Bạn tôi thích nuôi gà nòi nhưng không thích môn gà chọi. Anh nói đó là một
hình thức cờ bạc và hành hạ súc vật, dính líu tới tứ đổ tường nên anh tránh xa.
Trước 75, anh là sĩ quan biệt phái dạy Triết tại một trường tư thục Sài Gòn.
Sau 75, anh nghĩ mình thuộc thành phần “biệt phái” chắc không sao. Ai dè khi
khai báo với ban Quân quản anh bị ghép vào tội “làm việc cho CIA”. Ôm nỗi oan
ức đó anh đi tù cải tạo từ Nam ra Bắc suốt 10 năm ròng. Lúc trở về mới biết nhà
cửa, cha mẹ không còn, vợ theo người khác vượt biên ra hải ngoại, anh trở nên
bất đắc chí lên Ban Mê Thuột ẩn cư, giúp người chị dòng con lớn làm ruộng rẫy
cho qua ngàỵ đoạn tháng.
Không nghề nghiệp, tuổi dời lại khá cao nên anh sống âm thầm như chiếc bóng.
Người chị dòng lớn cũng không thua gì anh. Chồng chết trận ở Kontum năm 1972
trong một trận đánh dưới chân núi Ngok Linh. Hai đứa con lớn đã lập gia đình
trở ngược ra Hà Nội sinh sống làm ăn, nhà chỉ còn thằng Út khờ. Người ta nói
chị Luyến bị trầm cảm sau cái chết của chồng đã ảnh hưởng đến bào thai, phải
sanh mổ. Thằng Út lớn lên, tuy to con lớn xác như bố nó nhưng đầu óc lại khờ
khạo, chỉ được cái nết dễ bảo dễ nghe lời mẹ. Từ ngày có anh về sống chung chị
cảm thấy bớt neo đơn, nhà cửa cũng bớt trống trải. Lúc vào vụ mùa năm 1986, tôi
gặp anh tại xã Chi Lăng.
Chi Lăng cách Ban Mê Thuột 7 cây số, nằm ở phía Tây Nam đi Bù Đăng, Bù Đốp.
Xã được hình thành sau cuộc di cư vĩ đại năm 54 của đồng bào miền Bắc vào Nam.
Gia đình bố mẹ tôi nằm trong chuyến di cư vô tiền khoáng hậu đó. Sau biết bao
dâu bể đổi dời, đến nay xã tương đối trở nên sung túc hơn.
Nhớ lại năm 1965, cũng như biết bao thanh niên rường cột của nước nhà, tôi
lên đường nhập ngũ tòng chinh, chiến đấu ngoài mặt trận cho đến ngày mất nước.
Sau 30 năm chiến tranh tương tàn, có quá nhiều sự hy sinh từ hai phía. Những kẻ
sống sót thuộc thành phần “ngụy quân ngụy quyền” đều đi tù cải tạo.
Ngày 10 tháng 3-1975, trên đường tiếp viện từ Buôn Hô về Ban Mê Thuột, tôi,
bình nhì “đơ-dèm cùi bắp” thuộc Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân, bị bắt làm tù binh
đi tù từ Méval tới Củng Sơn mất 5 năm mới được thả về. Trở về mảnh đất Chi Lăng
xưa, tôi nai lưng làm đủ thứ nghề: đẩy xe thồ, vá lốp xe đạp, sửa xe máy, thợ
hồ, thợ cưa, nấu rượu lậu… Mãi đến năm 1986, trời thương tôi mới đổi qua nghề
lái máy cày, cày thuê ngoài đồng. Một hôm trên đường về tôi gặp một người đàn
ông đang cuốc đất sau vườn nhà chị Luyến, láng giềng của tôi.
Đất Chi Lăng là đất tôi thuộc nằm lòng nên ai đi ai ở, ai mới tới, ai làm gì
tôi đều biết hết. Gặp người nào lạ mặt tôi hay để ý tới. Chẳng làm gì, chỉ tò
mò một chút thế thôi. Riêng người lạ mặt này, thoạt nhìn tôi biết ngay anh ta
ra dáng trí thức hơn là con nhà nông chân lấm tay bùn. Sau này quen thân, tuy
sống đời cần lao đạm bạc nhưng lúc nào anh cũng ăn mặc tươm tất, nói năng thì
ôn tồn, nhỏ nhẹ và hiểu biết rất sâu sắc về nhiều khía cạnh của cuộc đời đầy hệ
lụy này. Xưa nay tôi sẵn máu lính rằn ri ba trời bốn trật, nói năng vụt chạc,
quen thói du côn, vậy mà một người trí thức mang cặp kính cận dầy cộm như anh
lại coi tôi như bạn bè thân thiết, thật khó tin. Đã vậy, tính tôi đã làm là làm
cật lực nhưng cuối tuần lại thích la cà nơi trà lầu tửu quán; còn anh và thằng
Út suốt ngày ở ngoài đồng về là giúp chị Luyến trồng thêm luống khoai, luống
cải và trông chừng bầy gà của chị; nhất là con gà chọi của anh mua từ một người
túng tiền bán lại. Từ đó con gà xa hẳn trường gà đấu đá sinh tử vô chừng. Có
thể nói anh coi con gà nòi là bạn bè chí cốt của anh. Thế đấy. Thế mà cái gì
tới là tới, đi là đi, không ai trên đời này biết trước được việc gì sẽ xẩy ra.
Mỗi buổi sáng trước khi đi làm tôi hay ra sau hè tập thể dục. Sáng nay đang
dợt lại vài đường quyền, nhìn qua hàng rào tôi ngạc nhiên thấy anh đứng chết
trân từ hồi nào, ánh mắt thất thần, tay ôm con gà nòi mềm oặt. Nằm la liệt
trắng cả mặt đất là bầy gà đang oằn oại giẫy chết.
Và tôi nhận thấy trong nỗi cô đơn của anh, phảng phất nỗi tủi phận của một
người sa cơ thất thế, không phù hợp với nghề mô phạm vốn có của anh. Tội
nghiệp. Mỗi sáng anh và thằng cháu vẫn lủi thủi ra đồng đều đặn. Vẫn dáng vẻ
tận tụy, cần mẫn. Chiều về giúp chị cơm nước xong xẫm tối lại lo cho đàn gà và
con gà nòi lên chuồng. Đôi lúc, tôi ái ngại cho hoàn cảnh của anh, như sáng nay
thấy anh đứng chết trân, mắt nhìn trời nặng màu chì.
Hỏi ra mới biết trước khi ra đồng gieo lúa, tối hôm qua anh và chị Luyến pha
thuốc rầy (mitox) trộn vào 3 thúng lúa để tránh chuột bọ phá hoại mùa màng. Mờ
sáng hôm nay anh bưng lúa ra sân rồi trở vô ăn sáng trước khi ra đồng. Bầy gà
trong chuồng vô tư đi tìm thức ăn mỗi sáng như thường lệ, thấy thúng lúa ngon
lành chúng đua nhau mổ ăn bằng thích. Thế là…
Chị Luyến hiền hậu, đảm đang, xưa nay chưa từng gặp phải tình huống thê thảm
này, mặt cứ tái mét ra. Tiếc của, chị nuốt nước mắt cùng thằng Út lặng lẽ hốt
xác chúng vô bếp trụng nước sôi nhổ lông làm thịt. Anh khuyên cách mấy chị cũng
không nghe. “Chưa ngấm thuốc vào đâu mà sợ. Tôi sát muối rửa sạch ruột gan, ăn
có mà chết ai, chú đừng lo”, giọng chị cay đắng.
Xế chiều đi cày thuê về, tắm rửa xong tôi chạy vội qua nhà chị Luyến coi sự
thể ra sao thì thấy cả nhà đang cúng kiếng. Một cái bàn mộc phủ tấm nylon trong
suốt, đặt giữa nhà. Trên bàn, cặp đèn cầy trắng cháy lung linh, một bát nhang
huyền hoặc tỏa khói, hai đĩa cơm trắng, một bát canh rau đay, một dĩa rau muống
luộc và một bát mắm tép. Bên cạnh đó, cái dĩa oval bằng xứ, men đã tróc, trên
đĩa có con gà nòi trụi lông nằm lặng, đầu cổ bẻ dụi dưới cánh như trốn khỏi
cuộc đời sắc sắc không không, vật khinh hình trọng này.
Trong cái yên ả bùi ngùi của buổi chiều tà, căn nhà như chìm trong cô tịch
và hai chị em cùng sững sờ, nỗi đau mất mát tràn lên hai gương mặt già nua, héo
hắt đến tội nghiệp. Nhưng vừa nhìn thấy tôi đứng dựa cột ở ngoài hiên, anh và
cả chị Luyến vội ra ngoài mời tôi vào nhà sơi nước. Vừa kéo ghế chưa kịp ngồi
xuống đột nhiên anh lên tiếng làm tôi chưng hửng: “Bạn hiền cho mình xin điếu
thuốc”.
Quen biết anh lâu nay tôi chẳng hề thấy anh hút thuốc, nhậu nhẹt, hay bù khú
với ai bao giờ. Nhưng vì nể bạn tôi móc bao thuốc lá 555, chìa ra một điếu, mời
anh. Anh cám ơn rồi trịnh trọng rút ra một điếu đặt hờ trên môi, chìa vào ngọn
bạch lạp châm thuốc… Rít khẽ một hơi, phà ra thoảng khói xong anh cắm phần đầu
lọc điếu thuốc vào bát nhang.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh cười nói “để sưởi ấm linh hồn bạn tôi”. Rồi anh
ngâm nga:
Bạn bè có mỗi con gà
Sáng nay ăn phải lúa pha thuốc rầy
Thủng bìu nát ruột chết ngay
Hồn theo ngọn gió thổi bay lên trời
Hôm qua đá lộn trên đồi
Gà rừng mà cũng có hồi chạy re
Tiếng gáy giạt cả rừng le
Át cả tiếng rít trong khe núi này
Vậy mà tử mị sáng nay
Bạn bè có mỗi mình mầy đấy thôi
Chết gà tôi lại đơn côi
Giân thôi trách đất than trời như ca
Nay tôi làm cỗ con gà
Nhắp chung rượu đế gọi là nhớ nhau.
Bài lục bát chỉ có 14 câu nhưng cũng đủ để giọng anh lên bổng xuống trầm, lúc
ngân nga lúc sang sảng như một người lên cơn đồng thiếp.
Tôi qua thăm gia đình chị Luyến những lúc cơ nhỡ như thế “thật là quí hoá”,
như anh nói, tôi đến đúng lúc như một người bạn tri âm để anh trút hết tâm tình
bằng một bài điếu thi. Liền đó, anh như trở về với cung cách của một nhà mô
phạm, nói thật hay:
Gà là một sinh vật gần gũì với con người. Có lẽ hàng ngày thấy nó quen mắt
nên ít ai để ý đến. Mời tôi sơi nước, anh chậm rãi nói về năm đức tính của gà
mà dốt như tôi chưa từng nghe qua:
Một: mào gà màu đỏ, lông gà rực rỡ tượng trưng về Văn. Hai: đi đứng oai vệ,
đỉnh đạt tượng trưng cho Võ. Ba: thấy địch thủ là xông vào là Dũng. Bốn: tìm
thấy thức ăn liền gọi đồng loại đến chia xẻ là Nhân. Năm: đúng giờ, đúng giấc,
đúng canh liền cất tiếng gáy là Tín.
Sau lần đó tôi từ biệt họ về Sài Gòn phụ ông anh cô cậu dạy võ Karaté miệt
Bà Quẹo. Vì bận huấn luyện cho hàng trăm tân võ sinh nên tôi không có thì giờ
trở về thăm nhà. Nhưng thỉnh thoảng có chút rảnh rỗi tôi vẫn nghe văng vẳng bài
điếu thi và giọng nói ôn hòa của anh vê đặc tính của loài gà. Gần một năm thì
bố tôi trên Ban Mê Thuột báo tin “Thầy giáo E hàng xóm của nhà mình mất vì ngộ
độc”.
Chi Lăng là quê hương thứ hai của anh, dã cưu mang anh những bước đầu anh
đặt chân đến, mọi vui buồn sướng khổ của anh đều dồn về nó, dù neo đơn nhưng
anh vẫn có chị có cháu. Anh sinh ra ở Hà Nội nhưng sống hết lòng và chết bất
như ý ở đất Chi Lăng. Chi Lăng thuộc Ban Mê Thuột, nơi được mệnh danh Buồn Muôn
Thuở. Từ ngày quen biết anh đến ngày từ biệt, tôi chẳng hề thấy anh vui bao
giờ.
oOo
Trên đây là tâm tư của một người lính thuộc Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đóng
tại Ban Mê Thuột, ký tên Tâm Ẩn nhờ tôi “hiệu đính” để đăng trên facebook của
Ngoan Lão, như anh ta mong muốn.
Hôm qua, ngoài những thư từ tạp nhạp, còn có lá thư của người lính này,
không biết ai gửi. Nhìn ngoài phong bì ghi ba chữ “Gửỉ anh T.”, tôi đoán chừng
tác giả ở bên nhà không muốn tiết lộ danh tánh thật và chỗ ở nên nhờ người bạn
nào đó – quen biết tôi – về thăm nhà, khi trở lại Canada nhờ anh ấy trao lại
cho tôi. Tôi cũng nghĩ rằng xã Chi Lăng e chỉ là một địa danh giả tạm.
Đọc xong tôi để nguyên văn câu chuyện đưa vô facebook Ngoan Lão. Tôi không
có “hiệu đính” gì hết, vì tôi nhận thấy sự trung thực bao giờ cũng đáng trân
trọng. Tuy nhiên, nếu có chỗ nào cần sửa lại bố cục và văn phong thì nhờ bạn
đọc ra tay giùm.
Kính thư.
Ký tên
Phan Ni Tấn