18 February 2017

GIA VỊ TUỔI GIÀ(1) - Túy Hồng

Khi cây bạch dương sau nhà trở mình thì lá mùa thu cũng đã chuyển sang màu vàng nguyên chất. Nắng ngọt dịu của tháng mười một ấm như nắng hanh vàng ngày nào nướng chín trái bí ngô, quả cam, trái chuối.

 Tháng ba lưng lưng chim hót ngang trời thật ra không làm người di tản thấy vui như mấy tháng dài mùa thu len lén vào tim.

 Trong những khu vườn Việt Miên Lào ở Oregon, mùa thu ánh lên màu vàng từ trái hồng ngâm và màu cám gạo lứt của trái lê. Hai thứ trái cây trân quý này hương vị ngọt thanh nhưng về hình thức, trái hồng đội một cái nón trên đầu trông như cái chụp đèn nên không đẹp.Thứ quả này lại chín vào cuối thu nên không đủ nắng để ngọt.
 Tháng bảy ngày rầm xá tội vong nhân. Tháng tám chơi đèn kéo quân, Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
 Câu ca dao cho thấy hồng là một thứ quả đắt giá, các con buôn phải góp tiền hùn vốn với nhau mới bán mua nổi cái thứ trái cây này.
 Trong truyện Tàu, hồng là một thứ trái cây của lính: đoàn quân viễn chinh Trung Hoa ngày xưa , buổi mai thức dậy từ bốn giờ sáng tập luyện môn võ công Tài chi đã điểm tâm một trái hồng và một chén cháo kê.

 Tôi, tên Lê Thị Hảo, ngày xưa dạy quốc văn trường Hàm Nghi Huế, hiện đang đứng nói chuyện với bà láng giềng bên hông.
 Bà bạn tóc vàng của tôi nhún vai: “Trái Asian pear với trái persimmon không chua mà cũng không ngọt để chúng ta làm jam, làm jello và jelly.”
 Tôi kể ra: “Người Mỹ chỉ thích cắn trái apple thôi. Mỗi năm, một người Mỹ trung bình ăn 60 pound nho tươi. Người Mỹ nhai nho trông thật điệu và khi từ trên lầu cao bước xuống nhà dưới trong thật lẹ và nhanh như lướt.
 Bà hàng xóm lắc cái đầu vàng cười: “Trái cây thì phải ngọt, chỉ có trái dưa mới nhạt. Nghĩ cũng lạ, cây xứ nóng đem sang trồng ở đây thì hớn hở ra trái như điên; trong khi đó cây honey dew và cây cantaloup của chúng tôi ngày xưa đem sang trồng ở Việt Nam thì èo uột chết nghẻo.”
 Nàng hàng xóm này là chủ nhân một cái máy cắt cỏ kêu la to nhất xóm suốt  mùa hè vừa qua, tươi cười tiếp: “Tôi cũng không ưa thứ trái cây có sạn trong ruột như trái Asian pear. Hảo! hãy nhìn cây Asian pear và cây persimmon của Ruan trái ra chi chít, coi chừng gẫy cành đa! Phải hái bớt vứt đi thì trái mới to.
 Hảo tức là tôi tỏ ra thân mật: “Người Nam chúng tôi trồng cây trái và rau quả là cốt để cho người và chim muông cùng thưởng thức, chia xẻ tình bằng hữu để hiểu nhau và thân nhau hơn. Chúng ta là hàng xóm, lũ chim trên cây bạn hiền tinh nghịch.”
 Hảo giảng thêm rằng có hai loại chim: chim ăn chay và chim ngã mặn. Khác với loài người, bầy chim ăn chay green finch, blue jay, ani... không phải là những con di điểu đã từng bay sang Nhật tu học Thiền, tránh xa nghiệp chướng karma và charm, mà đích danh là những đặc công phá hoại ngày đêm mổ rỉa trái chín. Trong khi đó thì lũ chim ăn mặn tức là những con tropon, magpie, plover... thì lại ngoan hiền như những tín đồ Phật tử  ngày đêm mổ sâu moi đất diệt trùng thân ái giúp các nhà nghệ sĩ làm vườn phát triển tài hoa trồng tỉa.
 Nhìn những cây lê cây hồng của người Việt Nam sai quả nặng trịch, Hảo nhớ lại hồi xưa lúc còn cuộc chiến, Tổng thống Eisenhower phái đại tá Edward Landsdale, người hùng của đệ nhị thế chiến, sang Nam làm cố vấn quân sự tại dinh Độc Lập, Tổng thống Mỹ tặng dân Việt Nam Cộng Hòa một quả dưa honey-dew và một quả dưa cantaloup, bộ canh nông cho đem trồng ở Đà Lạt. Mười tháng sau, dân Đà Lạt được thưởng thức một trái dưa cantaloup to bằng cái trứng gà và một quả dưa honey dew ăn nhạt thách như dưa leo Anh Cát Lợi.
 Nhìn những cây lê cây hồng đậu đầy trái, Hảo lại nghĩ rằng người mình có cõi lòng nồng nàn và tâm tình ấm ngọt. Khi mùa trái cây đến, họ hái làm quà cho nhau. Đây là điểm tựa của câu tục ngữ “có đi có lại mới toại lòng nhau.” Ngày còn chiến tranh đỏ rực, Nga Sô đã viện trợ cho Cộng Sản Bắc Việt đầy đủ hỏa tiễn địa không để bắn rớt tàu bay Mỹ và để bắt sống phi công Hoa Kỳ.
 Khôn lanh hơn dân tộc nào hết trên quả đất điêu đứng này, và cũng thông minh hơn bất cứ dân tộc nào hết trên quả đất bầm dập này, là Cộng Sản Bắc Việt. Sau khi ký thỏa hiệp trao đổi tù binh với Hoa Thịnh Đốn, ai cấm họ chỉ trao trả cho Mỹ một nửa số phi công rớt tàu bay mà thôi, số còn lại cứ việc đem cống hiến Nga Sô để tạ cái ơn đã cho họ hỏa tiễn Sam. Đó là tài xử thế, phép giao thiệp ở đời. Người Nga dại gì mà không dùng những tù binh này để dạy sinh viên không quân Nga lái tàu bay tại những nơi nào đó trên lãnh thổ Nga như là “Đại học máu” hoặc “The charm school.”
 Vì thế cho nên Hảo đã trồng một cây hồng ngâm trước ngõ để lỡ ai cho Hảo một trái lê thì Hảo lập tức biếu lại một trái hồng. Cố nhân đã xác định rằng trồng hồng ngọt và lê lành là cốt để đem cho nhau lấy thảo chứ ai lại nhai rau ráu một mình coi kỳ lắm.
 Hảo chào bà bạn trở về vườn mình. Một khu vườn cỏ mọc đủ nuôi một con bò. Một giống giặc cỏ khỏe mạnh tên là cỏ ống, không thể cắt cụt bằng máy được mà phải nhổ cả gốc. Nhìn cỏ tươi non quá, Hảo nghĩ tới những chuyện tình xanh. Quê nhà giờ đây chiến tranh đã chấm hết hơn ba mươi năm nay rồi nên tất cả văn sĩ đều không viết được một chuyện tình nào thật xanh và thật tươi như cỏ. Vậy thì đời sống đã khô héo rồi. Hảo bỗng sực nghĩ rằng cả hơn tháng nay quên không tưới cây. Nhưng trước hết hãy lưu ý tới đám giặc cỏ ống này đã. Từ xưa, đàn bà vẫn quan niệm trọng hoa khinh cỏ nên không hiểu được nỗi lòng và xác thịt của cọng cỏ cũng đa tình như họ. Cỏ lắm khi cũng có tư cách và tác phong của nhà nho chứ không phải bao giờ cỏ cũng lả lơi đùa cợt như cô gái điếm duyên dáng dễ thương. Cỏ purslane, cỏ crabgrass, cỏ gà, cỏ cú, cỏ may... tâm tư của mỗi bụi cỏ cũng là tâm tư của Hảo. Cỏ hổ ngươi... Sách thuốc Tàu dạy rằng nơi chỗ nào nhiều phấn thông thơm vàng và bột bướm bướm theo gió bay khắp, lọt vào miệng và cổ chúng ta hồi nào không hay, thì đích thị quanh quất đâu đó thế nào cũng mọc sẵn một vạt hổ người, trinh nữ làm dáng gai góc giữ gìn hạnh kiểm và luân lý!! Chúng ta cứ việc nhổ lên đem về nhà nấu uống. Hôm sau chúng ta sẽ bớt ngứa cổ và nghẹt mũi.
 Bốn giờ làm vườn trôi qua. Hảo bước tới cạnh hàng rào bà láng giềng để nhổ tận gốc một hàng cây nhỏ mọc đâm chồi qua khe hở vườn nhà người ta. Vài chùm bông dại màu tím sà xuống trên tóc bạc, Hảo nghĩ tới hoa bắp và hoa bèo lòng thấy thương thương nhà thơ Hàn Mặc Tử.
 Cố gắng làm thêm một giờ nữa, Hảo đói bụng tưởng có thể nuốt ực một nồi cơm điện và một con gà lôi nướng lá chanh nên phải vào nhà lục tủ lạnh. Trong lúc chờ hâm nóng thức ăn, Hảo nặn cái bắp thịt ở cánh tay và thấy nó cứ nhão ra mỗi ngày và chưa đụng vào đã rung rung như jello Mỹ. Một chàng thanh niên Mễ chạy xe vô hẻm, âm nhạc từ máy car stereo xẹt ra như tiếng rú.
 Hảo vừa định ăn cơm thì điện thoại reo: “Hello chị Hảo. Khỏe không? Lệ đây, chị còn nhớ Lệ không? Có phải mấy đứa con của chị đều Mỹ hết phải không?”

Đây là một câu hỏi Hảo đã quen nghe, nên trả lời không vấp váp: “Con gái đầu lòng của tôi lấy một con trai của một cựu chiến binh Hoa Kỳ động viên sang Nam năm 1969, gia nhập tiểu đoàn A, đại đội 7, sư đoàn bộ binh 402.”
 “Con trai của chị cũng lấy Mỹ hết phải không?” Làm như là một câu hỏi đầy tính cách bảo thủ.
 “Đúng vậy. Thằng con Út của tôi lấy con gái của một chuẩn úy không quân Mỹ, quân dịch năm 1971 khi Tống thống Nixon bỏ bom và gài mìn quân cảng Hải Phòng.”
 Bà Lệ, Lệ Đá ném thêm một cú nữa: “Chị có bao nhiêu cháu nội cháu ngoại Mỹ?”
 Hảo dễ dàng đỡ:  “Chỉ vài đứa thôi, nhưng tôi không nhớ rõ mắt chúng nó màu xanh, màu xám, hay màu nâu hạt dẻ.”
 Hảo nhớ lại những ngày ở Sài Gòn đường Trần Quốc Toản, trong hẻm cụt, một ông cảnh sát có hai cô con gái lấy Tây và một cậu con trai lấy Tàu, cả xóm kêu ông là ông Quốc tế.
 Lệ-đá thở dài: “Hồi anh còn sống, bạn bè ai cũng thương anh. Anh không ngoại hóa.” Lê-đá lại thở dài nữa: “Bạn bè ai cũng mến anh vì anh không tự bứng gốc, không thay quốc tịch, anh không từ chối quê hương.”
 Những lời nói ấy nghe buồn như những dòng thơ mới do các thi sĩ hiện đang sống tại hải ngoại sáng tác. Lê cười lên mấy tiếng lẻ rồi chào.
 Điện thoại trở lại yên lặng cho đến hai giờ sau mới reo lại: “Hảo, Hảo ngọt, có phải bồ đó không?”
 Đúng là giọng nói của Trang bạn cũ đang ở tiểu bang California nơi có nắng Sài Gòn đa tình. Trang luôn luôn kêu Hảo là Hảo ngọt vì nghĩ rằng chất đường trong lời nói sẽ làm Hảo lên tinh thần.
 Trang la lên thật thân mật “Cuối tháng này tụi này về Việt Nam, vé máy bay đã mua rồi.”
 “Mấy tháng trước ông bà đã về rồi, nay lại về nữa?”
 Trang cũng hỏi, “Bồ có muốn gửi gì về cho gia đình không?”
 Hảo ngồi gục cổ. Trong nhà tôi hiện chỉ có một nửa bao gạo nàng Hương, một chai nước mắm, một chai xì dầu đậu nành, mấy cân thịt trong tủ lạnh, và hai mươi đô la tiền mặt. Theo sở Welfare office thì cái nhà đang ở và cái xe để đi đây đi đó không phải là đồ để gửi.
 Trang nhảy qua chuyện khác: “Này bồ ơi, con mẹ Liên bỏ thằng cha Sĩ rồi, để chạy theo một kép trẻ ở Alaska! Con mẹ quăng hai đứa con vào tay ông chồng để chui vào giữa cặp đùi chàng tình nhân đánh cá.”
 Hảo chú ý nghe bạn nói tiếp: “Làm sao chịu được cái lạnh ở vùng địa đầu Alaska nhỉ?
 Hảo cứ yên lặng để nghe thêm: “Chắc hơi ấm của thân thể khiến họ bất chấp hơi lạnh.”
 Hảo nói: “Tha hồ ăn đồ biển. Ăn cá ngon hơn ăn thịt.”
 “Nguyên do tại cái ông chồng già của con mẹ quá ngu quá tin vợ, đã chứa chấp chàng đánh cá đó trong nhà. Chàng đánh cá là bạn học cũ của con mẹ.”
Hảo gật gù: “Khơi khơi để sỗng mất mụ vợ. Đàn ông và đàn bà phải giữ đúng luật nam nữ thụ thụ bất thân. Bạn gì mà bạn, nó leo lên người bà nó nhún nó nhồi hồi nào bà không hay.”
 Trang ừ một tiếng dài: “Con mẹ đó đá văng tưng ông chồng trí thức thì tui OK, nhưng con mẹ đó bỏ công ăn việc làm để chụp một chàng đánh cá salmon ở Alaska tui nhức đầu. Con mẹ đang làm ỏ hãng State Farm lương lãnh một năm trên 50 nghìn dollar.”
 “Tình yêu đại thắng full-time job. Tình yêu xanh tươi hơn tiền tiêu.”
“Hãng State Farm đóng cho con mẹ hơn hai phần ba tiền bảo hiểm nhân thọ mỗi năm.” Trang lại xuống giọng trầm: “Con mẹ không phải trả một xu bảo hiểm sức khỏe nào cả. Toàn gia đình con mẹ được khám bệnh miễn phí, mua thuốc trụ sinh miễn phí, được mua bao ny lông ngừa thai miễn phí, nhe răng há miệng cho nha sĩ trám răng miễn phí. Bồ Tát ơi! Bây giờ mà còn có người bỏ tiền chạy theo tình.”
 Rồi Trang kết luận: “Bồ Đề Đạt Ma ơi! Như con đây, con chỉ biết tiền mà thôi.”
 Sau một hồi tung hứng, chuyện dài Việt kiều tạm ngưng, đôi bạn già gác máy. Chuyện dài Việt kiều hải ngoại đại khái là tình dục, là sức hút của thân thể, tình và tiền , tình và thù, tình và lửa.
Hảo quay lại. Từ tấm ảnh lớn thờ ở phòng khách, chồng Hảo lặng lẽ ngó thẳng, với đôi mắt Hảo có thể diễn ra trăm lời trách móc. Em vẫn còn chống Chống Cộng phải không em? Bao nhiêu thập niên đã qua đi, anh nghĩ rằng bây giờ trong cái nhà này người chống Cộng phải là anh.
Tôi ngồi ngó vào đôi mắt chồng, nguời chết nói tiếp em không phải là người nội trợ tốt, em lười biếng làm bếp , bỏ bê vườn tược, không thích dọn dẹp nhà cửa, và trên tất cả những tội tình đó, em còn phạm một lỗi nặng nữa là không biết dạy con. Dạy con cầm đũa ăn cơm. Em không có tâm hồn của một ngưòi mẹ. Thiên chức tối cao của em là làm mẹ., người dạy trẻ phải bền lòng kiên chí, cấm bỏ cuộc và phải tự tìm ra nguồn cảm hứng và cái đẹp trong nghệ thuật của đạo đức. Nuông chiều con và sợ con là hèn. Khi kẻ làm cha mẹ tỏ ra sợ con thì gia đạo là một ngõ bí. Hãy nhìn vào cộng đồng người Việt để thấy luân lý còn tươi sáng lắm, anh thấy người đàn bà nào cũng thật dễ thương! Nào bà Hương, nào bà Huệ, bà Cúc đang nấu cơm trong bếp... họ vo hạt gạo không gảy, họ đổ nước vào vừa phải, và khi hạt gạo thơm chính hiệu con nai đen vừa chín tới, hạt cơm không nhão nhẹt một cục ở đáy nồi. Lấy em, anh phải tự tay nấu lấy nồi phở mà ăn vì em không thích mùi ngũ vị huơng và rau húng quế. Người đàn bà này, em muốn gì? Thì giờ của người đàn bà là của nguời đàn ông. Đời của người đàn bà là một diễm phúc được lệ thuộc vào đời đàn ông. Tự do của đàn bà là cơm áo, là sự hiến dâng đồ ăn cho đàn ông.
 Người đàn bà là một nghệ sĩ sáng tác ra cái ngon, cái đẹp. Lý tưởng cuả đàn bà là phục vụ chồng. Nghĩa vụ của người phụ nữ là cái bếp, cái vườn và cái nhà. Khi người đàn bà còn, là cái bếp còn. Một lần nữa, em hãy trông gương các bà Huơng, bà Huệ, bà Lan... trong cộng đồng người Việt, họ dạy con nói tiếng Viet , tiếng mẹ đẻ, họ mớm cho con trẻ chút hạnh phúc trong tình yêu quê huơng. Em, em trái lại, em dùng con để học Anh ngữ, để thực tập English, để trau dồi vocabulaire, để bắt chước cách phát âm đúng giọng. Chính em là một nguời mẹ mất gốc, trước khi con chúng ta mất gốc. Bánh cookie của người Mỹ ngon quá phải không em?
 Hảo đứng phắt dậy, cầm cái mặt tiền của tấm ảnh quay vào tường. Hãy xếp lại những lời anh nói. Một người nói, một người cãi, đó là hai đương sự đã tự mình phá hạnh phúc của chính mình. Hạnh phúc, hãy nghĩ rằng, là một sự im lặng. Chịu thua không phải là thua.
 Buổi tối, Hảo ăn cơm trước mặt kính TV, chương trình “Little Saigon” chiếu cảnh đám tang nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tức ca sĩ Nhật Trường, giọng ca tình cảm nhất một thời mù mịt lửa chiến tranh. Hiện diện trong tang lễ, nhạc sĩ Nhật Ngân trong quân phục màu dầu olive đứng cạnh một thằng bé đội khăn tang, mặt áo chế vải thô đưa tay ngang trán chào quốc kỳ Việt Nam. Thằng bé chắc là cháu đích tôn thừa trọng của Trường. Sau lưng nó, thân nhân của Nhật Trừơng, gồm phần đông là phụ nữ trẻ tuổi buồn bã hát một ca khúc của Trần Thiện Thanh.
Tiếp theo, màn màn ảnh nhỏ quảng cáo dịch vụ bán xe hơi của anh Duy Đặng và anh Phan Cường. Sau đó, màn ảnh nhỏ chiếu cảnh Mục sư Nguyễn Xuân Bảo đem cơm về quê huơng cho đồng bào. Đúng ra, Mục sư Bảo đã vác gạo về Việt Nam nhưng Hảo dùng chữ cơm vì gạo nấu chín sẽ thành cơm.
 Buổi tối ấy cùng với cây bạch dương và cây liễu rũ sau nhà trở mình, Hảo trằn trọc không ngủ được vì cú điện thoại của Lệ-đá. Sách báo ở đây vẫn đề cập đến những cái khó khăn trong công việc giáo dục thiếu nhi. Thống kê cho thấy tỉ số trẻ con biết vâng lời cha mẹ khuyên bảo chừng độ 18 phần trăm, 82 phần trăm kia là do tay chúng tự tạo lấy, do nhân tính của tuổi trẻ trong môi trường học đường và xã hội. Một bài giáo khoa nhắc tới tấm gương sáng do bà mẹ của nhà độc tài Staline nêu lên. Mẹ của người hùng đỏ Staline là một người đàn bà mềm dịu nhưng cũng là phụ nữ cứng mạnh trong tinh thần và ý chí đã uốn vặn khối kim khí quý Joseph Staline trở thành danh nhân số một hoặc số hai của đệ nhị thế chiến. Ở Nga Sô và các nước Cộng Sản, công việc dạy con chắc cũng khó khăn như đánh tư bản vậy. Ở Hoa Kỳ và các nước tư bản, công việc dạy con có khó khăn như đánh Cộng Sản không?
 Có những giấc ngủ cần đọc chuyện tình nên có những chuyện tình dành cho giấc ngủ. Hảo lướt mắt qua một truyện ngắn kể chuyện một phụ nữ quan niệm rằng nếu yêu ai , cô tha cho người ấy khỏi phải cuới cô, cô chỉ đến ngủ với nguời ấy chừng vài chục đêm thôi rồi cô de. Hảo nghĩ rằng cô ả Thị Mầu này chắc luời nấu ăn số dách và chắc rất thông minh. Thế nào là một người đàn bà thông minh? Ai cũng biết rằng người thông minh là một người giỏi toán và học bài mau thuộc. Theo kinh nghiệm, chữ “thông minh thường đi kèm với chữ khôn. Người “khôn” và người “thông minh” là những kẻ đầu óc sáng suốt, hiểu nhiều biết rộng, suy nghĩ nhanh và ứng đối mau lẹ. Sau đó ta có thể nói thêm rằng người khôn có thể là người thâm và người thông minh đôi khi có thể là người dại. Vậy thì cô ả thông minh đó chắc phải nắm trong tay một công việc bảo đảm lắm!
 Mỹ là một dân tộc mà Hảo chưa thấy người đã nghe tiếng rên rỉ về nạn thất nghiệp leo thang. Việt Nam là một dân tộc mà người Sài Gòn không công ăn việc làm tràn ra khỏi nhà đi đứng chật đường.
 Mười mấy năm về trước ở Seattle, Hảo như một cô hồn vất vưởng đi tìm việc vì nhà băng ở Seattle lâm nạn phá sản. Hảo đứng hàng đầu trong danh sách nhân viên sẽ bị sa thải. Mười ngón tay đánh máy dưới 25 chữ một phút, không biết thay bóng đèn cho cái computer mình phải xử dụng hằng ngày và khi máy vi tính nhiễm trùng virus thì không biết lau chùi.
 Một nam đồng nghiệp da màu nâu nhạt đã dùng một củ khoai môn xứ Hawaii cắt tiện thành một cái ten-key bỏ túi để giờ ăn trưa anh ta đặt nó lên đùi rồi miệng nhai khoai môn Hạ Uy Di tay mò mẫm sờ vào cái máy vi tính đó để thực tập. Anh ta trở nên một nhân viên đánh máy và bấm số đúng nhất phòng kế toán. Hảo đưa tiền nhờ anh ta làm cho mình một cái máy đúng y như vậy nhưng thực tập đuợc hai tuần lễ thì mủ khoai môn ngứa tay gải bóng lên. Người Việt Nam không thể bì với người Hạ Uy Di được: họ ăn khoai môn từ lúc vừa mới đầy tháng. Bé thơ bú sữa khoai môn nhiều chất dinh dưỡng hơn sữa đậu nành và ăn khoai môn nghiền nát thành baby food. Người lớn tiêu thụ chừng hai ký khoai môn mỗi ngày gồm cả lá và thân cây muối dưa hoặc xào tươi với hải sản. Nguời già răng rụng thì húp xúp khoai môn nấu nhừ.
 Khi lũ bạch quỷ tây phương đến các quốc gia hải đảo Thái Bình Dương đặt thuộc điạ, người da trắng đã chở vô số phân bón Hoa Kỳ đến Hạ Uy Di. Lần đầu tiên dân hải đảo thấy phân bón Mỹ, tối tân, sạch sẽ, khô ráo, đựng trong bao cẩn thận như bao gạo! Củ khoai môn Hạ Uy Di trở nên to như cái chày vồ giã gạo. Cùng một thời, du kích Cộng sản quốc tế xâm nhập Hạ Uy Di, nhưng thất bại vì biển bao vây không có đường rút lui và ngư dân thờ ơ. Cộng sản với nông dân khi sống như cá với nước và khi chết như cá ướp muối.
 Nhìn hai tay dính mủ khoai môn của Hảo, anh bạn bảo: “Nếu để nhà băng đuổi thì mất toi tiền hưu non. Sở an sinh xã hội đang cần một thư ký xếp hồ sơ.”
 Hảo về nhà dục con gái: “Điện thoại đến chỗ này xin việc cho mẹ.”
 Nó phản đối: “Mẹ xin việc làm, tại sao mẹ không gọi cho người ta mà lại sai con.”
 “Tiếng Anh ú a ú ớ, mẹ gọi điện thoại cho bao nhiêu chỗ nhưng không nơi nào cho mẹ đi phỏng vấn cả.” Hảo nói.
 Hảo nói tiếp, “Con xưng tên con là Hảo, con nói với họ con là mẹ nghe không!”
 Chờ hai ngày, Hảo đuợc kêu đi phỏng vấn, bà xếp nói ngay sau câu hỏi đầu tiên: “Trong điện thoại, “you” nói English rất là ‘gheo’ nghe tốt lắm mà!”
 Năm Hảo 48 tuổi, hôn nhân kết thúc, người chồng rũ áo vô thường ra về bên kia bến khổ. Người Vietnam tính hay đi trễ, như người Mễ hay ăn đậu, nhưng khi đã hẹn gặp tử thần, người Việt Nam luôn luôn giữ đúng lời hứa, sớm một giờ không đi, trễ một giờ không ở. Năm ấy chồng Hảo chưa tròn năm tư tuổi.
 Năm đó, con gái đầu lòng của Hảo, Thúy mới mười bảy tuổi, bắt buộc phải đi làm và xin được việc đứng bán chè ba màu ở một tiệm ăn Việt Nam. Mấy cậu khách hàng kêu nó cô bán chè ơi! Nhiều lúc bốn năm cậu cùng gọi chè một lúc, nó pha màu không kịp, các cậu xúm lại cự nự nó, ông chủ phải chạy tới đứng giữa dang hai tay ra đẩy các cậu lui.
 Năm tháng trôi qua, khi nhà băng phụ ở Seattle chính thức phá sản, Hảo tự lưu đày xuống phố Portland làm việc với nhà băng chính. Hảo thuê một chỗ ở dưới đó. Bốn đứa con chưa đem đi theo được khi ngôi nhà rao bán cả năm không ai mua.
 Đọc sách Cổ học tinh hoa, một bài luân lý kể chuyện một chị lợn cái đẻ ra bốn con heo con ụt ịt, trong đó có hai bé heo giống mẹ sắc đen tuyền, còn hai chú nhỏ kia thì loang lổ trắng đen. Ngụ ý luân lý của bài cổ học này là giữa người và lợn cũng có điểm giống nhau về tinh thần cũng như thân thể và ảnh huởng của cha mẹ gieo vào con cái lên đến 50 phần trăm.
 Thời gian mẹ con xa cách kéo dài hai năm chờ đợi bán ngôi nhà Lỗ Tấn. Bà bạn ở Seattle gọi đùa cái nhà của Hảo là ngôi nhà Lỗ Tấn. Cái nhà này năm 1980 trị giá hai mươi lăm ngàn dollar. Trong thòi gian chờ đợi, cứ cách hai tuần lễ Hảo lái xe từ Portland về Seattle xào nấu một mớ thức ăn để tủ lạnh và kỳ cọ hai cái buồng tắm. Mỗi lần về nhà, con lợn mẹ gầy còm này nhận xét chỉ có hai con heo con ở nhà coi tivi hoặc làm bài tập, còn hai con heo ranh kia thì đang đi bụi đời đâu đó ngoài đường với đám ngựa chứng.
 Nhà bán xong, Hảo chỉ bắt đựơc ba thằng con trai theo về Portland, con Thúy cương quyết ở lại để sà vào nhà cha mẹ thằng bồ Mỹ của nó xin cắm dùi.
 Hảo kêu: “Con làm như vậy không được, người Việt Nam sẽ cười mẹ.”
 Hảo nghe con của mình chọi lại: “Được mẹ ạ, đây là overseas.”
 Đây là hải ngoại. Đây là nơi tôi mất quyền hành trước sức mạnh của con tôi? Đây là nơi tôi có một gia đình nhưng tôi không trị nổi. Đây là nơi tôi bất lực như Hoàng đế Thiệu Trị, vì vua nhu nhược nhất cuả triều Nguyễn, người đã buông tay không nắm lòng dân, không quật lại quân Pháp... Không cách chi Hảo tìm ra được một nơi chỗ cho con gái ăn nhờ ở đậu. Cái nhà là nhà của ai, công ai làm ra người ấy ở và bảo trì. Cái nhà của tôi là phần thưởng tôi đã đoạt và riêng tôi thưởng thức một mình, làm vuờn và trồng cây ăn trái, không cá nhân nào được xông vào cắm dùi. Kẻ cắm dùi là kẻ xâm nhập trái phép, xâm phạm quyền tư hữu và quyền tự do. Chiến tranh cũng có thể là do sự dành giựt một chỗ ở và là sự bảo vệ một chỗ ở như chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên.
 Người Tàu bảo nuớc Mỹ là một nước đẹp, một nước cười, môt nước đã dạy ta lòng thương yêu chó mèo. Một chân trời có khí hậu nhân đạo, một thời tiết lạnh nhưng không phải cái lạnh ác đức như ở Nga sô, nước Mỹ là một đất hứa mà dân bất mãn từ bao quốc gia khác, nhiều nhất là tầng lớp nông nô bần cố ở Nga sô mơ ước đến xin tị nạn Cộng sản phản bội họ. Sau cách mạng dân bần cố nông Nga vẫn bị giai cấp khác đè đầu.
 Hảo bảo con: “Bố chết rồi, con nên thương mẹ hơn, con về ở với mẹ.”
 Nó im lặng như thể ngầm bảo mẹ không thể cắt đứt được mối tình Việt- Mỹ nhỏ nhoi này.
Khi rứt lìa nó ra để lái xe về định cư ở Portland, mẹ con ôm nhau, níu giữ nhau khó tách rời. Từ chiếc radio cầm tay, có tiếng hát bài “lòng mẹ” mà tôi nghe như bài đạo ca “No coming, no going” của sư cô Anabel Chân Đức Nghiêm. Đi không phải là biệt ly, lời bài hát vỗ vào lồng ngực, dội vào xương sườn, xương vai, chảy vào động mạch, tĩnh mạch. Mẹ muốn bắt giữ con, cầm tù đời con, ghì lấy con, trói cột con vào lòng. Mẹ bóp nghẹt con rồi mẹ thả con ra thở tự do. “I hold you close to me, I release you to be so free.” Mẹ túm lấy cổ con, cột chặt con lại rồi mẹ mở trói cho con tự do. Mẹ nuốt ực con vào lòng rồi mẹ nhả con ra, con thiên nga của riêng lòng mẹ, mẹ nghiền ép con, mẹ dát mỏng con ra rồi mẹ thả tay ra cho con bay. Con gái của mẹ, mẹ cướp đoạt con rồi mẹ phóng thích con đây. “ I am in you and you are in me.” Trong con có mẹ và trong mẹ có con. Bàn chân tôi có còn đứng trên mặt đất không? Đầu tóc con tôi úp vào mặt tôi. Bó tóc huyền, sợi to như sợi chỉ thêu bung ra che kín mắt mũi tôi và hình như hai mẹ con không còn nghe biết gì nữa hết ngoài màu đen và tiếng thì thầm của suối tóc con gái cùng hương thơm hoa đồng cỏ dại thuốc gội đầu con dùng hằng ngày. Con thơm như hoa lilac, con thơm như hoa lily, con thơm như ổi xá lị.
 Người đàn bà này, người đàn bà do tôi đẻ ra, thế nào rồi cũng phải xa nhau, nhưng chúng ta không mất nhau vì trong con có mẹ và trong mẹ có con, dù chúng ta có cách chia nhau qua muôn vạn đường bay, đường biển, đường bộ, trong con vẫn có mẹ và trong mẹ vẫn có con!
 (Còn tiếp)

Túy Hồng