Tính theo vai vế và sự liên hệ rắc
rối của đại gia đình họ Nguyễn thì tôi phải gọi nàng bằng dì và xưng cháu. Đúng
như lời giới thiệu trong thư của hai bà mẹ Ở Việt Nam gửi sang cho tôi và Vi để
tìm bà con. Cho nó gần, cho nó thân. Ở xứ lạ quê người mà có họ hàng thân thích
là may mắn lắm con ạ… Cả hai bà mẹ đều viết y chang như vậy để bọn tôi cùng tìm
nhau, trong khi tính đến lúc nhận được thư thì hai đứa đã yêu nhau được gần hai
năm.
Và cách xưng hô! Than ôi, bọn tôi đã
quen – anh em – mất rồi. Anh với em từ hồi mới gặp kìa. Đâu dễ gì mà sửa được.
Hai bà mẹ gặp nhau quá muộn, muộn đến độ hảo ý mong con có họ hàng thân thích ở
xứ lạ quê người thành mối phiền cho bọn tôi.
Mà phiền thật! Mặt Vi tái xanh khi nói với tôi về lá thư của mẹ nàng. Rồi càng
tái hơn khi đọc thư của mẹ tôi. Cái tái của nàng lây sang tôi. Thật là một cú
báo tin chết người. Chết chứ sao không? Bọn tôi đã dự định tháng sáu này dắt
nhau đến nhà thờ. Chưa kịp báo tin vui về Việt Nam thì hai bà cụ đã phạng cho
một quả quá nặng. Vi nghẹn ngào, nói như muốn khóc.
– Anh tính sao?
– Đã chắc gì đúng như hai bà cụ nói.
– Chắc chứ. Anh thấy rõ ràng cả hai bà đều viết như nhau. Còn dặn dò chúng mình
phải ráng tìm nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống… Phải chi mình đừng gặp.
Tôi đón lấy lá thư từ tay Vi, đọc lại một lần nữa. Cố gắng tìm điểm nào đó để
gạt phăng cái sợi giây liên hệ kỳ cục giữa hai đứa. Nhưng vô ích, bà cụ tôi chỉ
viết về Vi vài giòng: – Ở bên nhà bác Phấn (tên mẹ Vi) từ Bắc mới vào thăm mẹ,
có gì Vi là con gái cũng sang Mỹ, cùng ở California với con, con ráng tìm. Bác
Phấn cũng viết thư sang bảo dì Vi tìm con. Con nên sang thăm, giúp đỡ dì Vi
thường xuyên, cho nó gần cho nó thân. Ở xứ lạ quê người mà có họ hàng thân
thích là may lắm con ạ. Con phải gọi dì Vi bằng dì và xưng cháu cho đúng phép
tắc… – Chỉ bấy nhiêu câu nhắc về Vi, kèm theo địa chỉ của nàng và tự nhiên Vi
nhẩy lên làm dì tôi. Bên mẹ Vi cũng vậy, cũng nhắc đến tôi với những lời lẽ như
thế và kèm theo địa chỉ của tôi với câu: – Con ráng chăm nom, giúp đỡ cháu… –
Giúp đỡ? Chúa ơi! Tôi còn lớn hơn Vi tới năm tuổi lận. Chăm nom? Phật ơi! Có
tôi chăm tới để nom nàng thì có. Vi lúc nào cũng nũng nịu và hờn giận trong hai
năm quen nhau. Lúc nào em cũng có anh để che chở. Đã có lần Vi bảo tôi khi ngồi
tại một công viên. Vậy mà bây giờ mọi việc đều thay đổi. Hai bà cụ chỉ báo cho
bọn tôi biết là dì cháu một cách khơi khơi, còn liên hệ thế nào chả nhắc đến.
Nên điều quan trọng nhất mãi một năm sau cả hai mới được biết.
Hãy tưởng tượng một năm trời kéo dài với cơn đau từ cú đấm vào tim thì đủ thấy
thời gian dài đến độ nào. Đau lắm chứ sao không? Đang vui vẻ yêu nhau thì đột
nhiên ngàn trùng xa cách vì lý do gia cảnh một cách lãng xẹt thì ai mà không
chết được. Sống là ráng sống vậy thôi. Bọn tôi gượng gạo kéo dài liên hệ trong
vòng mấy tháng đầu theo lời chỉ dẫn của hai bà mẹ. Những lần gặp gỡ không còn
không khí tự nhiên, ân cần, tràn đầy hạnh phúc nữa mà thay bằng những câu hỏi
thăm ngượng nghịu. Chán vô cùng là chán! Lần nào Vi cũng giữ thái độ e dè, tạo
ra một khoảng cách giữa hai đứa. Lá thư quá – ép phê – với nàng. Hơn nữa, cái
hình ảnh hai – dì cháu – mà hôn nhau như chim nếu hai bà già biết được dám có
hai đám ma cùng ngày, cùng giờ ở Việt Nam lắm. Chẳng riêng Vi có thái độ đó. Mà
chính tôi cũng giữ gìn. Những cử chỉ thân mật mất biến giữa hai đứa. Lúc nào
cũng có một cái gì ngượng ngập, gượng ép bao quanh.
Mệt hơn hết là lối xưng hô – dì cháu – , dĩ nhiên khó lòng mà gọi nhau trong
trường hợp này. Còn – anh em – thì đâu được? Sự thật đã rõ rành rành, còn nằm
trên hai lá thư gửi từ Việt Nam. Nên đành phải thay bằng cách khác. Tôi gọi
trống tên nàng và xưng tôi. Nàng cũng chỉ gọi trống một tiếng anh và cũng xưng
tôi. Lối xưng hô có tính cách gia đình này làm những lần gặp nhau trở thành
buồn tẻ. Hai năm trời đã quen những lần anh em ngọt sớt. Đột nhiên thế này ai
mà chịu nổi. Càng về sau chúng tôi càng cố tránh mặt nhau. Xưa tuần hai, ba
lần. Rút xuống còn những buổi cuối tuần. Rồi hai, ba tuần một lần…
Chúng tôi đang dối lẫn nhau và dối cả chính mình. Sáu tháng sau ngày nhận được
thư, tôi quyết định bỏ về San Jose để sống. Bỏ lại Santa Ana với bao nhiêu kỷ
niệm. Cùng Vi: bà – dì – người – yêu – tôi.
Đi là phải. Ở lại chỉ làm đau lòng nhau thêm. Tôi đã nghĩ thế và Vi cũng nghĩ
thế. Một trong hai đứa phải rời khỏi Santa Ana mới êm được. Ở lại có ngày dám
cầm súng bắn chết người bà con oan gia, rồi quay súng tự tử y hệt tuồng cải
lương Mỹ lắm à! Vượt biên sang đây mà phải đóng tuồng cải lương – Tự tử vì tình
– thì lãng nhách! Và thằng đàn ông là tôi hy sinh là đúng. Ai lại để cho đàn bà
con gái hy sinh bao giờ? Phải nịnh đầm chứ? Cho dù người được nịnh là bà dì
trên trời rớt xuống một cách tàn nhẫn, rớt xuống một cách lãng xẹt, không… bằng
chứng.
Hãy khoan trách bọn tôi là yếu đuối và xử sự cải lương. Hãy khoan nói bảnh mà
chê tụi này. Đoạn trường ai có qua cầu mới haỵ Đang yêu nhau ra rít, đang mơ
ước đến ngày dắt nhau lên nhà thờ, cười mím chi với Chúa, đang hí hục lo toan
tương lai với những nhi đồng trai, nhi đồng gái nối dõi cho đại gia đình họ
Nguyễn một cách anh dũng thì bị cú nốc ao cũng vì đại gia đình họ Nguyễn. Chết
chứ chả chơi đâu. Tưởng tượng đến cảnh một người con gái yêu mình và mình yêu
nói chuyện như vầy xem sao.
– Anh khỏe chứ?
– Khỏe. Còn Vi?
– Cũng khỏe.
Im lặng.
– Anh đi làm đều chứ?
– Đều. Còn Vi?
– Cũng đều.
Lại im lặng.
– Vi nhận được tin nhà chứ?
– Không. Còn anh?
– Cũng không.
Thêm một cú im lặng.
– Vi có gì lạ không?
– Không. Còn anh?
– Cũng không.
Lại im lặng. Lại tiếp tục những mẩu chuyện đại loại như thế. Lâu lâu thay đổi
không khí thì hai đứa đi ăn sáng, dạo phố loanh quanh, uống cà phê rồi ai về
nhà nấy. Đối thoại trong thời gian đi chơi cũng na ná như sau.
– Hôm nay thiên hạ đông ghê.
– Ờ, đông ghê!
– Chủ nhật có khác.
– Ờ, cuối tuần mà.
Im lặng xuống xe. Dắt nhau vào phở Hòa chẳng hạn. Dĩ nhiên hai đứa đi theo kiểu
– nối đuôi – . Đứa trước đứa sau, bố bảo cũng không dám cầm tay chứ đừng nói ôm
eo như trước.
– Vi ăn gì?
– Cho – tôi – tô tái nhỏ.
Xoay sang người hầu bàn, tôi gọi thức ăn. Xong, cả hai đứa nhìn nhau rồi tránh
nhau. Mắt hai đứa hết nhìn lọ tương đỏ, lại nhìn sang lọ tương đen. Hết lọ
tương đen lại sang lọ Ớt. Hết lọ Ớt lại sang lọ mắm. Hết lọ mắm lại quay về lọ
tương đỏ. Cứ tưởng trên đời này ngoài những lọ tương, lọ mắm, lô ớt thì chẳng
có gì quan trọng. Chán nhìn tương, mắm chúng tôi chuyển cái nhìn sang phía
khác. Tuyệt nhiên không dám nhìn vào người đối diện. Hệt như đang ngồi một
mình. Cho đến khi người hầu bàn bưng phở ra, Vi lau đũa theo thói quen – của
những lần ăn trước – đặt trước mặt tôi. Tôi cũng nói theo thói quen – của những
lần ăn trước – nhưng không thò tay nắm tay nàng nghịch ngợm trong khi nói – như
những lần ăn trước.
– Cảm ơn Vi.
– Ăn đi anh.
– Ăn đi Vi.
Rồi mạnh đứa nào đứa nấy nhai, húp. Bây giờ tô phở trước mặt là điều đáng để ý
nhất thế giới.
– Ăn được chứ?
– Ngon lắm. Còn anh?
– Cũng vậy vậy.
Xong đứng dậy trả tiền. Rồi sang khu Phước lộc Thọ đi vòng vòng. Cuối cùng là
một màn cà phê với những câu đối thoại nhạt như nước ốc. Vậy là xong một lần đi
chơi. Mạnh ai nấy về và ráng nghĩ như không có gì.
Làm bà con và vờ vĩnh hết yêu nhau được nửa năm, cả hai đều thấy tình trạng này
không thể kéo dài được. Chịu sao thấu? Đến lúc nào đó cầm lòng không đặng thì
phiền biết bao nhiêu? Thà không biết thì thôi. Biết mà vẫn ráng yêu thì tội hai
bà già ở Việt Nam quá. Đành phải hát bài biệt lỵ Và tôi đi.*
Không hẳn tất cả các điều các cụ dạy đều đúng, đó là điều tôi nghiệm thấy ở San
Jose Xa mặt cách lòng là điều rõ ràng nhất. Cách lòng đâu chả thấy chỉ thấy
càng nhớ nhau thêm. Nhớ ray rứt, nhớ tàn bạo, nhớ quay quắt, nhớ như chưa bao
giờ biết nhớ. Lúc nào cũng cảm thấy như thiếu một cái gì bên cạnh. Tôi đã thất
vọng vì điều hai bà mẹ dạy bảo, bây giờ lại thất vọng hơn vì điều các cụ nói.
Các cụ của chúng ta không còn hợp thời rồi. Ít nhất cũng sai trong trường hợp
này. Tự nhiên cảm tình của tôi dành cho những người lớn tuổi ít hẳn đi. Tôi
không còn khoái nghe họ nói nữa. Cho dù có bị nghe thì tôi cũng mang định kiến
là họ nói không thiết thực và khó lòng áp dụng vào hoàn cảnh sống tại đây.
Không khó lòng sao cứ tưởng xa nhau, không gặp mặt và đến một vùng đất lạ hoắc
thì sẽ nguôi ngoai là sai bét. Tôi nhớ Vi suốt ngày dù đã cố vùi đầu vào công
việc. Nhưng vô ích, sau thời gian làm việc, khi vừa khóa cửa tòa soạn để về nhà
là những ý nghĩ về Vi lại đến. Suốt con đường về lúc nào tôi cũng tưởng tượng
đến cảnh có Vi ngồi bên cạnh, kể cho nàng nghe những mẩu chuyện mà tôi sẽ chế
ra. Hẳn Vi sẽ cười, sẽ gật gật cái đầu như mọi khi… Như mọi khị Mẹ kiếp! Tôi
nhăn mặt mỗi khi kỷ niệm trôi về với một tiếng chửi thề. Cố gắng nghĩ sang vấn
đề khác, nhưng than ôi! Hình như tất cả mọi điều có trong cuộc sống này đều
liên quan đến Vi.
Chưa hết. Đêm về moi thật là khổ tâm. Luôn luôn những kỷ niệm kéo về. Này là
buổi chiều cuối năm ngoái hai đứa lang thang trong khu hội chợ xuân. Vi cười
cười trước pho tượng mẫu trong cửa hàng thời trang và chê tôi nghèo. Này là
buổi tối giao thừa tại khoảng vườn của ngôi chùa nằm trên đường First, hai đứa
hôn nhau tôi cố tìm sớ hành trong kẽ răng khôn của nàng. Hơi thở thơm mùi hành
pha với nước hoa vẫn còn phảng phất… Từng nơi chốn, từng thời gian trở lại làm
tôi ngán ngẩm. Sau cùng để quên, tôi tìm đến những viên thuốc ngủ.
Nhưng vẫn không yên! Kỷ niệm bây giờ chạy luôn vào giấc ngủ. Những cảnh trong
mơ cứ y hệt những cảnh quá khứ. Sáng dậy đầu nặng trĩu và ngây ngây say… cảm
xúc còn sót lại trong mơ làm cái chán lại càng chán hơn. Tôi hết đường chối sự
thật. Tôi hết đường dối mình.
Hai tháng sau tôi bò về Santa Ana thăm bạn bè. Lý do là thế và tôi đã tự nhủ:
không dính dấp gì đến Vi trong chuyến đi này cả. Chỉ về thăm bạn bè và nhậu.
Vậy thôi! Nghĩ thế và vui vẻ mua vé máy baỵ Nhưng lúc ngồi trên phi cơ, ý nghĩ
bẻ cong lại. Cái náo nức của lần về này ngoài lý do thăm bạn bè còn có niềm vui
về vùng đất có Vi đang ở nằm bên trong. Dù không gặp nàng – nhất định sẽ không
gặp nàng – nhưng về đây tôi vẫn cảm thấy được an ủi, gần gũi hơn. Tôi nhìn
xuống thành phố khi máy bay lượn vào phi đạo của phi trường John Wayne Dưới đó
là Vi đang sống. Dưới đó là Vi đang ở một góc nào đó. Hẳn nàng đâu biết rằng
tôi đang về. Cảm giác nao nao dấy lên trong lòng, tôi bùi ngùi đặt mình vào
hoàn cảnh rất cải lương. Miệng lẩm bẩm hát lại bài nhạc cũ của Hoàng Quý. Đến
khúc Em có hay chăng tôi về tự nhiên tôi run hẳn. Rồi ráng tưởng tượng đến một
cảnh cảm động như phim Tàu. Vi tình cờ ra phi trường đón bạn bè hôm naỵ, bọn
tôi sẽ gặp nhau. Chắc cảm động lắm. Nhưng để làm gì? Hình ảnh hai bà già ở Việt
Nam hiện lên làm tôi cụt hứng, chấm dứt một cú tưởng tượng không thể xảy ra khi
máy bay đáp xuống phi trường.
Ra đón tôi là người bạn làm thơ họ Trịnh. Gọi hắn bằng cái tên Trịnh thi sĩ cho
dễ nhớ. Vừa gặp nhau Trịnh thi sĩ đã phang một câu.
– Mày có vẻ xuống sắc thấy rõ.
Tôi cười gượng xách túi quần áo đi theo hắn ra xe. Bên cạnh thân thể béo tốt,
đầy đủ tình yêu của thằng bạn tôi cảm thấy mình yếu kém và xuống cơ hẳn. Hắn
nhắc lại khi vừa mở máy xe.
– Mày sao vậy? Bịnh à?
– Ừ, bịnh cả tuần nay.
Tôi đáp bừa, vậy mà thằng thi sĩ này có vẻ tin. Nó hỏi tới.
– Bịnh gì? Ngủ được không?
Tôi ú ớ. Mẹ kiếp! Không lẽ lại bảo mỗi ngày ông vẫn tọng cơm ba lần, cộng thêm
một viên thuốc ngủ mỗi tối.
– Có gì phải suy nghĩ không mày?
Suýt nữa tôi buột miệng chửi thề. Có thằng bạn tốt kể cũng phiền thật. Không lý
lại bảo tao đang thất tình chứ bịnh hoạn gì. Đành phải ậm ừ cho xong chuyện.
Nhưng chưa hết, đến quán cà phê Rendez vous trong khu Phước Lộc Thọ mới thật là
phiền. Bạn bè đông đủ cả, toàn là những đứa lơ ngơ với cuộc sống, ở Mỹ mà vẫn
đi trên mây và mỗi cuối tuần kéo ra ngồi tán dóc. Trịnh thi sĩ đưa tôi đến đó
lúc bàn cà phê độ hơn chục đứa hệt như Trịnh thi sĩ, vừa gặp mặt, cả bọn đã tra
hỏi. Có lẽ mặt tôi xuống sắc thật. Trước lòng tốt của bạn bè, tôi chỉ biết trả
lời quanh co, sau cùng phịa đại.
– Tao… tao… ho ra máu… mấy bận.
Đến bây giờ tôi mới hiểu bạn bè thương nhau đến mức nào. Nghe tôi phịa, thằng
thì khuyên cái này, thằng thì khuyên cái kia. Tôi vừa cảm động vừa xấu hổ vì đã
nói dối lại vừa bực mình vì không biết nói lại thế nào. Cường bủng – chuyên
viên thuốc ngủ đã chỉ dẫn cho tôi hiệu thuốc ngủ – an ủi.
– Đừng lo nghĩ gì nữa… Và làm như hiểu rõ tâm trạng tôi, hắn tiếp tục một cách
lửng lơ – Từ từ rồi cũng qua!
Tôi giật thót người sau câu nói của hắn. Làm sao thằng này biết kỹ thế. Xoay
sang hắn, tôi chăm chăm nhìn kỹ khuôn mặt thằng bạn thân có đôi má mỗi ngày một
xệ xuống. Ngoài cặp kính có vẻ thông minh, còn lại tất cả mọi thứ trên mặt đều
không có gì chứng minh rằng hắn hiểu chuyện. Cặp kính dĩ nhiên không biết nói,
vậy thằng bạn này chỉ nói khơi khơi, nói theo linh tính. Tôi ậm ừ cố lái sang
chuyện khác.
Thú thật trong lần về Santa Ana ngoài niềm vui với bạn bè, tôi còn tìm thây một
điểm rất quan trọng. Đó là tâm trạng gần gũi với Vi. Suốt thời gian mấy ngày dù
ở một quán cà phê hay trong một chầu nhậu lúc nào tôi cũng cảm thấy có Vi bên
cạnh. Lãng mạn kiểu Tàu và cải lương kiểu Tây là tôi và Vi đang cùng hít thở
chung một bầu không khí. An ủi rất nhiều, nên tôi tiếp tục chi tiền cho hãng
American Airline đều đều để về Santa Ana… hít thở!
Dù thương tôi đến đâu Trịnh thi sĩ cũng phải bực mình vì cảnh đưa đón hoài. Ban
đầu là hai tháng một lần, sau một tháng một lần, sau hai lần một tháng. Rồi mỗi
tuần một lần. Tối thứ sáu từ San Jose bay về, sáng thứ hai từ Santa Ana lên.
Tôi đi đi lại lại nghỉ cuối tuần ở Santa Ana để hít thở như một ông triệu phú
đa tình. Lương mỗi tháng lãnh ra đủ để trả tiền ăn, tiền phòng, tiền máy baỵ
Còn lại các khoản khác đều ké. Cà phê ké, nhậu ké, thuốc ké… Nghĩa là ké được
cái gì là ké. Nhưng ké thì ké bạn bè tôi chẳng đứa nào quan tâm đến vấn đề ấy
cả. Gặp nhau là mừng rồi. Duy nhất chỉ có Trịnh thi sĩ là rầu rĩ đáng lẽ những
cuối tuần hắn dành cho cô bạn hay nũng nịu trọn vẹn thì phải san xẻ cho tôi
bằng những lần ngồi đợi ở phi trường. Bực mình hơn nữa là những chuyến bay về
phi trường John Wayne lại có thú trể giờ. Luôn luôn trể và luôn luôn kéo dài
giây phút… thơ mộng của người đến đón đã có lần Trịnh thi sĩ bảo tôi, sau cú
đợi ba tiếng.
Từ ngày nhận nhiệm vụ đón mày đến giờ, tự nhiên tao làm thơ được nhiều hơn…
Tôi chỉ cười trừ, chẳng biết nói gì hơn. Trong số bạn bè chỉ có thằng này là
đúng giờ nhờ nó chắc ăn nhất! Chẳng bao giờ phải lo chuyện gọi tắc xi về nhà.
Cứ thế, tôi làm phiền Trịnh thi sĩ dài dài. Nhưng tính cho cùng cả tôi lẫn nó
đều có lợi. Tôi đỡ xuống sắc – nó bảo thế – và nó làm được khối thơ – cũng vẫn
lời nó bảo.*
Bây giờ là tuần lễ cuối cùng của năm. Tôi đã chuẩn bị cho chuyến về Santa Ana
ăn tết. Và Trịnh thi sĩ đang rầu rĩ chờ một cú phone hẹn giờ ra đón. Nhưng lần
này không phải một mình Trịnh thi sĩ rầu rĩ, mà cả tôi nữa. Rầu thí mồ chứ giỡn
sao? Không khí những ngày cuối năm làm lòng người chùng lại. Những kỷ niệm
thường trở về rõ nét hơn bao giờ hết. Chỉ cần một thoáng gió se se lạnh, chỉ
cần một tia nắng nhạt của chiều là đủ nhớ lại một trời ngập gió, ngập nắng thuở
nào. Chuyện của tôi và Vi đâu có lâu dữ vậy? Đâu phải xảy ra từ thuở nào. Mới
năm ngoái mà. Lại nữa, khung cảnh đâu phải đã chìm khuất vào quá khứ mà không
thể tìm lại. Còn rành rành ở trên đất Mỹ. Đó – ngay Santa Ana đó, ngay khu
Phước Lộc Thọ đó, ngay ngôi chùa đường First đó… Vậy mà chẳng còn gì.
Tôi rầu rĩ nhìn xấp vé máy bay có hai màu xanh đỏ mà hình dung đến mùa xuân này
của mình. Đầu tiên sẽ gặp một khuôn mặt cũng rầu rĩ của Trịnh thi sĩ ở phi
trường. Rồi đến khung cảnh quen thuộc trong không khí xuân của những nơi hai
đứa đã rong chơi năm ngoái. Biết Vi giờ này thế nào? Có còn nhớ đến tôi không?
Trời đất! Sao tôi lại nghĩ thế. Vi rõ ràng là bà dì của tôi – một bà dì được ấn
chứng hẳn hòi trên hai lá thự Quên đi! Quên đi! Tôi lẩm bẩm trong khi đầu óc
vẫn hiện ra khung cảnh khu hội chợ năm ngoái có Vi bên cạnh. Những chi tiết nhỏ
nhặt nhất đã được gặp chợt hiện về như đang trước mặt. Pho tượng mẫu với bộ
quần áo mốt mới, cô ca sĩ hở rốn hát ở hội chợ, hai cô gái bưng phở, sợi hành
trong kẻ răng khôn của Vị. Bất giác, tôi hít mạnh một hơi dài, trong không khí
trước mặt “cái mùi thơm kỳ cục” từ hơi thở Vi đêm giao thừa lại về.
Tôi thở dài đứng dậy khi người bưu tín viên đặt xấp thơ trước cửa. Lẫn trong
đống bills gửi về là một lá thư từ Việt Nam. Tôi buồn rầu nhìn nét chữ xiêu vẹo
của mẹ tôi trên phong bì mà đoán những điều mẹ tôi viết trong thự Lại những lời
báo tin về gia đình, lại những câu thăm hỏi, âu lo quen thuộc và thế nào cũng
có một đoạn mà tôi nản nhất -… Con gắng đến thăm dì Vi thường xuyên, ở xứ lạ
quê người mà có họ hàng thân thích là may lắm… – Ôi! Chẳng biết hai bà mẹ ở
Việt Nam thấy may tới mức nào, chứ ở đây bọn tôi chả được tí may mắn nào cả.
Những đoạn nhắc về Vi trong thư đã bị tôi bỏ quên trong vòng nửa năm ở San
Jose.
Đúng như tôi đoán, phần đầu và phần giữa y chang những lời báo tin về gia đình,
hỏi thăm tôi. Nhưng lần này tôi chỉ đoán đúng một nửa. Nghĩa là phần cuối thư
cũng nhắc đến dì Vi Nhưng không phải một đoạn ngắn như mọi khi mà lại dài
thoòng.
– Con vẫn đến thăm dì Vi thường xuyên đấy chứ? Ở xứ lạ quê người mà có họ hàng
thân thích là điều may lắm! À hôm nọ bác Phấn đến thăm nhà ta, có cho mẹ xem
hình cái Vi (mẹ tôi đã xuống chức nàng). Con bé (lại xuống chức thấp và thân
hơn nữa) trông kháu tệ. Mặt mũi sáng sủa, dễ xem mẹ cũng nói về con, bác Phấn
cũng có vẻ thích lắm (sao kỳ vậy cà!). Con thấy cái Vi thế nào? Quên mất, mẹ
chưa bảo con họ nhà mình và họ nhà bác Phấn xa lắm. Đến bốn năm đời cơ đấy, mà
lại là họ ngoại. Cụ tằng tổ của con và cụ cao tổ của cái Vi là hai anh em cột
chèo. Tiếng rằng có họ nhưng lại xa lắm. Máu mủ mấy đời cũng nhạt đi phải không
con. Ở xứ lạ quê người chuyện trăm năm của con mẹ không dám bàn, nhưng mẹ
khuyên con máu mủ có nhạt cũng còn hơn nước lã. Vã lại: – Cháu cậu mà lấy cháu
cô, thóc lúa đầy bồ giống má nhà tạ – Mẹ và bác Phấn đều nghĩ thế. Thế nào bác
Phấn cũng hỏi ý cái Vị Con thấy được thì tiến tới… -.
Được quá đi chứ mẹ ơi! Tôi hét lên thật lớn khi đọc xong láthư của mẹ tôi. Bây
giờ niềm tin về những điều các cụ nói đã thay đổi hẳn. Các cụ nói chả bao giờ
sai cả. Nhất là lại nói bằng… thơ lục bát hẳn hòi:
Cháu cậu mà lấy cháu cô Thóc lúa đầy bồ giống má nhà ta.
Và tôi hiểu, chẳng cần phải qua một trường lớp nào ngtười ta vẫn có thể trở
thành một nhà văn một cách dễ dàng. Mẹ tôi đấy, bà mới học xong cao đẳng tiểu
học và đoạn thư trên không phải là một trong những áng văn hay nhất thứ giới
hay sao?
*
Mùa xuân, có những loài chim thiên di quay về tổ có những loài cá voi trở lại
vùng biển đã sinh ra. Đó mới là chim và cá, nói chi tôi và Vi. Đại gia đình họ
Nguyễn thuở xưa có hai cụ tổ nắm tay hai chị em của một gia đình, dắt đi giang
hồ hai ngả. Xa tít và xa tít. Như hai đường cong tẽ hai bên, trên một vòng
tròn. Xoay một vòng sẽ gặp nhau tại một điểm để làm thành vòng chu vi tròn
trịa. Tôi và Vi đang đứng tại đó để nối lại vòng tròn cho đại gia đình họ
Nguyễn. Các cụ cao tổ, tằng tổ hẳn sẽ mỉm cười khi thấy hạnh phúc đang về với
chút, chít trong mùa xuân về cội.
Ngày mai tôi về Santa Anạ. Đón tôi tại phi trường John Wayne sẽ là Vi và
mùa xuân tròn trịa. Thật tròn – để không có cái cười nào là rầu rĩ – kể cả nụ
cười của Trịnh thi sĩ. Dĩ nhiên!
Nguyễn
Ý Thuần