Bài tường thuật của cô phóng viên
Elysha Enos trên bản tin CBC News chỉ ngắn có 594 chữ, được đưa lên mạng vào
lúc 6:43 chiều thứ Bảy 11 tháng 2, 2017; tôi là người thứ 11,941 tìm đọc vào
lúc gần 10 giờ tối cùng ngày -3 tiếng đồng hồ 12,000 người đọc đi, đọc lại bài
viết, xem đi xem lại đoạn video dài 1 phút kèm theo bài.
Cô phóng viên Elysha Enos
Đoạn video bắt đầu bằng cảnh hai
người cảnh sát biên phòng đứng bên biên giới Canada, nét mặt bình thản, bốn mắt
chăm chăm chờ, để “bắt” một gia đình ba người Syria sắp phạm tội vượt biên giới
bất hợp pháp vào lãnh thổ Canada; ba phạm nhân này gồm ông chồng, bà vợ, và một
đứa con gái 3 tuổi. Bé gái ngồi trên xe do mẹ đẩy, ông chồng khệ nệ xách hai
cái va li khá nặng. Khí hậu âm, -15 độ C.
Cảnh sát biên phòng và người vượt biên nhìn nhau, trên mặt hai phạm nhân người
lớn thấy rõ nét khắc khoải đợi chờ được giúp đỡ; nhưng hai anh cảnh sát vẫn chỉ
đứng yên, không chạy đến giúp hai người lớn đã kiệt sức, và đứa bé bầm tím
trong tuyết lạnh, vì chỉ bước tới vài bước là họ phạm tội xâm nhập lãnh thổ Hoa
Kỳ.
Cuối cùng rồi gia đình tị nạn cũng lết được đến đích, ông chồng bỏ hành lý
xuống, ngoan ngoãn vòng tay ra sau lưng để bị còng -còng tay là một hình thức
bắt buộc mỗi khi cảnh sát bắt nghi can; anh cảnh sát thứ nhì -không bận làm thủ
tục còng người bị bắt- bồng đứa bé lên rồi đưa vào trong xe để trốn lạnh; hai
khẩu súng lục của hai nhân viên công lực, nằm yên trong bao súng họ đeo bên
hông.
Đứng bên này biên giới 2 anh cảnh sát Canada nhìn 3 nghi can sắp phạm tội
vượt biên.
Họ còng tay ông chồng, rồi đỡ bà vợ, và bồng đứa bé vào trong xe 911.
Đoạn video dễ thương này được phổ
biến rộng khắp, qua các hệ thống Facebook, Twitter, Reddit, Google, .... Tôi
đọc bản tin ngắn trong một phút, nhưng đã mất cả tiếng đồng hồ xúc động, coi đi
coi lại đoạn video xứng đáng được gọi là “Câu Chuyện Tình Người,” coi đoạn kết
của cuộc hành trình “đi tìm tình thương” của một gia đình vượt thoát khỏi địa
ngục giết chóc, thù hận Trung Đông, và hồi tưởng đến cuộc vượt biển chật vật,
nguy hiểm của chính mình 43 năm trước để mưu tìm tự do.
Dĩ nhiên, ngoài tự do, tôi còn tìm được tình yêu thương, đùm bọc của người Mỹ,
như vài triệu người Việt Nam đồng cảnh ngộ tị nạn cộng sản với tôi, đã tìm
được.
Tôi đã nhận từ cái nồi, đến bao gạo đầu tiên từ tay những người Mỹ vô danh, một
thiếu phụ Mỹ hàng xóm, sang thăm tôi trong căn phố mới mướn, không bàn ghế,
không giường chõng; mở cái tủ lạnh trống trơn ra, không nói một tiếng nào cả,
bà ta rủ tôi cùng đi chợ.
Tôi chần chừ không muốn đi, vì làm sao tôi dám đi chợ trong lúc không có một xu
dính túi, nhưng bà hàng xóm vẫn kéo tôi ra xe.
Trưa hôm đó, đứng trước cái tủ lạnh đầy thịt, cá, rau cỏ, tôi băn khoăn không
biết nên ăn thịt bò, thịt gà, hay thịt heo, và thấm thía hiểu là ngoài cái tự
do mà tôi mạo hiểm vượt biển đi tìm, tôi còn tìm được tình thương của người Mỹ
-một dân tộc vô cùng nhân đạo.
Nhưng mục đích cuộc hành trình của vợ chồng anh Syrian -tôi biết mặt qua video,
mà không biết tên- rõ rệt là để mưu tìm tình thương; tôi quả quyết như vậy vì
điểm xuất phát chuyến đi của họ là đất Hoa Kỳ -quê hương của tự do, no ấm; họ
đã đến Mỹ, đã tìm được một cuộc sống hoà bình, không còn nguy hiểm bắn giết
nữa, nhưng chưa vừa ý, họ lại tiếp tục tìm kiếm nữa -tìm kiếm tình người nồng
ấm trên vùng “đất lạnh” Canada.
Đó là chuyện gia đình anh công dân Syria mà cô Elysha Enos không muốn nêu tên,
không muốn đăng những tấm ảnh chụp rõ khuôn mặt vợ chồng anh -có thể để bảo vệ
sự an toàn của những người Syrians khác còn sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Khác với Enos, cô phóng viên Catherine Porter đăng ảnh, và gọi đích danh anh
Bashir Yussuf, 28 tuổi, công dân Somalia, trong bài phóng sự mô tả chặng thứ
nhì của lộ trình “đi tìm tình thương” dài 4 năm của anh.
Anh bảo cô phóng viên, "Tôi thấy nguy hiểm đang lù lù tiến tới; tôi hiểu
là Tổng Thống Trump sẽ trục xuất tôi." Vì hiểu như vậy mà đang sống bình
yên trong chính sách khinh ghét người tị nạn lậu của Donald Trump, anh quyết
định đứng dạy, đi tiếp cuộc hành trình khốn khổ của một nạn nhân chiến tranh.
Cô phóng viên Catherine Porter
Anh tị nạn lậu Bashir Yussuf
Đoạn cuối chuyến đi lánh nạn của
Yussuf là một cuộc đi bộ dài 3 tiếng đồng hồ trên xa lộ Emerson, Canada
Xa lộ Emerson, Canada
Người Canada gọi xa lộ Emerson là
“the road to asylum” (lộ trình dẫn tới chỗ an toàn), vì hàng trăm người đang sử
dụng xa lộ này tìm đến an toàn; chữ “asylum” có nghĩa là chỗ người hoạn nạn
được che chở. Từ gần một tháng nay, Hoa Kỳ không còn là asylum cho người tị nạn
khốn khổ nữa.
Anh Yussuf đến “asylum” Canada sau ba tiếng đồng hồ đi bộ, bước chân anh sải
dài và nhanh -anh không đi chậm được, vì gió theo chiều Nam-Bắc thổi rất mạnh,
đẩy anh đi.
Chật vật nhưng rồi anh cũng đến được thị trấn Emerson -cái “border hoppers”
(cái “quặng” biên giới); chữ hoppers mô tả một nông cụ giúp nông dân đổ các
loại hột -bắp, tiêu, ...- vào đó để lựa lọc.
Yussuf đến “asylum” Emerson, nhảy vào cái “quặng” tập trung người tị nạn.
Emerson là một thị trấn nhỏ, dân số
700 người, sống yên ổn trong 200 nóc gia; người đàn bà trong gia đình đầu tiên
đón anh, pha vội cho anh ly cà phê nóng, trong lúc ông chồng làm một cái
sandwiches đặt trước mặt anh.
Hàng xóm đổ đến, họ nói với cô phóng viên Porter, "Ngày hôm qua chúng tôi
đón bốn gia đình, cũng đi bộ từ Hoa Kỳ sang đây."
Một thanh niên bảo anh Yussuf, "Ăn uống, nghỉ khoẻ một chút, rồi tôi đưa
anh lên đồn cảnh sát biên phòng, xe tôi đang đậu ngoài cửa."
Yussuf đút mẩu bánh chót vào miệng đứng dạy nói với mọi người "Thank all
of you", rồi cúi xuống định xách túi hành lý lên, nhưng một người đàn ông
đã nhanh tay hơn anh; "Tôi giúp anh," ông nói rồi một tay xách hành
lý, tay kia khoác vai anh, đưa anh ra đến tận cửa xe.
Viết lại hai giai thoại của những người tị nạn chiến tranh, đi bộ từ lãnh thổ
Hoa Kỳ sang Canada, tôi băn khoăn với hiện tượng nước Mỹ nhân đạo, thương
người, đang biến mất.
Như mọi người Mỹ mang mọi mầu da, tôi hiểu bài ngoại và ngược đãi nạn nhân
chiến tranh không phải những nét đặc thù của dân tộc Mỹ, mà chỉ là chính sách
của chính phủ đang cầm quyền -chính phủ Donald Trump.
Nước Mỹ tôi biết từ 43 năm nay vốn là đệ nhất siêu cường trên hoàn vũ, nhờ hai
sức mạnh quân sự và đạo đức.
Sức mạnh đạo đức mà người Mỹ gọi là soft power là lòng nhân đạo, là truyền
thống tôn trọng nhân quyền, là chế độ cưỡng bách học vấn để nâng cao trình độ
kiến thức tối thiểu của thanh, thiếu niên, và là cái tủ lạnh đầy thực phẩm của
tôi, trong lúc tôi rỗng túi.
Tôi băn khoăn tự hỏi, "Những người Mỹ can trường trên chiến tuyến đạo đức
43 năm trước, biến đâu mất rồi?"
Một bức ảnh thời sự trả lời tôi -ảnh ông phát ngôn viên Bạch Cung Sean Spicer
đứng trước cảnh “hàng ngàn cánh tay đưa lên” của phóng viên truyền thông đang
mỗi ngày 24 giờ “đấu tranh cho một nền hòa bình công chính,” chống chính sách
ngược đãi nạn nhân chiến tranh.
Bị viên chức chánh phủ gọi là “đảng đối lập” vì thái độ sử dụng quyền tự do
ngôn luận chống những việc làm sai trái thiếu nhân đạo của chính phủ, truyền
thông vừa chọc thủng phòng tuyến cường quyền bằng cách bứng được ông cố vấn an
ninh Michael Flynn ra khỏi hệ thống quyền lực, buộc ông vào tội bí mật liên lạc
với Đại Sứ Nga Sergey Ivanovich Kislyak.
Sean Spicer trước đòi hỏi của công luận tìm hiểu về liên hệ giữa cố vấn
Flynn và Sergey Ivanovich Kislyak
Sergey Ivanovich Kislyak
Vụ án liên kết với Nga mới chỉ bắt
đầu, và chắc chắn còn khai triển rất xa, rất rộng; thái độ truyền thông quyết
liệt chống bạo quyền là một trong nhiều bảo đảm sự tồn tại trường cửu của một
siêu cường đạo đức Hoa Kỳ.
Tảng bê tông Flynn bị bứng đi, tạo khoảng trống đầu tiên trong vạn lý trường
thành Trump, đang đe doạ đến cả ngôi vị của Trump, và hứa hẹn chấm dứt cảnh đau
lòng của người tị nạn, đã đến đất Mỹ rồi, mà vẫn phải từ đó vượt biên giới tiếp
tục con đường tị nạn.
Nguyễn Đạt Thịnh