![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg7udnMpbZVj8RtCpHjasAYCBInAd4EBzXmSEjfRZTNTfFwfXlFnOxtzg40abjzOFj7S8538KLj-jlw2azqncHQ9tiryf2P8KjEoHcA8fcwjNMwDR0TzCmyYyctHD7Amw1MHYHAHB1P9XM/s400/IMG_6296.jpg)
Nhìn bức tranh trên tường, tôi giật mình. Thật đẹp. Bức tranh có vẻ mờ ảo trong
làn khói sương ban mai. Ngôi chùa và cảnh vật hình như quen lắm. Chẳng lẽ ngôi
chùa này ở Nhật mà lại giống ngôi chùa thân thiết của tôi, thời tuổi thơ ở Hội
An? Chùa Cầu.
Tôi bước vào một tiệm bán đồ kỷ niệm ở phố Nhật tại San
Francisco để tìm mua một bộ đồ trà. Tôi chọn được một bộ gồm chiếc bình và bốn
chén nho nhỏ, màu thiên lý, thật dễ thương. Xong rồi, tôi dợm bước ra khỏi
tiệm, định đi bộ lang thang trong buổi sáng mát dịu, trên đường phố nhiều dốc
của thành phố vùng Vịnh này. Nhìn ra ngoài trời, mưa đang rơi, hơi nặng hạt.
Tôi bước trở lui, vào nhìn lại bức tranh. Giống Chùa Cầu ở thành phố buồn hiu,
rêu phong Hội An ngày xưa quá. Tôi không thể lầm được. Hai cô gái Nhật lúc nãy
nói chuyện và chỉ dẫn cho tôi mua món quà kỷ niệm, đi qua, đi lại, đôi khi nhìn
tôi cười cười, khi thấy tôi say mê nhìn bức tranh mãi không chán.
Nhìn ra ngoài cửa kính, trời vẫn còn đang mưa, tôi lại ngắm
bức tranh trên tường. Phía dưới góc mặt, có chữ ký của tác giả, nhưng tôi không
đọc được vì là chữ Nhật, và dấu triện son màu đỏ hơi nhạt, có lẽ bức tranh đã
vẽ từ lâu. Một người Nhật lớn tuổi từ văn phòng ông đi ra bước lại gần tôi. Ông
chào tôi cung kính:
- Thưa ông, tôi nghe con gái tôi nói rằng, ông đứng xem bức
tranh này, có vẻ ngưỡng mộ lắm. Thật là một vinh hạnh cho chúng tôi.
Tôi cũng chào lại ông cung kính, nói:
- Vâng, tôi rất thích bức tranh này. Ðây có phải là một ngôi
chùa cổ ở Nhật Bản không ạ? Tôi muốn xem ai là tác giả bức tranh này, nhưng tôi
không đọc được tiếng Nhật. Tiếc quá.
Ông ta cười rạng rỡ:
- Vâng, bên ngoài trời còn đang mưa, chắc ông cũng chưa vội
ra về, vậy xin mời ông vào trong văn phòng tôi, uống chén trà và chúng ta nói
chuyện cho vui.
1
Bức tranh đó do cha tôi vẽ. Ông vẽ năm 1944, tại Hội An,
Việt Nam. Ðó là Chùa Nhật Bản, vì khoảng bốn, năm trăm năm trước đây, người
Nhật đến cư ngụ và làm ăn ở Faifo - một tên khác của thành phố Hội An, do người
Pháp đặt , khi người Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước Việt Nam- xây cất nên.
Tôi muốn đính chính, tên cúng cơm của ngôi chùa là Chùa Cầu,
như người Hội An chúng tôi gọi, vì ngôi chùa xây cất trên một rạch nước và con
đường chạy ngang qua lòng chùa, như một chiếc cầu vậy. Nhưng không muốn ngắt
câu chuyện ông đang kể, tôi chỉ gật đầu, mỉm cười. Ông tiếp:
- Cha tôi tên là Moru Ashahito, là một nhà ngoại giao, có
tâm hồn nghệ sĩ. Ông làm thơ, nhiều nhất thể hài cú, và viết văn, phần nhiều
các truyện ngắn, các đoản thiên, tùy bút. Ông có xuất bản hai cuốn thơ, ba tuyển
tập truyện ngắn và một cuốn truyện dài. Và về hội họa, ông vẽ rất tài tử, trong
đời ông, ông chỉ vẽ đâu khoảng mười bức tranh, mà bức tranh đang treo trên
tuờng đó là bức ông thích và quí nhất, ông gìn giữ nósuốt trong thời kỳ chiến
tranh ác liệt nhất và ngay cả sau khi chiến tranh chấm dứt, ông bị quân đội
Ðồng Minh bỏ tù gần hai năm, ông cũng xin gia đình, bằng mọi giá giữ bức tranh
này cho ông.
Gia tộc chúng tôi, Ashahito, nhiều đời, sinh ra và lớn lên ở
một phố nhỏ của cố đô Kyoto, thuộc phái Trọng Văn. Các tiền bối của tộc họ
Ashahito nhiều vị làm quan văn, giữ những chức vụ cao cấp trong lịch sử Nhật
Bản cận đại. Ðiều này khác với các tộc họ khác, xuất thân từ phái Trọng Võ, hậu
duệ của các lãnh chúa, tướng lãnh ngày xưa. Người của hai phái tuy có cách xuất
thân, xử thế, đi vào hoạn lộ và phục vụ quốc gia theo hai ngả khác nhau, nhưng
các gia đình là những bạn bè tri kỷ, những thông gia, liên hệ qua lại với nhau
thật thân thiết.
Từ thuở thiếu thời, Moru là một học sinh xuất sắc, cho nên
khi lên đại học, ông được cấp học bổng về thủ đô Tokyo vào học trường Ðại Học
Hiệu Bang Giao Quốc Tế. Ông chuyên về văn hóa các nước Á Châu - Trung Hoa,
Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Ðộ vân vân... - Ra trường, ông được đưa đi tập việc
trong phái bộ văn hóa Nhật ở Trùng Khánh, Trung Hoa. Năm 1942 ông được đưa qua
Việt Nam làm tùy viên văn hóa cho sứ quán Nhật Bản tại Huế.
Từ truyền thống yêu chuộng hòa bình của gia tộc, Moru bước
vào đời với nhiều khó khăn của một thời tao loạn tạo nên. Chiến tranh thế giới
thứ hai đang gieo chết chóc, đau thương trên khắp nơi, từ Âu sang Á và đến tận
cửa ngõ nước Mỹ, trong sự liên kết giữa bộ ba, Ðức Quốc Xã của Hitler, Phát Xít
Ý của Mussolini và chính sách Khối Thịnh Vượng Chung Ðại Ðông Á - Greater East
Asia Co-Prosperity Sphere - của giới tướng lãnh Nhật hiếu chiến - nhất là khi
Ðại Tướng Hideki Tojo (Ðông Ðiều) - giữ chức Thủ Tướng Nhật.
Trên cương vị của một tùy viên văn hóa sứ quán Nhật, tuy
trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, Moru thường có mặt và tiếp xúc với các nhân
vật chính trị, văn hóa Việt Nam ở Huế, Hà Nội và Sài Gòn, đồng thời tham dự các
sinh hoạt liên quan đến văn học, nghệ thuật, âm nhạc. Trong một cuộc trình diễn
nhạc cung đình tại Huế, Moru ngồi cạnh một gia đình hoàng tộc. Sau buổi trình
diễn, Moru được cô cháu gái và cũng là giảng sư về âm nhạc cho các gia đình
hoàng gia, vọng tộc, dẫn giải về các loại đàn sử dụng cho cuộc trình diễn vừa
rồi. Tên của cô là Vưu Tuyết Anh.
Tuyết Anh đẹp, khả ái, dịu dàng và
trí thức. Cô đã từng du học Pháp về âm nhạc và khi về Việt Nam, cô đem khả năng
âm nhạc tây phương để nghiên cứu thêm về âm nhạc cung đình Việt Nam qua các
triều đại. Cô mang trong người hai dòng máu, Trung Hoa và Việt Nam.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEizgoO5xJc7QKPNN3jNYaQZpyUBMJrGKW8FzMmtnUugOQHQcLcwYaExr9HAN622Tz-mDTNy8Pr6qlMv8bME28O13ew_NkNNHM9vPTb44lZA51g94-jIDIo8oh9gUsPE5BfeEhOveyB2-UY/s400/BIA-Bach+khoa.+So+389-1973-GPBK.jpg)
Tổ tiên cô có người làm quan triều Minh bên Trung Hoa. Khi nhà Mãn Thanh
lên chiếm ngôi cửu ngũ tại Bắc Kinh, ông Vưu Tiên Sinh chống đối lại và để
tránh khỏi bị thanh trừng, ông đưa gia đình đi lánh nạn, và lưu lạc đến cửa
biển Cửa Ðại của Ðạo Quảng Nam ngày xưa. Cùng với nhiều gia đình người Hoa
khác, họ đã tập họp lại, dựng nên các làng gọi là Minh Hương, để nhớ về quê cha
đất tổ bên Tàu. Cùng thời đó nhiều thương gia người Nhật cũng đến Hội An buôn
bán lập nghiệp, biến thành phố nho nhỏ bên cạnh sông Thu Bồn trở thành một địa
điểm buôn bán sầm uất đầu tiên của Việt Nam. Ðàng Trong, dưới thời chúa
Nguyễn, đã thông thương với người từ nhiều nước trên thế giới như Trung
Hoa, Nhật, Ấn Ðộ, Bồ Ðào Nha, Anh, Hòa Lan...
Sau lần hội ngộ đầu tiên, Moru và Tuyết Anh thường tìm cơ
hội gặp nhau, cùng nhau chia xẻ nhiều vần đề. Một dịp họ đi xem lăng tẩm các
vua triều Nguyễn, Tuyết Anh nói:
- Thưa ông Moru Ashahito, tôi sinh ra và lớn lên ở Hội An,
một nơi có nền văn hóa đa chủng Việt, Hoa, Nhật. Ngày nay ở Hội An không còn
gia đình người Nhật hay gốc Nhật nào sinh sống. Nếu có dịp thuận tiện, tôi mời
ông đến thăm Hội An, để nhìn thấy dấu ấn văn hóa Nhật còn lưu lại trên quê
hương tôi.
Moru cúi gập người cám ơn Tuyết Anh, thật lễ phép nói:
- Thưa cô Vưu Tuyết Anh, tôi chân thành cám ơn nhã ý của cô.
Ðây cũng là ước muốn của tôi từ khi tôi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, trước
khi qua nhận chức vụ Tùy Viên Văn Hóa của Tòa Ðại Sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Tôi
có đọc một số sách lịch sử nói về tổ tiên chúng tôi, đã từng qua Việt Nam, đến
Hội An lập nghiệp, buôn bán, để lại những kiến trúc tại đó. Ðược gặp cô là cái
duyên hi hữu, tôi hân hạnh nhận lời sẽ cùng đi với cô một ngày nào đó đến thăm
Phố Hội.
2
Lần đầu tiên đến Hội An do Tuyết Anh hướng dẫn, Moru ngẩn
ngơ trước thành phố cổ kính, nhỏ bé, trầm buồn Hội An, với các cảnh chùa của
người Trung Hoa và Chùa Cầu của người Nhật. Ðứng trước Chùa Cầu, Moru có cảm
tưởng như đang đi thăm những chùa cách Kyoto cả trăm cây số. Cũng kiểu kiến
trúc cổ xưa, cách đây cả năm, sáu thế kỷ, với mái ngói âm dương ôm nhau trong
rêu phong ảm đạm. Trên nóc chùa cũng những hình long lân qui phụng quyện nhau
như một khung cảnh thanh bình, yên ổn, không giết chóc, không hận thù. Những
tấm ván trong lòng chùa, khi có những chiếc xe hơi hiếm hoi chạy qua, rung lên
như không chịu nổi sức nặng của chiếc xe. Tượng hai con chó và con khỉ ở đầu và
cuối cầu, như buồn bã theo sự vắng lặng của một thành phố nhỏ, quạnh hiu. Ði
vào bên trong lòng chùa, cảnh tượng thật âm u trong ánh sáng mờ mờ của những
ngọn đèn điện. Mùi hương trầm trên kệ thờ không đánh tan hết mùi ẩm thấp, rêu
phong lưu cữu.
Tách đám tùy tùng đông đảo, Moru và Tuyết Anh đi xuống lòng
con rạch, nhìn móng cầu ngâm trong dòng nước đen ngòm chảy ra sông Thu. Tuyết
Anh hỏi:
- Ông Moru thấy thế nào?
- Vâng, tôi cảm động lắm. Xúc cảm dấy lên trong lòng tôi, y
như gặp lại một người thân trong gia đình bị thất lạc lâu lắm, nay gặp lại.
Không biết nhau, nhưng khi nhìn, biết rằng mình có liên hệ ruột thịt máu mủ mà
vì hoàn cảnh xa cách, nay tình cờ gặp lại. Có lẽ sáng mai, thật sớm, tôi sẽ trở
lại với giá vẽ, hộp màu, ghi lại hình ảnh của chiếc chùa đặc biệt này, để mang
về quê hương Nhật Bản của tôi.
Tuyết Anh nói:
- Như vậy ông Moru có cần tôi thông báo cho nhà chức trách
của thành phố Hội An để họ lo bảo vệ an ninh cho ông không?
Moru lắc đầu:
- Cám ơn cô, nhưng tôi thấy không nên. Tôi muốn đến, ghi lại
nét hoang sơ của ngôi chùa trong tĩnh lặng, chứ nếu có người khác can dự vào,
dù kín đáo, cảm hứng sẽ bay đi. Ðiểm này, một người có tâm hồn nghệ sĩ như cô,
hẳn biết rõ hơn tôi.Tôi cũng muốn đến như một hậu duệ gặp lại bậc tiền bối ở
một góc trời vắng lặng, tưởng chừng như có một duyên kỳ bí trong thuyết luân
hồi của nhà Phật.
Tuyết Anh cười thật tươi:
- Thưa ông Moru, tôi chia xẻ những điều tâm cảm của ông. Tuy
nhiên khi ông hoàn thành bức vẽ, ông cho tôi được hân hạnh làm người thưởng
ngoạn đầu tiên nhé.
- Vâng, đó là hân hạnh cho tôi.
Cả hai cùng cười thoải mái, lên xe ra về chỗ trọ.
Sáng sớm hôm sau, trong xúc động dạt dào, Moru ghi lại hình
ảnh ngôi Chùa Cầu trên lụa. Cảnh chùa trong buổi sáng tinh sương như mờ, như
ảo, thực thực, hư hư. Có lẽ lâu lắm, trong cả năm bảy năm trời, Moru mới thấy
được tâm hồn thanh thản như buổi sáng hôm đó, đắm mình nhìn ngắm ngôi chùa, rồi
tô vẽ lên trên nền lụa mềm. Thế giới, khắp nơi con người đang quằn quại trong
chết chóc, hận thù, chiến tranh tàn khốc. Là người Nhật có tâm hồn yêu chuộng
nghệ thuật, văn chương, thi phú và tình yêu nhân loại, Moru chống đối lại chính
sách hiếu chiến của giới quân nhân Nhật đang cầm quyền, đang dày xéo trên nỗi
khổ đau của con người khắp nơi tại Ðông Nam Á, nhưng ông và bạn hữu bên dân sự
của ông đành chịu bất lực trước sức mạnh của bạo lực và hiếu chiến, hiếu sát
của giới quân nhân. Hình như thành phố Hội An nhỏ bé cổ kính này cũng thấp
thoáng vài ba chiếc xe nhà binh Nhật, đầy lính tráng, súng đạn đe dọa, chạy vụt
qua trong những con đường hẹp, không đủ chỗ cho hai chiếc xe tránh nhau.
Moru miên man suy nghĩ và thở dài buồn bã. Moru có ý đợi
Tuyết Anh đến, để cùng chia niềm vui, ghi lại một kỷ niệm về một nơi chốn có
dấu ấn văn hóa Nhật để lại. Gió từ sông Thu Bồn thổi lên mát lạnh buổi ban mai
đã chuyển thành hâm hấp nóng. Nắng đã lên cao và Moru bắt đầu rịn mồ hôi. Ông
xếp giá vẽ, ôm bức tranh đi về quán trọ. Ông thắc mắc hoài, sao Tuyết Anh không
đến xem bức tranh ông mới hoàn thành như nàng hẹn ngày hôm qua. Có điều gì quan
trọng xảy ra, để nàng phải thất hứa? Một nữ lưu lịch sự, trí thức, duyên dáng
như Tuyết Anh không thể quên được những gì mình nói ra. Moru trở nên lo lắng,
bồn chồn, nhưng không biết nhà nàng ở chỗ nào để đến gặp.
Có chiếc xe nhà binh nhỏ chạy nhanh đến và dừng lại bên
đường, cạnh lối đi bộ của Moru. Người sĩ quan Nhật nhảy xuống xe, đến trước
Moru chào cung kính, nói:
- Thưa ông Moru Ashahito. Chúng tôi đi tìm ông có việc quan
trọng. Xin ông lên xe đến trụ sở Hiến Binh, chúng tôi sẽ trình ông rõ sự việc.
Moru gật đầu, bước lên xe. Vừa đến văn phòng Sở Hiến Binh
Nhật, trên lầu một căn nhà to lớn, bên đường bờ sông, viên Thiếu tá Hiến Binh
Nhật chào ông, nói:
- Ðêm qua chúng tôi có bắt tại Hội An đây bảy người Việt gốc
Hoa trong tổ chức chống đối lại Nhật Bản chúng ta. Ðứng đầu nhóm này là một
nhạc sĩ trẻ, khá nổi tiếng, có tên là La Hối và một người đàn bà trẻ đẹp, có
quen thân với ông, có tên là Vưu Tuyết Anh. Cô Tuyết Anh và ông La Hối là bà
con tộc họ với nhau. Chúng tôi đang hỏi cung sơ khởi và sẽ chuyển họ về Ðà Nẵng
để kiểm chứng thêm với các nghi can khác, bắt ở Huế và Ðà Nẵng. Ðồng thời chúng
tôi cũng nhận được công điện từ Tòa Ðại Sứ của ta tại Huế, yêu cầu ông trở về
nhiệm sở trong ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ có xe đưa ông đi an toàn. Ông có điều
gì cần hỏi không?
Moru lắc đầu. Ông cảm thấy chán nản cùng cực. Ông biết rất
rõ số phận đen tối của những người chống đối bị Sở Hiến Binh bắt giữ, điều tra.
Ông cũng biết rất rõ sự bất lực của ông, nếu muốn can thiệp, cứu giúp Tuyết Anh
ra khỏi tay của những người hiến binh hung bạo đó. Moru thở dài ngao ngán, thầm
trách mình sinh ra trong một thời tao loạn. Nhưng nghĩ cho cùng, Moru tự trách
mình hèn nhát, quá nặng về suy tưởng, biết quá nhiều mà chẳng mấy khi hành động
quyết liệt. Dù có tự bào chữa thế nào đi nữa, Moru vẫn thấy mình hèn, ít ra
với... chính mình.
3
Trích đoạn từ nhật ký của Moru Ashahito:
15 tháng 8 năm 1942: Ngày tôi đến Việt Nam trong sứ mạng một
Tùy Viên Văn Hóa của phái bộ ngoại giao Nhật Bản. Tôi đã đọc khá nhiều về lịch
sử, văn hóa... đất nước nhỏ bé này, qua biết bao cuộc chinh chiến, để tồn tại
như một quốc gia độc lập. Ðiều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất và cũng làm băn
khoăn, lung lay trong suy tưởng của tôi là, phải chăng người Việt Nam đã giữ
được nước của họ bằng các cuộc chiến tranh liên miên từ khi dựng nước. Ðiều này
chứng minh rằng lịch sử của loài người là lịch sử các cuộc chém giết nhau. Ðiều
này phản chứng lại suy tưởng của tôi, phải chăng con người trong khi đi tìm
hạnh phúc cho mình, phải chọn chiến tranh như một phương tiện cho sự sống còn,
để đạt hạnh phúc?! Thâm tâm tôi vẫn không nhận lý luận méo mó này. Hòa bình,
tình thương và chia xẻ... phải đứng trên mọi tín điều về ý niệm quốc gia, quyền
lợi và cả tín ngưỡng nữa. Nếu không, một khi tiếng súng nổ, hạnh phúc sẽ là cái
bị giết chết đầu tiên. Hoặc giả hạnh phúc chỉ là một ý niệm trừu tượng, chỉ có
trên, ngoài cuộc đời này?!
Lật qua nhiều trang...
...
1 tháng 5 năm 1944. Tôi nhờ người bạn thân, một đại úy
bên Tùy viên Quân sự, tìm hỏi tin tức về Vưu Tuyết Anh. Sau cả mấy tháng chờ
tin trong khắc khoải, anh bạn mới gặp cho biết, Vưu Tuyết Anh hy vọng được trả
tự do vì cô ta chỉ là bà con họ hàng với người cầm đầu, nhạc sĩ La Hối, chứ
không phải là người hoạt động đắc lực trong nhóm chống lại quân đội Thiên
Hoàng. Nhưng người bạn có nói, bị Hiến Binh Nhật bắt giữ, điều tra, dù được thả
về, không thành phế nhân cũng thành kẻ mất trí. Tôi nghe nói mà rụng rời tay
chân. Trời ơi! một giai nhân tài sắc như Tuyết Anh sao chịu nhiều đau thương
trong cuộc đời, do người đồng chủng của tôi gây nên. Trời ơi! Bàn tay tôi cũng
vấy đầy máu của người tôi yêu. Tôi hèn nhát quá, không làm nên một hành động
cứu người mình yêu và ngưỡng mộ. Tôi khác gì các kẻ hiếu chiến, hiếu sát trong
chiến tranh kia. Dù có ngụy biện cách nào đi nữa, tôi cũng không trốn chạy khỏi
tòa án lịch sử và lương tâm. Tôi có can đảm mổ bụng tự sát trong tinh thần võ
sĩ đạo như những chiến sĩ lấy cái chết để tạ tội với Thiên Hoàng, với đất nước,
khi thất bại. Ðiều này tôi đã chống đối từ khi còn là sinh viên trên ghế nhà
trường. Họ có can đảm thật nhưng tôi đã từng suy tưởng, cái chết như vậy cũng
không giúp giải quyết gì được tình cảnh mà chỉ mang thêm khổ đau vào thân phận
con người.
15 tháng giêng năm 1944. Tin tức từ khắp các mặt trận dồn
dập đổ về, quân đội Thiên Hoàng bị đẩy lui trên khắp các lãnh thổ chiếm được từ
Trung Hoa qua Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan, Phi luật Tân... Những trận đại bại của
hải quân quân đội Thiên Hoàng trên biển Thái Bình và ngay trên cửa ngõ của lãnh
thổ thiêng liêng Nhật, đảo Okinawa, đang bị tấn công và có thể thất thủ và gót
giày kẻ xâm lăng sẽ dày xéo trên quê hương tôi. Những đội quân cảm tử Thần
Phong, nhảy lên máy bay, hướng về quê hương Thái Dương Thần Nữ, cúi đầu chào
vĩnh biệt Thiên Hoàng, cha mẹ, quyến thuộc, lái chiếc máy bay đầy bom đạn, đâm
xuống chiến hạm địch, xác thân nổ tung tóe với kẻ thù. Trời ơi! những sự hy
sinh thiêng liêng đó cũng không cản được bước tiến của quân thù càng ngày càng
tiến gần đến xứ sở tôi. Những hy sinh tuyệt vọng này kéo dài sự sống còn thoi
thóp của nước Nhật vinh quang được bao lâu nữa!
Có những đêm thức trắng, về sáng trong chập chờn, tôi rơi
vào mê loạn. Tuyết Anh đã đưa tôi ra pháp trường, vung lưỡi gươm sắc, chém
xuống đầu, xuống cổ tôi. Tôi ôm chân nàng. Nàng ném thanh gươm ra bãi cát pháp
trường và ôm tôi cùng khóc.
Tình trạng sức khỏe của tôi suy yếu tồi tệ đến mức, tôi cứ
bị ngất xỉu hoài trên bàn làm việc. Tôi được đưa qua nhà thương Huế để chữa
trị, nhưng khổ nỗi, nhà thương Việt Pháp này cũng không có thuốc men gì vì
đường giao thông với Sài Gòn và Hà Nội đều bị máy bay Mỹ bắn phá dữ dội. Một
bác sĩ Việt Nam nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp, với nhiều cảm tình vì cùng
chung màu da vàng, cùng chung mặc cảm thù ghét người tây phương da trắng, đã đô
hộ Việt Nam gần một trăm năm, bây giờ hy vọng Nhật Bản với sức mạnh quân sự,
xóa bỏ dùm cho các dân tộc Á Châu bị trị từ lâu, dành lại độc lập về chính trị
và ngẩng mặt ngang hàng với người tây phương da trắng. Trên chiếc xe đạp cọc
cạch, ông ta chở tôi đi lên chùa Thiên Mụ vãng cảnh và buổi trưa vào chùa, giữa
chánh điện, quỳ dưới chân Ðức Phật, để sám hối, để lòng mình trống rỗng.
Sức khỏe tôi có phục hồi lại được chút đỉnh. Trong dịp gặp
ông đại sứ Nhật, tôi xin phép về Nhật để cùng chịu với dân tộc tôi trong cơn
khốn cùng, quyết liệt chống trả lại sự xâm lăng của kẻ thù và không chịu cái
nhục thua trận. Ông đại sứ vỗ vai tôi thân mật nhưng lắc đầu buồn bã và yêu cầu
tôi ở lại làm việc cho tới giờ phút cuối cùng.
....
12 tháng tư năm 1945. Khá lâu tôi không muốn ghi chữ nào
trên cuốn nhật ký này. Tôi muốn quên tất cả. Tôi muốn dối với chính tôi. Nhưng
chiều nay, trong lúc tìm kiếm một vài hồ sơ trong kệ sách, tôi lại tìm thấy bức
tranh tôi vẽ cảnh Chùa Cầu ở Hội An, ngày Vưu Tuyết Anh bị Hiến binh bắt. Bức
tranh này, khi trở về Huế trong tâm trạng rối bời, âu lo mọi chuyện, tôi đã
quên nó, vứt nó vào góc tường với bao sách vở, vật dụng, giấy má. Nay tìm thấy
lại, ngồi nhìn bức tranh mờ ảo trong sương mai, tôi chợt ngộ ra lẽ vô thường
của vũ trụ và kiếp nhân sinh trong tinh thần từ bi của Ðức Phật. Tôi cũng như
mọi người, đã tạo nghiệp, bây giờ nên thanh thản trả nghiệp cho chính mình. Tôi
thấy hình như thấp thoáng trong tranh, bóng dáng Vưu Tuyết Anh. Nàng còn hay
mất? Tôi tự hỏi chính tôi nhiều lần, tôi không biết trả lời làm sao cho chính
mình và tôi đứng lên, treo bức tranh lên tường.
....
6 tháng 8 năm 1945. Ðêm nay tự nhiên tôi thao thức, trằn
trọc hoài. Linh cảm như báo cho tôi biết một chuyện gì quan trọng lắm, sắp xảy
ra cho đời tôi. Buổi sáng khi tôi uể oải ngồi một mình uống chén trà mạn sen,
thì anh bạn đại úy bên Tùy Viên Quân Sự xô cửa bước vào, nói hổn hển:
- Moru, Mỹ vừa thả bom nguyên tử xuống Hiroshima.
Vừa nói xong, anh ta ôm mặt, khóc rống lên, té nhào xuống
đệm ghế bên cạnh, thở hồng hộc như người lên cơn suyễn nặng. Tôi đứng bật lên,
rớt chiếc chén trà xuống sàn nhà, vỡ tan. Hình như tôi ngất đi lâu lắm. Khi
tỉnh dậy, bốn bề yên lặng. Anh bạn đại úy bên Tùy Viên Quân sự cũng không còn
trên ghế nệm nữa. Tôi lảo đảo ôm đầu trong hai cánh tay run rẩy, đi như kẻ
không hồn. Thế là hết. Những lo sợ ngấm ngầm trong tôi từ lâu nay đã là sự
thật. Nước Nhật phải trả cái giá của kẻ gây nên chiến tranh, chết chóc, tàn
phá. Bây giờ dân tộc Nhật phải nhận cái quả của tội lỗi mình gây nên. Bây giờ
tôi không trách cứ ai cả, tôi cũng phải gánh chịu cái trách nhiệm này với mọi
người, vì tôi đã câm nín, đã đồng lõa trong các tội phạm gây nên bởi chiến
tranh, do người Nhật chúng tôi tạo nên.
....
9 tháng 8 năm 1945. Quả bom nguyên tử thứ hai thả xuống
Nagasaki. Hai quả bom nguyên tử đã rơi xuống trên đầu dân tộc Nhật Bản của tôi.
Có bao nhiêu người chết, nhiễm bụi phóng xạ trong hai thành phố đã thành bình
địa? Giới quân sự chủ trương chiến đấu tới giọt máu cuối cùng, vẫn cương quyết
không để cho Thiên Hoàng đầu hàng vô điều kiện trước quân thù. Thà chết hơn
sống nhục. Trí óc tôi như thể tê liệt nhưng tận cùng trong tâm khảm, tôi tự
hỏi, tương lai của dân tộc và đất nước tôi, có nên đặt vào canh bạc xả láng này
không?
Tôi lại rơi vào những cơn mê loạn. Tôi không có can đảm dùng
thanh gươm mổ bụng tìm cái chết như các bạn nhà binh của tôi. Tôi đi tìm khẩu
súng lục nho nhỏ tôi cất trong xách tay, chưa một lần dùng đến. Thôi lần này
tôi sẽ dùng nó kết liễu cuộc đời của tôi, để không còn khắc khoải, bứt rứt
hoài. Nhưng oái oăm thay, súng của tôi không còn viên đạn nào nữa. Ghép đạn
trống rỗng. Tôi chợt nhớ, từ lâu, tôi có bao giờ dùng đến súng đạn đâu!Tôi gọi
xe kéo chở cho tôi qua nhà thương, đường sá vắng lặng, không một bóng người
ngoài đường. Tôi đi bộ lang thang, qua cầu Trường Tiền, nhìn xuống dòng nước bình
yên của dòng sông Hương. Tôi nghĩ, hay mình nhảy xuống sông này, kết liễu cuộc
đời cho xong chuyện. Tôi lại nhớ, tôi là một tay bơi lội cừ khôi, dù có rớt
xuống nước, trong bản năng sinh tồn, tôi lại bơi vào bờ. Chung qui tôi hèn
nhát, sợ chết.
Tôi đi dọc theo bờ sông, đi qua một khách sạn, đi qua các
trường học. Hình như có năm ba người đi xe đạp ngang qua, nhưng ai cũng đạp
nhanh, hối hả. Hình như có tiếng thắng xe đằng sau tôi và một giọng nói quen
thuộc, tiếng Pháp, nhỏ nhẹ:
- Moru, lên xe, em đưa anh đến nơi tạm trú an toàn
trong lúc này.
Tôi giật mình quay lại, trời ơi! Vưu Tuyết Anh. Tôi tỉnh hay
mê. Tôi bước đến ngồi lên sau xe và nàng đạp xe đi. Nàng đưa tôi đến một căn
nhà gạch nho nhỏ, trong một xóm gần nhà thờ Thiên Chúa Giáo Phú Cam. Sau này
tôi mới biết đây là Xóm Kho Rèn, An Cựu. Tuyết Anh ngừng xe, bước xuống, đi
chân thấp chân cao. Tôi chợt xót xa.
4
Khi quân đội Trung Hoa đến Huế giải giới đoàn quân chiến bại
Nhật Bản, Moru quyết định ra trình diện, trong lúc đó Tuyết Anh ngăn cản, nàng
nói:
- Họ sẽ giết anh, anh Moru ạ. Em không muốn mất anh, cuộc
đời chúng ta đã trải qua quá nhiều thảm cảnh, anh còn muốn đi vào tận cùng của
đáy địa ngục hay sao?
- Cám ơn em. Cả một đời anh luôn luôn chống bạo lực, đề cao
tính thiện của con người, nay nếu phải chết vì bạo lực, thì âu cũng là cái
nghiệp mà thôi!
Nước mắt của Tuyết Anh đã giữ chân Moru một thời gian. Nhưng
cũng chính do sự sắp xếp của Tuyết Anh, liên hệ với các giới chức chỉ huy Trung
Hoa trong đoàn quân giải giới, Moru được bảo đảm sẽ được xét xử minh bạch, công
bằng theo luật lệ, chứ không bị trả thù. Moru an tâm ra trình diện và được đưa
vào nhà tạm giam chờ đợi lệnh.
Các biến cố chính trị dồn dập xảy ra tại Việt Nam khi thế
chiến thứ hai vừa chấm dứt. Moru và các cựu viên chức trong Tòa Ðại Sứ Nhật tại
Việt Nam bị đưa vào Ðà Nẵng, lên tàu thủy dẫn độ về Nhật ra tòa án Ðồng Minh
xử các tội phạm chiến tranh. Tuyết Anh theo Moru đi
vào Ðà Nẵng, chen chúc trong đám đông, nàng la thật to lên cho Moru nghe:
- Anh nhớ liên lạc với em theo địa chỉ ở Hội An. Em cầu
nguyện cho anh được an bình và chúng ta có ngày gặp lại nhau.
Moru chỉ kịp đưa tay chạm vào tay nàng đưa tới, rồi bị những
người đi sau đẩy đi. Nàng nói vói theo:
- Em vẫn còn giữ bức tranh Chùa Cầu em tìm thấy trong phòng
anh. Em sẽ giữ gìn bức tranh này cho anh, chờ ngày gặp lại anh.
Moru bị đẩy xuống xà lan đưa ra tàu lớn đậu ngoài xa. Qua
màn nước mắt, Moru thấy Tuyết Anh vẫy tay, vẫy tay, rồi mất hút trong đám đông.
Về đến quê hương, Moru và các bạn bè bị đưa ngay vào nhà giam trên đảo Okinawa,
chờ ngày ra tòa. Sáu tháng sau, trong một phiên tòa án quân sự chóng vánh trong
hai tiếng đồng hồ, Moru bị kêu án tù ở hai năm.
Qua những tờ báo bằng tiếng Anh của quân đội chiếm đóng Mỹ,
Moru biết được Việt Nam đang rơi vào cuộc chiến tranh dành độc lập với Pháp.
Những bức thư gởi qua Việt Nam cho Tuyết Anh như những cánh chim bay vào không
gian bão lửa, bị thiêu đốt ở một nơi nào đó, không một hồi âm. Moru quay quắt trong
chờ đợi tuyệt vọng. Moru hiểu rõ và chia xẻ với Việt Nam trước sức bạo tàn,
chết chóc của chiến tranh. Hai năm nằm trong nhà tù dài đằng đẵng như hai thế
kỷ.
Ngày được ra khỏi nhà tù, Moru vội vàng về thăm quê hương,
cố đô Kyoto, nay buồn thảm, đìu hiu trong vắng lặng. Moru muốn đến thăm và thắp
nén hương tưởng niệm những nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki,
nhưng ông không xin được phép đến đó, nơi vẫn còn bụi phóng xạ nguy hiểm cho
sức khỏe công cộng. Moru cũng nóng nảy muốn bay qua Việt Nam tìm Tuyết Anh,
người đã hy sinh tất cả cho tình yêu, nhưng bây giờ số phận nàng không biết ra
sao trong chiến tranh. Moru cũng bị từ chối cấp chiếu khán xuất ngoại, giản dị
là ông là người mới từ nhà tù ra. Vả lại Việt Nam đang trong cơn tàn phá dữ dội
của chiến tranh.
Moru tuyệt vọng, chỉ còn biết cầu nguyện cho người yêu qua
khỏi cơn nguy khốn, mong một ngày gặp lại nhau. Mãi đến mùa hè năm 1952, Moru
mới được phép trở lại thành phố xưa cổ Hội An trong lo âu, hồi họp. Người phu
xích lô chở ông đến một ngôi nhà lầu hai tầng ở đường Quảng Ðông, theo địa chỉ
ông đưa. Ông đứng gõ cửa, rồi đấm cửa thình thịch, lâu lắm mới có một bà, có lẽ
làø quản gia ra hỏi:
- Ông tìm ai?
Moru trả lời bằng tiếng Quan Thoại. Bà già lắc đầu, không
hiểu. Moru nói qua tiếng Pháp, bà già lại lắc đầu. Bà ra dấu bảo ông đứng chờ,
bà chạy vào nhà kêu người khác. Một lúc khá lâu, một người thanh niên khoảng
hơn ba mươi tuổi, đi ra, hỏi bằng tiếng Triều Châu:
- Xin lỗi ông tìm ai?
Moru hiểu được phần nào tiếng Tiều bèn trả lời:
- Tôi là bạn thân của cô Vưu Tuyết Anh, trước năm 1945 ở
Huế. Tôi muốn tìm cô Vưu Tuyết Anh?
Người thanh niên quay qua bà quản gia thầm thì với nhau một
chốc, rồi trả lời:
- Bà Vưu Tuyết Anh là dì của tôi. Dì Tuyết Anh mất cách đây
năm năm, cuối năm 1947, khi đi tản cư từ miền núi về. Dì bị bệnh sốt rét mà
không có thầy thuốc chữa bệnh.
Moru nghe xây xẩm mặt mày. Tờ giấy ghi địa chỉ ông đang cầm,
rớt xuống sàn nhà. Ông cúi xuống lượm, thấy tay mình run và nghe tim đau nhói
trong lồng ngực. Người thanh niên nói:
- Xin mời ông vào nhà. Thưa ông có phải ông là Moru
Ashahito, người Nhật?
- Vâng, tôi là người Nhật, tên tôi là Moru Ashahito, đúng
vậy. Mấy năm trước đây tôi có gởi nhiều thư qua cho cô Vưu Tuyết Anh, anh có
nhận được không?
- Vâng, chúng tôi có nhận nhiều lá thư gởi cho dì tôi, nhưng
dì đã mất, chúng tôi để những lá thư đó trên bàn thờ dì.
Moru đứng lên xin phép người thanh niên, thắp một cây hương
trên bàn thờ Tuyết Anh. Nhìn chiếc ảnh bán thân mờ ảo, Moru xúc động, cây hương
trên tay rung lên trong nỗi xúc động. Moru thầm khấn vái:
- Tuyết Anh, anh trở lại tìm em, chỉ còn được nhìn lại di
ảnh em. Anh yêu em. Xin vĩnh biệt em. Anh xin nguyện cầu em siêu thoát trên
miền Cực lạc.
Có lẽ Moru đứng khá lâu. Tiếng người thanh niên làm ông giật
mình:
- Xin mời ông lại bàn khách dùng chén trà.
Người thanh niên đi vào nhà trong, một lúc khá lâu trở ra,
mang bức tranh trên hai tay, nói:
- Dì tôi trước khi mất có dặn, nếu ông có qua, gởi lại ông
bức tranh này.
Bức tranh vẫn còn nguyên vẹn. Khi Moru ra về, người thanh
niên cho bức tranh vào một chiếc bao bằng vải, trao cho ông.
Moru đi bộ dọc theo đường bờ sông, lên Chùa Cầu. Nhìn ngôi
chùa sau hơn tám năm, Moru xúc động như gặp lại Tuyết Anh thấp thoáng đâu đó.
Mái chùa đầy rêu xanh thẫm đen. Bức tường vôi ngã màu loang lổ. Moru ngồi xuống
chiếc ghế đá cũ kỹ, nhìn mãi ngôi chùa vắng lặng trong buổi chiều.
Gió lành lạnh từ sông Thu Bồn thổi vào. Có lẽ trời sắp mưa.
Moru đứng lên đi dọc theo đường bờ sông, nhìn dòng sông vẫn lững lờ chảy./
Xuân Đỗ
Mùa Xuân Giáp Thân 2004
(Kỷ niệm chuyến đi San Francisco thăm cháu nội Emily)