Lê Trí Tuệ – Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam mất tích
Sự cam chịu nào có lẽ cũng chỉ có giới hạn. (Đào Tuấn)
Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe chút điều tiếng về cung cách làm việc
của những tiếp viên hàng không Việt Nam. Đầu năm 2015, từ Phnom Penh tôi
sang Singapore bằng phi cơ của Vietnam Airlines. Cuối năm rồi, tôi cũng
mua vé của hãng này để bay từ Phnom Penh đến Vientianne.
Trong cả hai chuyến đi trên, các cháu nam nữ tiếp viên đều ứng xử
rất đàng hoàng, không có gì để phải phàn nàn cả. Duy chỉ có điều
hơi kỳ (có lẽ do thời gian sắp xếp giữa hai chuyến bay quá ngắn) là
trên ghế ngồi còn vương vãi những mẩu bánh vụn li ti khiến cho – đôi
ba – hành khách hơi phải chau mày.
Nhờ sự vội vã của những công nhân lo việc vệ sinh nên tôi vớ được
một tờ báo cũ (Báo Lao Động số Xuân Đinh Dậu, phát hành vào thứ Tư
25 tháng 1, với chủ đề “Ấm Lòng Tết Sum Vầy 2017”) in mầu tuyệt đẹp.
Được nhìn thấy tiếng nước mình, giữa khung cảnh lạ, tôi mới chợt
cảm nhận được cái niềm vui “ngộ cố tri” của kẻ tha hương.
Ảnh: Báo Thanh Niên
Niềm vui đơn sơ này, tiếc thay, tắt ngấm ngay sau khi tôi đọc bài
bình luận (“Tết Sum Vầy Và Những Giọt Nước Mắt Hạnh Phúc”)
trên trang nhất của nhà báo Đình Chúc:
“Không tin vào mắt mình, cứ ngỡ như mơ, như một câu chuyện cổ tích…”. Và
chị bật khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc. Đó là cảm xúc của nữ công nhân Cao
Thị Luyện (quê Thanh Hóa) khi bất ngờ được gặp cha mẹ chồng cùng con trai từ
Nam Định vào tận mảnh đất Bình Dương – nơi cách xa hơn ngàn cây số.
Càng cảm động hơn khi đây không phải là chuyến thăm viếng bình thường
như bao cha mẹ, ông bà xa con cháu khác mà đó là kết quả của sự chăm lo, góp
sức của tổ chức Công đoàn, của các nhà hảo tâm trong chương trình “Tết sum vầy”
tại Bình Dương.
Ơ hay, thế là thế nào nhỉ? Bà Cao Thị Luyện là một công nhân của
nước nước CHXHCNVN (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) chứ có phải tù nhân
phát vãng (vào Thời Thực Dân/Phong Kiến) đâu mà việc đoàn tụ với
người thân, vào dịp cuối năm, lại nhiêu khê đến thế?
Đã thế, ông Đình Chúc còn viết thêm rằng: Không cảm động sao được
khi với nhiều công nhân tiền lương còn không đủ sống. Phiên chợ cuối chiều phải
đắn đo nâng lên đặt xuống trước con cá, mớ rau. Đến tiền tàu xe về quê dịp tết
còn không lo nổi, nói chi đến quà cáp, tết nhất cho gia đình. Nay được tổ chức
Công đoàn lo quà, tặng vé để về quê thì không xúc động sao được…
Đọc báo Lao Động viết về đời sống của giới công nhân Việt Nam
hiện nay mà tôi cứ có cảm tưởng như họ là những kẻ thuộc giai cấp
cùng đinh (paria – untouchable) ở bên Ấn Độ, vào hồi đầu thế kỷ trước
vậy.
Nhà trọ công nhân khu công nghiệp Tân Tạo.
Gần sáu mươi năm trước, đời sống của phu đồn điền cao su miền ở
miền Nam (“vùng địch tạm chiếm”) cũng không đến nỗi tàn tệ và thảm
thương đến thế, theo như tin báo Nhân Dân – số 2534 – phát hành ngày 26 tháng 2 năm
1961:
“Công nhân đồn điền cao su miền Nam đấu tranh thắng lợi … Đây là một đợt
đấu tranh lớn bao gồm hàng vạn công nhân và gia đình công nhân thuộc
cá đồn điền cao xu Lộc Ninh, Lai Khê, Trảng Bom … Các chủ đồn điền
nói trên đã phải nhận giải quyết các yêu sách do anh chị em đề ra
như: định lại tiền lương, trả phụ cấp cho nữ công nhân khi sinh đẻ,
trả phụ cấp năng xuất, sửa lại nhà ở, lập bệnh xá, lập nơi giải
trí cho công nhân, mở trường học và vườn chơi cho trẻ em công nhân, và
nhận lại những công nhân đã bị sa thải.
Bây giờ thì tìm đâu cho ra “nhà ở, bệnh xá, trường học, vườn chơi
trẻ em, và khu giải trí” cho giới công nhân? Từ Việt Nam, phóng viên Khánh Hoà có bài tường thuật (“Nghiệt Ngã Phận Đời
Ngày Làm Công Nhân, Tối Về… Bán Dâm”) trên báo Dân Việt:
“… những công nhân này, ban ngày đi làm, chiều tan ca về thì đàn ông lại
xách xe đi chạy xe ôm ở mấy ngã ba, ngã tư hòng kiếm thêm vài chục ngàn đồng.
Ngoài ra, nhiều người phải nhận hàng về nhà làm thêm ban đêm hoặc đi bốc vác,
phụ bồi bàn ở các quán ăn, quán cà phê ban đêm với mong muốn kiếm thêm chút
đỉnh. Riêng với những công nhân nữ, dù biết là tội lỗi, là nhục nhã nhưng nhiều
người vì miếng cơm, manh áo vẫn nhắm mắt đưa chân để làm cái việc nhơ nhuốc là
đi bán dâm, như một cứu cánh duy nhất trong cơn cùng quẫn …”
Những cảnh đời “cùng quẫn” như trên, thực ra, không mới mẻ gì. Tôi
đã nghe Nguyễn Chí Thiện nói thế lâu rồi:
Bán trôn rồi lại bán cả mồ hôi
Mà đói rét vẫn quần cho sớm tối!
(“Trên Mảnh Đất” – 1964)
Mãi đến năm 1986 ông TBT Trường Chinh mới chịu thừa nhận nỗi “nhục nhã” và
sự “nhơ nhuốc” này: “Phải cứu giai cấp công nhân!”
Trời cũng chả cứu nổi được họ, nếu Tổ Chức Công Đoàn Việt Nam
vẫn chỉ là cánh tay nối dài của Đảng – theo nhận xét của Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng:
“Không những không hỗ trợ công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại
nối thêm một cánh tay giúp công an ngăn chặn đình công. Trong một số trường
hợp, công nhân còn phát hiện chính cán bộ công đoàn làm công tác chỉ điểm để
‘khoanh vùng đối tượng’ và sau đó là bắt bớ tống giam những công nhân khởi
xướng đình công.”
Đoàn Huy Chương & Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
Ảnh: anhbasam
Nhân chuyện báo Lao Động số Xuân, với chủ đề Tết Sum Vầy, xin được
ghi lại tên tuổi của vài ba công nhân hiện đang bị cầm tù (hay “dấu
kín”) ở một nơi nào đó:
– Đoàn Huy Chương a.k.a. Nguyễn Tấn Hoành: Sinh năm 1985, thành viên
sáng lập Tổ Chức Công Đoàn Độc Lập, bị bắt (lần thứ hai) vào ngày
23 tháng 2 năm 2010, và bị kết án bẩy năm tù vì tội “phá rối an ninh
nhằm chống lại chính quyền nhân dân.” Hiện ông đang bị giam giữ tại trại
giam Phước Hòa, Huyện Tân Phước, Tỉnh Tiền Giang.
– Nguyễn Hoàng Quốc Hùng: Sinh năm 1981, thành viên của Khối 8406,
hội viên của Phong Trào Các Nạn Nhân Của Sự Bất Công. Ngày 27 tháng 10 năm
2010, ông bị TAND tỉnh Trà Vinh kết án chín năm tù, cùng với tội danh
với Nguyễn Tấn Hoành, và bị giam giữ trong cùng một trại.
– Lê Trí Tuệ: Sinh năm 1979, thành viên của Khối 8406, Phó Chủ Tịch
Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. Ngày 20 tháng 10 năm 2006, ông tuyên bố thành lập
Công Đoàn Độc Lập. Ông bị bắt vào ngày 29 tháng 03 năm 2007, bị ép buộc phải
lên tiếng công khai giải tán công đoàn này. Lê Trí Tuệ từ chối và bỏ trốn sang
Cambodia, sau khi bị đánh đập tàn tệ nhiều lần ngoài đường phố. Ông đột ngột
“biến mất” khỏi cõi đời này, kể từ hôm 16 tháng 5 năm 2007 đến nay! Theo bản
tin của HRW, gửi đi vào ngày 4 tháng 5 năm 2009: “Người ta nghĩ
rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên
của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.”
Ông Bùi Văn Cường, Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, Chủ
Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – tiếc thay – không đủ can đảm
để nhắc đến tên tuổi họ trong dịp Tết Sum Vầy vừa qua. Tổ chức Công
Đoàn của đảng ông Cường, theo ý của một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam là “nên chấm dứt hoạt
động đi, nếu còn biết liêm sỉ.”
Ôi, tưởng gì chớ liêm sỉ thì là chuyện vô cùng xa xỉ đối với đám
đảng viên CSVN!
Tưởng Năng Tiến