Embrace – Picasso
Dân gian có nhiều chữ thật đắc. Đơn cử: Tòm tem, hoặc riêng chữ tòm thôi
cũng thuộc dạng đặc sản, khó đụng hàng. Nôm na là đẳng cấp. Tinh hoa nó phát
ra, độc sáng ở bốn câu sau:
“Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm”
Tòm tem là gì? Chớ nên cắt nghĩa cái động từ lôi thôi nọ, cho rách việc. Nó
chả ra cái thể thống gì cả, nhưng buộc người đọc phải tự hiểu lấy. Bảo nó độc
sáng là vì vậy. Đắc địa là do thế.
Chỉ bốn câu, lục bát; ngần ấy chữ mà vẽ được một sinh hoạt gia đình thật sinh
động, hoà bình, no đủ, ấm êm, thuận vợ thuận chồng rất đỗi yên hàn vô sự. Bởi
thế, tòm tem sẽ không đời nào được ló mặt trong hoàn cảnh thậm đói kém, thậm rối
lòng cảnh màn trời chiếu đất. Thuật ngữ “Cơm no bò cỡi” là đồng minh của tòm
tem. Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn. Phải dân chủ. Đừng học thói gia
trưởng. Phải cần kíp thương yêu. Xong. Tòm. Tới bến.
Khai hoả một phát súng: Đoàng! Đốt cái pháo tống: Đùng! Cho anh tòm tí: Oái!
Tất cả đều phát tiếng. Khổ đau hoặc hạnh phúc cũng lệ thuộc vào mỗi một cung
bậc rên la. Muốn bắn súng, muốn đốt pháo, muốn tòm; nói cách khác là muốn gây
ra âm thanh trước tiên phải ý tứ cẩn trọng để âm mưu kia khỏi bị lộ, tốt nhất
nên bày một ám hiệu:
“Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay”
Em giả bộ làm chuột ngầm báo cho anh biết nơi em ẩn nấp, điều anh cần thực
thi là chớ gây ra tiếng động kẻo “lạy bà tôi ở bụi nầy”. Mẹ biết thì xôi hỏng bỏng
không. Tòm tem kiểu đó cũng có cái hay của nó, thêm hưng phấn. Vụng trộm có
riêng cái khoái cảm của vụng trộm. Ông Bảo Sinh từng đề cao cái sướng khi vụng
trộm làm thơ:
“Ai cũng làm được nhà thơ,
Ai cũng có thể “sù cơ” của mình”
Sù cơ là gì? Lại hỏi! Gớm, ngây thơ cụ đến thế cơ!
“Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn”
Thơ Bảo Sinh đậm nét dân gian, gần trùng tính dung dị phổ cập của ca dao.
“Ra đường sợ nhất công nông
Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì!”
Hai chữ công nông ngầm tố giác quê quán người làm ra câu lục bát trên: Ngoài
Bắc. Bên kia sông Hiền Lương. Giai cấp công nông người trong Nam hầu như chẳng
mấy ai đề xướng. Và thiết nghĩ, chữ tòm tem ắt cũng do “ngoài ta” khai sinh ra.
Cà chớn là chữ của miền Nam, ngày đầu vào tiếp thu nghe lạ tai, anh bộ đội bị
thằng rắn mắt chơi khăm, giải thích sai lạc. “Ối, tưởng gì, ngoài ta cà chớn
chạy đầy đường!”. Nôm na ngoài ta thứ gì cũng có, hơn hẳn đất phương Nam phồn
vinh giả tạo, mãi bị bọn ác ôn kềm kẹp bóc lột. Thời điểm đó trong Nam ti vi tủ
lạnh “chạy đầy đường” trong khi ngoài Bắc, thủ đô ta chỉ có công nông chen chân
rậm rật xớn xác đi tìm tự do hạnh phúc.
Vợ không mặc gì sao lại đâm sợ nhỉ? Phải hồ hởi mới đúng chứ lị. “Chưa đi
chưa biết Đồ Sơn, đi rồi mới biết không hơn đồ nhà”. Ban đầu cứ ngỡ Đồ Sơn là
phở mà đồ nhà là cơm, hoá ra cơm nguội có khi mà chắc bụng đấy bố ạ! Tớ đã giải
phóng áo quần rồi đây này, đằng ấy có ưa tòm tem thì tòm.
“Mặt buồn vợ hỏi giận ai?
Vui tươi vợ bảo có bồ rồi sao!”
Như vậy, để khỏi sinh dị nghị hiểu lầm, tòm tem là động thái cần ưu tiên
giải quyết. Bi kịch sẽ xẩy ra nếu anh tòm tem chưa đạt mức quy định. Trái quy
trình sẽ dẫn đến hiện tượng bức xúc, tâm tư, cực đoan, cờ lờ đờ mờ. CLĐM là gì?
Đôi khi hãy để yên cho thủ tướng “sù cơ” khi làm thơ siêu thực hoặc hậu hiện
đại, hoặc cách tân, hoặc trường phái hai-cu. Ai ưa hiểu sao thì hiểu.
Làm thơ có dẫn đến trường hợp tử vong không? Có đấy. Thời Nhân Văn Giai Phẩm
chẳng hạn. Tòm tem có gây ra nguy hiểm không? Có đấy. Mấy ngày Tết vừa qua, do
đạp mái không đúng quy trình nên sinh đột biến, vợ đột nhập vào nhà nghỉ cắt
của quý của chồng dụt ra ngoài cửa cho chó tha mất. Thế đấy, có giả làm chuột
kêu chút chít thì anh đây giả điếc mà lặng thầm gạt lệ, thời khóc ngoài biên ải
nay còn đâu!
Nhưng mà làm thơ động não vẽ ra cảnh tòm tem thì lại… an toàn trên xa lộ.
Trước Tết, vui xuân không quên nhiệm vụ, ông bộ trưởng bộ TT&TT ra thông
báo: “Dùng facebook để nói xấu đảng và nhà nước thì ta cần phải nghiêm trị”.
Cộng đồng “phây” hầu như ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh, bởi đám đông ấy luôn
giữ nề nếp với tôn chỉ tự sướng. Một cô đưa cái ảnh mát mẻ vượt quá mức quy
định lên, ăn vận y phục thiếu vải như kiểu sắp xuống tắm bể Đồ Sơn kèm với mấy
câu thơ (làm sao cô ấy sù cơ được nhỉ?):
“Chơi face là phải post hình
để cho họ biết tình hình hôm nay
cuộc sống đẹp lạ mới hay
sống mà ganh ghét buồn thay sự đời
cho nên luôn phải dạng ngời…”
Thơ quá hay! Ba vòng quá chuẩn! Nhìn là muốn tòm tem ngay. Rất bức xúc. Hơn
35 cái like. Hơn 40 bình loạn. Có một cậu sù-cơ:
“Tết này anh sẽ post hình
cho em ngắm thử chúng mình xứng đôi?
bụng anh đây sáu múi thôi
bên trong thực bụng đơn côi em à
bãi kia người vắng giá mà
có anh đứng đó để cà bướm em”
Cô giả nhời: Chớt em roài. Hong thít đâu nha. Cậu viết bên dưới: Dị thì bóp
dzú đi nhe. He he he.
Vì không nói xấu đảng và nhà nước nên facebook sống hùng sống mạnh bởi vô số
hình ảnh và ngôn từ kiểu ấy. Ở Việt Nam, chẳng biết vin vào đâu mà nhân vật nữ
kia lại “chuẩn không cần chỉnh” khi nói: Cuộc sống đẹp lạ mới hay… rồi thì: Cho
nên luôn phải dạng ngời. Ủa, hoá ra cô này chẳng những nói xấu nhà nước mà
ngược lại còn tâng bốc, nhờ nước nhà mới có tình hình hôm nay. Haizz, giờ phút
này cà chớn vẫn còn chạy đầy đường!
Sợ cô trách, chín bỏ làm mười, người đọc chớ “sống mà ganh ghét buồn thay sự
đời”. Mong cho anh chàng thể hình đẹp, bụng có sáu múi kia ra công tán tỉnh cô,
cứ ăn nói bổ bã thế kia, cứ he he he miết thế nào cũng có khi trường kỳ kháng
chiến nhất định thắng lợi. Thắng lợi chuyện gì? Giả bộ hoài, thì được tòm tem
cô nàng chứ còn gì nữa, cha nội!
Cha nội ngu thêm chuyện khác, ngờ đâu trong facebook có chán khối kẻ mần
thơ. Đình đám, ra đầu ra đũa ra đuôi. Thơ là bộ môn rất vô hại, mua vui cũng
được một vài trống canh. Người ta đua nhau xướng hoạ thi ca bởi mục đích nhằm
cưa đổ đối tượng, chỉ nhiêu thôi. Nghĩ mà xem, có chết thằng Tây nào đâu mà sợ.
Một thằng Tây mà chết hả? Nhà nước khoá facebook ngay. Tao chả ưa bọn mầy tòm
tem chế độ đâu nhớ!
Sửa thơ Nguyễn Bính thì có dính vào điều luật 88 không?
“Tết nầy chưa chắc em về được
Người em muốn tòm tem đã bị bắt rồi
Ôi, một bồ, bồ một bịch
Sao nước nhà chia cắt mấy con sông!”
Hồ Đình Nghiêm