Nam vô tửu như kỳ vô phong, câu này đến từ Trung quốc và luôn nằm trên miệng
lưỡi “đại trượng phu” người Giao Chỉ. Trạc ngực, rung đùi, tâm đắc, rượu vào
lời ra. Cờ phải có gió, đàn ông phải tợp rượu. Nước Việt có rất nhiều cờ đỏ sao
vàng và đàn ông xứ ta được thế giới tấn phong: Vô địch chuyện tiêu thụ rượu
bia. Ba say chưa chai mà nhằm nhò gì! Mẹ, mày chơi đẹp vô hết cái này coi. Tửu
đồ chia hai hạng: Một hạng mặt đỏ như bát tiết canh, một hạng mặt tái xám như
khúc dồi đông lạnh. Đỏ hay tái thảy đều đáng gờm cả. Cờ bay phần phật trong gió
lộng.
360 ngày thì sương sương, 5 ngày còn lại dành cho Tết thì vui xuân không quên
nhiệm vụ đánh chén, mềm môi tới bến cho bõ những ngày cơ cực. Đổ nồng độ cồn
vào người, người sẽ là thùng dầu dễ bắt lửa, dễ gặp cảnh bất bình rút đao tương
trợ. Đi đòi nợ giùm. Đi báo thù giúp. Hoặc đang vi vút nhắm hướng đoạn trường
mà đi thì bị tai nạn giao thông sụp hố tử thần. Báo đưa tin “từ chết 8 cho đến
bị thương 21 mạng” tuỳ hàm lượng methanol nhiều hay ít. Tự dưng thấy buồn nôn,
đau đầu, đồng tử giãn to và rồi… tử vong. Một phần ba tổng số bất ngờ đi gặp ôn
mệ là do uống phải rượu của anh bạn láng giềng phương Bắc sản xuất, hồn du địa
phủ mà tay vẫn nắm chặt chai gượu từ nước lạ. Cái trâm em cài là cái chai anh
cầm. Cờ chết tiệt thôi bay, nam đang dô tửu bỗng nhiên sùi bọt mép, trào máu
họng. Danh ngôn đến từ nước lạ mà chất rượu kia cũng thuỷ chung tuôn đổ từ cội
nguồn ấy. Nhiên tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại. Chết, chuyện nhỏ. Mất
trinh mới là chuyện nhớn. Đàn anh cứ ưa lộng ngôn đại tự, mấy ngàn năm nghe
theo anh sao em thấy thiệt thòi thua lỗ quá chừng!
Hai Bà Trưng đánh thắng giặc nào? Dạ chúng em không biết ạ. Sách giáo khoa
chỉ dạy ba chữ: Quân xâm lược. Biết nhiêu đó cũng đủ rồi. Vì sao Hai Bà lại
thua? Dạ tại vì quân xâm lược ra trận tiền mà hổng chịu mặc quần, cứ vô tư đong
đưa hai hòn một gậy làm hai bà rất bức xúc, mất hết dũng khí, hổ ngươi che mặt
nên chưa đánh đã hàng. Tự thuở nào tới giờ người nước lạ có trăm phương nghìn
kế thần sầu quỷ khóc.
Rượu, phải là rượu Tây kia. Mỹ không đẳng cấp bằng. Và eo ôi đừng mang thứ
của Trung quốc ra dằn mặt, ngán lắm. Một dân nhậu ăn chơi không sợ mưa rơi,
từng sống sót qua bao trận đụng độ trở về nhà thuya 14 tháng 2. Vợ biết ngày lễ
tình yêu nên nhỏ nhẹ với chồng: Anh cứ tối ngày say xỉn thế kia thì có ngày sẽ
thấy methanol đón đường. Chồng lè nhè: Bà này to gan thật, hôm nay dám mang
thằng bồ Tây ba-lô nào đó ra doạ tôi!
Một tửu đồ khác, vì có mần thơ lai rai nên những khi yếu lòng phải vịn rượu
mới đứng được. Lúc choáng váng, khi tàn canh, lồm cồm ngồi dậy thắp đèn lẻ bóng
viết xuống hai câu: “Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót, sợ nửa chai còn lại đứng
chơ vơ”. Chưa tỉnh thức nên viết bậy, cầm nhầm sửa thơ kẻ khác, nguyên bổn là:
“Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót, thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ”. Thơ
viết lên tấm vải đỏ, tựa lá cờ thiếu gió, phải nhờ bong bóng nhấc mình thả thơ
lên cao xanh. Bóng lỡ bay rồi thì xin chớ có bắn pháo hoa mà gây sự cố toạ hoạ.
Ở Triều Tiên pháo hoa vừa đốt sáng bầu trời kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của cố
lãnh đạo Kim Jong-il. Rất khí thế, rất hồ hởi mặc dù đôi ba ngày trước thằng
con lưu lạc Kim Jong-nam bị sát hại ở Mã Lai, hưởng dương 46 tuổi không kèn
chẳng trống, không luôn một giọt lệ đổ thầm. Vị lãnh đạo Ủn nếu biết bài Tống
Biệt Hành của Thâm Tâm ắt hẳn nhái 2 câu thơ cuối: “Bố thà coi như là hạt bụi,
anh thà coi như hơi rượu cay”.
Nhiên tử sự cực tiểu? Ừ thì tạm chấp nhận đi, với điều kiện là nó đi theo sự
vận hành của lẽ thường: Sinh, lão, bệnh, tử. Đằng này anh bỏ thuốc độc vào
rượu, anh xịt thuốc độc vào mặt người ta khiến kẻ vô tội phải chịu đứt gánh
giữa đàng để chết non tuổi thì đoản hậu quá. E rằng em út phải làm thơ oán
trách bọn mặt người dạ thú cho nhiều vào, thế tờ sớ để gửi lên cao xanh “mét”
với Thượng Hoàng những tâm tư cực bức xúc dưới trần gian hung hiểm chật chội
này.
Ca dao giờ đây cũng bị chúng sửa:
“Gió đưa thơ dở về trời
Thơ hay ở lại chịu lời đắng cay!”
Xong om. Tiêu rồi một cái nguyên tiêu! Khui chai rượu mà chưa trông ra người
đối ẩm. Lòng buồn như chấu cắn!
Hồ Đình Nghiêm