Hổm rầy, không biết ăn nhằm cái
giống gì mà các đồng chí lãnh đạo cấp cao (sao) nói năng ví von và
điệu đàng hết sức:
- Bí thư Đinh La Thăng: “Đừng để anh Hải thành ngôi sao
cô đơn.”
- Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tây Nguyên như một cô gái đẹp đang ngủ quên
trước thời cuộc.”
Vụ anh Hải/anh Thăng, với trăng
sao & và hè phố, nghe đã quá mệt rồi nên khỏi bàn thêm nhưng
chuyện Tây Nguyên (nơi tôi sinh trưởng) thì buộc phải có đôi lời với
ông TT.
Kính thưa ông
Kể từ khi mà người Kinh đặt
chân đến Tây Nguyên thì chúng tôi còn có bao giờ được ngủ yên nữa đâu,
nói chi tới chuyện “ngủ quên” cho nó thêm phiền. Hôm 11 tháng 3 vừa
qua, tại Hội Nghị Xúc Tiến Đầu Tư Vùng Tây Nguyên, vừa nghe ông tuyên bố “tái khẳng định quyết tâm của
chính phủ trong việc đầu tư ở các tỉnh Tây Nguyên” là hết thẩy bản
làng – bất kể nam, phụ, lão, ấu – đều nhẩy dựng lên hết ráo vì …
kinh hoảng!
Cách đây chưa lâu, vị T.T tiền
nhiệm (Nguyễn Tấn Dũng) cũng đã từng lớn tiếng tuyên
bố: “Khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và
Nhà Nước.”
Hậu quả ra sao – nếu ông chưa rõ
– xin đọc dòng chữ sau đây, từ báo Công An Nhân Dân, số ra ngày 11/03/2017:
“Tổ hợp bauxit – nhôm Lâm Đồng lỗ
hơn 3.700 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động.” Cùng ngày, VNEXPRESS
còn ái ngại cho biết thêm:
“Thời gian vận hành 3 năm qua, Tổ
hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng đã nảy sinh một số sự cố, gây ảnh hưởng tới môi
trường như vỡ đường ống dẫn nước dư từ hồ bùn đỏ về nhà máy tuyển quặng,
hay sự cố rò rỉ ống khói… khiến dư luận hoang mang.”
Tụi tui sợ thấy bà luôn, chớ
đâu phải chỉ “hoang mang” thôi – mấy cha! Bùn đỏ chính là một loại
bom, bom kiềm, theo như lời giải thích của một chuyên gia có thẩm
quyền – kỹ sư Nguyễn Sáng:
“Đối với mỏ Bô Xít Tây Nguyên hàm
lượng Ôxít Nhôm trung bình là 50% như vậy cứ 1 tấn alumin được sản xuất thì
sinh ra 1 tấn bùn đỏ. Hai dự án bô xít là Nhân Cơ và Tân Rai. Mỗi dự án có 2 hồ
chứa bùn đỏ mỗi hồ có dung tích một triệu tấn. Trong đó công suất của Tân Rai
650.000 tấn/năm và Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm. Như vậy chỉ 3 năm là các hồ
chứa bùn đỏ sẽ đầy, và để càng lâu thì quả bom sẽ càng lớn.”
Em
bé Tây Nguyên. Ảnh: Lý Tuấn Đạt.
So với “sự cố môi trường vùng
biển Formosa” thì quả bom bùn đỏ khổng lồ, ở Tây Nguyên, đáng sợ hơn
nhiều. Người dưới xuôi mà còn phập phồng thì dân miền núi làm sao
mà “ngủ quên” cho được. Sở dĩ chúng tôi không đi biểu tình (như người
dân vùng biển) vì chưa lại sức, sau hai đợt đàn áp dã man vào năm
2001 và 2004.
Nếu rảnh, xin ông coi qua tập
tường trình, dài 200 trang (Repression of Montagnards: Conflicts over Land and Religion in
Vietnam’s Central Highlands) do Human
Rights Watch xuất bản. Trong trường hợp ông không đọc tiếng Anh/tiếng U
thì có thể xem qua Wikipedia
(tiếng Việt, ma dze in Viet Nam, về cuộc biến động hồi năm 2004) cũng
được:
“Biểu tình ở Tây Nguyên 2004 là
vụ gây rối quy mô lớn của Người Thượng xảy
ra vào ngày 10 và 11 tháng 4 năm 2004 tại Tây Nguyên nhằm
đòi lập Nhà nước Đề Ga tự
trị, đòi đất, đòi tự do tôn giáo do Quỹ người Thượng của Ksor Kok kích động. Với tổng cộng gần
10 000 người tham gia, đồng loạt ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông.”
Wikipedia (giọng điệu Hà Nội,
như vừa trích dẫn) cũng như những tất cả các cơ quan truyền thông của
nhà nước lúc nào cũng lu loa rằng dân Tây Nguyên bị “kích động,” và “có sự xúi giục từ nước ngoài.” Cùng với cái thói hay vu vạ, quí ông còn có cái
tật (rất) lớn là luôn chối từ nhìn vào thực tại (bi thương) của
những người dân ở vùng đất bất hạnh này.
Bẩy
người dân Tây Nguyên chạy đến được Cambodia, vào cuối tháng 6 năm 2016.
Ảnh tư liệu của MIRO chụp tại chùa Samaki Raingsei, ở Phnom Penh.
Dưới miền xuôi, may thay, vẫn
còn có những người Kinh công tâm và sáng suốt. Xin ông, đôi phút, lắng
nghe những nhận định khách quan của nhà văn Nguyên Ngọc:
Từ sau năm 1975, đối với Tây Nguyên
chúng ta có hai chủ trương chiến lược:
* Xây dựng Tây Nguyên thành một
địa bàn vững chắc về an ninh và quốc phòng, tương xứng với vị trí chiến lược
của vùng cao nguyên quan trọng này.
* Xây dựng Tây Nguyên thành một
vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.
Để thực hiện chủ trương chiến lược
đó, đã:
– Tăng cường lực lượng lao động lớn
cho Tây Nguyên bằng cách tiến hành một cuộc đại di dân chưa từng có, chủ yếu từ
đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên.
Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến sẽ đưa lên Tây Nguyên 5 triệu dân. Kế hoạch này
cũng đồng thời nhằm giải toar áp lực dân số cho hai vùng đồng bằng nói trên.
– Tổ chức toàn bộ Tây Nguyên thành
các đơn vị kinh tế lớn : trong 10 năm đầu là các Binh đoàn làm kinh tế, gồm 3
binh đoàn 331, 332, 333 bao trùm gần toàn bộ Tây Nguyên. Mười năm sau, quân đội
giao lại cho dân sự, các binh đoàn làm kinh tế chuyển thành các Liên Hiệp Xí
nghiệp Nông, Lâm, Công nghiệp (LHXNNLCN), cũng bao trùm gần hết Tây Nguyên. Sau
10 năm nữa, nhận thấy mô hình quản lý này không hiệu quả, đã giải tán các
LHXNNLCN, tổ chức lại thành các nông trường, lâm trường thuộc tỉnh hoặc thuộc
trung ương.
Toàn bộ đất và rừng ở Tây Nguyên
được quốc hữu hoá, được lấy giao cho các binh đoàn làm kinh tế, các LHXNNLCN,
các nông trường, lâm trường, và giao cho dân di cư từ đồng bằng lên. Người bản
địa chỉ còn phần đất thổ cư và một ít đất làm rẫy…
Những việc làm của chúng ta ở Tây
Nguyên từ sau 1975 như đã trình bày trên đã đưa đến những hệ quả:
- Dân số Tây Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ
lớn… Đầu thế kỷ XX, các dân tộc
bản địa chiếm 95% dân số. Đến năm 1975, tỷ lệ này là 50%. Hiện nay người
bản địa chỉ còn 15-20% trên toàn địa bàn…
- Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên. Từ sau năm 1975, quyền sở hữu tập thể truyền thống
của cộng đồng làng đối với đất và rừng nghiểm nhiên bị xoá bỏ, tất cả đất
và rừng đều bị quốc hữu hoá. Như đã thấy ở trên, quyền sở hữu này chính là
nền tảng vật chất, kinh tế của làng; bị bứng mất đi nền tảng này, làng, tế
bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tất yếu tan vỡ…
- Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Cho đến nay, trừ một vài vùng nhỏ như một ít khu vực
quanh núi Ngok Linh, vùng Komplong…, có thể nói về cơ bản rừng Tây Nguyên
đã bị phá sạch, hậu quả về nhiều mặt không thể lường.
- Người bản địa bị mất đất. Việc mất đất, không phải trong một xã hội bình thường
mà là từ tay người dân tộc bản địa sang tay người nơi khác đến là người
Việt, đã khiến vấn đề đất đai trở thành vấn đề dân tộc. Đây chính là
nguyên nhân trực tiếp của sự mất ổn định nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở
Tây Nguyên.
- Văn hoá Tây Nguyên bị mai một. Việc mất rừng, tan vỡ của làng, cơ cấu dân cư bị đảo
lộn lớn và đột ngột, người bản địa bị mất đất và mất gốc rễ trở thành lang
thang trên chính quê hương ngàn đời của mình… tất yếu đưa đến đổ vỡ về văn
hoá.
Một nhóm người Thượng đi bộ vượt biên từ Việt Nam sang tỉnh
Ratanakiri, Campuchia, ngày 22/7/2004. Hình: Reuters
Đó là kết luận của “già làng”
Nguyên Ngọc, hồi năm 2006. Hơn mười năm đã trôi qua, bây giờ chúng tôi
không còn chỗ để mà “lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình”
nữa. Đất bị cướp trắng cả rồi. Cho dù quả bom đỏ bauxite không nổ
chăng nữa thì chúng tôi cũng chết dần, chết mòn, và sẽ chết hết
(trong tương lai gần) nếu chế độ hiện hành không tàn lụi sớm.
Kính thưa ông
Tây Nguyên có được ngủ yên bao
giờ mà nói “ngủ quên.” Tôi đoán chừng là ông đang ngủ gật nên có
biết “trời trăng mây nước” gì đâu, chúng đưa cho cái gì thì cầm giấy
đọc y chang như vậy thôi. Từ trên xuống dưới, toàn là một lũ dốt
nhưng lại hay nói chữ!
Tưởng Năng Tiến