21 February 2017

BẾP THAN HỒNG - Bùi Thanh Xuân


1/

Than trong lò đỏ rực, nổ tí tách, thau mứt gừng sủi tăm.
Chìu ý Mẹ, tự ông sắm bếp lò đất sét, than củi và một mớ gừng mang về nhà Mẹ làm mứt, không phiền đến vợ con. Trời se lạnh, bà Mẹ khiếm thị ngồi trên ghế cạnh bếp lò nhắc chuyện ngày cũ. Bà nói ngày trước ít cháu chắt nhưng nhà đông vui, gần Tết Mẹ làm bánh mứt, mấy đứa bây bu quanh. Chừ con cháu mấy chục đứa lại vắng hoe. 
Ông đăm chiêu, nhìn không chớp vào thau mứt trên bếp lửa than.
2/

Bà Mẹ mồ hôi ướt trên mặt, loay hoay với hai bếp than. Bánh in, bánh hột gà đã làm xong mấy ngày trước. Hăm bảy Tết, còn hai thau mứt khoai, mứt gừng nữa là xong.
Cậu bé chín tuổi cùng đứa em trai thua hai tuổi, quanh quẩn trong gian bếp chờ mứt rim xong để được cạo lớp đường còn bám ở đáy thau. Đứa em tuy nhỏ nhưng lanh lẹ hơn. Nó lúc nào cũng chiến thắng, thương tình anh trai đứng nhìn, nó cho một ít dính trên muỗng. Cậu nhường nhịn em mặc dù thèm thuồng những mảnh đường mỏng như bánh tráng mà chắp miệng. Cậu đợi và hi vọng vào thau mứt gừng còn lại trên bếp than hồng.
Nước đường sủi bọt lăn tăn nhẹ trên những lát gừng trông thật hấp dẫn. Thằng em tham ăn vẫn chưa hả hê, nó đứng cạnh anh, nhón tay vào thau mứt. Cậu xô nhẹ nó, đứa em ngã chúi, hai bàn tay úp trên những lát gừng nóng bỏng, nó khóc thét
Mẹ không đánh nhưng giận cậu mấy ngày Tết. Mười ngón tay em trai sưng phồng, bọng nước. Nó đau đớn khóc ngày đêm. Mẹ cũng khóc theo em.
Người anh hối hận vì dành ăn với em và thương xót cho em trai nhiều lắm. Lần đầu tiên cậu khóc vì nó. Còn Mẹ thì thương cả hai đứa con.


Thời gian trôi đi, ông và em cùng lớn lên nhưng kí ức về thau mứt gừng chiều hăm bảy Tết cứ ám ảnh ông mãi. Gần sáu mươi năm trôi qua, mười ngón tay sưng phồng của em trai ông vẫn còn trong trí nhớ mỗi khi Tết đến gần.

Ông còn khóc hai lần nữa vì cậu em mình.
Bốn mươi năm trước, khi những người xa lạ mặc đồ trận tràn vào chiếm lĩnh thành phố, cuộc sống gia đình rẽ qua một lối khác. Khốn đốn, cùng cực, đau khổ cùng lúc ập đến. Ba ông mất sau đó hai tháng nhưng ông không có cơ hội đội khăn tang. Chị em ông li tán. Cô em gái mười lăm tuổi vào nông trường còn cậu em trai gia nhập thanh niên xung phong, lên cao nguyên lao động rồi lập gia đình ở đó.
Ông lên thăm khi cậu em đã có ba đứa con. Hôm tiễn ông ra xe trở về, nhìn cậu em hốc hác, mặc chiếc áo lính sờn vai, trông già hơn tuổi, đứng bên cạnh chiếc xe đạp giàn ngang với bao hàng chuẩn bị vào các buôn làng bán dạo thực phẩm và thuốc men, ông đã bật khóc nức nỡ. Thằng bé khuôn mặt bầu bĩnh, hư ăn ngày nào, thoắt cái trở thành lão già hăm tám tuổi. Nhìn cậu em lam lũ quá, ông không cầm được nước mắt.


Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, hai mươi lăm năm sau cậu em một mình quay về ngôi nhà cũ.
Gia đình riêng của ông lúc này khá giả hơn, giúp đỡ cho cậu em khá nhiều nhưng vẫn không thoát ra khỏi khốn khó.
..
Mẹ vẫn sống với đứa em gái út trong căn nhà vài chục mét vuông. Mảnh đất hơn ngàn mét đã bị thu nhỏ dần. Một phần bị người ta chiếm đoạt, một phần địa phương bắt phải bán rẻ cho người khác. Còn lại tám trăm mét, ông nhường hết lại, chia cho mấy chị em. Cậu em trai trở về, được ưu tiên ngôi nhà mặt tiền.
Ông vẫn âm thầm mỗi ngày về với Mẹ, chuyện trò chăm sóc cho bà. Ông quên hết chuyện cũ không vui, những chuyện khiến ông khổ tâm nhiều, an phận mỗi ngày.


Một ngày, vài năm trước, chuyện gì đó xảy ra ông cũng chẳng còn nhớ rõ vì không muốn nhớ lại.
Lần thứ ba ông bật khóc vì cậu em trai. Những giọt nước khiến ông khá đau đớn.

3/

Bếp than hồng ấm áp ngày cuối năm, thau mứt đã khô, những hạt đường bám vào những lát gừng trắng ngà. Mùi mứt thơm. Mẹ nhắc “Thằng khỉ! Nhớ chi rứa? Mứt cháy rồi tề”.
Ông đổ mứt ra mâm. Mẹ lại nhắc “Nhớ cạo lớp đường bám trong thau, mang về cho con bé cháu nội mi hỉ”
Ông làm theo ý Mẹ. À, mà chắc chi nó đã ăn.
Bếp than hồng lụi tắt dần. Lụi tàn như quá khứ buồn trôi về phía sau.

Bùi Thanh Xuân