11 March 2017

100 NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA - Hồ Đình Nghiêm


Lắm kẻ ở trong nước mặc nhiên xem bóng đá là môn thể thao vua. Cũng nhiều đứa gọi CR7, tiền đạo xứ Bồ Đào Nha là người ngoài hành tinh vì khả năng làm bàn cũng như những tuyệt chiêu anh ấy cống hiến trên sân cỏ. Tôi yêu football nhưng chưa đến nỗi cuồng tín hâm mộ các siêu sao tới mù quáng, khóc khi nghe các đôi chân vàng gặp chuyện buồn bên xứ lạ. Và thú thật rằng, hơi ốt dột, tôi đã bỏ ra 149 đô la chưa tính thuế để mua cho bằng được chiếc áo màu tím giống y trang Ronaldo. Chi vậy? Dạ thưa, sẽ có dịp tôi diện nó. Và dịp ấy đang tới.
Có nhiều người không ưa lọt vào cõi người ta, đơn giản vì họ từng trải qua một cuộc bể dâu. Tôi không hiểu câu “lạ gì bỉ sắc tư phong”, tôi nào là phận má hồng, vì vậy tôi quyết tâm chui đầu vào cõi người ta, “đã xi-đa mà xông pha hiến máu”. Cứ xem một năm chỉ có một cái rằm. Chết bỏ bể bỏ! “Tôi về không gặp nàng, má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối…” Thơ Hữu Loan đè nặng lòng tôi khi xuống tới phi trường và hành lý bị rạch nát tan hoang như ai kia đã giải toả sè sè nắm đất bên đàng. Thiếu lắm thứ và bay mất tiêu chiếc áo màu tím “ăn nói” giá không bèo của tôi. Tôi người Huế, cũng như tôi là thẳng con rể của trường Đồng Khánh. Răng chơi chi mà ác nghiệt rứa mấy ôn? Về đây nghe anh, về đây chẳng nhẽ anh ở trần! Thà mà để anh dối mẹ qua cầu gió bay cho được đôi phần loãng moạn! Anh hải quan nào đã thương tôi tới mức soán đoạt lấy tư trang. Người về ta cho người về, ta nắm vạt áo đề huề mạng không.

Ngày 3 tháng 3 năm nay, ở Huế người ta bỏ công tổ chức đình đám lễ hội kỷ niệm 100 năm trường Đồng Khánh. Hoành tráng ra phết. Rất máu, mấy mệ, mấy bác, mấy mạ, mấy thím, mấy dì, mấy o, mấy chị lưu lạc ta bà bốn phương trời hẹn hò rậm rật về Hương giang luận kiếm. Níu tay níu chưn chọc ghẹo mắc cỡ làm duyên tạo dáng y như tuổi học trò thèm ăn khế xanh. U 70 có, U 60 có, mà ngũ thập tri thiên mệnh cũng hằng hà. Nhan sắc tàn phai, võ công thì bị phế bỏ sau 1975, bây giờ đầu bạc răng long nghe tình quê hối thúc vui được chút mô hay chút nớ. Chống gậy sụm bà chè yếu lòng thổn thức khi dẫm chân lại “con đường xưa em đi buồn vương mái tóc thề ngõ hồn nghe tái tê”. Trời Huế tím rịm một màu áo dài. Tiếc đứt ruột chẳng có tôi mặc áo cộc tay chẳng đụng hàng. Những cánh bướm tím bay chập chờn giữa cố đô, nơi mà năm 1968 quý vị nữ lưu kia từng thắt quanh đầu một vành khăn tang. Cha mạ ơi, vì răng mà phải chịu cảnh đoạ đày! Mưa trút ròng rã cả tháng trời nhăn nhó trần mây ám núi Ngự Bình trước tròn sau méo.
Năm 1941, Nguyễn Bính viết:

Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập Đá mênh mang bến nước đầy.

2017, cảnh vật tuồng y hệt, cứ rứa mà buồn. Mô có, anh cứ nói lừng lựng, tại vì mọi con đường đều dẫn về trường Hai Bà Trưng, chỗ ni lao xao thì chốn tê quạnh vắng, ấy là lẽ thường. Tui nhớ không lầm ở Huế e tuồng chẳng có ngôi trường nào mang tên nớ? Chao, mệt anh lắm, ngẵng nghịch ghê nơi, Đồng Khánh là xưa rồi diễm, là tiền nhiệm của Hai Bà Trưng. Mấy ôn nói: Đồng Khánh là thằng vua phản động nên chôn cái tên hắn đi, đổi thành Hai Bà nghe ngon cơm uy tín hơn đó nà, mặc dù mấy ôn nỏ biết hai bà Trưng đánh thắng bọn giặc nào. Kỳ khôi quá! Chuyện chi eng? Trước, Đồng Khánh là trường dành riêng cho con gái, răng hai bà giờ ni chứa chấp luôn cả bọn con trai? Dễ lửa gần rơm quá! Chà, anh hỏi cái mới ngặt, nghe bức xúc hung! Rứa khi xưa anh ở mô? Dạ thưa chị, tui ở trong nhà. Lạt lát chưa nợ! Vỹ Dạ Kim Luông Thành Nội Tả ngạn hay Hữu ngạn? Tuy mênh mông chi xứ nhưng chí ít phải có nơi làm sổ hộ khẩu chớ! Tui nói tui ở trên đò thì chị tin không? Ái dà, Việt kiều ni rắn mắt quá, nghe dễ nổi xung. Rứa để tui thiệt thà khai báo: Kẻ hèn ni sinh ở điện Thái Hoà, lớn học Quốc Tử Giám, vịnh thơ ở Ngọ Môn Lầu mà lấy vợ là hoa khôi trường Đồng Khánh. Nghe giựt chắc, lát con mắt luôn. Nì, cho tui hỏi ngu tí, muốn ôn kỷ niệm bữa ni chui xuống ngủ đò e bất khả? Người chi mà chẳng có chút đạo đức cách mạng, có ưa đồi truỵ thì thiếu cha chi chỗ trên bờ, quận một quận hai quận ba, phường này huyện nọ ra tới ngoại ô. Sóng nước dập dìu thì có thuyền rồng, bỏ trăm đô mặc long bào ăn cơm cung đình mà tuyệt đối đừng tơ tưởng tới món thuốc nhất dạ lục giao sanh ngũ tử của vua Minh Mạng. Cám ơn chị rộng lòng trao thông tin, để tui bắt xe ôm chạy u qua Đồng Khánh, í lộn, Hai Bà Trưng, kẻo người ta chờ người ta mong người ta xù người ta chảnh.
Một tà áo dài tím đi thơ thẩn trước cổng trường vôi hồng, áo may cực gấp ở chợ Đông Ba, may hối may hả hay răng mà tôn vinh số đo ba vòng gần bằng nhau, bắt mắt hơn đòn bánh tét lá chuối gói u nần kém mỹ thuật. Ủa, chơ đi mô mà xăm xăm vô đây? Thích làm hoa lạc giữa rừng gươm sao? Rõ là con cháu của hai bà, ưa nạt nộ. Thiếu voi, thiếu lọng, thiếu quân hầu. Thiếu đao kiếm, thiếu múa roi đi quyền nhưng cũng đủ làm khó cho đứa nào ưa nuôi mộng bành trướng. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, chưa kể là gà trống ni cũng gáy cùng giọng Huế, phe mình cả. Ủa, răng ngó quen quen ri hè! Năm 72 mùa hè đỏ lửa học đệ nhất Quốc Học? Nói chí phải, Ngọc đó hả? Trời, ấy tên Long, đúng không? Rứa thì ngọn gió nào xô Long tấp về đây? Gió Bắc cực chớ gió mô nữa? Mền ở Canada mới về hôm bữa. Ngọc thì răng? Ngọc từ Đà Lạt xuống được hai ngày rồi, mai lại lên núi. Nghe ghê, làm như môn đệ phái Nga Mi. Rứa túi ni kiếm chỗ để mền nhổ lông mày cho. Xì, chưa có thằng Việt kiều nào ăn nói sống sượng như huynh đài. Bản cô nương là Chu Chỉ Nhược chớ mô phải Triệu Minh. Già dê gì đâu á! Hề hề, ở Đà Lạt hèn chi da trắng môi hồng má mũm mĩm với hai đồi thông một mộ phần, nhớ ngày nớ dại khờ chưa kịp ôm hun.
Tà áo dài vùng vằng đứng dậm cẳng một hồi, ra vẻ bất bình. Lông mày ta vốn đã sắc lẻm rồi, việt gian ngươi có ưa rửa chân cho ta thì ô kê. Không nói không rằng, làm thinh nhưng cả hai tuồng như đi guốc vào bụng nhau. Thời nớ hắn doạ đằng ấy không cho tớ thơm tí thì tớ sẽ đầu quân đi Biệt Động cọp nhe nanh bên tay áo trận. Chưa kịp hôn nhau thì biến động bùng lên ngoài cổ thành Quảng Tri. Đại lộ kinh hoàng dẫn tới người đi muôn lối để bặt tin nhau. Xa mút cần câu như rứa đó mà qua dâu bể vẫn còn nhìn ra nhau, cảm động chẳng có bút mực nào tả xiết. Tình cũ có khi không rũ cũng tới như thường. Vì răng Ngọc thiên di lên xứ Hoàng triều cương thổ? Đời sống dư dả cơm áo gạo tiền tới mức mô mà trông khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang điện nước thừa mứa thế kia. Ưa khám phá quá. Hoa mới nhú có cái đẹp e ấp riêng, hoa mãn khai có vẻ đẹp tràn nhựa sống và hoa sắp tàn úa cũng chôn ở đó thì thầm không ít một gợi cảm. Khi đôi đứa chào đời, cùng thời điểm Tế Hanh đã viết bài thơ “Vườn Xưa” với nhiều câu hợp tạng cho hậu bối:

một ngày xuân em trở lại nhà
nghe mẹ nói anh có về hái ổi
em nhìn lên vòm cây gió thổi
lá như môi thầm thì gọi anh về


lần sau anh trở lại một ngày hè
nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
nước như gương soi lẻ bóng hình anh.

Bọn mình lớn lên chịu nhiều thua thiệt đổ vỡ quá. Càng đi gần tới hiện đại, chiến tranh và sự đố kỵ của lòng người đã dìm xã hội này xuống những đớn đau bất lực một tỏ bày. Chịu đựng trong câm nín. Thú thật với Ngọc là mền có mua một ít quà mang về nhưng không may đã rơi vào tay thảo khấu Lương Sơn Bạc. Gặp bạn cũ ở đây mà cứ đứng thu lu ngó chán mới gớm!
Cô cựu nữ sinh Đồng Khánh cúi đầu thỏ thẻ, giọng phai nhạt ít nhiều bởi sương xuống điệp trùng vây bọc chốn cao nguyên. Tóc thề đã cắt, xót đời chẳng nối vuông tròn một mộng ước. Bao giờ ngó lui quá vãng cũng tìm nhặt được những hình ảnh đẹp. Khi Ngọc đặt chân về lại cố đô, răng tự nhiên thơ của Tường Linh vụt hiện trong đầu. Thơ làm năm 1959 nghĩa là khi Ngọc còn nằm trong nôi:

hôm qua có người quen về Huế
đi chuyến tàu đêm
ga buồn, mưa nặng
anh nghĩ về em nhưng không gì gửi tặng
còn rất nhiều sầu nâu nỡ gửi cho em


chừ còn gì đâu gửi ra Huế nữa
mất hết từ ngày đi
mất hết từ hôm bắt đầu nỗi nhớ
đường ra như có lắm biên thuỳ!

Khuôn viên trường mỗi lúc một thu bé khoảng cách bởi lắm người xưa rộn ràng tìm về thăm thú, ôn cố mà không tri tân. Bọn ấy thảy thấp kém bạc lòng, chúng vừa cạo sạch bao dấu tích văn hoá từng khắc ghi vào bia Quốc Học. Mới hay là muốn nhớ lại cảnh cũ người xưa, chúng sinh đã phải chín bỏ làm mười, chấp nhận và cố nén bao ngược ngạo mãi chạy bên đường Lê Lợi dựng biển trang trí rối mắt như sân khấu một gánh hát cải lương. Nơi đây có trường Mỹ Thuật đắc địa và cũng chính nó xuôi tay, minh chứng rõ nét sự xuống cấp tai hại, như không muốn xiển dương vẻ đẹp thuần khiết. Khi anh đi gần tới sự đơn giản, chính là lúc nghệ thuật được thăng hoa. Chiếc nón bài thơ, tà áo dài bây giờ cũng đã đổi khác, rắc rối, màu mè, kiểu cọ và kệch cỡm. Em đường em tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Ngay cả vật thể cũng khó khắng khít sắc son sánh đôi đi cùng người. Tao loạn!
Người từ vạn dặm về lạc hồn đứng với những khó hiểu. Đội tuyển Huế có mời được Ronaldo số 7 làm thủ quân e chàng cũng quờ quạng chạy như một anh nghiệp dư chuyên đá chân đất, chưa biết xỏ giày. “Mất hết từ ngày đi, mất hết từ hôm bắt đầu nỗi nhớ!”.
Đứng rục cẳng cũng chẳng nhìn ra một hình bóng cũ. Tình ngay bắt được tay day được cánh Ngọc đây thì cũng chẳng cần tơ tưởng một ai khác. Hai tay dùng ôm một người, sức nghỉn nào để bắt cá hai tay? Mền trú tại khách sạn Hương Giang, Ngọc thì răng? Ngọc ở nhà bà con gần Bến Ngự. Mền thèm cơm hến quá mạng, 35 năm rồi chưa hề xơi qua, Ngọc đi ăn với mền hí? Long không sợ đau bụng à? Ông Tào Tháo đã ngôn một câu thậm hay: “Cuộc đời ta chỉ thích rượt mỗi thằng Lưu Bị, vậy mà giờ nầy thằng nào tiêu chảy cũng oán trách ta!”. Hề hề, Lưu Bị này đã cụ bị sẵn một bịch thuốc Tây, gì cũng có, kể cả Viagra. Tên nghe nửa lạ nửa quen, nó trị bệnh chi rứa? Mền ăn nói bổ bã sợ Ngọc bạt tai lắm. Đi hí, trong túi mền có cuốn cẩm nang ghi đủ những hàng quán cần ghé qua nếu bạn tới Huế. Hay Ngọc thích ăn bánh ướt thịt nướng ở Kim Long? Hay qua Thượng Tứ thời bánh khoái? Răng cũng được, tuỳ ở Long cả. Mền dị đoan không thích ghé quán cơm Âm Phủ. Đi ăn cơm hến cho tiện đường vì ăn xong tụi mình tạt qua quán cà phê Vỹ Dạ Xưa.
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa…” Nói thiệt nghe, mền đã nửa hồn thương đau khi Ngọc đi xa mà chẳng biết lạc tới chốn nào. Nhức nhối dễ sợ! Nói nghe chảy nước mắt. Phải mà sân trường khi hè về, vắng như chùa bà Đanh thì Ngọc dám hun Long lắm. Hun một miếng thôi thế cái bắt tay với định mệnh.
Người ta bảo khi về già, bạn giống như con nít, câu ấy tin được mấy phần? Hai đứa mình thử làm con nít một lần, Ngọc thấy răng? Ngọc đâu đã già mà tính giở trò dụ khị. Có thích đi ăn thì nên rời bỏ hiện trường sớm, chứ đứng hồi lâu thế nào cũng có kẻ nhận diện thêm xôi hỏng bỏng không. Kỳ cục, kỷ niệm 100 năm trường Đồng Khánh mà cũng treo cờ búa liềm, ca ngợi đảng quang vinh với dựng đầu thạch cao cha già dân tộc cho bằng được. Thời trước mô có dính dáng chi tới ba cái thứ đầu Ngô mình Sở kia! Áp đặt và tra tấn người ta cũng chừng mực nào thôi chứ. Cựu học sinh toàn cả bọn Việt kiều phản động có cha anh là nguỵ quân nguỵ quyền cả đấy. Thiệt ngó gai con mắt!
Mền kêu xích lô chở hai đứa đi cho oai phong. Thôi, dị òm, mặt trân mày tráo bắt người ta đạp hộc gạch toé khói. Gọi taxi thì kín đáo và mau lẹ hơn. Mền thương Ngọc quá. Chuyện chi nữa đó? Cách suy nghĩ, sự cảm nhận của Ngọc về buổi lễ màu mè này. Thôi đi, bộ hết chỗ thương rồi hay răng? Thằng Việt kiều có quốc tịch Canada ngó người sở hữu chiếc áo dài tím chật chội muốn sứt chỉ đường tà: Sau cơm hến, đòn bánh tét là thứ cũng khiến mền thèm rỏ dãi. Xa quê hương không nhớ mẹ hiền mà cứ nhớ toàn đồ tào lao, tính luôn con yêu bánh nậm cho đủ bộ sậu. Nghĩ tới chuyện lột lá đã thấy run tay, thấy rít rát. Đồ quỷ gì đâu không á! Taxi kìa, đứng thét nghe run chân.
Tôi về dụ được nàng, má còn sống chắc thương con dâu. Sau ăn cơm hến mà chẳng chộ mặt Tào Tháo, tôi cà kê dê ngỗng dắt tay nàng vào quán cà phê nhà vườn Vỹ Dạ Xưa phát toàn nhạc họ Trịnh. “Cuộc đời đó có bao lăm mà hững hờ”. Hãy uống cốc cà phê để kích hoạt chất xám. Tuy bên bến sông chẳng có hoa bắp lay và đò dứt khoát từ chối chở trăng về kịp tối nay. Cảnh sắc huyền ảo hiện thực ùn dâng sương khói tự dưng khiến lòng mềm cách chi. Về Bến Ngự thì xa trong khi khách sạn Hương Giang đang nằm kề. Nàng ngồi bên giường nhiều bóng tối, tôi ở phương tây ôm nàng rồi lại xa, nàng cười xinh xinh nhìn tôi ực viagra , về cố đô mấy người đi trở lại, đừng đổ hô quất ngựa truy phong. Trời xui đất khiến giao duyên cùng tình xưa nghĩa cũ, sau cùng tôi cũng lột được ba bốn miếng lá chuối. Ui, thơm quá mùi nếp chín, ui bánh nậm nhân tôm giã nhuyễn đỏ au chẳng hư bột hư đường, ui lá rơi đường lá mủ nhờn tay, mút qua mút lại thêm mặn mòi. Ăn sống ăn sít chứ chẳng thèm chan nước mắm. Cá sông hồ biển hẹp ngắt ngoải thì ắt nước mắm cũng phiêu bồng.
Mền cứ rứa hay mền phải sắm áo mưa? Tối lửa tắt đèn có mưa rơi cũng mặc, đã gọi là cựu học sinh thì Ngọc bây chừ đã tới hạng tuổi tắt kinh, cho tha hồ dập liễu vùi hoa xem được mấy phần hoả hầu mà cứ eo ót. Boa cho cậu tiếp tân có hậu hỉ? Cho ít quá hắn đi trình công an đường đột vào xét giấy thêm mất vui. Mấy chục năm mới được đền bồi, phút giây này mà nghe tiếng gõ cửa thì xong om. Nước tới chân mới nhảy thì chịu răng nổi với xả lũ đúng quy trình. Ôi độc lập chửa có thì vin đâu mà đòi tự do hạnh phúc! Từ từ thôi nghe dục tốc bất đạt, rồi thở hào hển trách móc đêm dài lắm mộng người ơi. Bu như sam kẻo ngày qua rất vội, nì muốn sang thăm xứ tuyết có khó không? Ra ngoài phường làm giấy đăng ký kết hôn người đời thêm dị nghị, chơi trò bảo lãnh đoàn tụ gia đình thì di trú hẳn nghi ngờ. Thôi xin người cứ án binh bất động, mền bên nớ tắt quạt khi cày bừa, hàng năm dành tiền cứ đúng xuân về thì lên Đà Lạt sân trước một cành mai vui vầy không quên nhiệm vụ, làm Việt kiều cũng có nỗi khổ tâm riêng chớ giỡn chơi chi nơi! Ngọc đang tính sửa sang mái tranh nghèo mà chưa biết thở than cùng ai, không ấy Long cho Ngọc vay chút đỉnh. Khúc ruột ngàn dặm ơi, thương quá, đi vô người Ngọc đi kẻo mai này than ngồi trên giếng mà khát nước. Cái gàu mô rồi, ui tới rồi đó, khỏi cần nối thêm dây.
Bở hơi tai hai ngày thì diễn tuồng chia tay. Trăm năm trong cõi người ta, chữ tiên liền với chữ tiền mới ra. Mấy mợ cựu học sinh trường Đồng Khánh mượn sân Hai Bà Trưng hội ngộ giờ ni e cũng đã tan đàn sẩy nghé hồng nhan đa truân bị trời đánh ghen rơi về lại chốn trú thân phồn vinh giả tạo. Ngày tôi ra phi trường Phú Bài để bay vào Sài Gòn trời Huế buồn câm nín chực mưa rơi.
Mấy chục năm trước đi chui một đêm không trăng sao trời sầu đất thảm. Ra đi không mang ba-lô cũng chẳng có quần áo cắp nách, vác mạng không thách đố thương đau sóng cao biển cuồng nộ. Bây giờ mang tiếng Vịt kìu cũng cứ rứa thuỷ chung trên răng dưới dái hai hòn một gậy may chưa rụng sợi lông. Vì răng? Vì vật dụng cá nhân tư trang giá trị cộng thêm năm trăm đô tiền mặt chêm cho ấm đít đã giao khoán cho bạn hiền. Ngọc lau nước mắt giọng ráo hoảnh: Hy vọng năm sau tui sẽ trả cả vốn lẫn lời, cần thề không? Tui mà nói láo thì sẽ bị ung thư dú. Tôi hôn Ngọc: Em nói chi tiếng thâm trầm, đêm nằm nghĩ lại anh nát bầm lá gan. Lạ, chắc mền không duyên nợ với Huế, ngay phút đầu cái áo thể thao bóng đá tím cả chiều hoang biền biệt cũng bị chúng nó moi đi, đoạt mất. Ngọc ơi, túi nớ ham vác cày qua núi để mang em lên đỉnh thì giờ ni mới nghe mỏi gối chồn chân. Thiệt là già dịch, già dê và già mà chẳng chịu lượng sức như lời em quở yêu. Cựu học sinh Đồng Khánh chê ỏng chê eo thì huống chi đám học trò 9x con cháu hai bà Trưng nhỉ. Haizz, sức lực nhà ngươi bao tá? Tưởng Việt kiều Canada là ngon hả? Mắc cười. Ốt dột. Hổ ngươi. Trẽn. Rút lẹ cho em nhờ! Ừ, xin vĩnh biệt cõi người ta.

Hồ Đình Nghiêm
3 tháng 3, 2017