Năm 2013, giáp
tết, tôi về Việt Nam từ Australia bằng vé của một hãng hàng không giá
rẻ. Khi chuyển sang máy bay quá cảnh từ sân bay Kuala Lumpur tôi ngồi
kế bên một cô gái trẻ nhìn khá mặn mà.
Tôi vẫn nhớ khuôn mặt khá bầu bĩnh ưa nhìn và dáng
người chắc chắn trong bộ đầm nhung màu xanh đen ấy. Sắp tới giờ máy
bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, cô gái vô cùng lúng túng với tờ khai nhập
cảnh được phát lúc mới rời Malaysia. Tờ khai có in tiếng Việt, và
không phải cô không biết chữ. Cô lúng túng bởi một lý do khác: Visa du
lịch Malaysia của cô đã quá hạn khá lâu rồi.
Là một quốc gia láng giềng cùng khối ASEAN, người
Việt Nam qua đây dưới 30 ngày không phải xin visa, đi lâu hơn, thì phải
có. Vậy cô gái này hẳn là một lao động xuất khẩu ở quốc gia này.
Tôi hỏi vì sao lại để quá hạn visa, và cố tìm hiểu, xem có thể
giúp gì được cô. Cô gái nói mình tên là Ngọc, quê ở huyện Xuyên Mộc
tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Sang Kuala Lumpur để bán bia.
Ngọc kể năm 2010, lấy chồng được năm tháng thì bỏ
nhau, cô hoa khôi của nông trường cao su này được một bà chị họ trên
thị trấn rủ đi Sài Gòn làm việc. Ở Sài Gòn chạy bàn cho quán ốc
được hai tháng, Ngọc gặp được một người quen đang tìm thêm bạn để đi
“làm việc” ở nước ngoài. “Em chỉ cần nhận lời sang đó làm việc,
mọi thủ tục sẽ được giải quyết”- Ngọc nhớ lại lời người dắt mối.
Quả vậy, chỉ mất một buổi sáng làm thủ tục để xin
hộ chiếu, một tháng sau cô và ba người bạn đã ngồi lên máy bay, rời
Tân Sơn Nhất đến Kuala Lumpur. Ra khỏi cửa nhập cảnh, Ngọc và những
người bạn được xe đón về nơi trọ. Hộ chiếu của các cô được thu lại,
họ được thông báo chi phí cho cả thủ tục và chuyến đi là ba ngàn
ringit (khoảng 16 triệu đồng). Chi phí này, sẽ được trừ dần và họ
chỉ được nhận lại hộ chiếu khi nào trừ hết nợ.
Công việc của Ngọc, người Malaysia gọi là Nhân viên
giao dịch khách hàng. Cô bảo, bọn em làm ở bar và karaoke, thu nhập
từ tiền bo của khách hàng. Hôm nào khui được nhiều bia, thì có nhiều
tiền.
Ngọc đi làm cho đến cuối hạn visa, nhưng chẳng bao
giờ trả hết nợ. Ngoài số tiền chi phí ban đầu, khi đi làm được một
tuần, cô đã vay thêm chị chủ số tiền tương đương hai chục triệu để
gửi về cho bố mẹ ở quê nhà.
Ranh giới giữa hành vi buôn người và tình nghĩa đồng
hương hỗ trợ nhau tìm việc trong trường hợp của Ngọc thật mong manh.
Cô chấp nhận làm chui lủi ở các quán bar cho “chị chủ” vì ngoài ra
cũng chẳng có cách nào. Niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống vơi đầy
theo những két bia.
Tính đến lần vô tình tôi ngồi cùng chuyến với cô,
là lần thứ ba cô về Việt Nam với tấm hộ chiếu đã quá hạn visa. “Hai
lần trước em bị các anh nhập cảnh hạch hỏi đủ điều. Họ biết thừa
em đi Mã làm gì và họ hỏi thế chỉ để vòi tiền, nhưng hai lần ấy em
chỉ quá có mấy ngày, lần này là 18 ngày”.
Tôi định bụng nếu có gì thì sẽ nói giúp cô gái
này một câu. Nhưng khi đến cửa nhập cảnh, khi tôi ngẩng lên, đã chẳng
thấy cô gái trong bộ đầm xanh đen ấn tượng ấy đâu rồi.
Không có một điều tra xã hội học nào giúp chúng ta
có cái nhìn tổng quan về những nữ lao động chui người Việt ở nước
ngoài như Ngọc. Không thể xếp họ vào danh sách nạn nhân của nạn buôn
bán người. Số liệu của Tổng cục Cảnh sát đưa ra là một con số rất
ước đoán, mỗi năm có 5.000 phụ nữ được đưa sang lao động chui ở
Malaysia và Singapore, báo cáo này gợi ý “đây thực chất là hoạt động
mại dâm”.
Thực tế thì những người như Ngọc đều lao động trong
ngành công nghiệp giải trí của quốc đảo này, đồng nghiệp của họ
đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Lào. Phần lớn
đều có xuất thân từ những vùng quê nghèo có tỷ lệ thất nghiệp cao.
Số phận của họ gần như thuộc về một thế giới khác, một thế giới
ngầm. Họ chỉ được biết đến khi có một sự kiện xảy ra, như cuộc truy
quét của cảnh sát bang Johor hôm 13 tháng 1 năm nay đối với các cơ sở
giải trí ở thành phố cầu nối Singapore và Malaysia này. 47 phụ nữ
người Việt, tuổi từ 19 đến 30 bị bắt và trục xuất.
Trong một đợt truy quét năm 2013 tại Malaysia, 12.434 gái mại
dâm bị bắt. 3.456 cô mang quốc tịch Việt Nam, đứng thứ 2, cao gấp rưỡi quốc tịch
Thái Lan. Tôi tự hỏi có phải là quá sức của chính quyền nếu đặt câu hỏi rằng những
cô gái ấy, sau khi bị trục xuất trở về, ai sẽ chìa bàn tay ra để con đường của
họ khác đi?
Trong không ít trường hợp, con đường bi kịch của họ nơi đất
khách không dừng lại ở việc “buôn hương bán phấn”. Họ có thể trượt dài hơn, và
trở thành các dạng tội phạm khác, nguy hiểm hơn.
Câu chuyện vào nghề của Ngọc, cuộc sống rày đây mai
đó của những số phận mà hạnh phúc vơi đầy theo số tiền bo của
khách làng chơi, sẽ chỉ là ẩn số của bài toán di dân tự do chưa tìm
ra đáp án.
Lại
Trọng Tình
Nguồn: VNExtress