06 April 2017

NGẢ BA - Ðặng Phú Phong

Để nhớ Bùi Giáng

Trong một quán cóc có kê mấy cái bàn thấp lấn ra ngoài vỉa đường. 
Ông già: - Ừ tại sao xe chẳng gọi là bò? Nó cũng đi, chạy, né,  húc. Đúng rồi, ta đã mất bò, ta không có cái để chăn. Vậy ta chăn xe để thế bò. Ta chăn xe.
Gã trung niên: - Không ai gọi là chăn xe cả.
Ông Già: - Thế mi gọi là gì?
Gã trung niên: - Không biết. Ông đặt tên được mà.
Ông già: - Ừ, thì cứ gọi là chăn bò sắt hỉ. Ưm... nghe
dở... gọi là chăn bò bò đi.
Gã trung niên: - Cũng được. 

Bóng chiều lảng vảng trên hàng cây sao cao vút. Thành phố thật ồn ào với đủ loại xe cộ chạy dồn ép chèn lấn với nhau. Tôi ngồi trên băng đá, sát lối ra vào của một công viên nhỏ. Quang cảnh thật trơ trọi, dơ dáy. Chẳng có bóng dáng một bông hoa nào trong công viên thuộc trung tâm thành phố. Cây cỏ dại mọc lan man bám đầy bụi đất, đây đó những đống rác bốc mùi hôi thúi khó chịu. Mở tờ báo định đọc mới hay trời không còn đủ ánh sáng, lơ đãng nhìn qua đường. Bất chợt một ông già đầu bạc từ quán café vừa chạy vừa nhảy ào ào ra ngả ba, miệng thổi tu huýt liên hồi. Đến ngay giữa ngả ba ông già đứng lại lúc nhảy múa, lúc trong tư thế của một người cảnh sát, ông ta làm dấu chỉ đường cho xe cộ từ ba phía chạy đến. Đường phố náo loạn hẳn lên. Tiếng còi xe inh ỏi, tíếng chửi thề, tiếng trẻ con reo hò và sự di chuyển bỗng chốc ngưng đọng lại tạo thành một bức tranh thật buồn cười. Nhưng rồi những chiếc xe ấy cũng lèo lách né tránh được ông già và đi mất. Bị hụt hẫng ông già nhảy vào lề đường ngồi xệt trên chiếc ghế vuông thấp. 
Gã trung niên: - Uống đi ông.
Ông già: - Tức quá. Mẹ nó những con bò.
Gã trung niên: - Uống đi ông.
Ông già: - Mi ngu như những con bò bò.
Gã trung niên: - Ông khôn như những con bò bò.
Ông già cười hề hề: - Thôi để ta đi chăn nữa. 
Ông già lại vừa chạy vừa nhảy ra giữa ngả ba, tiếp tục thổi tu huýt nhảy múa, chỉ đường loạn xạ. Bây giờ tôi mới kịp thì giờ nhìn rõ ông già. Ông ta mặc ba chiếc áo dài ngắn khác nhau chia thành ba tầng rõ rệt. Chiếc áo trong cùng dài nhất, phần ló ra ngoài dài phủ mông, bạc thếch không còn phân biệt được màu sắc. Tầng thứ hai là chiếc áo thun màu đỏ sậm và ngoài cùng là chiếc áo sơ mi bẩn thỉu nhàu nhò. Chiếc quần soọc rộng thùng thình dài đến gối để lộ đôi ống chân khẳng khuyu đen đúa. Gương mặt gầy gò khắc khổ, râu mép râu cằm dài lưa thưa sợi hoe vàng sợi bạc. Đàng sau cặp mắt kính cũ sì méo lệch là đôi mắt tròn xoe. Ánh mắt lúc thật dữ tợn lúc thật hiền hòa, lúc thì ngơ ngác, thẩn thờ như đang chờ đợi, tính toán một việc gì. Đôi tay xương xẩu, rắn chắc vừa múa chỉ đường vừa nâng cặp mắt kính lên khi nó chùi xuống chót mũi vì động tác nhảy múa của ông ta. Mỗi lần cái tu huýt rớt xuống, dính tòn ten trước ngực là ông ta nhân dịp rảnh, đưa tay chùi bọt mép trên cái miệng móm, rồi la hét lung tung.
Người hiếu kỳ đứng hai bên đường càng lúc càng đông, xe cộ càng không có lối đi nên phải nối dài như chịu sự điều khiển của ông già. 
Ông già: - Mẹ nó. Tụi nó ngu quá chừng . Chỉ hoài mà chẳng biết lối đi.

Gã trung niên: - Thôi thì ông làm thơ chỉ chúng vậy.

Ông già: - Mi ngu như chúng nó nhưng mi làm thơ được. Vậy mi làm đi.

Gã trung niên: - Để lạc hồn ta đâu mất rồi.

Ông già: -Hừ. Đừng nói cái riêng. Thơ phải nói cái chung, trong chung có riêng.

Gã trung niên: - Vậy thì bí rồi. Ông làm đi.

Ông già: - Một giờ phố chợ thênh thang

Chanh hồng quýt lục thu dàn loạn ly.

Gã trung niên: - Dàn loạn ly là sao?

Ông già: - Là những cái ly đang dàn loạn xà ngầu trên bàn đây nầy. 
Ông già chồm lên đưa tay gạt ngang mớ ly tách trên bàn. Tiếng thủy tinh va chạm thật mạnh kêu loảng xoảng, có cái rớt xuống sàn xi măng vỡ tan tành. Một giây im lặng dị thường ập đến. Những ánh mắt đổ dồn về phía hai người. Gã trung niên bất giác bật cười hả hả, ông già cũng bật cười hả hả. Tiếng cười của hai người thật sảng khoái. Người chạy bàn lom khom nhặt những mẩu thủy tinh vỡ. Gã trung niên ngưng cười, đột nhiên sửa người ngồi thật ngay ngắn đăm đăm nhìn ông già. Ông già cũng đã thôi cười lấy trong bọc thuốc rê ra vấn. 
Ông già: -Kìa tụi nó lại đi bậy nữa để ta đi chăn.
Gã trung niên: - Gượm tí đã. Uống một ngụm cho khỏe. Một ngày ông nhảy được mấy lần?
Ông già: - Một lần, trăm lần cũng vậy. Trăm lần như một. Một lần mật l... mi uống nó đi cho phiêu bồng tự tại.
Gã trung niên: - Ông nhảy cũng tức cười, cũng hay hay và cũng thật mạnh bạo nữa. Ông nhảy giống cọp vồ.
Ông già: - Vậy hả? 
Ông già lại chạy ra ngả ba đường tiếp tục nhảy múa. Đám đông như đã quen mắt, bỏ đi thưa dần, chỉ còn lại những đứa trẻ ăn mặc lôi thôi dơ bẩn vẫn còn thấy khoái, vỗ tay reo hò phụ họa. Ông già thật khỏe, chân không mang giày dép, nhẩy thình thịch trên mặt nhựa đường đã lâu mà chẳng thấy ông ta ra chiều mệt nhọc gì cả. 
Gã trung niên: - Ông nhảy như vậy có vui không?
Ông già: - Đường đời muôn dặm ngả ba. Lúc nào ta cũng vui. Ta đang ở trong Hoan Hỉ Cõi , còn mi đang ở trong Vô Thường Cõi làm sao mi biết ta mà hỏi.
Gã trung niên: - Chỉ cho tôi.
Ông già: - Mi cũng như những con bò bò kia, có chỉ cũng chẳng biết nơi mà đến.
Gã trung niên: - Vậy thì tôi chở ông. 
Ông già nhảy tót lên yên sau, gả trung niên cúi người đạp xe. Xe vừa chạy, ông già vùng đứng thẳng người lên, hai tay giang ra, miệng la hét những tiếng quái dị.
Hai người hút mất vào khoảng tối của con đường. Tôi đứng dậy phủi đít quần, đi về nhà.

Ðặng Phú Phong