho Bà mấy viên thuốc bổ, từ Mỹ gửi về, và một ly nước, bà Trực hất tay, mấy viên thuốc rơi trên nền gạch và ly nước nghiêng, đổ. Thảo-Ly ngạc nhiên:
- Má làm gì vậy?
- Làm gì kệ tao.
Thảo-Ly giật mình khi nghe bà Trực xưng “tao”. Thảo-Ly cúi lượm mấy viên thuốc; bà Trực vội lấy chân chà lên, không cho Thảo-Ly lượm, rồi Bà hét lớn lơn – nhưng trong lòng, Bà chỉ muốn ôm Thảo-Ly mà khóc cho vơi bớt nỗi niềm:
- Không thuốc không thang gì hết. Tao không muốn sống với đứa con ngỗ nghịch.
- Con chỉ ra ăn cơm hơi trễ chứ con đâu làm gì mà Má nói là con ngỗ nghịch?
Thật lòng bà Trực muốn nói: “Con ơi! Má thương con quá chừng. Má chỉ muốn chết cho con dễ giải quyết hoàn cảnh của con mà Má chết không được!” Nhưng bà Trực lại phát ngôn ngược lại:
- Thứ con ngỗ nghịch mới không nghe lời Mẹ. Tại sao mày muốn làm theo ý của mày mà mày lại không cho tao làm theo ý của tao, hả?
Ý của bà Trực là Bà muốn ở lại Việt-Nam để nhan khói, chăm lo mồ mả của ông Trực và cả Ông Bà Nội, Ngoại nữa. Thêm một lý do nữa là bà Trực nghe nhiều người già, từ Mỹ về Việt-Nam, kể lại sự cô đơn thê thảm khi phải ở nhà một mình hoặc bị đưa vào viện dưỡng lão, không ai thăm viếng!
Riêng Thảo-Ly, ngoài lý do thương Mẹ già sống lẻ loi, đơn độc, không ai chăm sóc khi ốm đau, Thảo-Ly còn lý do khác không kém quan trọng. Đó là vết sẹo dài nơi má, do chuyến xe đò bị lật trong lần Thảo-Ly đi thăm nuôi Kiệt ở trại cải tạo ngoài Bắc. Thảo-Ly hiểu rằng, đối với Kiệt, vết sẹo ấy không là gì cả nếu phải so sánh với sự thủy chung và những gian khổ, tảo tần của Thảo-Ly. Nhưng, sau khi Kiệt ra tù, tình cờ Ngọc-Hân và Bích-Loan – hai cô bạn thân, học cùng trường với Thảo-Ly – từ Mỹ về, ghé thăm Thầy cũ, Thảo-Ly mới nhận biết giữa Ngọc-Hân và Kiệt dường như đã có những điều vượt xa tình Thầy trò. Thảo-Ly ra dấu cho Bích-Loan ra sau nhà để Thảo-Ly nói với Bích-Loan sự nghi ngờ của nàng. Bích-Loan cười hơi lớn, điểm ngón tay trỏ vào trán Thảo-Ly: “Con khỉ họ. Nhà ngươi khờ gì khờ dữ vậy?Hèn chi ngày đó nhỏ Ngọc-Hân thường ghé nhà mi để thăm Thầy Kiệt!” Thảo-Ly viện dẫn lý do: “Lúc đó Ngọc-Hân cũng đã có vị hôn phu rồi mà”. Bích-Loan cười rũ ra: “Nhà người dân ban B hèn chi không thuộc thơ TT.KH. Lấy chồng thì lấy mà ‘vẫn giấu trong tim bóng một người’. Hiểu chưa?” Thảo-Ly hoang mang. Bích-Loan tiếp: “Chính nhỏ Ngọc-Hân thố lộ với ta ngay sau ngày đám cưới của nhà ngươi với thầy Kiệt. Ngọc-Hân bảo, sau khi dự đám cưới về, nhỏ khóc suốt đêm. Nhỏ tìm ống Optalidon mà tìm không ra!” Thảo-Ly nhíu mày, cố ôn lại những điểm đáng nghi ngờ. Thảo-Ly chỉ nhớ, lúc nào cũng vậy, khi ghé thăm, Ngọc-Hân cũng bảo là ghé thăm Thảo-Ly thôi. Nhưng Thảo-Ly bận lo cho con, Kiệt “đành phải” tiếp Ngọc-Hân. Một lần, sau khi Ngọc-Hân chào từ biệt, Thảo-Ly nhờ Kiệt tiễn Ngọc-Hân ra cửa vì Thảo-Ly bận lo cơm chiều. Dường như linh cảm bén nhạy của nàng “báo động”, Thảo-Ly nhìn ra cửa và thấy Kiệt đặt nhẹ bàn tay lên vai Ngọc-Hân. Ôi! Chỉ một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai thôi nhưng sao trông âu yếm và quyến luyến lạ lùng! Tim của Thảo-Ly nhói đau, nhưng nàng không có lý do để ghen – vì Kiệt là một trí thức được đào tạo tại Âu Mỹ thì cử chỉ như vậy đâu thể nào bị kết tội là ngoại tình! Bây giờ nghe Bích-Loan kể chuyện, tim của Thảo-Ly cũng nhói đau!
Nhìn Bích-Loan và Ngọc-Hân tươi thắm, xinh đẹp, gọn gàng trong quần Jeans, áo T-shirts và những cái nhún vai rất điệu, rất Âu Mỹ, rồi nhìn lại thân hình tàn tạ và làn da sạm nắng của mình, Thảo-Ly chỉ biết thở dài, đưa tay sờ vết sẹo bên má. Thảo-Ly không nghi ngờ lòng chung thủy của Kiệt; nhưng thấy nụ cười và ánh mắt của Ngọc-Hân và Kiệt, Thảo-Ly ngầm hiểu rằng cả hai người đều “giấu trong tim bóng một người!” Suốt bao nhiêu năm dài phải quần quật kiếm tiền nuôi chồng trong tù, nuôi con ngoài tù và nuôi Mẹ già, Thảo-Ly đã mệt mỏi, mất hết sức phấn đấu, nàng không còn muốn tranh giành gì nữa trong cuộc đời này. Đó cũng là một trong hai lý do khiến Thảo-Ly từ chối theo Kiệt và các con sang Mỹ theo diện H.O. Không thể nào bà Trực hiểu được lý do thầm kín của Thảo-Ly; vì vậy, bà Trực cứ tự trách là chỉ vì Bà mà Thảo-Ly đành phải hy sinh hạnh phúc gia đình.
Dòng ký ức của Thảo-Ly vừa đến đây, nàng quay nhìn bà Trực. Thấy khuôn mặt héo hon và ngấn nước mắt còn đọng trên mi của Mẹ, Thảo-Ly hiểu rằng những lời rầy la vô cớ của Mẹ lúc nãy chỉ là những đột biến âm thầm để Mẹ che giấu khối tình cảm bao la mà Mẹ đã trọn đời dành cho nàng. Thảo-Ly bới cơm cho Mẹ rồi bới cơm cho nàng. Bà Trực gắp miếng cá bông lau để vào chén cơm của Thảo-Ly:
- Ăn đi, con.
Thảo-Ly mỉm cười:
- Để con lấy mấy viên thuốc bổ khác cho Má, nhen.
Giọng bà Trực vui vui “ờ”. Hai Mẹ con dùng gần xong bữa ăn đạm bạc thì người đưa thư xuất hiện, bảo Thảo-Ly ký giấy nhận quà từ Mỹ gửi về.
Tưởng rằng quà do Kiệt và các cháu gửi về, bà Trực vui trong lòng. Vì muốn để Thảo-Ly tận hưởng giây phút hạnh phúc riêng tư khi đọc thư của Kiệt và của các cháu, bà Trực kiếm cớ sang nhà hàng xóm “bỏ hụi”.
Thảo-Ly đọc những dòng chữ thân tình của Bích-Loan rồi cho video vào máy để xem khung cảnh đêm Hội Ngộ do học sinh trường Võ-Tánh tổ chức tại California.
Theo ống kính video, Thảo-Ly thấy khung cảnh rất vui, rất rực rỡ, và âm thanh thật tuyệt vời. Nàng nhận ra vài người bạn xưa. Ống kính quay chầm chậm ngang dãy bàn dành cho Giáo-Sư. Thảo-Ly nhận ra vài Thầy Cô cũ. Kia rồi! Kiệt ngồi giữa hai nam giáo sư. Kiệt không khác xưa, chỉ có mái tóc thưa hẳn đi. Kiệt đang chú tâm nhìn lên sân khấu. Giọng hát của ai nghe não nùng quá: “…Thương anh thì thương rất nhiều mà ván đã đóng thuyền rồi! Xa anh lòng em muốn nói bao lời, gió đưa hương lã lơi…Anh ơi! Đời đã lỡ hẹn thề thì đâu có ngày về. Xa anh đời em tắt nụ cười, héo hắt đôi làn môi…”(3) Ống kính video lại từ từ lướt ngang bàn dành riêng cho Giáo-Sư. Thảo-Ly thấy Kiệt ngồi lặng yên, mắt buồn buồn nhìn lên sân khấu. Nét mặt của Kiệt như chìm đắm theo lời ca và rõ ràng Kiệt không thể che giấu được sự xúc động. Ống kính video quay sang sân khấu. Thảo-Ly rất ngỡ ngàng khi thấy Ngọc-Hân, trong chiếc áo dài kim tuyến lóng lánh, đang đứng trên sân khấu, tay cầm micro và mắt nhìn thẳng về huớng bàn của Kiệt rồi ca lên những lời tình tự! Không đủ can đảm xem tiếp, Thảo-Ly chạy vào giường, úp mặt lên gối, khóc!
Sau một lúc khóc cho thỏa thuê, Thảo-Ly bình tâm trở lại. Thảo-Ly không trách Kiệt; vì làm thế nào người đàn ông có thể cưỡng lại sự đeo đuổi dai dẵng của một người đàn bà. Và, điều khôi hài là Thảo-Ly cũng không trách Ngọc-Hân; bởi vì Thảo-Ly biết, Kiệt có sức lôi cuốn khá mạnh đối với người khác phái. Ngày xưa, khi Kiệt đứng trên bục gỗ nhìn xuống học sinh để giảng về hình học không gian thì không một trò nào dám xao lãng; nhưng khi Kiệt quay mặt vào bảng để viết những công thức rườm rà thì học sinh lén chỉ chỏ về cái mũ nhà binh và bộ quân phục “chết người” của Kiệt! Càng suy nghĩ Thảo-Ly càng thương Kiệt, càng nhớ con. Và Thảo-Ly ước mơ được “bay” sang Mỹ ngay tức thì để được ôm con vào lòng, được tựa đầu lên vùng ngực mênh mông của Kiệt…
Ước mơ xa vời của Thảo-Ly vừa đến đây, nàng chợt nghe tiếng ho sù sụ của bà Trực từ phòng ngoài. Tiếng ho của bà Trực nhắc cho Thảo-Ly biết mùa Đông sắp đến rồi. Năm nào cũng vậy, mùa Đông đến là mùa bà Trực bị bệnh suyển hành hạ nhiều nhất. Thảo-Ly thở dài, tự hỏi, có thể để bà Trực ở lại đây một mình hay không? Ngày xưa, ông bà Trực, Thầy Cô và bạn bè ai cũng đoán tương lai của Thảo-Ly sẽ rất xáng lạng. Nhưng bây giờ Thảo-Ly mới nhận ra nàng là một người hoàn toàn thất bại! Nàng thất bại vì không thể thuyết phục Kiệt di tản năm 1975; vì Kiệt khẳng định chàng chỉ là một sĩ quan biệt phái để dạy học chứ chàng không phải là một sĩ quan tác chiến! Nàng đã thất bại vì không thể khuyên bà Trực từ bỏ quan niệm lỗi thời để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Nàng cũng thất bại vì không thể chiếm giữ trái tim của Kiệt cho riêng nàng!
Thảo-Ly uể oải ngồi giậy. Vừa khi đó, tiếng hát của một nam sinh trong video Hội Ngộ vang xa: “I can’t stop loving you, so I’ve made up my mind to live in memory of old lonesome time. I can’t stop wanting you, it’s useless to say. So I’ll just live my life in dreams of yesterday…”(4) Thảo-Ly lại mủi lòng, nằm vật trở lại rồi lặng lẽ lấy ống tay áo lau nước mắt.
* *
*
... Cả Bích-Loan và Kiệt đều im lặng, chậm bước đi bên nhau trên bờ cát mịn của bãi biển Santa Barbara. Kể từ hôm được thuyển chuyển đến làm việc tại thành phố giàu sang này, đây là lần đều tiên Kiệt đi bỉển. Nhìn mặt nước xanh thẫm và những đợt sóng nhẹ lóng lánh trong ánh nắng chiều, Kiệt tưởng như chàng có thể thấy lại vùng biển xưa và những lần chàng cùng Ngọc-Hân âm thầm đi bên nhau. Một lần, không hiểu nguyên nhân nào, Ngọc-Hân lặng lẽ khóc. Kiệt hỏi nhiều lần Ngọc-Hân mới thố lộ rằng nàng tủi thân vì nàng là kẻ … đến sau! Xúc động quá, Kiệt ôm Ngọc-Hân, hôn nàng đắm đuối. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần sau cùng Kiệt hôn Ngọc-Hân.
Giữa khi Kiệt đang nhớ về Ngọc-Hân thì Bích-Loan lại nghĩ đến nỗi quạnh hiu của nàng từ bao nhiêu năm qua. Trong những tháng năm đơn độc của Bích-Loan, Kiệt là người đã an ủi, khuyến khích để Bích-Loan hiểu được rằng, dù thế nào đi nữa, trong cuộc sống này vẫn còn nhiều người đàn ông đạo đức, cao thượng và thương yêu thật lòng. Qua những e-mails trao đổi nhau, Bích-Loan nhận biết, đôi khi vô tình, Kiệt hé lộ tình cảm của chàng dành cho nàng. Thật lòng, ngoài tình Thầy trò, Bích-Loan cũng dành cho Kiệt rất nhiều thiện cảm. Nhưng mỗi khi nghĩ đến Thảo-Ly, Bích-Loan lại cảm thấy “tội lỗi” đối với người bạn xưa cho nên tình cảm bị nén lại.
Bây giờ đi cạnh nhau, Bích-Loan muốn tìm hiểu xem tình cảm của Kiệt như thế nào:
- Thưa Thầy…Dạ, quên, thưa anh. Khi nhận được tin Thảo-Ly nộp đơn ly dị, anh nghĩ như thế nào?
Bị hỏi bất ngờ, Kiệt hơi lung túng:
- Tôi… Tôi hoàn toàn ngạc nhiên.
- Anh có hỏi Thảo-Ly lý do nào khiến Thảo-Ly đi đến quyết định đó hay không?
- Có. Tôi điện thoại về hỏi nhiều lần; lần nào Thảo-Ly cũng khóc và bảo là duyên nợ không còn thì thôi.
- Em nghĩ …
Bích-Loan ngập ngừng vì ngày xưa nàng gọi Kiệt bằng Thầy, xưng “con”; sau 1975 Kiệt bảo tất cả học trò cũ nên gọi Kiệt bằng anh. Gọi Kiệt bằng anh mà xưng em Bích-Loan cảm thấy người ngượng. Kiệt nhìn nàng:
- Sao? Bích-Loan nghĩ gì?
- Dạ…em muốn hỏi tại sao…anh không về Việt-Nam để trực tiếp nói chuyện với Thảo-Ly?
- Tôi đã nộp đơn xin visa nhưng chính phủ Việt-Nam không chấp thuận.
- Có phải vì những bài nhận định rất “nẩy lửa” của anh mà họ không cấp visa cho anh về hay không?
- Tôi không biết, nhưng có thể là như vậy.
Im lặng một chốc, Bích-Loan hỏi:
- Có bao giờ anh nghĩ rằng một người đàn ông nào đó đã chiếm vị thế của anh trong trái tim của Thảo-Ly hay không?
- Không. Không bao giờ. Thảo-Ly là một phụ nữ hiền thục, đức hạnh và được giáo dục rất nghiêm minh; vả lại, thời gian dài tôi ở tù ngoài Bắc, Thảo-Ly còn trẻ, đẹp mà Thảo-Ly không phụ tôi thì tại sao bây giờ Thảo-Ly lại phụ tôi?
- Hay là Thảo-Ly cao thượng, muốn trả tự do cho Thầy, ô, dạ quên, cho anh?
- Cũng có thể.
- Nếu giả thuyết đó đúng thì anh nghĩ như thế nào?
Kiệt cười:
- Ôi chao! Tôi đang nói chuyện với cô học trò cũ hay là tôi đang bị Barbara Walters phỏng vấn đây?
- Ô, em xin lỗi Thầy.
- Lại Thầy!
- Dạ, anh…mà anh cho em hỏi một câu nữa, được không?
- Được. Cứ hỏi.Nhưng trước khi hỏi, tôi nghĩ mình nên lên bờ cát khô ngồi nghỉ chân một chốc, Bích-Loan đồng ý không?
Bích-Loan im lặng, bước theo Kiệt. Cả hai ngồi xa xa những người đang hóng gió biển và cạnh một cặp vợ chồng Mỹ thuộc vào lứa tuổi Baby Boomer. Kiệt nhìn Bích-Loan:
- Sao? “Cô phóng viên” muốn hỏi gì đây?
- Dạ, anh có cảm thấy cô đơn trong cuộc sống độc thân hay không?
- Có. Nhưng tôi đã hoặch định một thời khóa biểu rõ rệt cho từng ngày, nhờ vậy tôi không bị “nhàn cư vi bất thiện”. Tuy nhiên, càng lớn tuổi, tôi nghĩ, con người càng có nhu cầu tình cảm nhiều hơn.
Dừng lại trong phút giây, Kiệt tiếp:
- Còn Bích-Loan? Bích-Loan có thích nghi trong cuộc sống độc thân hay không?
- Dạ, em nghĩ, sống với nhau nên cố tạo niềm vui cho nhau. Nếu không tạo được niềm vui cho nhau thì ít ra cũng đừng làm phiền nhau. Khi mà mình cứ bị làm phiền nhiều quá thì cuộc sống độc thân là một giải pháp tốt đẹp.
- Trong cuộc sống độc thân Bích-Loan có cảm thấy tình cảm là một nhu cầu thiết yếu hay không?
Là một phụ nữ với tâm hồn rất nhạy cảm, Bích-Loan hiểu nàng không nên trả lời thẳng vào câu hỏi của Kiệt:
- Thưa anh, dù đã nhiều lần anh khuyên giải em, nhưng em vẫn như con chim vừa bị tên, thấy cây cong thì sợ.
Kiệt hơi thất vọng. Nhận ra nét thất vọng của Kiệt, Bích-Loan tiếp:
- Anh cho em hỏi anh một câu có tích cách tò mò, được không, thưa anh?
Kiệt nhìn Bích-Loan, mỉm cười, “Okay”.
- Kỳ Hội Ngộ vừa rồi Ngọc-Hân có đến chào Thầy hay không?
- Đừng gọi tôi bằng Thầy.
- Dạ, em sorry.
- Có. Ngọc-Hân đến và nói chuyện lâu lắm.
- Dạ, từ ngày anh sang Mỹ, đó là lần đầu tiên anh gặp lại Ngọc-Hân hay là…
Bích-Loan bỏ lửng, nhìn Kiệt và chờ câu trả lời của chàng. Kiệt vẫn thật lòng:
- Không. Ngọc-Hân vẫn giữ liên lạc với tôi từ mấy mươi năm qua.
Bích-Loan vô cùng ngạc nhiên:
- Mấy mươi năm qua? Có phải đó là lý do Thảo-Ly không muốn sang Mỹ cùng anh và các cháu hay không?
- Không. Tôi và Ngọc-Hân không có gì cả, chỉ…
Kiệt chưa kịp nói tiếp “chỉ có một nụ hôn thôi” thì Bích-Loan đã cười mỉm như không tin:
- Anh và Ngọc-Hân có gì hay không thì chỉ giữa anh, Ngọc-Hân và Trời biết chứ làm thế nào ai biết được. Thôi, em phải về đây.
Bích-Loan thay đổi thái độ quá đột ngột khiến Kiệt ngỡ ngàng:
- Tại sao? Em đã nhận lời dùng cơm chiều với anh rồi mới về mà?
Trong phút giây xúc động Kiệt quên giữ ý cho nên xưng “anh, em” nhưng cả chàng và Bích-Loan đều không chú ý.
- Dạ, em xin lỗi. Em phải về.
- Anh không hiểu gì cả. Anh có nói gì làm tổn thương em không?
Bích-Loan muốn nói: “Suốt mấy mươi năm qua mà anh vẫn ‘giấu trong tim bóng một người’ thì em sợ anh lắm! Em sợ anh cũng như em sợ ông ‘ex’ của em vậy.” nhưng nàng lại dối:
- Dạ không. Em phải về.
- Em muốn về thì em về. Cuối tuần anh sẽ xuống thăm em.
- Dạ, thôi! Anh đừng liên lạc với em nữa.
Kiệt lắc đầu:
- Anh không hiểu gì cả. Một lần nào đó em nói với anh rằng những người thuộc cung Cancer rất khó hiểu. Bây giờ anh mới nhận thấy điều em nói là đúng.
- Dạ, em, cung Cancer; và anh cũng thuộc vào cung Cancer vậy.
Kiệt thoáng giật mình, không ngờ cô học trò cũ lại nhớ cả tử vi của chàng. Kiệt nghiêm giọng:
- Bích-Loan! Để anh giải thích. Anh và Ngọc-Hân không có gì cả.
Bích-Loan nhìn ra biển khơi, lòng buồn vô hạn. Bích-Loan không tự biết được rằng nàng buồn cho Thảo-Ly hay buồn cho chính nàng.
- Anh không cần phải giải thích với em. Người mà anh cần giải thích là Thảo-Ly. Thôi, em xin phép anh, em về.
- Để anh đưa em ra bãi đậu xe.
Đi ngang vợ chồng người Mỹ thuộc vào thế hệ Baby Boomer, vô tình Kiệt nghe, từ radio của họ, một nhạc khúc xưa mà chàng biết Thảo-Ly rất thích.
Lúc Kiệt trở lại bãi cát một mình, Pat Boone đang hát đến đoạn: “…You make a vow that you would always be true. But somehow that vow meant nothing to you…”(5) Câu hát này khiến Kiệt nhớ lại những buổi tối, sau những giờ giảng dạy tại các lớp luyện thi, trở về nhà, Kiệt thường nghe Thảo-Ly ngân nga để ru con. Kiệt không hiểu, đó chỉ là sự trùng hợp hay là Thảo-Ly đã nhận biết sự liên hệ giữa chàng và Ngọc-Hân rồi Thảo-Ly hát lên để thầm trách chàng!
Dù ngày xưa Thảo-Ly có thầm trách chàng hay không thì, bây giờ, với trạng huống tình cảm này, trong khung cảnh này, giọng ca của Pat Boone cũng đưa Kiệt trở về khung trời cũ; nơi đó, lúc mới yêu nhau, Thảo-Ly và chàng thường sánh bước bên nhau mà không biết gì để nói với nhau. Thỉnh thoảng “hai đứa” nhìn nhau, cười. Những lúc đó Thảo-Ly trông bẻn lẽn, ngây thơ và đáng yêu vô cùng…
Kiệt dùng ngón tay trỏ viết trên cát hai chữ: Thảo-Ly!

ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
1-2-5: Love Letters In The Sand của Pat Boone
3: Gợi Giấc Mơ Xưa của Lê-Hoàng-Long
4: Can’t Stop Loving You của Ricky Nelson