Tiếng động bên ngoài cửa sổ làm tôi giựt mình thức giấc. Hồi
chiều làm việc mệt quá, tắm xong lên giường đánh một giấc thẳng cẳng, lúc ngủ
tôi quên kéo màn cửa và quên tắt đèn nên khi mở mắt ra thấy ánh sáng tràn ngập
căn phòng. Tuy mắt nhắm mắt mở nhưng tôi cũng thấy bóng của con chim đập cánh
phành phạch bên ngoài khung kiếng. Tốc mền ngồi dậy, tôi bước xuống giường, đi
nhanh ra ngoài. Không kịp bận đồ ấm nên vừa mở cửa bước ra boong, khí lạnh tạt
vào người làm nổi da gà, gồng mình chịu lạnh, tôi bước nhanh ra phía ngoài cửa
sổ để cứu mạng con chim. Tới nơi tôi thấy con chim vẫn còn vẫy cánh phành phạch
như muốn tông bể cửa kiếng để chui vào trong, tôi bèn đưa hai bàn tay hốt lấy
con chim. Khi tôi day trở lại, vô ý vấp phải cái nắp hầm té nhào. Vẫn cầm chặt
con chim trong hai lòng bàn tay, tôi chống cùi chỏ, lồm cồm đứng dậy và đi
nhanh trở vô trong phòng.
Một tay cầm con
chim, một tay vuốt bộ lông mướt rượt của nó, thấy nó còn khoẻ mạnh, tôi buông
nó ra, nó liền bay đậu trên kệ sách. Cho nó đậu nghỉ mệt, tôi xem lại mình mẩy
của mình, cùi chỏ bị trầy một chút nhưng không bị thương tích gì hết, chỉ có áo
quần bị ướt và lấm lem, tôi đi lại mở hộc tủ lấy áo quần sạch ra thay. Thay đồ
xong tôi đi tới kệ sách đưa tay định bắt con chim, nhưng nó né ngang và quạt
cánh một cái, bay phóng xuống đậu trong góc phòng. Tôi nghĩ, chắc tại nó còn sợ
nên hốt hoảng, tôi không đụng tới nó nữa. Tôi ngồi chồm hổm quan sát con chim,
trông nó mập mạp, đuôi dài xoè ra, lông màu xám trông cũng khá đẹp. Nhìn
hai bàn chưn tôi biết nó không phải là loài chim sống trên biển, những loài
chim sống trên biển thường có bàn chưn da liền ngón, giống như chưn con vịt.
Nhưng bàn chưn chim này giống chưn gà, đôi chưn khẳng khiu, hơi dài và
thân hình nó lớn hơn con chim sẻ. Có lẽ đây là chim nhại, loài chim
có biệt tài bắt chước tiếng hót của những loài chim khác rất hay, không
phá hoại, không hận thù chỉ biết tập trung nhiều tiếng hót bằng cả
tấm lòng thành những khúc nhạc cho người ta thưởng thức... Để nó ở đó,
tôi đứng dậy, tắt đèn, leo lên giường nằm. Biết chim không thể nào hót
được trong lúc này, nhưng tôi hy vọng nghe tiếng của nó. Chờ một hồi
tôi ngủ thiếp đi hồi nào và bao lâu hổng biết. Tới khi con chim làm gì mà
phát ra tiếng ực ực ực ực... cứ liên tiếp làm tôi chợt thức và không sao ngủ
lại được. Tôi ngồi dậy mở đèn, cúi xuống nhìn con chim, không nghe tiếng ực ực
nữa, trông nó có vẻ rụt rè sợ sệt, nhưng không có vẻ bịnh đau gì hết. Tôi bận
quần dài và choàng áo ấm, đi xuống kho chứa đồ tìm lấy thùng giấy đem lên và bắt
con chim nhốt lại. Tôi bưng thùng chim ra để sau lái tàu, chỗ khuất gió, chờ trời
sáng thả nó đi.
Tôi đứng lên nhìn
ra biển, không biết mấy giờ mà mặt biển tối đen, bầu trời đầy sao. Hồi sớm thấy
trăng lưỡi liềm, nhưng bây giờ trăng lặn đâu mất. Mới qua tết tây hơn một tuần,
năm nay tết ta nhằm cuối tháng một tây, vậy là hết con trăng này thì tới tết
Nguyên Đán rồi.
Xa xa về phía đất
liền, đèn của làng xóm thì tỏa ra chòm sáng yếu ớt, đèn của thành phố lớn thì tỏa
ánh sáng rực rỡ hơn và dải đất liền thì còn ẩn trong bóng tối. Biển lặng im
phăng phắc, không khí lạnh của mùa đông ven bờ biển nước Ý không quá khắc nghiệt
như trong vùng Baltic. Lạ thiệt, không hiểu sao đêm nay không thấy bóng đèn của
tàu buôn nào và luôn cả những ghe đánh cá cũng biến đâu mất hết, làm cho biển vắng
vẻ trầm buồn càng buồn thêm. Lâu lắm rồi tôi không có cảm giác nhớ nhung, nhưng
đêm nay, có lẽ vì con chim và sự quạnh hiu của biển đã gợi trong tôi niềm nhớ.
Nhớ mấy năm trước
tôi có về Việt Nam, cũng vào những ngày này, nghĩa là trước Tết ta vài tuần.
Tôi ở nhà thằng cháu họ, nhà nó ở miệt vườn miền Tây Nam phần. Nó là một Phật tử
nhưng không ăn chay trường, cuộc sống giống như một cư sĩ, hay giúp đỡ người khốn
khó, nhưng ai gọi nó là người tu hành nó hổng chịu. Nó không bao giờ vào những
ngôi chùa nào có tổ chức lễ phóng sanh, nó nói:
– Phóng sanh gì
chú ơi, sát sanh thì có. Chú tới những ngôi chùa có lệ phóng sanh nhằm ngày rằm,
ngày lễ lớn, chú sẽ thấy từ trong sân chùa ra tới ngoài cổng chùa cá nước, chim
trời nằm chết ngổn ngang.
Những ngày thường
nó thấy ai bán chim là nó mua đem về thả. Những ngày lễ lớn, nó cũng bỏ ra một
số tiền, mua những con chim người ta bán để phóng sanh đem về thả ra sau vườn,
con nào còn khoẻ mạnh thì cho bay đi, con nào bị người ta nhổ lông cánh thì nó
cho bay nhảy sau vườn, nó để thóc gạo cho ăn, khi nào lông mọc lại đầy đủ và
khoẻ mạnh thì cứ tự nhiên bay đi đâu thì bay.
Nó nói:
– Những con
chim bị người ta cắt cánh hổng bay được xa, để người ta thả ra và dễ
dàng bắt lại:
– Phóng sanh
rồi bắt lại, đạo lý gì ở đây?
Vườn nhà của thằng
cháu có rất nhiều chim, ngoài những con chim bị người ta cắt lông cánh bay
không được xa ra, có lẽ những con chim khác nó thả không chịu bay đi vì còn lưu
luyến mảnh đất lành, đất lành chim đậu là lẽ đương nhiên.
Những ngày mới về
mỗi sáng, mỗi chiều tôi nghe tiếng chim kêu om xòm trời đất làm tôi có hơi bực
bội, nhưng ở vài tuần thì nghe quen, cảm thấy vui tai, tâm trí rất thoải mái và
rất bình an. Những tháng ngày đi xa, mỗi khi nhớ quê, cũng như đêm nay, tôi lại
nhớ tiếng chim kêu rộn rã vào buổi sáng và buổi chiều nơi miền quê ấy.
Lại nhớ miên
man tới những cái am trên trên đỉnh núi, những ngôi chùa ngoài hải
đảo xa xôi. Tôi rất thích những ngôi chùa nép mình bên đồi núi, thấp
thoáng trong rừng cây, có mây mù bao phủ. Nơi đó có những người tu
hành áo lam, áo nâu bạc màu, sờn vai cũ kỹ. Suốt ngày lam lũ, cuốc
đất trồng khoai, tỉa hành, tỉa rau, tưới đậu và sống cuộc đời đạm
bạc. Ăn cơm rau rừng, uống nước mưa, tắm nước suối, trông rất hiền
từ, không toan tính nọ kia. Nơi núi rừng đó chim muôn, chuột, thỏ, gà
rừng sống rất yên bình. Chúng không sợ những tên đồ tể, đầu trọc
lóc, đội mão quốc sư, tay cầm tích trượng, bận áo cà sa, ăn, uống
cho cố, tên nào tên nấy mập như heo, có gái đẹp đi theo hầu hạ. Đã
vậy còn bày vẽ tùm lum, biến chùa chiền thành nơi buôn bán thú vật,
thành lò sát sanh. Nghĩ tới đây, tôi phát rùng mình, nổi da gà.
Tôi ngó vô bờ,
trong kia là dải đất liền của nước Ý, dân Ý theo đạo Thiên Chúa, đạo Chúa không
cấm ăn thịt thú vật, không bắt buộc tín đồ ăn chay. Nhưng chim chóc nơi đây có
đời sống bảo đảm và rất an toàn.
Nghe thấm lạnh,
tôi day lưng định đi vô, chợt nghe tiếng con chim vùng vẫy rột rẹt trong thùng.
Hổng được! Chợt nhớ ra, tôi đã từng chứng kiến nhiều con chim chết trên thành cửa
sổ cũng vì lao vào ánh sáng đụng phải cửa kiếng hoặc bị nhốt trong chỗ chật hẹp,
chúng đập cánh tìm cách thoát thân, vật vã đến khi mệt mỏi rồi chết.
Tôi day lại, cúi xuống mở thùng ra, nhè nhẹ bắt con chim
trong hai lòng bàn tay. Tôi đứng lên đưa thẳng hai tay về phía đất liền và nói
với con chim:
– Mày bay vô đất
liền đi, những nhà thờ ở trong đó hổng có lệ phóng sanh, dù sao trong đó cũng
an toàn hơn, đừng bay ra biển, biển hổng phải là môi trường sống cho loài chim
như mày, nguy hiểm lắm.
Buông con chim ra:
– Gút bay chim
nhé.
Chim liền vụt bay
lao vào bóng tối, mãi tới giờ tôi mới nghe tiếng nó kêu. Tiếng kêu rộn ràng âm
vang giữa bóng đêm. Tôi có cảm tưởng như con chim vui mừng lắm và làm tôi cũng
vui lây.
Địa Trung Hải, tháng Giêng 2017
Nguyễn Lê Hồng
Hưng