Ông gìa ngồi lọt thỏm trong ghế
salon. Mái tóc bạc rủ xuống trước trán. Đôi mắt mệt mõi đằng sau gọng kính đồi
mồi màu nâu nhạt. Chiếc sơ mi trắng ngắn tay hơi nhàu nát, nhưng vẫn tươm tất
bỏ vào quần. Trên túi áo, cây viết nằm trơ trọi, ngã nghiêng. Tiếng nói nhỏ,
chậm rãi:
-
Lại một năm nữa trôi qua…
Người đàn ông đối diện, cũng kính
cận, cũng áo ngắn tay đơn giản, gật gù:
-
Ừ, cuối năm rồi…Ông có dự định đi đâu không?
-
Đi đâu? Thì cũng loanh quanh ở thành phố…
-
Ông có vẻ mệt mỏi…
Ông gìa cười gượng:
-
Gìa rồi, gần hết một đời rồi ông ạ.
Tiếng cười ngắn. Tiếng nói ngập
ngừng:
-
Cuối năm… tôi nhớ một tác phẩm của ông: Gặp gỡ cuối năm. Trong đó ông viết về
những cư dân tiểu tư sản Saigon sau ngày 30 tháng tư bảy mươi lăm.
-
Lâu rồi….
-
Tôi vẫn còn nhớ nhân vật bà chị Hoàng của ông. Một người đàn bà đứng tuổi nhưng
xinh đẹp, học trường Pháp, tiêm nhiễm văn hóa Pháp, vẫn sống nếp sống trưởng
gỉa rơi rớt những ngày sau 30 tháng tư. Và người bạn trai của bà, một trí thức
mà ông phỉ báng là vong bản, vọng ngọai, và phản quốc, đại diện cho cả tầng lớp
trí thức miền Nam. Họ sống những ngày buồn bã, nhàm chán….
-
Lâu rồi…
-
Lâu rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ. Ông gọi đó là những nhân vật phản diện phải
không? Ở địa vị kẻ chiến thắng ông đã tha hồ bêu riếu, chế giểu và nhục mạ họ.
Ông bịa ra những tranh luận gỉa tạo để dồn họ vào thế bị động, để ông có dịp
chộp lấy chân lý về phía ông. Còn những nhân vật chính diện, ông ca tụng không
tiếc lời. Nhất là người con nuôi bộ đội kỹ sư của ông. Hồ hỡi, phấn khởi trong
chiến thắng, anh chàng kỹ sư này đã xông xáo công tác với những hoài bảo cao
cả. Tôi ngờ rằng đó chỉ là những hoài bão của riêng ông.
Ông gìa lắc đầu phản đối:
-
Không, đó là nhân vật thực. Dĩ nhiên hiện thực xã hội chủ nghĩa có cho phép tôi
hư cấu, nhưng cốt lõi đó là nhân vật thực.
Ngưng lại một lúc, ông gìa vuốt mái
tóc bạc ra đằng sau, ngẩng lên:
-
Lâu rồi, hơn 25 năm rồi. Hồi đó…
-
Hồi đó ông còn nhiều lửa lắm phải không?
-
Nhiều lửa và nhiều ảo tưởng nữa.
Người đàn ông nhìn thẳng vào mắt ông
gìa:
-
Ảo tưởng? Tôi không hiểu….
Ông gìa cười nhẹ:
-
Đúng, ảo tưởng. Thực ra chỉ do mình tạo nên thôi.
Ông gìa ngừng lại, đắn đo:
-
Mình tạo nên, nhưng cũng chẳng phải chỉ tại mình. Được đào tạo, được giáo dục
từ nhỏ…như thế thì mình phải như thế thôi.
Người đàn ông trầm ngâm:
-
Ông có đọc lại quyển Gặp gỡ cuối năm của ông không?
Tiếng nói ngậm ngùi:
-
Thỉnh thoảng ông ạ. Không phải chỉ một quyển đó thôi. Còn những quyển khác nữa.
Lắm ngày ngồi đọc lại hay nghĩ lại về những tác phẩm của mình đã viết trong mấy
chục năm qua, nhiều trang viết đã làm tôi xấu hổ và rất buồn. Những trang viết
chủ quan, kiêu ngạo chỉ khẳng định có một niềm tin, một lẽ sống, rồi dạy dỗ,
rồi lên án, rồi chế giễu tất cả những gì khác biệt với mình, đọc lại thật đáng
sợ. Đọc lại như một sám hối.
-
Sám hối?
Ông gìa gật đầu, dã lã:
-
Nhưng muộn rồi. Bút sa gà chết. Ở đây, bao nhiêu người đã tin mình, bao nhiêu
người đã chết vì mình…..Ông nhớ Chế Lan Viên không?
Người đàn ông thắc mắc:
-
Ông nghĩ là những tác phẫm của ông có ảnh hưởng lớn như vậy sao?
Tiếng nói ngập ngừng:
-
Thì…cứ giả dụ như thế. Báo chí, bạn bè nói thế thì mình cũng tin như thế.
Người đàn ông ngồi ngữa người ra
salon. Tiếng nói như chế diễu:
-
Đến bây giờ ông còn tin ở báo chí sao?
Người đàn ông đứng dậy mở cửa sổ.
Gío lùa từ ngoài vào mang theo cái mát nhẹ nhàng của những ngày giáp Tết. Tiếng
xe gắn máy, xe ô tô vẫn ồn ào dưới phố. Bụi vẫn mịt mù dù thời tiết đã dịu lại.
Thành phố thời mở cửa vẫn đang lao mình vào nhịp hối hả tranh sống lọan cuồng.
Người đàn ông quay lại:
-
Những nhân vật của ông trong “Gặp gỡ cuối năm” bây giờ ở đâu?
Ông gìa nhíu mày. Im lặng trôi lãng
đãng trong căn phòng nhỏ. Tiếng nói buông thỏng:
-
Một số đã chết, dĩ nhiên. Một số khác đã thay đổi…Cũng không trách họ được.
Biện chứng mà. Chỉ có điều…
Người đàn ông cười nhẹ cướp lời:
-
Chỉ có điều họ thay đổi ngược lại những điều ông tưởng tượng. Đúng không?
Tiếng ông gìa chán chường, mệt mỏi:
-
Đúng. Họ thay đổi khác hẳn những gì tôi nghĩ. Vì vậy tôi mới nói là ảo tưởng.
Cuộc sống có những qui luật riêng của nó…
-
Bây giờ ông mới thấy những phê phán của ông về xã hội miền Nam là sai bét, là
ảo tưởng chủ quan?
-
Vâng chủ quan. Ông dùng từ thực đúng. Chủ quan của những tên mù. Lại là những
tên mù hướng đạo.
Ông gìa ngồi thẳng lên.
-
Nhưng tôi đã làm hết sức tôi. Với tất cả nhiệt tình.
Người đàn ông vỗ bàn tay nhè nhẹ lên
bàn.
-
Lê Nin đã nói: nhiệt tình cộng với sự ngu dốt là phá hoại.
-
Ông cũng thuộc Lê Nin nữa à?
-
Chút ít thôi. Tôi có cả Lê Nin toàn tập đó chứ….
Có tiếng gõ cửa. Ông gìa đứng dậy,
chẫm rãi bước ra mở cửa phòng. Một người đàn bà bước vào. Mái tóc đã bạc trắng
lòa xòa, nhưng bà ăn mặc rất chải chuốt. Cái robe dài màu xanh sẫm. Áo khoác màu
trắng. Mùi nước hoa dịu dàng. Đôi mắt tinh anh nhìn thoáng qua người đàn ông.
Bà gật đầu như khẻ chào rồi quay sang ông gìa.
-
Cậu vẫn khỏe chứ?
Ông gìa nhỏ nhẹ:
-
Chào chị. Chị vẫn về như mọi năm…
Người đàn bà cười khẻ:
-
Đến hẹn lại lên…Về thăm xem cậu ra sao rồi.
-
Vẫn thế. Vẫn thường thôi…
Người đàn bà ngồi xuống ghế salon,
mở xách tay lấy ra gói thuốc. Đốm lửa xòe lên đốt điếu thuốc trên môi. Khói bay
lãng đãng, thơm dịu căn phòng. Bà lớn tiếng:
-
Có rượu không? Cuối năm phải có rượu chứ.
Ông gìa cười nhẹ rồi khệ nệ mang
chai rượu đặt lên bàn. Người đàn bà xuýt xoa:
-
Ô là là. XO hẳn hoi. Cậu lúc này sang trọng nhỉ.
-
Của thằng D. Nó biếu cho tôi lần về công tác ở thành phố.
Người đàn bà khui chai rượu, chẫm
rãi rót ra ly rồi nhắp một ngụm.
-
Cậu trông chị ra sao?
-
Vẫn thế. Vẫn….. như ngày nào.
Người đàn bà bật lên tiếng cười
khoan khoái:
-
Bản chất mà, làm sao thay đổi được…mà có cần phải thay đổi không? Bây giờ chị
lạc hậu rồi. Bọn họ còn hơn chị nhiều. Quá độ qua thời kỳ tiểu tư sản, tiến
thẳng lên tư bản rồi phải không?
Ông gìa lắc đầu thở dài:
-
Chị vẫn thế, vẫn mỉa mai châm biếm.
-
Đâu có, chị có châm biếm ai đâu. Chị nói sự thực. Cậu không thấy vậy sao?
Ông gìa chật lưỡi:
-
Thấy chứ. Nhưng…
Người đàn bà ngắt lời:
-
Không nhưng không nhị gì cả. Chị hiểu. Cuộc sống có qui luật của nó như
cậu thường nói. Nhưng đó không phải là qui luật xã hội chủ nghĩa, mà là qui
luật của con người. Có điều các cậu đi quá trớn.
Người đàn bà ngừng lại. Bà rít một
hơi thuốc, nhả khói lên trần phòng rồi thong thả tiếp:
-
Các cậu bây giờ là bọn tư bản hoang dã…là mafia.
Ông gìa cúi đầu xuống nhỏ nhẹ:
-
Chị gọi các cậu thì oan cho tôi. Tôi đâu có nhúng tay vào những việc đó đâu.
Người đàn bà gắt khẻ:
-
Cậu có được vào cái hội chợ phù hoa đó đâu. Nếu được tham dự cậu cũng như bọn
họ thôi. Có chắc là cậu khác không?
Ông gìa chống chế:
-
Chị không hiểu tôi. Những người cầm bút…
-
Cầm bút thì sao? Cầm bút, cầm súng hay cầm dollar thì cũng như nhau thôi. Bọn
họ cũng cầm bút vậy. Cầm bút ký những hợp đồng, ký những giấy phép, ký những
bản án… Ngay cả những người cầm bút viết văn như các cậu, bây giờ được bao
nhiêu người dám viết lên sự thực?
Ông gìa thở dài:
-
Chị biết rồi. Nguyễn Tuân còn sống sót đến cuối đời nhờ ông ta biết sợ.
Người đàn bà buột miệng cười:
-
Cậu mà cũng sợ sao? Bom đạn Mỹ Ngụy còn không làm cho cậu sợ mà.
Ông gìa xua tay:
-
Xin chị. Bây giờ mà chị còn xài chữ Ngụy sao? Chúng tôi đã quên rồi.
-
Cậu nói dối. Chính các cậu mới không bao giờ quên. Chị dùng chữ Ngụy với ý
nghĩa đùa cợt thôi. Còn đối với các cậu, chữ Ngụy đồng nghĩa với kẻ thù.
-
Chiến tranh chấm dứt gần 30 năm rồi chị ạ. Một nhà văn, nhà thơ hải ngoại còn
bảo cuộc chiến tranh đã là tiền kiếp.
-
Chị không biết cái ông đó. Nhưng không phải mọi người ở hải ngoại đều nghĩ như
ông ta.
Người đàn ông nhìn sang ông gìa. Ông
ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế salon to lớn. Gần 30 năm rồi mà trông ông vẫn
không được thoải mái trong khung cảnh tiểu tư sản này chút nào. Hai vai ông so
lại. Cặp kính đồi mồi màu nâu nhạt đóng khung hai con mắt nhăn nheo, rơm rớm.
Người đàn bà dịu giọng:
-
Cậu khóc à? Chị có quá lời không?
Ông gìa ngẩng lên.
-
Không, tôi không khóc…Không còn khóc được nữa. Lần đầu tiên tôi khóc sau ngày
30 tháng tư bảy nhăm là khi nghe tin con bé con người bạn thân vượt biển bị hải
tặc hãm hiếp rồi quăng xuống biển mất tích. Tội nghiệp con bé. Mới hai mươi
tuổi, xinh xắn, dễ thương, yêu một anh lính chế độ cũ, cùng nhau xuống tàu vượt
biên rồi không bao giờ trở về. Lần đó tôi khóc nhưng không hiểu tại sao nó lại
chọn con đường đó. Lần thứ hai tôi khóc là khi thằng cháu hy sinh ở Campuchia.
Tôi khóc nhưng hãnh diện. Lần thứ ba, tôi khóc chị.
Người đàn bà ngậm ngùi:
-
Cám ơn cậu. Chị em mình bao giờ cũng thương yêu nhau mà. Chị hiểu cậu chứ. Còn
thằng D. thì sao rồi?
Ông gìa ngẩng lên. Một chút long
lanh trong ánh mắt. Tiếng nói pha lẫn nỗi hân hoan.
-
Thằng D. bộ đội, kỹ sư xây dựng phải không? Nó hiện nay là Giám Đốc công ty xây
dựng ở Công Ty dầu khí Vietpetro. Mấy năm nay tôi sống được cũng nhờ nó. Không
phải chỉ là tiền bạc không thôi.
Ông gìa ngừng lại thở rồi hồ hởi nói
tiếp:
-
Nó là con đở đầu của tôi, là hoài bão của tôi. Tôi đã bồi dưỡng cho nó từ lâu.
Trưởng thành trong chiến tranh, kết nạp đảng viên ngoài mặt trận, vững vàng
trong công tác, tiến bộ vượt bậc trong nghề nghiệp. Bây giờ nó là một trong
những Giám Đốc năng nổ, nhiệt tình nhất của Công Ty. Có khả năng năm tới nó sẽ
được đề bạt lên Phó Tổng Giám Đốc.
Người đàn bà gật gù:
-
Không uổng công cậu đào tạo nó nên người. Tôi cũng mừng.
Tiếng chuông điện thoại reo vang ở
góc phòng. Ông gìa quay sang người đàn bà.
-
Chắc là thằng D. gọi về đó. Thường khoảng cuối năm, nó vẫn gọi về thăm hỏi tôi.
Cái thằng coi vậy mà tình nghĩa.
Ông gìa bước lại bàn, nhấc phôn lên
nhỏ nhẹ:
-
Alô, tôi nghe đây…Vâng, nhà văn Nguyễn K. đây.
Gương mặt ông chợt đăm chiêu. Vầng
trán gìa nua hằn thêm những nếp nhăn. Mái tóc bạc rũ xuống lòa xòa trước gọng
kính đồi mồi. Tiếng nói hối hả.
-
Sao? Ông nói sao?
Bàn tay cầm phôn chợt run rẩy. Ánh
mắt thất thần.
-
Giám Đốc D. bị bắt…cả Tổng Giám Đốc công ty dầu khí cũng bị bắt rồi sao? Tội gì
thế?
Ông gìa buông thỏng cái phôn xuống
bàn, rồi ngã sụp xuống salon. Nét tuyệt vọng mệt mõi phủ chụp lên khuôn mặt gìa
nua. Hai dòng nước mắt chảy lặng lẽ.
Người đàn ông nhìn sang bên cạnh.
Người đàn bà đã bỏ đi từ lúc nào. Mùi thuốc thơm vẫn còn thoang thoảng. Người
đàn ông đứng dậy. Chợt nhìn về phía bàn thờ mà từ nảy giờ ông không để ý
đến. Hai ba khuôn hình xếp một hàng dọc. Phía bên phải, hình người đàn bà nhìn
chăm chăm về phía trước. Gương mặt buồn bã. Hình như bà cũng đang khóc.
Đông Nghi