Hiện tượng ca sĩ hát sai lời bài hát xảy ra càng lúc càng nhiều, ở trong
nước cũng như hải ngoại. Với đa số khán thính giả, có thể đây chỉ là chuyện
nhỏ, không đáng quan tâm, vì chính họ cũng không biết chính xác lời của bài hát.
Tuy nhiên với một số người quan tâm, nhất là các nhạc sĩ, các tác giả viết ra
bài hát, họ đã buồn lòng không ít về vấn đề này.
Trong bài “Mộng Dưới Hoa”, Nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ “Tự tình
dưới hoa” của thi sĩ Đinh Hùng, câu “Mắt em lả bóng dừa hoang dại”,
nhiều người đã hát thành “Mắt em là bóng dừa hoang dại”. Chữ “lả”
diễn tả một hình ảnh nên thơ đôi mắt của người thiếu nữ đẹp như bóng dừa rủ
xuống. Hát thành “là” thì câu hát hoàn toàn mất chất thơ đi. Có một
giai thoại về chuyện này. Sau khi sáng tác bản nhạc này, nhạc sĩ Phạm đình
Chương thỉnh thoảng có trình diễn bài hát này ở phòng trà Đêm Màu Hồng. Khi hát
đến câu “Mắt em lả bóng dừa hoang dại”, ông đột ngột ngừng lại, rồi nói “Lả
bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi”. Sau đó ông lại say
sưa hát tiếp.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng từng bộc bạch là mỗi lần nghe ca sĩ hát câu đầu của
bài “Chiếc lá cuối cùng” ông hết sức hồi hộp vì nhiều ca sĩ đã hát “Đêm
qua chưa” thành “Đêm chưa qua”. “Đêm qua chưa” là một câu hỏi bâng khuâng,
trước sự chia ly không còn ý niệm rõ rệt về thời gian, trong khi đó “Đêm chưa
qua” đầy tính xác định. Nếu so sánh, “Đêm qua chưa” nghe hay hơn, đầy tính nghệ
thuật hơn là “Đêm chưa qua”.
Cố ca sĩ Quỳnh Giao khi viết về bài hát “Ngọc Lan” của người cha kế là nhạc
sĩ Dương thiệu Tước cũng không kềm được sự bực tức khi một câu trong bài hát đã
bị hát sai hoàn toàn. Trong tạp ghi Quỳnh Giao, bà đã viết:
Không chỉ là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức họa và một đóa
thơm lãng mạn. Ca khúc này được nhiều người trình bày, nam lẫn nữ, nhưng có lẽ
thích hợp với giọng nữ hơn là nam. Ðiều này hơi lạ vì nội dung gợi ý về bậc nam
tử thấy người ngọc trong “giấc xuân yêu kiều” bỗng mê đắm mà… lùi lại để tơ
vương trong tâm tưởng. Ngợi ca đóa hoa như vậy thì phải là nam tử chứ?
Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật đáng thương cho Dương Thiệu Tước, cháu
nội cụ Dương Khuê.
Ông viết nhạc đã hay mà dùng chữ rất tài cho một hậu thế lại coi thường chữ
nghĩa và nỗi dụng công của ông. Khi viết “ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng,
mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và nhạc vào một câu làm người ứa lệ
trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời
sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng
“mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”!
Trong một buổi trình diễn ca nhạc của TT Thúy Nga, nữ ca sĩ TTH tức HT
cũng đã hát “Mạch tương lai sáng”. Rõ ràng là người nữ ca sĩ này hoàn
toàn không hiểu biết gì về ý nghĩa của ca từ này.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là nạn nhân của rất nhiều trường hợp.
Những bài hát của ông ngoài giai điệu mượt mà, trong ca từ ông thường sáng tạo
những từ vựng rất độc đáo, lạ lẫm, tạo nên nét nhạc rất riêng của họ Trịnh.
Chẳng hạn như trong bài “Chiều một mình qua phố”. Khi ông viết “Khi nắng
khuya chưa lên”, ông muốn dùng chữ “nắng khuya” thay thế ánh trăng
lên, thế mà có một nam ca sĩ vì không hiểu nên đã hát “Khi nắng mưa chưa lên”,
làm mất đi cái hình ảnh thi vị đó. Thật uổng cái công sáng tạo chữ nghĩa của
ông.
Trong bài “Quỳnh Hương” có câu “Nụ cười khúc khích trên lưng”, vẽ lên một
hình ảnh rất dễ thương của người thiếu nữ áp sau lưng chàng trai, miệng cười
khúc khích. Nhưng chắc vì quên lời nên một số ca sĩ đã hát cương thành “Nụ cười
khúc khích trên môi”, làm mất đi cái hình ảnh dễ thương đó. Trong bài “Một cõi
đi về”, những chữ “ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì” thì bị hát thành “thổi
xuống” hay “thổi buốt” , sai lạc cả ý nghĩa. Hoặc trong bài “Biết đâu
nguồn cội”, lời của bài hát là “Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm
ngủ”, thì bị hát thành “thấy con trâu đang nằm ngủ”, từ một hình ảnh lãng mạn
hóa thành hình ảnh trần trụi, đời thường.
Nhạc tiền chiến cũng không ngoại lệ. Bài “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng
Dương có quá nhiều câu sai khiến tác giả không ít lần muốn đính chính. “Tiếng
guốc” trong câu “thanh bình tiếng guốc reo vui” bị hát thành “tiếng hát reo
vui”. Với ông, tiếng guốc là âm thanh riêng của Hà Nội, vậy mà thay bằng “tiếng
hát” thì còn gì là Hà Nội nữa. Rồi “Hãy tin ngày ấy anh về” hát thành “Cứ tin
ngày ấy anh về”, và câu “đắm say chờ những kiếp sau…” bị hát thành “đắng cay
chờ những kiếp sau…”.
Trong câu mở đầu đầy chất thơ bài “Bến Xuân” của nhạc sĩ Văn Cao: “Nhà tôi
bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần” đã bị hát thành “em đến chơi một
lần” hay “em đến thăm một lần”, chỉ đổi một chữ mà làm mất hết hồn thơ của câu
hát.
Hiện giờ hầu như các bản in đều in nhầm khiến các ca sĩ đều hát sai câu
“Muôn kiếp bên đàn” thành “Muôn kiếp bên nàng” trong bài “Dư Âm” của nhạc sĩ
Nguyễn văn Tý. Lòng muốn bên nàng nhưng người xưa không muốn nên phải nói tránh
ra là bên đàn, tác giả đã có lần tâm sự, kể lại chuyện tình thời trai trẻ của
ông.
Trong bài “Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn, câu hát “còn nhớ phương
nào hoa đã rơi” đã bị một nam ca sĩ sửa thành “còn nhớ hôm nào hoa đã rơi”.
“Phương nào” nói về không gian, nơi chốn, trong khi “hôm nào”, nói về thời
gian. “Còn nhớ phương nào” nghe thi vị, khoáng đãng hơn “còn nhớ hôm
nào”.
Tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh, ca sĩ được xem diễn tả những sáng tác
của Phạm Duy hoàn hảo nhất cho đến chính tác giả cũng phải khen ngợi là
không ai có thể thay thế được, thỉnh thoảngvẫn tự ý sửa lời bài hát, hoặc hát
sai khi trình diễn . Có trường hợp nhờ bị sửa mà câu hát trở nên sâu sắc hơn,
có ý nghĩa hơn, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Chẳng hạn như bài “Cho Nhau”, Phạm Duy viết:
Cho nhau ngòi bút cùn trơ….
Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già
Thái Thanh hát:
Cho nhau ngòi bút còn lưa….
Cho nối đêm mơ về già
Lưa là chữ cổ, có nghĩa còn sót lại, nhưng mang một âm thanh u hoài, luyến
lưu, tiếc nuối. Dĩ nhiên ngòi bút cùn trơ mang ý nghĩa chính xác hơn, nhưng
nghe không thi vị bằng ngòi bút còn lưa. “Cho nốt đêm mơ về già” có nghĩa là
cho hết đi, không còn chừa gì cả, nhưng “Cho nối đêm mơ về già”, nghe sâu nặng,
thủy chung hơn.
Phạm Duy viết: Cho nhau thù oán hờn ghen.
Cho nhau cho cõi âm ty một miền.
Thái Thanh hát: Cho nhau cho nỗi âm ty một miền.
Chữ “nỗi” mang ý nghĩa sâu xa, hay hơn chữ “cõi”. Vì từ “cõi” một ý niệm hữu
hình về không gian, tuy có vẻ bao la nhưng hữu hạn. Còn “nỗi”, một ý niệm vô
hình, diễn tả tâm trạng con người, tưởng chừng như nhỏ bé so với “cõi” không
gian, nhưng thật ra mông mênh vô tận lòng người.
Tuy nhiên trong bài “Về miền Trung”, Thái Thanh đã hát sai hai chỗ làm lệch
ý nghĩa của bài hát. “Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi” bị hát sai thành
“Thương thân thiếu phụ, khóc đầu hài nhi”, và “Một chiều nao đốt lửa rực đô
thành”, Thái Thanh hát thành “Một chiều mai đốt lửa rực kinh thành”. Chữ “nao”
mơ hồ, mông lung, không xác định rõ thời gian, có thể là không bao giờ, trái
lại chữ “mai” có vẻ như một xác quyết, mong muốn. Nhạc sĩ Phạm Duy muốn
gây một ấn tượng mạnh mẽ cho người nghe chứ chẳng bao giờ mong có ngày đốt kinh
thành Huế.
Chuyện các ca sĩ hát sai lời từ trước đến giờ có lẽ viết mãi cũng không hết. Đó
là chưa nói đến chuyện sửa “anh” thành “em” hay ngược lại để phù hợp giới tính
của ca sĩ. Có những bài hát không thay đổi ý nghĩa gì nhiều khi bị sửa đổi, tuy
nhiên không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái mà nhiều khi nghe rất ngô nghê,
buồn cười. Phải hiểu là nhạc sĩ sáng tác một bài hát là gửi gấm tâm tình
của mình vào trong đó. Vì thế khi thể hiện một bài hát cho có hồn, cho bài hát
được thăng hoa hơn, ngoài việc hoà nhập cảm xúc và tâm hồn của mình vào đó,
người hát không nên sửa đổi theo ý mình mà làm sai lệch ý tưởng và ý nghĩa của
bài hát.
Thử tưởng tượng như trong bài Ngậm Ngùi, Phạm Duy phổ thơ Huy Cận, nếu đổi
anh thành em và ngược lại, sẽ nghe một nữ ca sĩ hát như sau:
Tay em anh hãy tựa đầu,
Cho em nghe nặng trái sầu rụng rơi… Thì với thân hình nặng hơn 60 kí lô
của chàng tựa vào, chắc chắn cả thân người của nàng sẽ rụng rơi chứ không phải
trái sầu nào cả.
Tương tự, nghe hết sức kỳ cục khi: “Anh vuốt tóc em” sửa thành “em vuốt
tóc anh” và “Em khóc trên vai anh” sửa thành “Anh khóc trên vai em” (Một
lần cuối, Hoàng Thi Thơ). “Em ơi nép vào lòng anh” sửa lại là “Anh
ơi nép vào lòng nhau” (Đôi ngả chia ly, Khánh Băng).
Trong bài “Này em có nhớ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chữ “em”, một người
con gái phụ bạc, khiến “tôi”, một người đàn ông phải trách móc, buồn phiền. Thế
mà một ca sĩ trong nước khi trình diễn đã đổi ngược lại làm mất hết tính tự sự
đầy biểu cảm trong bài nhạc.
Ca sĩ hát sai lời có nhiều nguyên nhân. Từ việc các băng đĩa nhạc phát hành
cẩu thả, đến việc những quyển sách nhạc in sai lời mà không bao giờ đính chính.
Nhưng xét cho cùng, chủ yếu là từ các ca sĩ; họ đã không chịu tham khảo, tìm
hiểu ý nghĩa của bài hát một cách thấu đáo trước khi trình diễn. Ở mỗi tác
phẩm, tác giả khổ công gọt giũa từng nốt nhạc, trau chuốt từ câu ca, để qua bài
hát chuyển tải những cảm xúc, những tâm tình của họ đến người nghe. Thế mà khi
nghe một bản nhạc, hầu như người ta chỉ quan tâm đến ca sĩ trình bày chứ
chẳng ai thèm nhớ hay biết tên tác giả. Ngay cả một số trung tâm sản xuất băng
nhạc và một số ca sĩ cũng thế. Cách nay khá lâu nhà văn Bùi Bảo Trúc kể, có lần
ông mua một băng nhạc của trung tâm nào đó sản xuất. Khi đọc trên bìa băng
nhạc, thấy chỉ liệt kê tên những bản nhạc và ca sĩ trình bày mà không để tên
tác giả, ông bực quá vứt băng nhạc vừa mua vào sọt rác. Ông bảo đây là sự vô ơn
đối với tác giả.
Cho nên khi thưởng thức hay trình bày một bài hát, người nghe cũng như người
hát cần biết đến ai là người đã sáng tác ra bài hát, và sau đó người hát
cố gắng hát cho đúng lời, đúng ý. Đó là cách chúng ta tôn trọng tác giả cũng
như thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với họ; những người mà từ trong
cuộc sống với định mệnh đau thương, nghiệt ngã hay với hạnh phúc êm ả,
ngọt ngào; đã chắt lọc thành chất liệu để cống hiến cho đời những tác
phẩm thật tuyệt vời.
Nghiêm Nguyễn
January 29, 2017
January 29, 2017