“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi”
(Nguyễn Bính)
Hôm nay bà Clara đi dạo có hơi muộn, có lẽ vì hàng cây trơ cành trong xóm
mãi run. Hôm qua nó đứng thầm lặng, yên hàn vô sự vì gió máy không về. Vô tình
nó làm cái hàn thử biểu, ngóng ra để biết đường mà đậy điệm áo quần cho xác
thân. Việc ăn vận xiêm y trong mùa đông chiếm thời gian gấp năm lần vào mùa hè.
Nực nội thì người ta có quyền che đậy thông thoáng mong manh, đôi khi chân cũng
chả thèm xỏ dép, mấy khi mà được dẫm lên đám cỏ xanh, nhột nhạt, êm ái và sảng
khoái. Cỏ xanh ở bình nguyên hoặc cát vàng ở bãi biển, chúng thế cho phương
thức vật lý trị liệu. Nó sẽ chăm chỉ thoa bóp cho tất cả các huyệt đạo có dưới
lòng bàn chân để trần. Clara có lúc từng khoe ông về công dụng một miếng lót
giày mọc lắm nụ nhỏ, biết sao không, nó châm chích vào gang bàn chân, lưu thông
khí huyết ở các kinh mạch.
Chào ông Nam, chiều nay tuyết sẽ rơi đầy đấy. Ông Nam vẫy tay đáp trả, tay kia
nắm cán xẻng. Làm sạch lối đi vào nhà, ông Nam vẫn xem đó là bài tập thể dục,
thong thả thôi, chậm rãi thôi. Đau lưng thì chống nạnh dòm trời bạc màu mà hít
thở hơi sâu cho tim tìm lại nhịp quân bình. Thấy còn sung, chả thấm béo gì thì
lò dò sang xúc tí tuyết cho bà Clara. Tình lối xóm chưa một lần sứt mẻ. Thảng
hoặc có điều gì cần trao đổi thì đứng ngay biên giới mà nhỏ to, như tôn trọng
nhau cả hai chưa từng ngỏ lời mời vào nhà ngó qua một vòng cho tỏ tường, chừng
như sau kín cổng cao tường kia vốn là thế giới riêng tư không được phép xâm
phạm. Tuy chẳng sông liền sông núi liền núi, tuy không môi hở răng lạnh nhưng
rõ là đôi bên vẫn ưu tiên gìn giữ một tình yêu hoà bình.
Như hôm qua, như mỗi bận xuất hành đi loanh quanh xóm nhỏ, bà Clara luôn
mang theo bạn đồng hành. Cái giống chó gì thật lạ lùng, mặc ngày tháng chất
chồng thân thể nó cứ không chịu phát triển theo tỷ lệ thuận, nhỏ tới khó coi,
nhỏ tới độ mèo chuột hoặc sóc có thể lờn mặt ăn hiếp nếu có điều kiện. Cây bonsai
mang vẻ đẹp chẳng được tự nhiên như đàn bà từng đi vào thẩm mỹ viện, ngó không
mát mắt, thì con chó của bà Clara cũng bên tám lạng bên nửa cân. Ông Nam luôn
không mặn nồng với những thứ bị o ép, bị biến dạng; ông từng nói để khỏi mất
lòng bà Clara: Chà, dễ thương quá thể! Ông suýt thật lòng: Trộm vào nhà nó có
biết gióng lên tiếng sủa cảnh báo chăng, hay cúp đuôi trốn dưới gầm giường? Nó
là người bạn nhỏ, là món đồ chơi giúp bà Clara đỡ cô quạnh. Bạn của ông? Ờ, mỗi
tuần đứa con ghé thăm đều mang cho ông biết bao tiểu thuyết lâm ly gay cấn nó
in ra từ sở làm. Con ông Nam biết trình độ sử dụng máy điện toán của bố thuộc
hạng gà mờ, vì vậy nó siêng dúi vào tay ông từng xấp giấy in chữ to để bố bầu
bạn lúc canh khuya vỗ về giấc ngủ. Hết kiếm hiệp thì trinh thám, hết hình sự
phá án thì Thuỷ Hử. Bố thích Quỳnh Dao không? Trời, từng này tuổi tao đâu còn
mặn chuyện tình trai gái lứa đôi. Tao mà viết rõ những ngày đi theo tán tỉnh mẹ
mày lúc còn thơ ngây thì sẽ hồi hộp thót tim hơn. Bà Clara và ông bạn láng giềng
kín tiếng nọ khi lên giường có thứ để ôm và hình như cá nhân mỗi người đều bằng
lòng vật đang sở hữu, chẳng đòi hỏi chi hơn.
Hôm nay bà Clara diện cho con cún cưng chiếc áo len đan tay mầu đỏ dầy dặn
bó thân. Nó có mừng vui không mà hăm hở chạy nhảy, sợi dây luôn căng thẳng
khoảng cách giữa thú và người, tiếng lục lạc luôn khua vang lối vắng. Bà Clara
có nắm ở tay đôi ba cái túi ny-lông, dùng nó để thu vén những viên chocolat mà
chú chó thải ra trên đường đi bách bộ. Những bà mẹ trẻ trong xóm từng căn dặn bọn
nhỏ thích đùa nghịch cùng tuyết trắng: Nếu là tuyết vàng thì chúng bây chớ có
nằm mà lăn lộn bên trên. Nói ít mà hiểu nhiều, đã nghe rõ chưa?
Ông Nam chẳng lạ lùng gì bọn nhóc kia, bởi mùa Halloween nào ông cũng bỏ
công chờ chúng đến gõ cửa để phân phát bánh kẹo. Chúng cũng biết rõ mười mươi
ông ta rất thân cận với bà Clara, dường như hai người có tình ý với nhau hay
sao đấy? Ai cơ? Thì cái lão người China thường ưa vung tay đánh quyền Taichi ấy
mà. Trong xóm chỉ có Clara gọi đúng tên và biết gốc gác ông. Bà bộc bạch, đơn
giản vì tôi xem phim chiến tranh, nghe mấy ông lính bảo “tôi từng đi ‘Nam, ba
lần, sir”. Ông tên Nam thì hết đường chối cãi, người Việt chứ chạy đi đâu nữa!
Ông Nam thích sự tinh ý của bà hàng xóm chứ đa phần dân tình ở đây cứ một mực chủ
quan xem ông là người bà con với Bruce Lee hoặc Thành Long hoặc Độc thủ đại
hiệp. Chán thế! Gán ghép ông với Hiệp sĩ mù xứ Phù tang thì còn an ủi đôi phần.
Cụt một tay hay bị mù cả hai mắt, ngẫm mà xem, tui nào có khắc gì, nhỉ?
Khi ông Nam chuẩn bị bày đồ ra chuẩn bị nấu nướng cơm chiều thì có tiếng gõ
cửa. Qua tấm màn mỏng ông thấy một mái tóc vàng, dài mịn đang quay đảo ngó tứ
phương. Chào ông Nam, tôi là Celine, mẹ tôi tên Clara ở cạnh nhà ông. Xin lỗi
hôm nay ông có trông thấy mẹ tôi đi ra ngoài không ạ? Ông Nam thò đầu ra ngoài
cửa, màu trời ủ ê chóng làm nhọ mặt: Khoảng chừng một giờ trưa, mẹ cô có dẫn
chó đi ngang qua nhà tôi và chúng tôi có chào hỏi nhau. Lạ thật, nhà không ai,
tôi thử gọi vào máy di động nghe chuông đổ trên bàn, mẹ tôi đã bỏ quên ở bếp mà
chẳng mang theo… Mẹ cô có người thân ở quanh đây không? Tôi nghĩ là mẹ tôi chỉ
biết duy mỗi mình ông thôi. Thường thì mỗi lần ra ngoài mẹ tôi đi những đâu,
ông có biết không? Bà ấy chỉ nói, tôi đi một vòng cho giãn gân cốt, lộ trình có
thể là tới đằng công viên và trở về bằng con đường nhỏ phía đằng sau. Khi nói,
ông Nam dùng tay thử vẽ ra một vòng tròn. Mùa thu vừa qua tôi đã cùng mẹ cô
bước chậm trên lối đó. Cám ơn ông. Cô gái quay lưng, đi ba bước xong trở mặt
lại: Làm phiền ông lần nữa, hôm nay mẹ tôi mặc áo màu gì ạ? Cửa chưa kịp đóng,
ông Nam bước hẳn ra ngoài: Tôi không nhớ được, tại ham để ý con chó, Clara mặc
thêm cho nó chiếc áo len đỏ. Cô yên tâm, tôi vẫn có khi lạc hồn quên lối về.
Ông Nam trấn an cô gái. Trong đầu ông chưa từng hiện lên một tình huống xấu
xa. Thường thì bọn trẻ con hoặc gái xuân thì mới vắng nhà dài lâu để sau đó bao
thân cột điện là những tờ yết thị in dung nhan với đầu đề to choáng “Missing”.
Theo thống kê của cảnh sát, 9% thảy đi đong, tìm thấy thi thể; 31% được cứu chuộc
vẹn toàn hoặc tự nguyện hồi hương và số phần trăm còn lại vẫn bặt vô âm tín,
thơ văn gọi là bóng chim tăm cá hoặc bèo dạt hoa trôi. Ông Nam từng nói đùa với
bà Clara một câu na ná: Tui là cánh bèo trôi và bà ơi, bèo là thứ rẻ nhất thiên
hạ. Khi đó, ông Nam bồi hồi nhớ lại, bà Clara đã cầm tay ông mà mân mê: Hổng có
đâu, ai chứ tui, tui không nghĩ vậy. Ông còn ngon cơm quá chừng, trông cách ông
trồng cây mùa hè, quét lá mùa thu, dọn tuyết mùa đông đủ chứng minh ông bạn tui
đâu đã sức tàn lực kiệt. Bên hàng giậu thưa bà mời ông ăn bánh bà làm, ông mời
bà thưởng thức đôi cuốn chả giò ông cất công ra chợ mua. Và đằng sau những cánh
cửa luôn đóng chặt của chòm xóm vẫn luôn ẩn náu những đôi mắt hiếu kỳ vụng trộm
để rồi bọn trẻ nhỏ xướng lên câu thoại: Bà goá Clara phải lòng ông kung-fu độc
thân. Qua tới chốn đây rồi mà tuồng như câu “đèn nhà ai nấy sáng” vẫn chưa được
thực thi, người ta vẫn buồn tay ưa chêm chục gạch giữa đàng.
Thế rồi một mai trời hồng, ông Nam vừa tập xong bài Dịch chân kinh cùng phân
đoạn bí kíp Suối Nguồn Tươi Trẻ, tắm táp xong, thay đổi xiêm y xong, chải tóc
xong, uống xong tách trà đầu ngày thì có tiếng đập cửa. Ngạc nhiên chưa, như
thể mỗi năm chỉ có một cái rằm. Sau cửa đóng then cài là đôi vầng trăng đứng
lấp ló. Mẹ trước con sau, cả hai phấn son hoa nhường nguyệt thẹn. Clara bắn cái
pháo bông bừng sáng: Chào ông Nam, ông thấy thế nào hôm nay? Theo như tôi được
biết, bên xứ ông, bữa nay rơi vô ngày đầu năm. Celine ló mặt sau vai mẹ: Chúc
mừng năm mới. Trên năm mươi năm tả xung hữu đột với cuộc đời lắm trầy trụa bỗng
chốc ông Nam thấy mình như con trẻ, vụng về trong ứng xử, câm như hến như bị
ngậm ngải tìm trầm. Sao rồi? Celine bảo tôi mẹ nên phát huy tình hữu nghị và
hôm nay là cái cớ để chúng ta cùng nhau đi kéo ghế nhà hàng, nâng chén ly bôi,
uống cạn chất nồng mà dọn lòng đợi đột biến vào năm mới. Celine bồi tiếp: Bác
toàn quyền lựa chọn địa điểm, tôi làm tài xế và chiêu đãi hai người, tạm gọi là
mâm cơm thắt chặt tình bang giao.
Cuống quýt theo nhị vị nữ lưu là một con chó trông mát mắt, có nghĩa là
không phải chó cảnh, có nghĩa là nuôi nó thì người ta có quyền treo tấm bảng
ngoài ngõ “Coi chừng chó cắn”. Celine mua tặng tôi đó, nhớ bữa nọ không, tôi
dắt con Minou đi ngang công viên thì bất ngờ một con Bulldog ốt đột hiện ra,
hậu quả thế nào thì ông cũng đủ mường tượng tới thảm cảnh. Tôi ngồi trên ghế
xích đu với tuyết lạnh mà khóc cho người bạn chung tình vắn số.
Đừng sợ, nó thân thiện và cảm tình lắm bác. Celine nói. Mọi người leo lên
xe, chạy ra hướng phố. Bác chọn được cái quán nào ưng ý chưa? Ông Nam nói, tôi
thật hoang mang, bất ngờ quá. Thêm thay tôi nào hay biết khẩu vị của hai người.
Clara nhìn ông, chẳng mấy khi kẻ láng giềng lại ngồi sát vai như này, thật ấm
áp, thật thơm thảo. Celine có khi mang tôi đi ăn phở, ông tin không? Quán gì
con nhỉ? Món phở gà chỗ đó quá tuyệt, tôi nghĩ ông cũng thấy ngon.
Con chó vẫn nằm yên trong lòng bà Clara. Hình như nó là giống chó của Nhật,
là hậu duệ của Hachiko, vì thương nhớ chủ biền biệt không về, mỗi ngày ra nhà
ga đợi ròng rã trong 9 năm để chết với mỏi mòn tuyệt vọng. Clara nắm một bàn
tay ông: Tôi nói điều này chẳng biết ông có phật lòng, rằng con cún này mang
tên Namino. Nó đến từ châu Á và khi đặt tên, thú thật tôi nghĩ về ông. Tôi
thích tên Nam, Namino nghe cũng đáng yêu vậy.
Trong kính chiếu hậu lưu giữ đôi mắt xanh, thẳm sâu của Celine, ngóng lui,
quan sát. Ông Nam nói với cái kính hình chữ nhật: Có lẽ tôi sẽ nhờ Celine giúp
tôi điều này. Chuyện gì bác? Lùng mua cho tôi một người bạn nhỏ y hệt con
Namino, nếu Namino là cái thì làm ơn lựa giúp một con đực. Và rồi Celine tìm
cho nó một danh xưng. Tôi xin cám ơn Celine cũng như Clara, đôi khi lòng thương
của chó dành cho con người nó đậm sâu đến nỗi chẳng có bút mực nào tả xiết.
Ông Nam nghe đau những ngón trong bàn tay ấm của Clara. Bà bóp bằng sức của
một người đã đánh mất xuân thì. Nếu trong xe rụng rơi cái kính chiếu hậu, không
hứng đọng đôi mắt tò mò của Celine, ông Nam tự đánh cuộc với nhiều toan tính,
mình biết lì xì thứ gì cho Clara đây?
Hồ Đình Nghiêm
Tết con Gà