26 January 2017

TỔNG THỐNG CHÍN NÚT - Ngô Nhân Dụng

Những người ủng hộ ông Donald Trump sẽ vui mừng. Ông đã trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, có thể gọi là Tổng Thống Chín Nút! Nếu số 9 là số hên cho ông Trump, thì nước Mỹ sẽ được hên lây! Thời Tổng thống Ronald Reagan (ông từng ngủ gật trong lúc đang họp với các bộ trưởng), có nhà bình luận Mỹ đã bàn rằng thực ra chính các vị tổng thống cũng chẳng làm được chuyện gì ghê gớm, cho nên tốt nhất là dân Mỹ nên bầu cho những người có số đang may mắn. Ông hay bà ta gặp vận hên thì cả nước cũng hên!

Dân Mỹ có thể đem ông tổng thống, và cả ngôi vị tổng thống, ra đùa cợt mà không sợ bị còng tay, cũng không lo bị người chung quanh chê trách hoặc đả kích. Sống tự do hơn 200 năm, đã nhìn thấy 44 người thay phiên nhau ngồi ở Tòa Bạch Ốc, có người giỏi, có người kém, nhưng đa số cũng chỉ là những người bình thường như mình, người Mỹ không có thói quen coi ông tổng thống của nước họ là một nhân vật “vĩ đại” hay “siêu phàm,” nhất định không! Người Mỹ không tôn thờ cá nhân các “lãnh tụ” như các nước độc tài vẫn bắt dân phải thờ. Họ cũng không coi tổng thống là ngôi vị cao quý, thiêng liêng như các ông Hitler hay Stalin được văn nô nịnh thần sùng bái (Hoan hô Stalin – đời đời cây đại thọ – rợp bóng mát hòa bình – đứng đầu sóng ngọn gió – Tố Hữu).
Có một thứ dân Mỹ tôn trọng, đó là chế độ dân chủ của họ, ghi trong Hiến Pháp. Nói “chế độ dân chủ” nghe hơi trừu tượng, còn có vẻ ghê gớm lắm. Phải nói rõ hơn là bốn chữ “chế độ dân chủ” ở đây cũng bình thường, nó chỉ là “những thủ tục” quyết định ai sẽ làm tổng thống, qua những cuộc bỏ phiếu như thế nào. Cũng giống như luật đi đường bắt người ta phải lái xe như thế nào. Dân Mỹ tôn trọng những thủ tục quy định cách người dân tự do lựa chọn tổng thống, cũng như họ tôn kính cái đèn đỏ (thấy nó là phải ngừng xe lại, đọc kinh Kính Mừng hay niệm Phật càng tốt!) Ông Trump có thể thua bà Hillary Clinton ba triệu phiếu của các cử tri, nhưng ông thắng cử theo đúng những thủ tục bầu tổng thống Mỹ qua cử tri đoàn đại diện các tiểu bang. Do đó, ngày hôm nay, mọi người gọi ông là Tổng thống Trump. Sau khi làm lễ tuyên thệ cho ông Trump xong, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts bước tới bắt tay ông nói: Chúc mừng “Ông tổng thống!” Tất cả đã thay đổi! Từ một công dân bình thường, giờ phút này ông Donald Trump thành tổng thống! Ông Roberts là người đầu tiên chính thức gọi ông Trump là “Ông tổng thống” trước khi vợ, con ông gọi. Điều này không ghi trong Hiến Pháp, nhưng đó là một tục lệ được mọi người tôn trọng.
Với lời chúc mừng đó, nước Mỹ bước vào một giai đoạn mới. Lần đầu tiên kể từ năm 1928, đảng Cộng Hòa bắt đầu nắm quyền hành pháp và chiếm đa số cả hai viện lập pháp trong cùng một năm. Và trong năm nay sẽ đề cử thêm một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện để có 5 trên 9 vị thẩm phán do đảng Cộng Hòa đề bạt! Cả một gánh nặng trách nhiệm, hơn 300 triệu dân sẽ phán xét!
Đừng quên rằng trong một năm tranh cử vừa qua ông Trump đã nhiều lần đả kích ông Roberts, với những tiếng rất nặng nề! Vì ông Roberts do một tổng thống Cộng Hòa đưa lên mà lại hai lần bỏ phiếu duy trì đạo luật Obamacare, một đạo luật đảng này đang thề sẽ xóa bỏ! Thẩm Phán Kennedy cũng tương tự! Chuyện này cho thấy truyền thống độc lập của các vị thẩm phán nước Mỹ rất mạnh; người Mỹ họ kính trọng Hiến Pháp là phải! Cho nên, khi một người đã đắc cử tổng thống Mỹ theo đúng luật lệ, thủ tục, thì tất cả những chuyện khen, chê, yêu, ghét, không còn thay đổi gì được nữa. Bao nhiêu chính khách đảng Cộng Hòa bị ông Trump loại ra ngoài vòng chiến, cho tới bà Clinton bị thua cay đắng, và cả ông chồng bà, cũng đều tới dự lễ tuyên thệ của ông Trump và bắt tay vị tổng thống mới.
Năm nay là lần thứ 58 người Mỹ tổ chức một buổi lễ tuyên thệ tổng thống, một sự kiện được ông Ronald Reagan nhận xét khi tuyên thệ năm 1981, là nó vừa “tầm thường” vừa “kỳ diệu như phép lạ.” Thượng Nghị Sĩ Roy Blunt đã nhớ đến lời Tổng Thống Reagan, và nhắc lại cuộc chuyển giao quyền hành giữa vị tổng thống thứ hai và thứ ba của nước Mỹ. Ông George Washington chuyển giao cho ông John Adams không có gì đặc biệt, vì ông Adams đắc cử khi đang làm phó tổng thống. Nhưng đến lượt ông Adams trao quyền cho ông Thomas Jefferson năm 1801, sau hai lần tranh cử gay go và đấu đá nhau cay cú không khác gì năm 2016, thì “phép lạ” chuyển giao quyền hành thật sự bắt đầu. Năm 1796, hai ông tranh chức tổng thống lần đầu, ông Adams thắng, ông Jefferson thua trở thành phó tổng thống. Năm 1800, đấu lần nữa, ông Jefferson chiếm đa số. Ông Roy Blunt nhận xét: “Đúng vào năm tháng đó, khi quyền lực được chuyển giao một cách hòa bình giữa hai đảng chính trị, mặc dù họ đã tranh đấu với nhau một cách dữ dội, nước Mỹ đã cho thế giới thấy ý nghĩa và sức mạnh của thể chế dân chủ!” Đối với dân Mỹ thì nó đã trở thành bình thường. Nhưng nhiều dân tộc còn đang ước ao được sống theo lối đó!
Một điều kỳ diệu trong xã hội dân chủ là người ta không cần ai “vĩ đại” mới được làm tổng thống.
Nói cho cùng, sức mạnh của nước Mỹ không phải vì họ có những ông tổng thống tài giỏi tuyệt vời. Sức mạnh đó nằm trong tay người dân. Tất cả chỉ nhờ họ sống trong một xã hội tự do, tôn trọng luật pháp, và trước pháp luật ai cũng có cơ hội bằng nhau. Dân Mỹ chỉ cần tự lo mưu sinh, lo thăng tiến cho chính bản thân và gia đình họ, làm những công dân lương thiện. Họ còn dồn năng lực vào những mục tiêu cá nhân đó, họ sẽ làm cho nước Mỹ giầu mạnh. Một thanh niên Mỹ không phí thời giờ “phấn đấu vào đảng” với hy vọng hưởng các đặc quyền suốt đời. Chính quyền không dùng hàng triệu người làm công việc đi dò thám, bắt bớ, vì sợ dân gặp nhau chỉ trích nhà nước. Hàng triệu người không đi làm mật vụ, công an. Họ đi học, đi làm và mưu lợi, giúp cho kinh tế thịnh vượng, chứ không chỉ lo đi hăm dọa, đòi người khác hối lộ mình!
Vì thế một ông tổng thống nếu tài giỏi thì dân được nhờ chút đỉnh, mà nếu có kém cỏi thì cũng không gây tai hại bao nhiêu. Ai cũng có thể làm tổng thống! Một chủ nông trại trồng đậu phộng như ông Jimmy Carter, một tài tử chiếu bóng hạng nhì như ông Ronald Reagan, con của một người da đen từ Kenya sang Mỹ học rồi lại trở về nước như ông Barack Obama, mấy người đó đã trở thành tổng thống Mỹ. Gần cả đời, ông Donald Trump cũng chẳng thuộc đảng Cộng Hòa, trước đây một năm không mấy người nghĩ ông sẽ thay mặt đảng ra tranh cử, càng ít người nghĩ rằng tham vọng làm tổng thống của ông là chuyện đứng đắn!
Nghe bài diễn văn nhậm chức của ông Trump thì những nhà lý thuyết chính trị và giáo sư triết học sẽ thất vọng. Ông không nêu lên một tư tưởng nào sâu xa, cũng không lớn tiếng thề thay đổi lịch sử! Ông chỉ lập lại đúng những lời hứa và khẩu hiệu đã hô lớn trong thời gian tranh cử. Mà cũng chẳng nói thêm cho biết ông sẽ làm cách nào để thực hiện các lời hứa đó.
Ông Trump tiếp tục đả kích bọn người “dân thủ đô” hưởng thụ mọi thành quả mà không cho dân hưởng. Từ hôm nay, ông cũng sống ở đó. Ông tiếp tục than phiền nước Mỹ chỉ giúp công nghiệp các nước khác lên cao mà ở nước Mỹ thì đi xuống. Không những thế, nước Mỹ đã giúp cho quân đội các nước khác mạnh hơn trong khi quân đội mình giảm sút. Nước Mỹ đã bảo vệ biên giới các nước khác trong khi để ngỏ biên giới của mình! Đã viện trợ hàng ngàn tỉ đô la trong khi hạ tầng cơ sở của mình suy sụp. Bao nhiêu xí nghiệp đem đi nước khác làm hàng triệu người Mỹ mất việc.
Tóm lại, thông điệp chính của tân Tổng Thống Donald Trump là nước Mỹ sẽ quay vào bên trong. Sẽ tăng ngân sách quốc phòng. Sẽ đầu tư vào đường xá. Sẽ bảo vệ hàng nội hóa, giữ công việc làm trong nội địa. Trong cả bài diễn văn ông chỉ nói đến chính sách đối ngoại một lần, ngắn gọn: Củng cố các liên minh cũ và xây dựng liên minh mới. Điều cụ thể duy nhất ông nêu ra là đoàn kết thế giới văn minh chống Hồi Giáo Cực Đoan, với lời hứa, “sẽ tiêu diệt chúng hoàn toàn trên mặt trái đất.”
Những người đã bỏ phiếu cho ông Trump nghe bấy nhiêu cũng thỏa mãn rồi. Đối với một nhà kinh doanh, món hàng nào bán được thì tiếp tục trưng bày, tại sao phải đổi món chỉ để chứng tỏ mình có ý kiến mới? Còn những người Mỹ không bỏ phiếu cho ông Donald Trump (số này đông hơn) thì chắc họ hoài nghi. Nước Mỹ trở thành hùng mạnh trong thế kỷ vừa qua là nhờ đã cổ động tự do mậu dịch khắp thế giới. Lời hứa “Bảo hộ sẽ đem lại thịnh vượng” nếu áp dụng vào thương mại thì trái ngược với tư tưởng dòng chính của đảng Cộng Hòa. Mục tiêu trừ hết các nhóm cực đoan trong Hồi Giáo bao giờ mới xong, khi hàng tỷ người theo Hồi Giáo vẫn sống nghèo nàn dưới những chế độ bất công và độc tài? Việc tiêu trừ “Hồi Giáo Cực Đoan” thì nước Nga đã đề nghị cộng tác với Mỹ từ ba năm nay, nhưng đổi lại Nga muốn được bành trướng qua mấy nước ở Đông Âu. Nước Mỹ có sẵn sàng trả cái giá đó không?
Nhưng dù hoài nghi, đa số dân Mỹ cũng mong ông Trump sẽ gặp may mắn và thành công. Ông Tổng Thống Chín Nút may mắn thì nước Mỹ cũng may mắn.
Người ta có thể theo gương Tổng Thống George H.W. Bush. Năm 1993, ông để lại một lá thư viết cho tân Tổng Thống Bill Clinton trên bàn làm việc: “Bill thân mến,… Ông sẽ là tổng thống của nước ta khi ông đọc lá thư này. Tôi chúc ông và gia đình ông mọi việc tốt lành. Sự thành công của ông bây giờ cũng là sự thành công của đất nước chúng ta. Tôi sẽ hết sức hỗ trợ ông. George.”

Ngô Nhân Dụng