Trong buổi chiều ngày 16/3, tôi được
nhìn thấy một chị bạn thoát trở về từ đồn công an. Gương mặt của chị đầy
nét mệt mỏi. Chị bị bắt giữ và giam nhiều tiếng đồng hồ, sau khi đã đứng giơ
khẩu hiệu đòi minh bạch nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế Vinh (số 1 Dân chủ,
Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức).
Nghi án ấu dâm ở trường Lương Thế
Vinh đã qua nhiều ngày, với những điều ngày càng được phơi bày sáng tỏ hơn.
Ngay trong buổi sáng mà những người phụ nữ bị xua đuổi, giải tán và thậm chí bị
bắt giam, giới phụ huynh giận dữ chuyền tay nhau bản video phỏng vấn của Báo
Thanh niên, trong đó xác định bé gái học lớp một đã bị lạm dụng đến chảy máu
đẫm chiếc quần lót, bởi đã chứng cứ xét nghiệm cho thấy có tế bào nam trong dịch
âm đạo của bé.
Bản tin này, với lời khẳng định việc
bé gái bị xâm hại tình dục là hoàn toàn có cơ sở. Bước ngoặt này hoàn toàn khác
với những cuộc điều tra, thông báo đầy tính loanh quanh, thậm chí bất minh
trước đó. Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng về sự an toàn của bản tin nên đã vội
tải về, gửi đi trên các trang mạng xã hội khác. Lo lắng không thừa, chỉ ít giờ
sau khi được đăng tải, các phụ huynh nói với nhau rằng bản tin cũng bị rút
xuống một cách khó hiểu.
Người chị đã giơ khẩu hiệu đòi minh
bạch điều tra vụ ấu dâm trước trường Lương Thế Vinh may mắn trở về được, trong
khi 2 người mẹ khác, bạn của chị, vẫn còn bị công an quận Thủ Đức tiếp tục giam
giữ trong chiều hôm ấy. Chị bị điều tra như một loại tội phạm khủng bố. Công an
buộc chị phải mở điện thoại, thẩm vấn… và chị đã phản ứng quyết liệt đến mức
đập cong nát chiếc điện thoại của mình, thậm chí nuốt luôn simcard sắc nhọn như
một cách tự vẫn, để từ chối việc công an địa phương xâm phạm quyền riêng tư của
chị.
Có cái gì đó thật bất bình thường,
khi những người mẹ đứng lên đòi bảo vệ con cái của mình, lại trở thành kẻ bị
đàn áp tức thì, trong khi các nghi can tội phạm thì luôn được đắn đo để đưa vào
tìm hiểu sự việc.
Xã hội thật bất an, khi luật pháp
không trực tiếp và tức thì chống lại tội ác. Mà thanh gươm cong nhân danh luật
pháp dường như lại luôn nhằm thẳng vào nhân dân trong một hành động quá mơ hồ,
không đủ lý lẽ thuyết phục như vậy.
Tố cáo nạn ấu dâm bùng lên ở Việt
Nam, chỉ khi một số bà mẹ quá đau xót và tức giận trước kẻ thủ ác như vẫn ung
dung trong sự che chắn kỳ lạ nào đó. Bất kỳ ai theo dõi các sự vụ đều hoang
mang khi thấy một quan chức, đảng viên cộng sản 76 tuổi, thoát được mọi cáo
buộc, mặc dù có đến 9 bà mẹ đòi đưa người đàn ông này ra ánh sáng khi xâm hại
các con gái nhỏ của họ, trong cùng một khu chúng cư. Viện trưởng Viện kiểm sát
Nhân dân Thành phố Vũng Tàu thì đã bộc lộ điều đầy vẻ mờ ám khi cứ lần lữa bằng
cách gia hạn điều tra thêm, dù đã có quyết định khởi tố từ tháng 8/2016.
Tương tự như vậy, đối diện nghi vấn
về chuyện một nghi phạm ấu dâm 34 tuổi đang làm việc tại Hoàng Mai, Hà Nội đang
làm người dân sôi sục, trước khi điều tra được về sự việc chính là tội ác đối
với trẻ em, thì công an nhanh chóng tuyên bố là sẽ phải nhanh chóng “điều tra
và xử lý sớm” về chuyện ai đã làm mất uy tín ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch
UBND tỉnh Thái Bình. Đơn giản vì có lời đồn nghi phạm có quan hệ gia đình
với ông chủ tịch. Việc ấu dâm tội ác thì tạm thời tuyên bố sau.
Luật pháp để phục vụ toàn dân. Luật
pháp để phụng sự cho cho đất nước của những người dân đóng thuế và nuôi nấng xã
hội. Nhưng trong những điều diễn ra, người ta đang cảm giác rằng luật pháp đang
chỉ phục vụ cho một nhóm người, cho những thành phần được ngấm ngầm ưu đãi. Còn
lại, tất cả như chỉ là bánh vẽ đối một dân tộc đang nhọc nhằn cần lao và thấp
thỏm hy vọng.
Chỉ khi có lệnh từ chủ tịch nước
Trần Đại Quang, bộ máy luật pháp ở nhiều nơi mới uể oải làm nhiệm vụ của mình,
dĩ nhiên, trong đó bao gồm cả việc bắt giữ và thẩm vấn những bà mẹ đứng lên đòi
một môi trường sống an toàn cho con em mình. Thật vô nhân.
Kèn trống của các loại truyền thông
muốn làm nhẹ sự việc cũng được khua lên inh ỏi. Thật sửng sốt, khi một bộ máy
vẫn được dân chúng thường gọi đầy khinh bỉ là Dư Luận Viên cũng sôi động lúc
nhúc, thậm chí kêu gào bào chữa cho hiện trạng xã hội bằng những lời ngu dốt
tận đáy như “nước nào cũng có nạn ấu dâm”.
Một thống kê tạm bợ cho biết, Việt
Nam một năm có khoảng 1000 trẻ em bị xâm hại. Gần 60% các cháu 12-15 tuổi, 13%
mới chỉ dưới 6 tuổi. Thực tế chắc còn vượt xa các con số đó. Tin trên báo Tuổi
Trẻ cho biết Việt Nam dàn trận đến 15 tổ chức gọi là bảo vệ trẻ em, nhưng khi
trẻ bị xâm hại thì chẳng biết gọi ai. Khi dư luận xã hội bùng lên dữ dội, một
vài quan chức cũng lên tiếng nhiệt tình như một cách vỗ tay theo nhịp, mặc dù trước
đó, họ chính là những kẻ giỏi im lặng nhất.
Hình ảnh đất nước Việt Nam hôm nay,
không khác gì một bức Guernica khổng lồ. Mọi thứ giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng
quẫy đạp chồng chéo trong đám đông mà không có được một tiếng động nào thoát ra
ngoài thế giới thật.
Như cú đập điện thoại dứt khoát phản
đối của chị bạn tôi, những bà mẹ và những gia đình Việt Nam đã tự mình leo khỏi
bức tranh xinh đẹp quảng bá về cuộc sống Việt Nam, họ sẳn sàng hy sinh mọi thứ
để tạo nên tiếng động gây sự chú ý giữa màn đen bí ẩn bao phủ khắp nơi, vì một
tương lai của chính mình và những người chung quanh.
Và nếu luật pháp không đủ sức mạnh
để gìn giữ đời sống xã hội, thì chính quyền tạo ra nó, hôm nay, cũng sẽ bị nhân
dân đặt một dấu hỏi rằng: liệu chính quyền và luật pháp ấy nên tồn tại để làm
gì?
Tuấn Khanh