Vào giữa tháng 4, ông Erich Von Marbod, phụ tá Bộ-Trưởng Quốc-Phòng
(Assistant Secretary of Defense) Hoa-Kỳ cùng phụ tá của Ông là ông Richard Lee
Armitage, đến Trung-Tâm Hành-Quân Hải-Quân bàn về vấn đề di tản Hải-Quân Việt-Nam.
Ông Marbod và ông Armitage yêu cầu Hải-Quân soạn thảo một lệnh hành quân di tản,
nhằm mục đích di tản tối đa Lực-Lượng Hải-Quân, gồm tất cả chiến hạm, chiến đỉnh,
binh sĩ và gia đình.
Hải-Quân được yêu cầu đặt mìn phá những ụ nổi và cơ sở truyền
tin của Hải-Quân. Hải-Quân từ chối, vì:
- Nếu phải
di tản, Hải-Quân sẽ ra đi sau cùng; vì vậy, cơ sở truyền tin rất cần thiết
cho Hải-Quân.
- Phá
các ụ nổi sẽ gây nhiều tiếng nổ lớn và nhiều đám cháy, khiến đồng bào càng
kinh hoàng thêm, tình trạng càng rối ren thêm.
Hải-Quân Đại-Tá Đỗ Kiểm – Tham-Mưu-Phó hành quân –yêu cầu
Hoa-Kỳ giúp đỡ thiết thực và nhanh chóng để binh sĩ, gia đình và chiến cụ Hải-Quân
không lọt vào tay Cộng-Sản. Ông Marbod và ông Armitage hứa sẽ lo tất cả nếu lực
lượng Hải-Quân ra khỏi bờ 12 hải lý. Điểm tập trung là Côn-Sơn.
Một vấn đề đáng lưu ý là, cho đến giờ phút đó, Hải-Quân Việt-Nam,
ông Marbod cũng như ông Armitage vẫn chưa nghĩ đến, hoặc đề cập đến, một giải
pháp nào cho Hải-Quân sau khi Hải-Quân rời hải phận Việt-Nam.
Trong thời gian hai vị dân chính cao cấp của Hoa-Kỳ đang bàn
tính kế hoạch di chuyển số lượng khổng lồ quân dụng ra khỏi Nam Việt-Nam thì, tại
Xuân-Lộc, nhiều đại đơn vị Bắc quân do tướng Việt-Cộng Văn-Tiến-Dũng điều động
từ Phan-Rang vào, gặp ngay sự chống cự mãnh liệt của Sư-Đoàn 18 Bộ-Binh
V.N.C.H., dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê-Minh-Đảo.
Thấy khó phá vỡ phòng tuyến Xuân-Lộc, Tướng Văn Tiến Dũng
liên lạc trung ương Đảng, xin triển hạn ngày kéo quân vào Thủ-Đô Nam Việt-Nam.
Nhưng Bộ-Chính-Trị đảng Cộng-Sản lập lại quyết định: Phải tiến chiếm Saigon trước tháng 5 để mừng sinh nhật Hồ Chí Minh, 19
tháng 5!
Ngày 17 tháng 4, trong buổi họp sĩ quan các cấp tại câu-lạc-bộ-nổi,
Khối Hành-Quân nhấn mạnh rằng kế hoạch di tản được thi hành tốt đẹp. Tuy nhiên,
tất cả phải ở lại nhiệm sở cho đến phút chót; nếu phải ra đi thì cùng đi.
Ngày 21 tháng 4, tuyến Xuân-Lộc vỡ! Thủ đô Saigon
rúng động! Tiếp theo là sự từ chức của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng
Thống Trần Văn Hương lên thay. Những biến chuyển đó khiến Hải-Quân phải có những
quyết định cấp kỳ.
Ngày 25 tháng 4, Đại-Tá Nguyễn Xuân Sơn cùng đi với một sĩ
quan thân tín, Hải-Quân Trung-Tá Trịnh Tiến Hùng, đến cơ quan MAV (Navy Section) – trong khi Mỹ đang thiêu hủy
tài liệu – để nhận mật mã liên lạc với Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ.
Thời gian này, vài Hạm-Trưởng đưa gia đình lên chiến hạm khi
chưa có lệnh khiến thủy thủ đoàn bất mãn. Bộ-Tư-Lệnh cho điều tra. Kết quả, hai
Hạm-Trưởng bị cách chức. Một trong hai vị đó là Hạm-Trưởng HQ 800.
Cùng ngày, Hải-Quân Đại-Tá Bùi Kim Nguyệt, Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Quân
Biệt-Khu Thủ-Đô, chỉ thị Hải-Quân Trung-Tá Nguyễn Kim Khánh tiếp nhận các kho
xăng tại Nhà-Bè; vì tất cả giám đốc đã bỏ đi.
Lúc này, Liên-Đoàn 33 tại Nhà-Bè, do Hải-Quân Trung-Tá Nguyễn
Kim Khánh chỉ huy, gồm các đơn vị:
- Giang-Đoàn
28 Xung-Phong
- Giang-Đoàn
30 Xung-Phong
- Giang-Đoàn
51 Tuần-Thám
- Giang-Đoàn
91 Trục-Lôi
Nhiệm vụ và vùng hoạt động của Liên-Đoàn 33 là tuần tiễu, giữ
an ninh các thủy lộ quan trọng như sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và quanh
Saigon. Ở phần vụ này, suốt thời gian di tản, những đơn vị kể trên đã tịch thu
vũ khí và rượu mạnh trên các thương thuyền từ miền Trung vào.
Ngày 26 tháng 4, Hải-Quân Trung-Tá Dương Hồng Võ được chỉ định
làm Hạm-Trưởng HQ 800. Lúc này Hạm-Phó HQ 800 cũng vắng mặt bất hợp pháp. Trung-Tá
Võ chỉ định một Đại-Úy tạm thời thay thế Hạm-Phó.
HQ 800 là loại LST lớn hơn và mới hơn các loại LST 500. HQ
800 được trang bị ba giàn “bô-pho” 40 ly đôi bắn tự động và nhiều súng phòng
không, chưa kể một số 20 ly. HQ 800 dự trữ 200 ngàn lít xăng máy bay (JP4) và
có chỗ đáp an toàn cho hai trực thăng.
Với dự định sẽ đưa bộ chỉ huy xuống HQ 800 để chỉ huy và điều
động phản công lại Việt-Cộng, nếu trường hợp Saigon
bị tấn công, Tư-Lệnh Hải-Quân – Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang –ra lệnh bổ sung nhân
viên và trang bị HQ 800 một trăm phần trăm. HQ 800 neo tại Nhà-Bè và chỉ nhận lệnh
trực tiếp từ Tư-Lệnh Hải-Quân và Tổng-Tham-Mưu-Trưởng chứ không trực thuộc Hạm-Đội.
Lúc này HQ 403 – sau nhiều chuyến chuyển quân và dân từ
Phan-Thiết về Vũng-Tàu – được lệnh trở về Saigon.
Thời điểm này mặt trận Tây-Ninh, Long-An và liên tỉnh lộ 15
bùng nổ dữ dội.
Sáng 27 tháng 4, trong khi Việt-Cộng tấn công cầu Tân-Cảng,
đốt kho hàng PX của Mỹ và đặt súng máy bắn bừa vào dòng người tỵ nạn đang kéo về
Saigon thì, tại phi trường Biên-Hòa, ông Richard Armitage đang vận dụng tất cả
mọi phương tiện để di chuyển chiến cụ và nhân viên Việt-Nam ra khỏi tầm đạn của
Việt-Cộng.
Trưa cùng ngày, ông Armitage từ Biên-Hòa về Saigon bằng trực
thăng. Sau đó ông Armitage cùng ông Erich Von Marbod đến Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân.
Hai Ông hối thúc Hải-Quân ra đi. Ông Armitage còn lo ngại rằng có thể chính phủ
Dương Văn Minh sẽ giữ những sĩ quan cao cấp Hải-Quân để buộc Hải-Quân phải ở lại.
Chiều 27 tháng 4, tại tư dinh của Đại Tướng Minh, số 3 Trần-Quý-Cáp
Saigon, trong phiên hội của Nội Các đang được thành lập, Phó-Đô-Đốc Chung Tấn
Cang, Tư-Lệnh Hải-Quân, tiếp xúc riêng với Tướng Minh để bàn luận về tình hình
quân sự. Tướng Minh cho Phó-Đô-Đốc Cang biết tình hình vẫn chưa biến chuyển gì
cả, vì “bên kia” chưa chấp nhận tiếp xúc với V.N.C.H. Phó-Đô-Đốc Cang đề nghị
Tướng Minh nên chuyển Nội Các về Cần-Thơ, bỏ ngõ Saigon và ra lệnh tất cả đại
đơn vị rút về Vùng IV Chiến-Thuật; vì hiện tại Tướng Minh không có tư thế nào để
thương thuyết. Lực-Lượng Hải-Quân còn nguyên vẹn, Phó-Đô-Đốc Cang sẽ tận dụng tất
cả Lực-Lượng Hải-Quân để chận sông Tiền-Giang và Hậu-Giang. Tướng Minh im lặng,
không có một quyết định nào cả.
Ngày 28 tháng 4, Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng cùng ông Richard
Armitage bay thám sát tình hình phía Bắc Saigon.
Tình hình lúc này bi đát vô cùng, vì nhiều đơn vị đã rã ngũ,
theo đoàn dân di tản, tràn về Saigon bằng đường
bộ. Đến cầu Bình-Lợi, thấy một Giang-Đoàn vẫn còn tuần tiễu trong vùng trách
nhiệm, Phó-Đề-Đốc Hùng ra lệnh cho Giang-Đoàn đó rút về hậu cứ.
Căn-Cứ Hải-Quân Long-Bình đang chuẩn bị “đón nhận” một cuộc
tấn công quy mô của Bắc Quân. Dấu tích cuộc đột kích sáng nay của địch vào
Căn-Cứ là xác của tên cảm tử Việt-Cộng còn nằm tênh hênh ngay cổng ra vào.
Sau khi thị sát, Phó-Đề-Đốc Hùng cùng ông Armitage trở về Saigon bằng xe Jeep. Và ông Armitage tường trình những sự
việc đã thấy cho ông Van Marbod.
Cũng thời điểm này, tại Bộ-Tư-Lệnh Hạm-Đội, Đại-Tá Nguyễn
Xuân Sơn triệu tập một phiên họp gồm hầu hết Hạm-Trưởng để thông báo hạn chế về
việc Hải-Quân sẽ tạm trú tại Côn-Sơn, chờ một biến chuyển thuận lợi sẽ quay vào
chiến đấu. Đại-Tá Sơn chỉ thị tất cả Hạm-Trưởng mang theo đầy đủ gạo và lương
khô, càng nhiều trứng vịt và cá khô càng tốt.
Không ngờ, cũng ngày hôm đó, Đại-Tá Sơn bị thuyên chuyển khỏi
chức vụ Tư-Lệnh Hạm-Đội. Người bạn cùng khóa với Ông, Hải-Quân Đại-Tá Phạm Mạnh
Khuê, đang là Tham-Mưu-Trưởng Hành-Quân Lưu-Động-Biển, nhận chức Tư-Lệnh Hạm-Đội.
Sự thuyên chuyển Đại-Tá Sơn là do sự hiểu lầm và sự thiếu
liên lạc mật thiết giữa Đại-Tá Sơn và Phó-Đô-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân về vấn đề di
tản Hạm-Đội tránh pháo kích.
Chiều 28 tháng 4 năm 1975, lúc 5 giờ 15, Tổng Thống Trần Văn
Hương bàn giao chức vụ Tổng Thống cho Tướng Dương Văn Minh khi ngoài trời cơn
mưa giông đột ngột trút xuống!
6 giờ chiều cùng ngày, Hải-Quân Công-Xưởng hoàn tất mấy vòng
rào sắt cho hệ thống phòng thủ Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân và Hải-Quân Công-Xưởng.
6 giờ 20, phi công Việt-Cộng – do Trung-Úy phi công V.N.C.H.
Nguyễn Thành Trung huấn luyện cấp tốc và hướng dẫn – lấy 5 chiếc phản lực
Dragonfly A37 của Không-Quân V.N.C.H. bỏ lại Phan-Rang, bay vào, thả bom phi
trường Tân-Sơn-Nhất!
Sau khi dội bom, 5 phản lực cơ bay ngang HQ 800. Hạm-Trưởng
HQ 800 biết 5 phản lực đó vừa tấn công phi trường Tân-Sơn-Nhất; nhưng Hạm-Trưởng
HQ 800 tưởng là một biến cố chính trị nào đó đang diễn ra, cho nên Hạm-Trưởng
HQ 800 chỉ ra lệnh nhiệm sở tác chiến chứ không ra lệnh bắn. Nhờ vậy 5 phi cơ
đó mới bay thoát.
Tối 28 tháng 4, Phó-Tổng-Thống Nguyễn Văn Huyền, trong chính
phủ Dương Văn Minh, đến thăm Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang, rồi cả hai Ông đến thăm
Tổng Thống Dương Văn Minh.
Trong lần tiếp xúc này, Phó-Đô-Đốc Cang hỏi Tổng Thống Minh
về những biện pháp thích nghi cho tình hình hiện tại. Tổng Thống Minh cho biết
không có giải pháp nào cả. Phó-Đô-Đốc Cang hỏi thẳng: “Thưa Tổng Thống, nếu vậy, mỗi quân binh chủng phải tự quyết định lấy,
phải không?” Tổng Thống Minh chán nản:
“Ôi! Toa làm sao đó toa làm!”
Vì lẽ đó, Bộ-Tham-Mưu Hải-Quân họp khẩn. Lúc này Phó-Đô-Đốc
Cang có dự định đưa gia đình Hải-Quân ra Phú-Quốc lánh nạn để binh sĩ yên tâm
chiến đấu. Nhưng tình hình biến chuyển quá nhanh khiến ý định của Ông không thực
hiện được.
Hải-Quân ra đi là một quyết định tập thể, gồm Phó-Đô-Đốc
Cang và Tư-Lệnh các đại đơn vị, để bảo toàn Lực-Lượng Hải-Quân. Nhưng Phó-Đô-Đốc
Cang cũng biết rằng, nếu quyết định đó sai lầm thì chính Ông phải chịu trách
nhiệm trước lịch sử!
Sáng sớm 29 tháng 4, phi trường Tân-Sơn-Nhất bị pháo kích nặng
nề. Không-Quân náo loạn. Hầu hết phi cơ A37 và F5 được cất cánh để tránh thiệt
hại. Công cuộc di tản nhân viên của Tòa Đại-Sứ Hoa-Kỳ không thể tiếp tục thực
hiện bằng phi cơ vận tải mà phải dùng trực thăng.
Ngay khi phi trường bị pháo kích, Tướng Nguyễn Cao Kỳ,
nguyên Phó-Tổng-Thống trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, đáp trực thăng riêng
quan sát. Tướng Kỳ gọi Sư-Đoàn IV Không-Quân tại Cần-Thơ, ra lệnh tăng viện gấp
bốn chiến đấu cơ với bom hạng nặng.
Khi bốn chiến đấu cơ đến không phận Saigon, Tướng Kỳ hướng dẫn
bốn phi cơ đó phá hủy những giàn hỏa tiễn Việt-Cộng gần đài radar Phú-Lâm và
phía Tân-Cảng.
Sau khi diệt xong các ổ trọng pháo của địch, Tướng Kỳ đáp trực
thăng xuống Liên-Giang-Đoàn 33 tại Nhà-Bè lấy xăng. Lúc bấy giờ có cả trăm chiếc
trực thăng đậu tại Nhà-Bè. Nhiều trực thăng và phi cơ đủ loại bay lượn trên
không phận thủ đô. Tất cả liên lạc, xin chỉ thị của Tướng Kỳ. Tướng Kỳ bảo tất
cả phi công bay ra Đệ Thất Hạm-Đội; nếu còn đủ nhiên liệu thì bay sang
Thái-Lan.
Trong khi những sự việc kể trên xảy ra trên không phận thủ đô
thì Đại-Sứ Hoa-Kỳ tại Việt-Nam – ông Graham Martin – nhận được công văn khẩn của
Tổng Thống Dương Văn Minh.
Ngày 28 tháng 4 năm
1975
Tổng Thống Việt-Nam Cộng-Hòa
Kính gửi: Ông Đại-Sứ
Hoa-Kỳ tại Việt-Nam
Tôi trân trọng yêu cầu
ông Đại-Sứ chỉ thị cho tất cả nhân viên cơ quan tùy viên quân sự Defense Attaché’s Office rời Việt-Nam trong
vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ ngày 29 tháng 4 năm 1975 để vấn đề hòa bình cho Việt-Nam
được giải quyết sớm hơn.
Trân trọng kính chào
ông Đại-Sứ.
Dương Văn Minh
Đại-Sứ Graham Martin phúc đáp:
Kính thưa Tổng Thống,
Tôi vừa nhận được văn
thư đề ngày 28 tháng 4 năm 1975 yêu cầu tôi ra lệnh cho nhân viên Defense
Attaché’s Office rời Việt-Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Văn thư này gửi đến
Ngài để xác nhận là yêu cầu của Ngài đang được thực hiện.
Tôi tin tưởng vào sự
giúp đỡ của các cơ quan liên hệ thuộc chính phủ Việt-Nam Cộng-Hòa để sự di chuyển
nhân viên D.A.O. được hoàn thành tốt đẹp.
Trân trọng kính chào Tổng
Thống.
Graham Martin
Đại-Sứ Hoa-Kỳ
Ngày 29 tháng 4, khoảng 10 giờ sáng, Tướng Nguyễn Cao Kỳ trở
về Bộ-Tư-Lệnh Không-Quân và thấy gần 30 sĩ quan cao cấp Không-Quân trong văn
phòng Tư-Lệnh Không-Quân.
Tư-Lệnh Không-Quân, Trung Tướng Trần Văn Minh, giải thích với
Tướng Kỳ là người Mỹ muốn chuyển vận tất cả phi cơ phản lực sang Phi-Luật-Tân
hoặc Thái-Lan. Vì vậy mọi người đang chờ để được sang cơ quan D.A.O. rồi ra đi.
Tướng Kỳ bay đến Bộ-Tổng-Tham-Mưu và thấy chỉ một mình Tướng
Đồng Văn Khuyên đang điều động các mặt trận quanh Saigon .
Lúc này, cựu Phó-Tổng-Thống Nguyễn Cao Kỳ mới biết Đại-Tướng Cao Văn Viên, Tổng-Tham-Mưu-Trưởng
Quân-Lực V.N.C.H., đã rời Việt-Nam ngày hôm qua!
Tướng Kỳ gọi tất cả đơn vị trưởng của những đại đơn vị quanh
Saigon , nhưng không gặp ai cả. Tướng Kỳ đi xuống
tầng dưới thì gặp Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Sau khi nói cho nhau hay là vợ
con của hai Ông đã được di tản từ tuần trước, Tướng Kỳ vừa bước đến trực thăng
vừa nói với Tướng Trưởng: “Đi với tôi.”
Rồi cả hai Ông cùng một số sĩ quan thân tín của Tướng Kỳ lên trực thăng, bay ra
Đệ Thất Hạm-Đội, đáp xuống chiến hạm USS Midway.
10 giờ 47 sáng, Tướng Đồng Văn Khuyên gọi Trung-Tâm hành
quân Hải-Quân, hỏi đường sông từ Saigon ra biển
còn an ninh hay không? Đại-Tá Đỗ Kiểm cho biết đến giờ phút đó Hải-Quân vẫn còn
kiểm soát được sông Lòng Tào. Tướng Khuyên chào vội vàng và cúp máy
Tại Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân, sau khi liên lạc với Đại-Tá V.
Không-Quân và được biết Không-Quân vẫn còn kiểm soát phi trường Tân-Sơn-Nhất,
Khối Hành-Quân Hải-Quân tiếp xúc với các Hạm-Trưởng. Lệnh di tản dự trù sẽ ban
hành khoảng 10 giờ tối 29 tháng 4.
Sau khi hội ý với các Hạm-Trưởng, Đại-Tá Đỗ Kiểm gọi Đại-Tá
Ước, Tham-Mưu-Phó hành quân Không-Quân. Đại-Tá Ước cho Đại-Tá Kiểm biết rằng
lúc nào Không-Quân không giữ được Tân-Sơn-Nhất thì sẽ cho Hải-Quân hay.
Trong khi đó, tại Bộ-Tư-Lệnh Không-Quân, Trung Tướng Trần
Văn Minh cùng vài vị Tướng và các sĩ quan chờ hoài không thấy Mỹ liên lạc, đành
đi bộ sang cơ quan D.A.O. xin được vào danh sách di tản.
Được báo cáo rằng nhóm sĩ quan Không-Quân Việt-Nam đều mang
vũ khí cá nhân, Tướng Homer Smith ra lệnh cho Trung Tá Richard Mitchell tước vũ
khí của nhóm sĩ quan đó và đưa tất cả vào một phòng nhỏ, canh gác cẩn mật trong
khi chờ đợi di tản.
Cũng thời điểm này, tại Nhà-Bè, nguyên Tư-Lệnh Hải-Quân Việt-Nam
đầu tiên, Hải-Quân Đại-Tá Lê Quang Mỹ, cùng gia đình đến Căn-Cứ Hải-Quân xin di
tản, nhưng lính gác không cho vào! Sau đó, một sĩ quan nhận diện được Ông và cấp
cho Ông cùng gia đình một LCM để ra tàu lớn.
11 giờ sáng, Tướng Đồng Văn Khuyên rời Bộ-Tổng-Tham-Mưu.
Không-Quân vẫn còn kiểm soát được phi trường Tân-Sơn-Nhất;
nhưng rất nhiều phi cơ trúng đại bác của Việt-Cộng.
12 giờ trưa, được báo cáo nhiều thương thuyền chạy ra, chạy
vào sông Lòng Tào và sông Soài Rạp, Hải-Quân Đại-Tá Bùi Kim Nguyệt chỉ thị
Liên-Giang-Đoàn 33 mở cửa sông để thương thuyền ra vào tự do.
Cũng thời điểm này, tại Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lái, cả mấy ngàn
người thuộc gia đình Hải-Quân di tản từ Vùng I và Vùng II vào, tạm trú trong
vòng thành. Dọc các cầu tàu và bờ sông, tàu bè từ các tỉnh miền Trung kéo về
neo ngổn ngang. Việt-Cộng phao tin là sẽ pháo kích một ngàn quả đại bác vào
Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lái và kho đạn Thành Tuy-Hạ vào lúc 6 giờ chiều 29 tháng 4.
Tin này loan ra khiến Chỉ-Huy-Trưởng Người Nhái – Hải-Quân
Trung-Tá Trịnh Hòa Hiệp – ra lệnh hai Tiểu Đội Người Nhái đang tuần tiễu bên
kia sông trở về Căn-Cứ; đồng thời Ông cũng chỉ thị những LCU và Trục Vớt đón
gia đình Người Nhái và gia đình Hải-Quân thuộc Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lái, đưa ra
sông, chờ.
1 giờ chiều, Trung-Tâm Hành-Quân Không-Quân bỏ trống.
Những biến động dồn dập khiến Hải-Quân quyết định nên di tản vào khoảng 6 giờ chiều
– thay vì 10 giờ đêm như đã dự định.
Ông Richard Armitage lại điện thoại về Trung-Tâm Hành- Quân
Hải-Quân, thúc hối Hải-Quân ra đi.
Nhận thấy Hải-Quân không phải là một lực lượng chiến đấu thuần
túy, bây giờ, Bộ-Tổng-Tham-Mưu và Trung-Tâm hành quân Không-Quân bỏ trống, Hải-Quân
không thể ở lại chiến đấu đơn độc. Vì vậy, lệnh di tản được ban hành lúc 2 giờ
chiều 29 tháng 4!
Sau khi được thông báo là đến giờ Hải-Quân phải ra đi, rất
nhiều binh sĩ ngồi bệt trong sân Trại Bạch-Đằng, ôm đầu, khóc! Một số binh sĩ
khác vội vàng chạy đi.
Trung-Tâm Hành-Quân Hải-Quân kêu gọi những ai không muốn ra
đi, hãy giúp canh gác phía công trường Mê-Linh, giúp người ra đi được di tản
trong trật tự. Bấy giờ không còn hệ thống chỉ huy nữa mà chỉ còn uy tín cá nhân
mới có thể giúp điều động một khối nhân sự khổng lồ của một quân chủng tan hàng
vào giờ phút chót.
Trên không, trực thăng bay ngập trời. Trên bờ, đồng bào và
quân nhân đổ xô xuống bến Bạch-Đằng và Hải-Quân Công-Xưởng. Trên sông, một số
chiến hạm đã vào vị trí và một số khác đang trên đường về. Súng bắt đầu nổ
quanh vòng đai Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân.
Toán Nhảy-Dù có bổn phận canh gác kho đạn Thành Tuy-Hạ rời
vùng trách nhiệm, sang sông, xin Hải-Quân cho di tản. Hải-Quân yêu cầu toán Nhảy-Dù
phối hợp với Quân-Cảnh Hải-Quân lo trật tự phía công trường Mê-Linh, sau đó Hải-Quân
sẽ giúp phương tiện cho họ di tản.
Tư-Lệnh Hải-Quân, Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang, chỉ thị tất cả
sĩ quan cao cấp: Đến 7 giờ tối, nếu không có biến chuyển nào thay đổi cuộc diện,
Hải-Quân sẽ ra đi.
5 giờ chiều 29 tháng 4, Tổng Thống Dương Văn Minh gọi
Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang. Phó-Đô-Đốc Cang hỏi Tổng Thống Minh cần gì, Ông sẽ đến.
Nhưng Tổng Thống Minh bảo thôi, đưa Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy đến cũng được.
Tại tư dinh, Tổng Thống Minh tỏ ra rất hài lòng về sự đóng
góp lớn lao của Hải-Quân trong những cuộc triệt thoái dọc duyên hải. Tổng Thống
Minh cũng hết lời khen ngợi tinh thần kỹ luật cao của Hải-Quân. Sau đó, Tổng Thống
Minh nói qua về tình hình nghiêm trọng hiện tại và khuyên Phó-Đề-Đốc Thủy nên
đưa Hải-Quân rút trong đêm, trước khi Việt-Cộng đủ thì giờ bế sông Lòng Tào.
Phó-Đề-Đốc Thủy đề nghị Tổng Thống Minh đi luôn, nhưng Tổng Thống Minh từ chối
– như đã từ chối lời đề nghị của của Tướng Charlie Timmes lúc sáng. Tổng Thống
Minh bảo: “Thôi, tình thế này moa không
đi được! Đời người có chết cũng chỉ chết một lần thôi!” Sau đó, Tổng Thống
cuối cùng của chính thể V.N.C.H., Tướng Dương Văn Minh, nhờ Phó-Đề-Đốc Diệp
Quang Thủy đưa Tướng Nguyễn Thanh Hoàng, Đại Tá Nguyễn Hồng Đài – rể của Tổng
Thống Minh – và Tướng Mai Hữu Xuân theo Hải-Quân ra đi.
Sau khi từ giã Tổng Thống Minh, đi chưa đến chỗ chiếc Jeep đậu,
Phó-Đề-Đốc Thủy đã thấy hai vị Tướng và một vị Đại-Tá ngồi sẵn trên băng sau chiếc
xe Jeep của Ông rồi!
Lúc này, tại Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lái, Trung-Tá Trịnh Hòa Hiệp
triệu tập phiên họp khẩn cấp. Vào lúc 6 giờ chiều, buổi họp vừa tan thì Việt-Cộng
pháo ngay vào Căn-Cứ Hải-Quân, đúng như tin họ đã loan!
Trên hệ thống truyền tin, Trung-Tá Hiệp điều động những LCU
Trục Vớt đưa gia đình binh sĩ về Nhà-Bè, hướng ra biển. Chiếc LCU dành riêng
cho Ông và toán Hải-Kích chiến đấu đậu ngay bồn dầu, suýt trúng đạn. Trung-Tá
Hiệp ra lệnh chặt giây, tách bến.
Trong cảnh hỗn loạn như vậy Giang-Đoàn 91 Trục-Lôi vẫn bình
thản chạy qua, chạy lại giữa sông, phản pháo dữ dội.
Tại đường Cường-Để, từng thác người tuôn vào Hải-Quân
Công-Xưởng. Trưởng Khối An-Ninh Hải-Quân, Đại-Tá Chiến-Binh Nguyễn Văn Tấn, đứng
nhìn mọi người chạy loạn bằng đôi mắt lạnh lùng từ sau cánh cổng sắt của Hải-Quân
Công-Xưởng.
Tại bến Bạch-Đằng, cầu B, ba chiến hạm đậu sát nhau, theo thứ
thự, từ trong ra ngoài: HQ 1, HQ 3 và HQ 2.
Vì đậu ngoài cùng, HQ 2 là chiến hạm đầu tiên tách bến, chỉ
với một nửa số nhân viên cơ hữu. Phó-Đề-Đốc Nguyễn Hữu Chí – Phụ-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân
Hành-Quân Lưu-Động-Biển – có mặt trên HQ 2.
Sau 7 giờ, chiến hạm đầy người và thấy tình hình không thay
đổi, Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng – Phụ-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân hành-quân Lưu-Động-Sông
– ra lệnh HQ 3 tách bến. Lúc này trên HQ 3 còn có Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh – cựu
Tư-Lệnh Vùng II Duyên-Hải.
Theo lịch trình di tản, HQ 1 được chọn làm Soái Hạm, với cờ
Tư-Lệnh trên kỳ đài, để đón Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang và Phó-Đề-Đốc Diệp Quang
Thủy. Nhưng dân chúng tràn lên quá đông, gia đình Phó-Đô-Dốc Cang và gia đình
Phó-Đề-Đốc Thủy không thể nhập hạm được.
Lúc này trên HQ 1 có cựu Tư-Lệnh Đề-Đốc Lâm Ngươn Tánh và cựu
Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang – Phó-Đề-Đốc Nguyễn
Thanh Châu. Nhưng lại vắng mặt Hạm-Trưởng, Hải-Quân Trung-Tá Nguyễn Địch Hùng.
Xuất thân khóa 4 Brest, Trung-Tá Hùng có nhiều đức tính mà
ít sĩ quan cao cấp nào áp dụng để chỉ huy. Chính một trong những đức tính ấy đã
khiến Ông vắng mặt vào giờ phút chút.
Nguyên nhân sự vắng mặt của Hạm-Trưởng Hùng là, ngày 29
tháng 4, Hạm-Trưởng Hùng tuyên bố trước tất cả nhân viên HQ 1: Nhân viên nào có
cấp bậc thấp nhất trên chiến hạm sẽ là người đầu tiên đưa gia đình lên chiến hạm.
Người nào mang cấp bậc cao nhất trên chiến hạm sẽ đem gia đình lên chiến hạm
sau cùng. Vì lẽ đó, trong khi những chiến hạm khác đã tuần tự tách bến mà Hạm-Trưởng
HQ 1 đi đón gia đình vẫn chưa trở lại được!
Vì không biết Đề-Đốc Lâm Ngươn Tánh có mặt trong số người
lúc nhúc trên sàn chiến hạm và cũng vì Hạm-Phó HQ 1 không phải là một sĩ quan Hải-Quân
nguyên thủy, Phó-Đề-Đốc Nguyễn Thanh Châu lấy quyền sĩ quan thâm niên hiện diện,
ra lệnh HQ 1 tách bến.
Trong khi đó, tại cầu A, Phó-Đô-Đốc Cang cùng gia đình và
Phó-Đề-Đốc Thủy cùng gia đình – sau khi không thể lên được HQ 1, cả hai Ông và
gia đình phải sang HQ 601 – thì bị kẹt trên cầu tàu; vì Hạm-Trưởng HQ 601, Hải-Quân
Đại-Úy Trần Văn Chánh, không cho lên tàu.
Một lúc sau, nhận diện được hai vị sĩ quan cao cấp Hải-Quân,
Đại-Úy Chánh cho Phó-Đô-Đốc Cang và gia đình cùng Phó-Đề-Đốc Thủy và gia đình
nhập hạm.
Tối 29 tháng 4, lúc 10 giờ, HQ 11 không thể rời bến, vì HQ
504 đậu bên ngoài không chịu đi. Tuy hệ thống chỉ huy đã tan rã, nhưng quanh
đài chỉ huy của HQ 504 lính gác cẩn mật, không ai tiếp xúc được với Hạm-Trưởng
– một sĩ quan từ Trường Võ-Bị Quốc-Gia Đà-Lạt nhập học và tốt nghiệp khóa 11 sĩ
quan Hải-Quân Nha-Trang. Cuối cùng, một sự giàn xếp êm đẹp với thủy thủ đoàn của
HQ 504 và chính những thủy thủ này tháo giây, giúp HQ 11 vận chuyển.
Vừa khi đó, Hải-Quân Đại-Tá Trịnh Xuân Phong lái xe Jeep xuống
bến tàu, tự xưng là Tư-Lệnh Hạm-Đội, ra lệnh tất cả chiến hạm ở lại!
Từ HQ 11, Hải-Quân Đại-Tá Đỗ Kiểm khuyến cáo Đại-Tá Phong
nên rút lui trước khi những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Đại-Tá Phong lặng lẽ
lên xe, lái đi.
Đại-Tá Kiểm xử dụng đài-chỉ-huy HQ 11 như một trung tâm hành
quân lưu động để điều động tất cả chiến hạm.
11 giờ đêm, giữa lúc kho xăng Nhà-Bè trúng đại bác, nổ tung,
gây một đám cháy ngất trời thì trên hệ thống truyền tin của hầu hết chiến hạm
người ta nghe tiếng Hải-Quân Đại-Tá Trần Bình Phú – Tham-Mưu-Phó nhân viên – từ
trung tâm truyền tin Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân, tự xưng là Tham-Mưu-Phó Hành-Quân Bộ-Tư-Lệnh
Hải-Quân, ra lệnh cho tất cả chiến hạm không di chuyển, chờ lệnh!
Đại-Tá Kiểm bảo Đại-Tá Phú im đi và Đại-Tá Kiểm ra lệnh đoàn
tàu tiếp tục di chuyển theo kế hoạch đã định và không nhận lệnh bất cứ từ ai
khác.
Trong khi kho xăng Nhà-Bè trúng đạn và phực cháy, Chỉ-Huy-Trưởng
căn cứ Hải-Quân Nhà-Bè – Đại-Tá Cơ-Khí Lê Kim Sa – họp tất cả sĩ quan; nhưng đến
quá nửa đêm vẫn không quyết định được gì cả.
Tiếp đến, Trưởng Khối An-Ninh Hải-Quân – Đại-Tá Chiến-Binh
Nguyễn Văn Tấn – lên máy vô tuyến, tự nhận là Tư-Lệnh Hải-Quân, ra lệnh tất cả
chiến hạm ở lại.
Đại-Tá Đỗ Kiểm lại lên tiếng cản ngăn Đại-Tá Tấn. Nhưng điều
tai hại là Đại-Tá Phú và Đại-Tá Tấn xử dụng máy của trung-tâm truyền tin Hải-Quân,
có làn sóng mạnh, những đài xa như Poulo Obi hoặc Phú-Quốc nghe được; trong khi
Đại-Tá Kiểm dùng máy của HQ 11 yếu hơn; vì vậy, chỉ những chiến hạm gần mới nhận
được lệnh của Đại-Tá Kiểm. Đại-Tá Kiểm cũng liên lạc được với nhiều đơn vị sông
và hẹn gặp nhau tại Côn-Sơn.
Hạm-Đội lầm lủi tiến và vô số chiến đỉnh, giang đỉnh chạy
hai bên. Nhiều loạt súng của nhiều nhóm quân nhân căm phẫn từ trên bờ bắn lên
tàu. Sau khi tắt hết đèn để khỏi lộ mục tiêu, tất cả chiến hạm được chỉ thị phải
vớt đồng bào và quân bạn trên các ghe thuyền. Chiến đỉnh và giang đỉnh được
khuyến khích cố chạy ra đến biển, sẽ được tiếp cứu sau.
Những chiến hạm ngoài khơi Vũng-Tàu được lệnh tập họp tại
Côn-Sơn, chờ Hạm-Đội ra. Nhưng HQ 505 lại tách rời, chạy ra đảo Poulo Dama,
mang theo hơn 2.000 người và hai trực thăng.
Thấy HQ 505 tách rời và không liên lạc vô tuyến với những
chiến hạm khác, nhiều sĩ quan và đoàn viên nghi ngờ Hạm-Trưởng. Tất cả âm thầm
đặt kế hoạch đối phó trong trường hợp Hạm-Trưởng quay tàu về. Trong khi đó, một
nhóm khác lại muốn đem chiến hạm về lại Saigon. Tình hình nội bộ rất căng thẳng.
Lúc này, trên tần số truyền tin, không biết “phe” nào đã gọi
đích danh nhiều Hạm-Trưởng, bảo đừng đi, hãy ở lại với chính phủ mới để được trọng
vọng!
Từ HQ 3, Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng bắt được liên lạc vô tuyến
với Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang và Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy từ HQ 601 của Đại-Úy
Trần Văn Chánh. Đại-Úy Chánh được chỉ thị đưa Phó-Đô-Đốc Cang và Phó-Đề-Đốc Thủy
sang HQ 3.
Từ giây phút đó, HQ 3 trở thành Soái-Hạm. Phó-Đề-Đốc Hùng phụ
tá Phó-Đô-Đốc Cang chỉ huy Hạm-Đội. Hạm-Đội Việt-Nam được chia thành nhiều nhóm
nhỏ; mỗi nhóm do một sĩ quan thâm niên hiện diện chỉ huy.
Trên đường ra biển, vì một máy bất khiển dụng, HQ 1 lủi vào
bờ, mắc cạn! HQ 1 kêu cứu trên tất cả tần số truyền tin nhưng không một chiến hạm
nào trả lời! Khi được báo cáo có hai vị Tướng Bộ-Binh và cựu Tư-Lệnh Lâm Ngươn
Tánh trên chiến hạm, Phó-Đề-Đốc Châu mời Đề-Đốc Tánh lên đài chỉ huy và nhờ Đề-Đốc
Tánh cố đem chiến hạm ra. Tất cả cơ khí viên được huy động xuống hầm máy để sửa
chữa.
Vừa khi đó HQ 801 trờ tới. Hạm-Trưởng HQ 801 – Hải-Quân
Trung-Tá Nguyễn Phú Bá – cho chiến hạm vào kéo HQ 1. Sau đó, Phó-Đề-Đốc Châu rời
HQ 1, sang HQ 801.
Bằng vào nỗ lực vượt bực của các cơ khí viên và sự trợ lực hữu
hiệu của HQ 801, HQ 1 được kéo ra. Sau đó, HQ 1 vừa chạy, các cơ khí viên vừa sửa
chữa. Khi ra đến biển, hai máy của HQ 1 đều tốt cả.
Khuya 29 tháng 4, nhận thấy thời gian ấn định cho Mỹ triệt thoái
khỏi Việt-Nam vừa đủ, Tướng Việt-Cộng Văn Tiến Dũng xin chỉ thị Hà-Nội để tấn
công Saigon.
Ngay sau khi thỉnh cầu được chấp thuận, Tướng Văn Tiến Dũng
ra lệnh những đơn vị Pháo-Binh ngưng pháo kích vào thủ đô để Sư-Đoàn 324 Bắc
quân tiến vào!
Trong khi Sư-Đoàn 324 Bắc quân tiến vào Saigon thì ngoài biển
khơi, nhiều Hạm-Trưởng nghe tiếng Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh, Hải-Quân Đại-Tá
Nguyễn Xuân Sơn – từ HQ 3 – và Phó-Đề-Đốc Nguyễn Thanh Châu – từ HQ 801 – điều
động trên máy vô tuyến. Càng về sáng thì chỉ còn một mình Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ
Minh chỉ huy Hạm-Đội.
30 tháng 4, khoảng 3 giờ sáng, cựu Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng III Sông Ngòi – Hải-Quân Đại-Tá Trịnh Quang Xuân –
từ một PBR , lên HQ 502.
Lúc này HQ 406 chỉ còn chạy được một máy. Sau khi ra đến
Vũng-Tàu, HQ 406 phải cặp vào HQ 800, sớt người sang. Sau đó, Phó-Đề-Đốc Minh
ra lệnh tháo ống cho HQ 406 chìm.
Nhiều ghe thuyền và tàu nhỏ vây quanh mấy chiến hạm Hoa-Kỳ,
nhưng không ai được lên tàu.
5 giờ 30 sáng, Lữ-Đoàn Thiết-Kỵ 203 Việt-Cộng tiến vào Tân-Cảng,
tìm đường về thủ đô.
Tổng Thống Dương Văn Minh phái Tổng Trưởng Thông-Tin Lý Quý
Chung đến Camp David nhiều lần để tìm hiểu những yêu sách của phái bộ Việt-Cộng.
Tổng Thống Minh cũng liên lạc với Thượng-Tọa Thích Trí Quang, nhưng Thượng-Tọa
cũng tỏ vẻ bi quan, không thể giúp Tổng Thống Minh.
Ông Lý Quý Chung trình với Tổng Thống Minh rằng Việt-Cộng buộc
phải đầu hàng để tránh đổ máu. Cả ông Chung và Thượng-Tọa Thích Trí Quang đều
khuyên Tổng Thống Minh nên đầu hàng.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng Thống Dương Văn Minh
nghe nói đến giải pháp đầu hàng. Trong mấy ngày qua, Pierre Prochand – một nhân
viên tin cẩn của Đại-Sứ Pháp – và ngay cả Đại-Sứ Pháp – Mérillon – cũng đã cố
thuyết phục Tổng Thống Minh nên chấp nhận điều kiện của Việt-Cộng!
Trong khi tại Saigon, Tổng Thống Minh bị thuyết phục phải đầu
hàng thì, ngoài khơi, HQ 17 được chỉ thị ra Phú-Quốc cứu một xà-lan đầy người.
Nhưng vì biết tại Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân chẳng còn ai và cũng vì gia đình còn kẹt
lại Saigon, Hạm-Trưởng HQ 17 không thi hành lệnh!
HQ 403 không thể đi xa vì thiếu nhớt, được Đại-Úy Xuân và
Trung-Úy Tý đem về.
HQ 601 được chính Hạm-Trưởng Trần Văn Chánh đem về. Cùng về
với HQ 601 còn có Hạm-Trưởng HQ 801.
HQ 502 chạy chậm vì chỉ còn một máy, vừa chạy vừa sửa. Nhiều
người tình nguyện đứng xếp hàng từ đài-chỉ-huy xuống hầm lái để chuyền khẩu lệnh.
Liên-Đoàn Người Nhái chạy đến Nhà Bè thì dừng, chờ Trung-Tá
Trịnh-Hòa-Hiệp. Lúc đó, Chỉ-Huy-Trưởng Người Nhái và toán Hải-Kích Chiến-Đấu lội
qua nhiều con lạch và chạy bộ đến Nhà Bè, được một nhân viên đưa một hors-bord vào đón, đưa lên LCU. Từ LCU,
Trung-Tá Hiệp điều động toán LCU ra biển. Ra đến biển, toán Người Nhái, tổng cộng
khoảng 60 người, một số là học viên khóa 8, thấy HQ 502 vừa ra tới cửa sông, vội
cập vào, xin nhập hạm.
Trong thời gian này, Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú – nguyên Tư-Lệnh
Lực-Lượng Tuần-Thám kiêm Tư-Lệnh Đặc-Nhiệm 212 – từ một PBR ,
liên lạc truyền tin với các chiến hạm để tìm gia đình! Khi biết gia đình ở trên
HQ 502, Phó-Đề-Đốc Phú lên gặp. Sau đó, Phó-Đề-Đốc Phú lầm lủi trở xuống PBR , quay lại sông Soài Rạp, chờ những đơn vị Hải-Quân
từ Vàm-Cỏ-Đông và Vàm-Cỏ-Tây ra.
Cũng thời điểm này, tại Saigon, Tổng-Tham-Mưu-Trưởng
V.N.C.H., Trung Tướng Vĩnh Lộc, tiếp Đại-Tướng Pháp – Vanuxem – tại tòa nhà
chính Bộ-Tổng-Tham-Mưu. Trong cuộc tiếp xúc ngắn ngủi này, Đại-Tướng Vanuxem
cho Trung-Tướng Vĩnh Lộc hay rằng Tổng Thống Dương Văn Minh đang soạn văn bảng
ra lệnh quân đội V.N.C.H. buông súng đầu hàng!
Quá thất vọng, Tướng Vĩnh Lộc, Trung Tướng Trần Văn Trung –
Tổng-Giám-Đốc Nha Chiến-Tranh Chính-trị – và Đại-Tá Nguyễn Ngọc Nhận dùng xe có
bảng sao dành cho Tổng-Tham-Mưu-Trưởng đến Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân tìm phương tiện
di tản!
Đại-Tá Nguyễn Văn Tấn – “Tân Tư-Lệnh Hải-Quân” – đích thân
đưa Tướng Vĩnh Lộc, Tướng Trung và Đại-Tá Nhận xuống một LCM Giang-Cảnh để ra
biển.
Trong khi LCM Giang-Cảnh đưa Trung Tướng Tổng-Tham-Mưu-Trưởng
cuối cùng của Quân-Lực V.N.C.H. rời bến Bạch-Đằng thì, từ xa lộ Biên-Hòa,
Sư-Đoàn 324 Việt-Cộng tiến vào thủ đô.
Đến ngã tư Hàng-Xanh, Sư-Đoàn 324 Việt-Cộng gặp sự kháng cự
của Thủy-Quân Lục-Chiến. Khi kéo quân qua Thị-Nghè, Sư-Đoàn 324 lại gặp sự ngăn
chận của sinh viên sĩ quan Hải-Quân và Thủy-Quân Lục-Chiến tại các yếu điểm ở sở
thú.
10 giờ 20, sau khi lệnh đầu hàng được truyền đi trên đài
phát thanh, Tổng Thống cuối cùng của chính thể V.N.C.H. – Đại Tướng Dương Văn
Minh – nói với ký giả Pháp, Jean Louis Arnaud: “Hãy nói hộ với Đại-Sứ Mérillon rằng tôi đã làm tất cả những gì mà
chính phủ Pháp đòi hỏi nơi tôi!”
Trưa 30 tháng 4, lúc Sư-Đoàn 324 Việt-Cộng trương cờ Mặt-Trận
Giải-Phóng Miền Nam lên kỳ đài dinh Độc-Lập cũng là lúc Hạm-Đội Hải-Quân vào đội
hình, trực chỉ Côn-Sơn.
Chiều 30 tháng 4, HQ 2 được chỉ thị quay lại Phú-Quốc cứu
người trên chiếc xà-lan mà HQ 17 từ chối lúc sáng.
Đến Phú-Quốc, lúc sắp cặp vào, vì thấy quá nhiều người và biết
trong số đó có một số tù phạm, Hạm-Trưởng HQ 2 – Hải-Quân Trung-Tá Đinh Mạnh
Hùng – ra lệnh chiến hạm tách ra, chạy thẳng!
Tối 30 tháng 4, HQ 615 đón Trung Tướng Vĩnh Lộc, Trung Tướng
Trần Văn Trung và những người rời Saigon lúc
sáng, từ LCM Giang-Cảnh.
Sáng 1 tháng 5, HQ 615 bị hết dầu trong hải phận Vũng-Tàu.
Lúc này Hạm-Đội đã đi xa. HQ 615 kêu cứu bằng bạch văn chứ không bằng ám từ
truyền tin nữa! Đại-Tá Nguyễn Ngọc Nhận hoàn toàn mất bình tĩnh, cứ ôm con khóc
và tỏ ý muốn tự tử!
HQ 17 vừa mới đến nhập đoàn với Hạm-Đội lại được lệnh quay
lui cứu HQ 615. Đến nơi, HQ 17 vớt khoảng 300 người từ HQ 615 và hơn 200 người
trên HQ 470. Sau đó, cả HQ 470 và HQ 615 đều bị đánh chìm!
Khi đến Côn-Sơn, từ hệ thống truyền tin của HQ 1, Đề-Đốc Lâm
Ngươn Tánh tìm Hải-Quân Đại-Tá Phan Phi Phụng và chỉ định Đại-Tá Phụng làm Hạm-Trưởng
HQ 1.
Lúc này HQ 801 cũng vừa đến Côn-Sơn. Vợ của Hạm-Trưởng HQ
801 không muốn di tản. Hạm-Trưởng HQ 801 muốn đem chiến hạm trở về Saigon.
Nhưng nhờ sự giàn xếp của nhiều người, Hạm-Trưởng HQ 801 – Hải-Quân
Trung-Tá Nguyễn Phú Bá – nhận HQ 471 để
đưa vợ con và những người không muốn ra đi, trở về Saigon. Hải-Quân Đại-Tá Bùi
Cửu Viên được chỉ định làm Hạm-Trưởng HQ 801.
Riêng HQ 505 – sau khi vớt thêm hơn 200 người và giàn xếp
cho số nhân viên muốn trở về được xuống ghe về – quay lại Côn-Sơn. Vô tình, Hạm-Trưởng
HQ 505 bắt được liên lạc vô tuyến trên đài siêu tần số của những người vừa tiếp
thu Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Saigon. Nhóm người này bảo Hạm-Trưởng HQ 505 đem chiến
hạm về. Nhưng Hạm-Trưởng HQ 505 đã liên lạc được với Tiếp-Liệu-Hạm Vega, thuộc
Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ, và được Vega tiếp tế nước ngọt, thực phẩm. Sau đó, một
chiến hạm khác, cũng thuộc Đệ Thất Hạm-Đội, hộ tống HQ 505 đi Subic Bay.
HƯỚNG VỀ SUBIC BAY
Trong khi những biến chuyển trọng đại xảy ra cho Hải-Quân
V.N.C.H. thì…
…Tối 29 tháng 4, ông Richard Lee Armitage rời Saigon bằng trực thăng và đáp xuống chiến hạm Blue Ridge thuộc Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ.
Tại chiến hạm Blue Ridge ,
tuy không mang theo bất cứ một giấy tờ tùy thân nào, ông Armitage cũng vẫn yêu
cầu được gặp Đề-Đốc Donald Whitmire, Tư-Lệnh Đệ Thất Hạm-Đội Hoa-Kỳ tại
Thái-Bình-Dương.
Khi gặp Đề-Đốc Whitmire, ông Armitage thỉnh cầu Đề-Đốc
Whitmire liên lạc với Ngũ-Giác-Đài để được Ngũ-Giác-Đài xác nhận vai trò của
Ông; đồng thời ông Armitage cũng nhờ Đề-Đốc Whitmire xin Ngũ-Giác-Đài cho phép
trợ giúp Hải-Quân V.N.C.H.
Sau khi được Ngũ-Giác-Đài cho phép, ông Armitage trở lại
Côn-Sơn với hai chiến hạm Hoa-Kỳ, gặp Hạm-Đội Hải-Quân. Tại Côn-Sơn, ông
Armitage chuyển sang Soái-Hạm HQ 3 và hướng dẫn Hạm-Đội Việt-Nam tiến về Phi-Luật-Tân.
Thời gian này, Hạm-Đội Việt-Nam cũng chia thành nhiều nhóm
nhỏ, do một sĩ quan thâm niên trong nhóm chỉ huy.
Dù Quân-Lực đã tan rã, dù Quê-Hương đã rơi vào tay kẻ thù,
dù chưa ai biết mình sẽ đi về đâu và dù rất nhiều quân nhân Hải-Quân không đem
gia đình theo được, v. v….truyền thống Hải-Quân vẫn được thể hiện cao độ trong
thời gian bi hùng này! Nếu không có khối lượng đồng bào và quân bạn trên những
chiến hạm, nếu không có những quân nhân Hải-Quân, ban ngày thi hành khẩu lệnh của
cấp trên, ban đêm tựa boong tàu, âm thầm lau nước mắt, nhớ đứa con thơ, thương
người vợ trẻ còn kẹt lại quê nhà thì không ai có thể biết được đây là Hạm-Đội của
một Quân-Lực vừa được lệnh buông súng, hàng giặc!
Trong quân sử chưa có cuộc rút quân của bất cứ một đại đơn vị
nào mà quân dụng được bảo toàn tối đa, kỹ luật được tôn trọng tuyệt đối và tình
người được dâng cao chất ngất như Chuyến-Ra-Khơi-Cuối-Cùng của Hải-Quân
V.N.C.H!
Khi Hạm-Đội Hải-Quân V.N.C.H. đến Phi-Luật-Tân – ngày 07
tháng 05 năm 1975 – chính phủ Phi lo ngại cho những trở ngại ngoại giao với
chính phủ Việt-Cộng sau này, đã buộc Hạm-Đội Hải-Quân phải hạ cờ và tháo gỡ vũ
khí!
Vài chiến hạm Hoa-Kỳ cặp vào chiến hạm Việt-Nam với dự tính
thực hiện yêu cầu của chính phủ Phi; nhưng gặp ngay sự phản kháng mãnh liệt của
thủy thủ đoàn.
Lý do Hạm-Đội Việt-Nam nêu ra là: Những chiến hạm này do
Hoa-Kỳ viện trợ cho Hải-Quân Việt-Nam theo chương trình M.A.P. (Military
Assistance Program). Theo những điều khoản trong chương trình đó, quân cụ nào
V.N.C.H. không dùng nữa sẽ được hoàn trả lại cho chính phủ Hoa-Kỳ. Để thể hiện
tinh thần đó, nay Hải-Quân Việt-Nam trao trả Hạm-Đội này lại cho chính phủ
Hoa-Kỳ. Vì vậy, Hải-Quân Việt-Nam yêu cầu có một buổi bàn giao chính thức.
Yêu cầu của Hải-Quân Việt-Nam được chấp thuận. Đồng thời, Hải-Quân
Hoa-Kỳ cũng yêu cầu Hải-Quân Việt-Nam phải hóa giải, ngụy trang tất cả chiến hạm.
Tên và số hiệu của tất cả chiến hạm Hải-Quân Việt-Nam đều bị
nhân viên Hoa-Kỳ dùng sơn xám xóa hết! Lúc gỡ cầu vai hoặc tháo gỡ cơ bẩm những
ổ trọng pháo hay là vất vũ khí, đạn dược vào lòng đại dương, quân nhân Hải-Quân
tưởng như chính họ đang tự hủy hoại bản thân của họ vậy!
Cờ Tư-Lệnh Hải-Quân Việt-Nam trên kỳ đài HQ 1 được trao cho
cựu Tư-Lệnh cuối cùng của Hải-Quân V.N.C.H.
Sau đó, trên mỗi chiến hạm Việt-Nam, một sĩ quan Hải-Quân
Hoa-Kỳ lên nhận lại tàu.
Lúc cử hành lễ hạ Quốc-Kỳ V.N.C.H., tất cả quân nhân và đồng
bào hát bản Quốc-Ca trong tiếng khóc uất nghẹn. Tiếng hát vang xa trong vùng biển
lạ như nỗi đau đang len lỏi trong từng ngõ ngách tâm hồn! Chiều tím thẫm trên đại
dương mênh mông như báo trước những bất trắc không lường được trong cuộc đời của
những kẻ mất Quê Hương!
Cũng thời điểm này, cuối chân trời, nơi Quê Hương ngập máu:
“…Và quả phụ mỏi chờ
theo tóc bạc,
Vẫn nhắc anh vừa gợi lại
tro tàn
Trong lò sưởi và trong
trái tim.
Ôi! Cha Mẹ già chỉ còn
lại một giấc mơ
Đã chết trong chuỗi
ngày mong đợi trên bãi biển
Những người đi không về.”
(…Et vos veuves au
front blanc, lasses de vous attendre,
Parlent encore de vous
en remuant les cendres
De leur foyer et de
leur coeur.
Oh! Que de vieux
Parents qui n’avaient plus qu’un rêve,
Sont morts en
attendant tous les jours sur la grêve
Ceux qui ne sont pas
revenus.)
OCEANO-NOX của
VICTOR HUGO
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/