11 March 2017

KHÔNG NGỦ NGHĨ LUNG TUNG TRONG ĐÊM - Đỗ Duy Ngọc

Thành phố Sài Gòn, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác hiện nay đang bị vấn nạn kẹt xe kinh khủng. Bất cứ giờ nào cũng kẹt, ngày nào cũng kẹt, đường nào cũng kẹt. Khói bụi mịt trời. Đi ra đường là đi vào chốn không lối thoát.

Buồn cười nhất là lãnh đạo thành phố Hà Nội treo giải 4 tỉ đồng cho ai đưa ra giải pháp hữu hiệu để giải quyết nạn này. Thế thì bộ phận tham mưu toàn tiến sĩ, thạc sĩ đâu mất cả rồi? Sở GTCC là bộ phận chuyên môn chuyên  lo việc đường xá, trật tự giao thông vận tải cho dân. Dân đóng thuế nuôi các ông, dân có quyền đòi hỏi các ông làm việc cho dân có phương tiện và điều kiện giao thông tốt nhất. Biết bao nhiêu tiền đã đổ ra, đường vẫn kẹt, vẫn ổ gà ổ voi, vẫn lún sâu, ùn tắc. Cầu chưa có, hầm không thông. Vậy xin hỏi các ông ngồi đó để làm gì. Tiền lương đút túi, tiền tham ô hàng tỉ đút quần, rung đùi ngồi tận hưởng và khi đường đến độ không di chuyển được, các ông lại kêu gọi, treo giải cho dân tìm giải pháp. Thế gì cần gì nuôi các ông cho tốn của, nuôi các ông chỉ để ăn trên ngồi trốc. Thế thì các ông về đuổi gà cho vợ cho dân nhờ, để những người có khả năng giải quyết sự việc.

Một đất nước nuôi hàng triệu công chức, hàng trăm ngàn công an, quân đội. Thế mà người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị cướp, bị giết, bị ngộ độc thực phẩm. Khi gặp hoạn nạn chẳng thấy bóng dáng công an. Đi đường chỉ thấy công an giao thông núp lùm, trốn trong bóng đêm, lặn vào chỗ khuất với mục đích duy nhất là kiếm đủ cách để phạt. Khi bị cướp, chẳng ai cứu, vào phường khai báo thì bị hạch sách, tiếp đón lơ là. Nên nhớ, các anh lãnh lương từ tiền thuế của dân đấy!
Ăn miếng gì vào mồm cũng lo ngay ngáy, thực phẩm nhiễm độc tràn lan, các công bộc của dân gác cửa biên giới tay cầm phong bì, tay mở cửa cho hàng độc tràn vào. Các ổ hàng giả, hàng kém phẩm chất sờ sờ ra đấy, chẳng ai kiểm tra, lâu lâu làm một chiến dịch, đánh trống bỏ dùi, ngậm  miệng ăn tiền. Thực phẩm độc kéo theo hàng dài bệnh tật, đặc biệt là những bệnh nan y, hết đường cứu chữa. Chính chúng ta tự giết mình, chính hàng rào hải quan tiếp tay cho kẻ ác. Ăn lương của dân mà lại làm ngơ để dân chết, khốn nạn chưa! Ban ngành thì nhiều mà làm không hiệu quả rồi lại móc ngoặc, thử hỏi không chết sao được?.
Đến bệnh viện thì chen lấn, bị hất hủi, bị xem như những người đi xin. Giá thuốc cao ngất ngưỡng, xét nghiệm vô tội vạ, toa thuốc dài dằng dặc để kiếm hoa hồng. Bác sĩ đào tạo không đồng đều, nhiều sai lầm của cán bộ y tế đã đưa người bệnh đến bi kịch. Cán bộ lãnh đạo y tế ngồi trên cao, nghĩ toàn chuyện thiếu thực tế khiến bệnh tật đến bệnh viện là một nỗi khổ ải không chỉ từ bệnh tật.
Nhà trường thì thu tiền bất kể, tất tần tật là tiền. Tận thu tối đa, con nhà nghèo đi học chỉ có nước khóc, đành giã từ sách vở gia nhập đội quân vé số.
Thầy cô vòi tiền, làm tiền học sinh, nhà trường làm tiền phụ huynh. Học sinh như những con chuột bạch, được đem ra làm mọi thứ thí nghiệm, rót cuộc cũng chỉ là một lỗ hổng lớn, một bế tắc không đường thoát của nền giáo dục Việt Nam.
Người dân cô độc chống đỡ khiến cuộc sống là một chuỗi lo âu.
Cuộc sống bấp bênh, lo sợ đủ điều. Thế thì hệ thống an ninh, cán bộ quản lí nhà nước đang ở đâu? Tiền thuế của dân vắt từ những giọt mồ hôi, chắt chiu đôi khi có cả máu, nuôi cả một hệ thống bất lực, để cái xấu, cái ác tung hoành và ngự trị. Có đôi lúc, đôi chỗ các quyền lực cấu kết với nhau làm cho dân vốn đã khổ lại khổ hơn, vốn đã nghèo lại nghèo hơn. 

Luật pháp và các định chế xã hội các nước được ra đời với mục đích giúp cho người dân an cư lạc nghiệp, có một cuộc sống an bình và hạnh phúc. Còn ở ta, mọi thứ thiệt thòi, thiệt hại đều đổ trên đầu dân. Đụng đến luật  pháp, người dân là kẻ yếu, chỉ là con kiến kiện củ khoai. Nhiều khi đành nhờ vả xã hội đen để giải quyết vấn đề.
Luật pháp đứng về kẻ có sức mạnh của quyền lực. Những doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản đều có sau lưng một sức mạnh quyền lực mạnh mẽ và vững chắc. Dựa vào sức mạnh đó, họ tung hoành từ rừng cao cho đến biển cả, từ đồng bằng đến vùng cao, vùng sâu, thu tóm đất đai, phá bỏ chùa chiền, đập phá nhà thờ, xoá sạch di tích hòng thâu tóm vào hầu bao càng ngày càng lớn, và khi có nhiều tiền, liên minh tiền và quyền vơ vét hết tài nguyên, đất đai biến cả của chung thành của riêng gia tộc. Họ giàu có kinh khủng và quyền lực cũng kinh khủng. Đa phần cán bộ và doanh nhân Việt Nam đều giàu lên nhờ đất đai và tài nguyên. Rồi đây, con cháu chúng ta sẽ lớn lên trên một vùng đất không rừng cây, không biển xanh, không núi non. Quê hương sẽ là sa mạc hoang vu đầy chất độc hại.

Không làm được gì có lợi cho dân cho nước, lại làm cho quê hương mỗi ngày một kiệt quệ và lệ thuộc ngoại bang. Nhưng họ vẫn ngồi đó, nắm quyền  lực và sống trên xương máu của nhân dân. Thế có phi lí không? Một chính phủ mạnh và tồn tại được khi lo được đời sống tối thiểu của một con người ở thời  đại thế kỷ XXI, chứ không phải đem so sánh với trăm năm trước để rồi ca ngợi từ khi có đảng, cuộc sống nhân dân đã đổi thay. Hãy nhìn ra thế giới, các nước nghèo năm xưa đã vươn lên qua mặt ta vù vù, giàu có hơn, an bình hơn và hạnh phúc hơn ta nhiều lần. Ta thì cứ mãi là nước không chịu phát triển. Miếng bánh đáng lẽ được chia đều thì chỉ chia cho nhóm người, bất công xã hội từ đó mà ra. Nhưng nợ thì đứa trẻ mới sinh đã gánh phần nợ của quốc gia, không biết đến bao giờ mới trả hết được.

Tình cảnh đó khiến dân không còn tin nhà nước, không còn tin lãnh đạo. Những phát biểu của cán bộ chính phủ thành trò cười, những việc làm của chính phủ luôn bị nghi ngờ. Một xã hội như thế tất phải loạn. Một dân tộc như thế ắt phải yếu hèn. Dân không còn biết tin ai, cuối cùng bị đám sư sãi, thầy cúng, cha xứ lợi dụng, trở thành những tín đồ ngoan ngoãn chịu sự sai khiến của một lũ cơ hội buôn Phật bán Chúa. Rồi sẽ về đâu? Con đường đi tới còn tối hơn đêm ba mươi, còn tối hơn tiền đồ của chị Dậu năm xưa trong tác phẩm của cụ Ngô Tất Tố.
Cửa thiên đường đóng im ỉm, chỉ có chốn địa ngục mở toang cánh cửa.

20.01.2017
Đỗ Duy Ngọc