15 April 2017

BẤT HẠNH - Phan Việt Thuỷ


Một chút rượu vào là con người bần thần buồn nản. Ngày nào tôi không được nói chuyện với Mỹ Hảo, con người tôi cứ lửng lơ nuối tiếc. Mỗi buổi chiều về lòng tôi như lửa đốt, nôn nóng bồn chồn. Tôi không hiểu tại sao tôi lại có cảm giác như vậy nhưng tôi cố tự chữa bằng cách tìm quên. Bờ sông mặt nước làm cho tôi quên đi cảm giác đó. Khi ánh nắng màu cam cuối ngày sắp khuất hẳn ở cuối chân trời, tôi nhìn xuống bờ sông những áng mây màu tơ lung linh đáy nước, tôi thấy hình ảnh Mỹ Hảo rất rõ ràng và nỗi nhớ nhung tràn ngập tâm hồn tôi. Nhiều lần tôi tự hỏi mình đã thực sự yêu Mỹ Hảo? Tôi không trả lời được, tôi thương hay yêu Mỹ Hảo? Tôi say đắm hay ngây dại? Tất cả lẫn lộn vào dòng suy nghĩ. Có một điều tôi biết tôi không thể vắng Mỹ Hảo lâu ngày được. Tôi tự ví mình như anh chàng lưu linh, một ngày không có rượu.
Tôi gặp Mỹ Hảo trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Những ngày mà cả đất nước như nồi bắp rang trên lò lửa. Những đoàn người hốt hoảng đạp nhau chạy về Sài gòn. Khi con đường Long Khánh Sài gòn bị gián đoạn bởi chiến trận đang xảy ra ác liệt, mọi người đổ ùa ra bờ biển tìm đường thoát thân. Trên một chiếc thuyền nan nhỏ, tôi đã cố hết sức, kéo được Mỹ Hảo lên đang bế đứa con trên tay, lên được thuyền. Chỉ cần một tích tắc tôi đuối sức sẩy tay thì Mỹ Hảo và đứa con nhỏ đã rơi xuống biển. Những đợt sóng biển như muốn đánh vỡ tung con thuyền. Mọi người chỉ được một chỗ ngồi không nhúc nhích, người này phải ép sát vào người kia để còn chỗ tát nước. Chiếc thuyền như chiếc lá lềnh bềnh trên mặt nước. Mọi người chỉ còn đặt tất cả tin tưởng vào định mệnh. Trên thuyền, người nào cũng ướt, mặt mày xám ngắt, lạnh cóng. Một tay tôi bế bé Thảo, con của Mỹ Hảo, ôm sát vào lòng, một tay tát nước. Một số người khác rũ liệt không còn biết gì nữa. Một đêm một ngày như cả một quãng đời dài lê thê đầy trắc ẩn. Tôi đã không hiểu được do một sức mạnh nào chiếc thuyền đã đến được bến bờ Vũng Tàu.

Những ngày ở Sài gòn, Mỹ Hảo không có một ai thân thích bà con, nàng phải sống nhờ ở gia đình một người bạn gái cũ. Tôi trở lại đơn vị trung ương làm việc và hàng ngày vẫn đến thăm Mỹ Hảo.
Tôi đã đưa Mỹ Hảo qua những con đường lá me rợp bóng mát, ngồi những quán cà phê trầm ngâm và bàn những chuyện bất trắc của xã hội Sài gòn. Tình hình chính trị đang rơi vào tình trạng rối loạn, người người các nơi đổ dồn về Sài gòn và người Sài gòn lại tìm đường ra đi. Sài gòn đang trong cơn bão lốc, trong cơn sốt nghiệt ngã. Có lần vô tình nói đến quá khứ, Mỹ Hảo ôm mặt, hai hàng nước mắt tuôn trào:
– Anh nghĩ coi, em làm sao mà sống được với người Cộng Sản. Ba em đã bị chúng chặt đầu vì đã làm việc trong hội đồng làng lúc em mới lên mười tuổi. Lớn lên em làm sao quên được hình ảnh mẹ em chết ngất khi thoáng thấy đầu ba em treo lũng lẳng ở góc cây đầu làng. Em mồ côi cha từ đó, mẹ em phải bỏ làng qua một tỉnh khác để sinh sống. Nỗi cơ cực của mẹ em trong những ngày tháng sau đó ở nơi xứ lạ vẫn tần tảo nuôi em lớn khôn. Em phải đi lấy chồng sớm để có nơi nương tựa giúp đỡ mẹ em tuổi già. Một hạnh phúc an phận đơn sơ không được bao lâu, mùa hè đỏ lửa đến. Chồng em đã bị bắn chết trong cơn kinh hoàng này. Em thấy dồn dập bất hạnh đến với em, có lẽ tất cả bất hạnh đau khổ trên đời này đều dồn cho em tất cả. Những tiếng súng bên tai, từng đoàn người lần lượt bỏ chạy khi nghe nói Việt Cộng đến nơi, nổi kinh sợ đã thôi thúc em liều thân ôm con ra đi. Trong đầu óc em, em chưa nghĩ cuộc sống sẽ đến với em như thế nào nhưng em vẫn tìm cách sống để khỏi chết trong ám ảnh, để khỏi nhìn những kẻ thù đã giết hơn nữa phần cuộc đời của em. Anh là người cứu sống cuộc đời em và con em còn lại. Nếu sau này có người đàn ông nào đến với em, thương em chỉ thêm khổ mà thôi. Em không muốn anh là người đàn ông đó, anh đừng oán trách em dù em rất đau khổ nói ra điều này.
Những lời nói của Mỹ Hảo như những ngọn kim nhọn chích vào mạch máu, vào tim, vào tâm hồn tôi. Tôi thấy máu tôi đã chảy hoà với quá khứ bi thương của Mỹ Hảo, không ai hiểu được.
Cha mẹ anh chị tôi biết tôi thương yêu Mỹ Hảo đã oán trách xỉ vã tôi “một thằng con trai mới lớn lên đi yêu một người đàn bà có chồng có con”. Tôi đã không phân trần, đã không chối cãi, tôi chỉ im lặng sống cho tình cảm riêng mình. Tôi nghĩ nếu có nói ra cũng vô ích, không đánh đỗ được những tập tục suy nghĩ hẹp hòi đã có từ xưa đối với người đàn bà, đã làm khổ đau tàn tạ không biết bao nhiêu tâm hồn bất hạnh. Tình yêu không phải chỉ bị trói buộc vào chuyện vợ chồng con cái. Chắc có người sẽ bảo là tôi ngụy biện mù quáng, điều này tôi chỉ trả lời cho riêng tôi. Tôi biết tôi sống với một hạnh phúc không tính toán, sống với sự rung động thật sự của con tim. Tôi nói hết những dị nghị bao quanh. Mỹ Hảo đã tỏ ra cứng rắn, nàng nói:
– Em yêu anh, nhưng em thấy rõ thân phận của em, em không muốn làm anh khổ.
Tôi kéo Mỹ Hảo vào lòng, siết chặt bàn tay:
– Tuỳ em, tình yêu theo anh không phải là một bài toán, một cuộc đánh cờ, lý luận trong tình yêu chỉ thừa thải mà thôi.
Tôi không thể nào rời khỏi sở suốt ngày và đêm 29. Sáng ngày 30 tháng 4 tôi trở về nhà. Căn nhà khoá kín không một tiếng động bên trong. Tôi phá cửa vào nhà. Trên bàn có một miếng giấy với những dòng chữ vội vàng nguệch ngoạc:
Tâm con, Ba mẹ không có cách nào lại đón con kịp. Ba mẹ và gia đình đã được chú Tám báo gấp phải xuống tàu ngay. Con phải tìm đường đi ngay.
Ba của con”.
Tôi vò miếng giấy cho vào túi áo, lấy xe gắn máy lên ngay Mỹ Hảo.
– Hai ngày nay em trông chờ anh từng phút từng giây. Lòng em như lửa đốt, cứ chạy ra đường rồi lại chạy vào, em tính nếu lên sở kiếm anh, anh lại về nhà em rồi thì làm sao. Làm sao bây giờ hở anh. Ông Minh đã đọc lệnh đầu hàng bàn giao rồi, Việt Cộng đã vào đầy đường ghê quá!
Tôi, Mỹ Hảo và bé Thảo chạy khắp đường lối, lên Tân Sơn Nhất, xuống Bạch Đằng, cuối cùng chẳng biết con đường nào để chạy. Các đường lộ ra khỏi Sài gòn đang có giao tranh rất nguy hiểm. Cuối cùng tôi đã đưa Mỹ Hảo và bé Thảo về sống ở căn nhà ba mẹ tôi để lại. Tôi và Mỹ Hảo sống trọn vẹn những ngày đó, nhưng hạnh phúc này cũng đã bị chia xẻ bởi sự kinh hoàng. Đất nước rơi vào tay Cộng Sản. Ám ảnh xưa không thể nào không đến với Mỹ Hảo. Một tháng sau đó tôi đã phải vào trong trại tập trung “cải tạo”. Một lần nữa bất hạnh lại đến với Mỹ Hảo.

Phan Việt Thuỷ