22 April 2017

THƯ THÌ MỎNG - Nguyễn thị Hải Hà

truyện ngắn phóng tác
 Ở một thành phố nhỏ ít người Việt mỗi lần muốn đi ăn nhà hàng Việt phải lái xe có khi cả tiếng đồng hồ. Đa số người Việt ở các thành phố nhỏ này tự nấu ăn, hoặc vợ nấu. Người không vợ, hay vợ không biết nấu món ăn Việt thì ráng nhịn riết rồi quen. Một nhà hàng nhỏ nghĩ ra cách này. Họ nhận nấu cơm tháng, giá phải chăng, giao tận nhà. Câu chuyện xảy ra như thế này.
Ông mở hộp cơm. Trong cái hộp nhỏ để đựng đũa muỗng và gia vị, có kèm một mảnh giấy. Giấy màu vàng có kẻ hàng, loại giấy đóng thành xấp thường bán trong siêu thị.

Ngày … Tháng … Năm …
Thưa ông,

Tôi tự hỏi ông có thích món ăn tôi nấu hay không. Đây là ngày thứ ba tôi để ý thấy hộp cơm của ông hết sạch. Ông có thể cho tôi biết những món ăn ông hợp khẩu để tôi phục vụ khách hàng tốt hơn
Đầu bếp.
TB: Ông không cần phải rửa gà mên đâu. Khách hàng chẳng ai làm thế cả. Ông là người duy nhất.


Ngày … Tháng … Năm …
Thưa cô,

Tôi đoán người nấu cơm là phụ nữ nên gọi bằng cô. Gọi cầu may chứ ở Mỹ này người đầu bếp là đàn ông cũng khá nhiều. Nếu tôi sai, xin đừng chấp. Thú thật với cô tôi chưa bao giờ được ăn cơm phần ngon đến như thế. Món ăn của cô thật vừa miệng với tôi. Cách cô bới cơm cũng thật công phu tươm tất.
Tôi đoán cô là đầu bếp mới, bởi vì chỉ gần đây tôi mới thấy món ăn ngon đặc biệt. Cô là người đầu tiên đã viết thư hỏi ý kiến của tôi. Theo thể lệ của nhà hàng tôi không được đặt món ăn. Nếu tôi đặt món ăn, nhà hàng sẽ tính giá khác. Cô nấu ăn rất ngon nên món gì tôi cũng thích.
Cô cũng là người đầu tiên sau mấy mươi năm tôi ở nước ngoài gọi hộp đựng cơm là gà mên. Tôi rửa gà mên là vì tôi đã giao ước với ông chủ nhà hàng. Tôi không thích dùng muỗng nĩa nhựa cũng như hộp nhựa để đựng cơm. Người ta chỉ ăn xong là ném hộp nhựa đũa muỗng nhựa vào thùng rác. Tôi không muốn dùng đồ nhựa vì ô nhiễm môi trường nên tôi đề nghị được dùng gà mên. Chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ có hai cái gà mên. Người giao thức ăn mới sẽ lấy đi cái gà mên cũ. Tôi rửa gà mên sạch sẽ trước khi giao lại người giao cơm. Trân trọng cám ơn cô.
Khách hàng trung thành của cô,
An

Ngày … Tháng … Năm …
Ông An thân mến,

Cám ơn ông đã thích món ăn tôi nấu. Nếu được nhiều khách hàng như ông tôi sẽ giữ được công việc này lâu dài. Thời buổi này tìm việc khó quá nhất là những người bị tật câm điếc, có con nhỏ còn đi học, lại không biết dùng computer như tôi.
Tôi kể ông nghe cho vui. Thật ra những món ông ăn mấy ngày hôm nay là những món đặc biệt tôi nấu cho chồng tôi. Anh ấy làm việc ca ba trong một xí nghiệp, nên giờ nghỉ giải lao ăn tối của anh ấy cũng là giờ ăn cơm tối của ông. Trong xí nghiệp có nhiều người Trung và Ấn Độ họ cũng đặt cơm tháng ở nhà hàng, món Trung và món Ấn do người khác nấu. Tôi nhờ người giao cơm tối cho khách hàng sẵn dịp giao cơm cho chồng tôi. Đây là một hành động xa xỉ, chính chồng tôi cũng nói như thế, anh có thể tự mang cơm đi, nhưng tôi muốn chăm sóc anh ấy nhiều hơn.
Tôi không thể bày tỏ bằng lời nên tôi muốn bày tỏ bằng hành động. Dường như chúng tôi không còn tình yêu của buổi ban đầu. Giữa hai chúng tôi là sự im lặng bao la. Tôi nhớ mẹ tôi thường bảo rằng nấu ăn ngon là có thể chinh phục tình yêu của đàn ông bởi vì đường vào trái tim của người đàn ông đi ngang qua cái bao tử. Tôi muốn tái chinh phục chồng tôi dù khi mới quen tôi chẳng phải nấu nướng nuông chìu anh gì cả. Tôi tìm được cuốn sổ gia chánh trong đó mẹ chồng tôi chép lại cách nấu những món ăn chồng tôi rất ưa thích. Bữa đầu tiên tôi rất hồi hộp mong chồng tôi về để xem anh ấy nói gì. Anh chẳng nói gì, còn có vẻ lầm lì hơn bình thường.
– Anh ơi, món ăn em nấu hôm nay có ăn được không?
– Được!
– Chỉ được thôi sao?
– Chứ còn sao nữa!
– Anh thích món nào nhất?
– Bông cải xào thịt bò.
Anh lẳng lặng thay đồ lên giường ngủ, quay lưng lại phía tôi. Tôi ôm cánh tay anh kêu nóng và mệt. Bông cải xào thịt bò? Tôi đâu có nấu món ấy. Đến ngày thứ ba thì anh ấy mắng tôi.
– Em chỉ ở nhà nấu ăn mà chẳng làm nên chuyện. Em phải thay đổi món chứ ngày nào cũng bông cải xanh xào thịt bò anh ngán tới cổ rồi.
Tôi đoán là ông giao cơm đã giao nhầm gà mên cơm của chồng tôi cho ông. Nhưng tại sao lại bông cải xanh xào thịt bò liên tiếp ba ngày? Thật là vô ý! Nhà hàng làm việc bất cẩn như vậy sẽ mất khách hàng và tôi sẽ bị mất việc làm.
Còn ông, đã đặt cơm tháng từ bao giờ? Ông không có người nấu ăn cho ông sao? Hỏi thế nhưng ông không phải trả lời nếu cảm thấy bị xâm phạm đời tư. Chúc ông ăn ngon và ngủ cũng ngon.
Đầu bếp trung thành của ông,

Anna


Ngày…Tháng…Năm…
Thưa cô,

Thật đáng tiếc chuyện nhầm lẫn như thế đã xảy ra, nhưng cô cũng hiểu lỗi không phải ở tôi vì tôi chỉ là người nhận. Thật là đáng buồn khi ông nhà phải ăn bông cải xanh xào thịt bò liên tiếp ba ngày mà tôi lại được ăn ngon. Tối qua, món canh khổ qua nhồi cá thát lát thật tuyệt vời. Cái cách cô dùng lá hành để cột cho trái khổ qua đừng bị bung ra thật tỉ mỉ và đẹp mắt. Ở xứ này làm sao mà cô tìm được cá thát lát? Ở đây, người ta dùng loại cá đóng hộp không vừa dai vừa dòn như cá thát lát ở Việt Nam. Trong nước dùng lại có vài cái nấm hương đã được nấu mềm. Tôi chỉ được ăn món ngon như thế này khi mẹ tôi còn sống. Cách nấu này có lẽ đã thất truyền từ lâu, phải nói là hiếm thấy ở xứ này. Ở Hoa Kỳ một mình lâu ngày, tôi rất dễ tính trong việc ăn uống, nhưng dễ tính không có nghĩa là không “appreciate” món ăn ngon.
Còn chuyện nhà hàng xào bông cải xanh với thịt bò liên tiếp ba ngày thì tôi có thể giải thích như vầy:
Ngày thứ nhất, sau khi ăn món bún thịt nướng cô làm, tôi thích quá nên gọi điện thoại với nhà hàng khen món ăn rất ngon. Cứ tiếp tục làm như thế. Ông chủ, nhà hàng vô cùng ngạc nhiên vì có lẽ chẳng ai gọi điện thoại khen nhà hàng thức ăn ngon bao giờ. Lôi thôi họ lại tăng giá cơm tháng. Tôi ăn cơm ở nhà hàng này bao nhiêu năm đâu có bao giờ tôi khen.
Xin cô đừng trách mắng người giao cơm, và tiếp tục nấu cho tôi ăn. Tôi có thể trả giá cao hơn cho nhà hàng hoặc là góp riêng cho cô. Thú thật với cô, mấy ngày nay tôi cứ nhấp nhổm chờ ông giao cơm. Thật ra tôi chờ lá thư của cô. Tôi phải đọc thư của cô trước rồi mới có thể ăn cơm một cách chậm rãi, ăn để thưởng thức món ăn. Những dòng ngăn ngắn của cô đủ để mang cho tôi một niềm vui nhỏ trong  một buổi tối cô quạnh của tôi. Tuy nhiên, thư thì mỏng…
Đồng nghiệp của tôi thường bảo tôi là một người cô độc. Tôi không nghĩ đến sự cô độc của mình mãi cho đến lúc gần đây. Buổi tối của tôi vắng lặng và dài thăm thẳm. Chính sự vắng lặng của những buổi tối khiến tôi ngại ngần không muốn về hưu. Vâng, tôi đã đến tuổi về hưu. Thật ra tôi có thể về hưu từ hai năm trước nhưng tôi cứ chần chờ. Ban ngày tôi vui với công việc nhưng buổi tối thì… tôi thật là thèm có người trò chuyện cùng tôi.
Trò chuyện là một nghệ thuật. Người ta bảo rằng về già nên kết hôn hay kết bạn với những người biết trò chuyện. Nhưng với tôi chuyện kết hôn đã quá trễ rồi. Còn kết bạn lại càng khó khăn hơn nữa. Ở đây ít người Việt, nhưng bạn Việt hay bạn Mỹ cũng thế, chúng tôi có gặp nhau thì cũng chỉ ăn và nhậu. Chỗ làm việc lại càng ít khi tâm sự với nhau. Tôi chưa hề gặp được người nào có thể nói chuyện cho tôi nghe hay chịu khó nghe chuyện tôi nói. Có được một người có thể trò chuyện với mình, chia sẻ ý nghĩ với mình thật là quá khó. Thảo nào ông Hoàng trong truyện 1001 Đêm không thể giết cô gái chăn gối với ông chỉ vì cô biết kể chuyện và nghe chuyện ông kể.
Cô hỏi tại sao tôi ăn cơm tháng. Tôi xin thưa với cô vì không có ai chịu nấu cho tôi ăn. Xưa lắm rồi, tôi có lần kết hôn với một cô gái Hoa Kỳ nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài được hai ngày. Chuyện khá phức tạp khó giải thích trong một lá thư nhưng nếu cô tiếp tục nấu ăn cho tôi thì một dịp thuận tiện nào đó tôi sẽ kể. Tôi không biết cô có tin tôi được không nhưng tôi nghiện món ăn cô nấu mất rồi. Dĩ nhiên tôi có thể ăn ngoài tiệm. Ở đây có biết bao nhiêu nhà hàng Tàu và nhà hàng Mỹ. Thức ăn bình dân thì có Ihop, McDonald, Burger King, Roy Rogers, Kentucky Fried Chicken nhưng không có ai có thể mang hương vị thức ăn VN đến tận nhà cho tôi. Cái cách nấu chỉ những bà mẹ Việt Nam thời xa xưa mới biết.
Xin được phép kể cô nghe về một cuốn phim hoạt họa, nhân vật chính là một con chuột nấu ăn ngon. Con chuột Rémy này đã chinh phục được một nhà phê bình thức ăn nổi tiếng khắc nghiệt nhất Paris; một tay ông đã làm cho bao nhiêu nhà hàng phải đóng cửa và chủ nhân nhà hàng tự tử. Cái món ăn Rémy nấu đã chinh phục được Anton lại là món ratatouille một món ăn dân dã, giống như hương vị mà bà mẹ Anton đã nấu. Như vậy chắc cô biết là tôi quí thức ăn cô nấu đến mức nào.
A! Hôm nay tôi dông dài quá mức, xin cô tha lỗi. Cô có thể cho tôi biết vì sao cô bị mất tiếng nói và không thể nghe được không? Tai nạn hay bạo bệnh? Làm thế nào cô có thể học nói và viết thật rành rẽ khi không thể nói và không thể nghe. Không dễ dàng để viết được như vậy. Tôi thật khâm phục cô. Thân mến.
Khách hàng trung thành của cô,
An

Tái bút: Tôi quên cảm ơn cô đã kèm theo miếng sương sa được đổ khuôn thành đóa hoa nhiều màu. Đẹp quá nên tôi không nỡ ăn, còn để dành trong tủ lạnh. Thời bây giờ tái chinh phục trái tim chồng của cô bằng món ăn thì không thực tế chút nào. Tôi nghĩ cô nên thay đổi cách trang điểm và trang phục, hẹn hò ông chồng và thử có thêm một đứa con để hâm nóng lại tình yêu thì thiết thực hơn.

Ngày … Tháng … Năm …
Ông An thân mến,

Con gái của Anna được sáu tuổi. Cháu thích xem phim hoạt hình. Còn Anna thì thích tất cả những gì liên quan đến thức ăn nên Anna cũng có xem phim Ratatouille cùng lúc với đứa con gái. Hai mẹ con đều rất thích phim này. Anna cảm ơn ông đã “nghiện” thức ăn Anna nấu. Hôm nay Anna trổ tài, đây là một trong những tuyệt chiêu của Anna, vịt nấu măng. Măng khô loại ngon, được ngâm cho hết chát, Anna chỉ chọn những đoạn mềm, ngọn của búp măng khi còn tươi, xào cho ngấm trước khi cho vào nước lèo. Đây là một món ăn rất nhiều công. Gỏi để ăn với bún măng có cả hoa chuối bào mỏng, toàn là những thứ nhiều công và nguyên liệu khó tìm. Nói không phải để kể công hay đòi lên giá tiền vì Anna hay kiêu ngạo nghĩ rằng tiền khách hàng trả công chẳng thể bì với tấm lòng người chăm chút món ăn.
Chồng của Anna là người sinh ra lớn lên ở Mỹ chuộng thức ăn Mỹ hơn thức ăn Việt Nam. Không hiểu tại sao mẹ chồng của Anna lại nghĩ là anh ấy thích thức ăn Việt. Hôm qua anh ấy bảo Anna nên học nấu spaghetti và các loại thức ăn Mỹ hoặc Ý. Rồi anh ấy lại bảo thôi đừng bới cơm cho người giao cơm cho anh ấy nữa vì bạn đồng nghiệp của anh chỉ ăn sandwich nên chế nhạo anh mỗi lần thấy thức ăn có muỗng đũa lỉnh kỉnh linh tinh. Lúc sau này anh về nhà rất trễ, thường khi sặc sụa mùi rượu. Và sáng nay khi anh ngủ Anna soạn quần áo đem giặt thấy quần áo anh sực nức mùi nước hoa và áo anh có vết son. Son dính bên trong lớp áo như thể người ta dở áo anh lên rồi hôn vào đó làm dấu hiệu cho Anna biết. Anna chẳng biết nói sao, làm gì cho vơi bớt nỗi buồn của mình. Có những chuyện không thể nói với người thân nhưng lại có thể giải bày với người lạ, có lẽ vì người ta chẳng biết mình là ai, lời nói hay chữ viết thả theo gió bay.
Ngày xưa anh sang Việt Nam chơi gặp Anna, đem lòng yêu đòi cưới. Anna thích lấy chồng ngoại quốc vì nóng lòng muốn thoát khỏi đời sống tù túng của xã hội Việt Nam. Theo anh sang Mỹ Anna có giấy tờ hợp pháp nhưng tiếng Anh vẫn chưa giỏi và không có nghề nhất định nên rất khó gia nhập xã hội Mỹ. Trước kia Anna thích nấu ăn và ở nhà nuôi con. Bây giờ thì rất nhiều khi Anna mơ được đi làm như những người phụ nữ trên tivi. Họ ăn mặc sang trọng đúng thời trang. Nếu Anna có một cái nghề được ăn mặc như thế thì Anna cũng sẽ đi làm suốt đời chứ không chịu về hưu đâu.
Sáng nay thấy trên tivi, có một người phụ nữ tự tử bằng cách lao đầu vào xe lửa. Con gái của cô ấy và con gái của Anna học chung một lớp. Mổi buổi sáng chờ xe buýt đến đón con đi học Anna thường gặp người phụ nữ này. Họ ở cùng khu chung cư nhưng ở một building khác. Đứa con bị người mẹ nắm chặt tay cố vùng vẫy khi xe lửa đến nhưng không thóat được. Nghe nói rằng gia đình cô không được hạnh phúc, quá tuyệt vọng nên cô hành động điên rồ. Anna nghĩ rằng dù tuyệt vọng, dù làm mẹ, người phụ nữ này không có quyền tước đoạt sự sống của đứa con.
Anna nghĩ ông không nên lo sợ phải về hưu. Về hưu đâu có nghĩa là ông phải ở nhà hết ngày này sang ngày khác. Ông có thể đi du lịch. Ông có thể học thêm một sở thích gì đó như chụp ảnh, đánh cờ, đọc sách, hay viết văn. À sao ông không viết văn nhỉ? Anna thấy ông có khiếu văn chương lắm đó.
Mong ông có buổi tối yên lành. Hôm nay Anna kèm thêm món chè đậu mắt đen nước dừa. Ông ăn ngon nhé.
Đầu bếp
Anna
Ông viết “thư thì mỏng…” là có ý gì? Tại sao lại bỏ lửng?



Ngày…Tháng…Năm…
Cô Anna thân mến,


Như thế thì cô là di dân. Di dân thường thì giàu có hơn tị nạn. Hơn ba mươi năm trước tôi bước lên đất nước này với thân phận của người dân tị nạn. Từ lúc nào tôi trở thành di dân? Có lẽ từ lúc tôi nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Tôi có người bạn thích đi du lịch. Anh ấy thăm viếng Kyoto, thành phố cổ của Nhật Bản nhiều lần, bảo rằng thích đời sống của thành phố ấy, có cảm giác thành phố Kyoto là của anh, và anh là dân Kyoto từ tiền kiếp.

Tôi vẫn tự hỏi mình sống bao lâu ở một thành phố thì có thể xem thành phố ấy là của mình, quốc gia ấy là quốc gia là quê hương của mình? Thời gian tôi sống ở nơi nầy đã dài hơn thời gian tôi sống ở Việt Nam, không hiểu tại sao tôi vẫn không cảm thấy nơi đây, thành phố này, là quê hương xứ sở của tôi. Và đáng buồn hơn tôi cũng không còn cảm thấy Việt Nam là quê hương của tôi nữa. Tôi có cảm giác xa lạ, thất lạc, với cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Ngôi nhà tôi đang ở là nhà của tôi. Khi đi xa tôi vẫn muốn quay về nhà. Người ta vẫn thường dùng hai chữ đi kèm, nước nhà (hay quốc gia). Tôi có nhà mà không có nước. Quê hương tôi ở không hẵn là quê hương của tôi. Còn cô, cô có nhận nơi này là quê hương?
Có lẽ cô nên cho cháu bé đến gặp counselor của trường. Có bạn qua đời trong trường hợp như thế là một chấn động tâm lý có thể tổn thương lâu dài. Tôi tự hỏi tại sao người ta dám chết mà không dám sống. Trong chuyến vượt biển của tôi, cái chết ngay trước mặt, đói khát nhiều ngày chúng tôi vẫn cứ ôm hy vọng được cứu và được sống. Chúng tôi chống chọi với cái chết trong từng cái chớp mắt, từng hơi thở gấp. Sống trong nguy ngập đến tính mệnh vẫn cứ muốn sống. Còn người phụ nữ kia sao lại bẻ một ngọn đời xanh vứt vào đầu máy xe lửa như thế. Thật đáng thương mà cũng đáng trách.
Cấp trên của tôi lại gọi tôi vào văn phòng hỏi tôi có ý định về hưu không. Tôi bảo rằng để tôi suy nghĩ. Có những buổi sáng đi làm sớm, mùa đông tôi nhìn những hàng cây trụi lá trong sương mù chạy hun hút trên con đường. Khi về hưu chắc là tôi sẽ nhớ những hình ảnh như thế. Cửa sổ phòng làm việc của tôi ngó ra một con sông. Vắt ngang sông là một chiếc cầu quay sơn màu xanh nhạt. Buổi sáng mặt trời mọc ánh sáng chiếu lên cây cầu và dòng sông, màu hồng nhạt tím nhạt màu cam màu vàng rất đẹp. Tôi nhìn cây cầu mỗi ngày và nghĩ khi về hưu tôi sẽ không còn nhìn thấy cây cầu này nữa. Thật buồn cười, tôi sẽ nhớ quanh cảnh chung quanh chỗ tôi làm rất nhiều nhưng tôi sẽ không nhớ những người đồng nghiệp. Có lẽ đúng như lời người ta nói, tôi là người xa cách và lạnh lùng, không muốn làm bạn với ai. Có lẽ người vợ hai ngày của tôi không chịu nổi tính lạnh lùng của tôi. Còn tôi suốt đời sống một mình cứ tưởng không cần bạn bè bây giờ bỗng dưng thèm có người trò chuyện.
Hôm nay tôi “nói” nhiều, mà lại nói với một người tôi chưa hề biết mặt. Mong Anna tha lỗi. Và nếu cô không có thì giờ xin cứ ném thư đi. Nhưng nếu cô có lòng nuôi bao tử của tôi, xin làm ơn nuôi thêm cái trí óc cằn cỗi của tôi, và viết cho tôi vài hàng nhé. Tôi mong được đọc thư cô còn hơn mong thức ăn nữa cơ.
Khách hàng quí của cô
An


Ngày … Tháng … Năm…
Ông An thân mến,

Anna vẫn còn suy nghĩ đến người phụ nữ tự tử và đứa con. Ngày mới lập gia đình, Anna thắm đẫm trong tình yêu và hạnh phúc không hề nghĩ đến ngày mình phải bấu víu vào sự đùm bọc hay thương hại của kẻ khác. Bảy năm về trước chắc là Anna không hiểu được sự sợ hãi và tuyệt vọng của người phụ nữ đến độ tự tử và bắt đứa con phải chết theo nàng. Đó là một người phụ nữ có thể nói và nghe được, có học, có bạn bè, sống ngay trên xứ sở của nàng. Còn Anna chẳng có ai ngoại trừ chồng và đứa con. Anna mặc áo đẹp, thay áo ngủ sexy nói bằng sign language là Anna muốn được yêu, và có thêm đứa con nữa. Tuy nhiên anh ấy từ chối và sẵn dịp thú nhận đã hết yêu Anna. Anh ấy có người yêu mới, một người làm việc chung với anh.
Trước khi lấy chồng và có con, Anna rất thích du lịch. Anna thích những nơi chốn xa lạ Anna chỉ có thể tưởng tượng. Ông đã xem phim The Wind Journeys chưa? Anna thường mượn phim của thư viện địa phương, và chỉ xem được phim có caption cho người khiếm thính. Ông hãy xem phim này để thấy vẻ đẹp của những quốc gia vùng Nam Mỹ. Phim nói về một cái đàn phong cầm, bên trên có chạm cái đầu của quỷ Satan. Người giữ cây phong cầm phải đem trả cái phong cầm này cho một tu sĩ trên một ngọn núi cao ở một vùng núi hẻo lánh. Ông ta và người đồ đệ đã mang cái phong cầm đi qua 80 địa danh nổi tiếng đẹp về phong cảnh thiên nhiên. Anna đã nhiều lần mơ ước được ngồi trên một đỉnh cao giữa núi rừng xanh thẳm bạt ngàn, hay ngồi trên những suối đá nghe dân bộ lạc thổi tiêu. Anna nghĩ rằng sẽ cùng chồng nuôi con đến lớn khôn và sẽ cùng chồng đi chu du như vậy. Một trong những cái đặc biệt của du lịch là ông có thể không là ai hết, chỉ là một khuôn mặt vô danh trong muôn vàn khuôn mặt vô danh. Hay ông có thể tiêu hết cả tiền dành dụm hàng chục năm để tưởng tượng mình là một người triệu phú. 
Ông có lần kể về một người bạn của ông yêu thích Kyoto đến độ muốn qua bên ấy ở luôn. Anna cũng thích Kyoto như vậy. Anna xem rất nhiều phim về Nhật Bản, về geisha, về samurai. Anna đọc hầu hết những quyển sách du hành về Nhật Bản. Ông có biết thiền sư Basho đi một vòng phía Bắc Nhật Bản, và sau này người ta có giả thuyết ông là người do thám cho một sứ quân thời bấy giờ đang muốn triệt hạ một sứ quân khác không. Nếu Anna có điều kiện Anna sẽ đi Nhật.
Anna cũng muốn viếng thăm Bhutan. Người phụ nữ đã tự tử có lần cho Anna mượn mấy quyển sách về Bhutan, một xứ sở đo lường sự giàu có của quốc gia bằng chỉ số hạnh phúc. Anna nghĩ nếu Anna đặt chân lên quốc gia này Anna sẽ xin được ở lại và nhận Bhutan làm quê hương. Nếu ông sợ đi máy bay thì không nên đến Bhutan, vì đường phi đạo của xứ này rất nhỏ, rất ngắn, ở một vị trí rất hiểm trở, chỉ có khoảng mười phi công đủ tài lên xuống phi đạo này. Và xin giấy nhập cảnh Bhutan nghe nói cũng nhiêu khê lắm.
Nói như vậy để ông thấy rằng, cuộc đời không chấm dứt sau khi hết đi làm việc. Mong ông vui khỏe, và hãy suy nghĩ thêm về việc về hưu. Phải nói là khi ông về hưu và đi du lịch thì Anna sẽ rất buồn vì không còn người thuê Anna nấu ăn và đọc những dòng tâm sự của Anna. Đó là chuyện tương lai, còn bây giờ Anna phải suy nghĩ và quyết định, nếu chồng Anna cương quyết ly dị thì Anna sẽ ở đâu, làm gì để nuôi con. Dĩ nhiên người chồng sẽ trợ cấp nhưng có lẽ chẳng thấm vào đâu. Và căn nhà thì anh ấy mua trước khi cưới Anna nên nếu anh ấy không cho Anna ở thì Anna sẽ phải dọn ra.
Chúc ông ngủ ngon, và hy vọng món chè chuối với bánh cuốn nhân thịt hôm nay vừa miệng ông.
Đầu bếp trung thành của ông
Anna


Ngày … Tháng … Năm …
Anna thân mến,
Nghe lời cô, tôi đã mạnh dạn xin về hưu. Tôi chỉ cần thông báo trước hai tuần hay một tháng, tuy nhiên cấp trên của tôi có vẻ đã sẵn sàng. Tôi chưa nộp giấy tờ thì đã thấy có người dự đoán sẽ thế chỗ tôi vào học việc với tôi. Tôi nghĩ nếu người ta không muốn giữ tôi nữa thì tôi cũng chẳng muốn ở làm. Việc làm chắc cũng giống như tình yêu, không thể cứ yêu một chiều mãi mãi. Phải không cô? Tôi cũng tự thấy mình mệt mỏi. Trên chuyến xe lửa về nhà buổi chiều đông người tôi phải đứng. Tôi nhìn thấy tôi trong gương cửa sổ, lưng đã còng, tóc bạc trắng, và cặp kính trắng dày cộm làm tôi trông giống như một con cá thòi lòi. Một cậu bé đứng dậy nhường chỗ cho tôi, bảo rằng xin bác ngồi cháu còn trẻ để cháu đứng.

Tôi sẽ đi du lịch Nhật Bản, Bhutan, và Chile, để tận mắt ngắm những quốc gia này thay cô, nhưng trước khi đi tôi muốn cô giúp tôi một vài việc. Ngôi nhà tôi đang ở chẳng to lớn gì, chỉ là hai cái toa xe lửa cũ tôi mua về sửa sang thành chỗ ở. Tiền thuế đất rất hạ, điện nước cống nhà vệ sinh hẳn hoi. Đồng nghiệp của tôi thường nói bóng gió lương cao, không vợ không con, ở căn nhà bằng hai toa xe lửa, tiền chất đầy nhà băng mà không chịu về hưu.
Khoảng mười năm trước tôi là kỹ sư trưởng của một nhóm kỹ sư. Vì tôi ít nói dễ dãi trong việc kiểm tra nhân viên, nên người phụ tá lộng hành, thuê người bổ nhiệm người một cách vô trách nhiệm. Nghe nói lạm dụng tiền quỹ sao đó. Tôi chỉ chú ý kỹ thuật và an toàn. Tuy nhiên khi việc đổ bể tôi vẫn phải chịu trừng phạt vì không làm tròn trách nhiệm quản lý. Người ta đuổi việc nhân viên của tôi, còn tôi thì chỉ bị giảm chức vụ. Nếu là người khác thì người ta đã bỏ việc về hưu sớm, tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục làm việc. Nếu người ta để tôi đi làm không trả lương tôi cũng chịu, bởi vì ở nhà chắc tôi sẽ gục xuống chết ngày hôm sau vì nhàm chán và cô đơn.
Tuy nhiên, bây giờ cô đã thay đổi ý nghĩ của tôi. Tuy không giàu, nhưng tôi giỏi quán xuyến tiện tặn, đi chơi kiểu hà tiện tôi có thể đi vài năm không về nhà.
Tôi đi chơi xa, do đó không thể thuê cô nấu ăn, nhưng tôi muốn nhờ cô làm quản gia cho tôi. Nếu cần thiết, cô có thể mang con đến ở nhà tôi trong lúc tôi đi vắng. Tôi sẽ liên lạc với cô bằng thư từ qua địa chỉ nhà tôi. Có người ở trong nhà đề phòng hư hại hay trộm cắp. Mọi chuyện khó khăn cô cứ liên lạc với người bạn của tôi. Ông V. là bạn cũng là luật sư lâu năm của tôi. Ông có thể cố vấn cho cô nhiều vấn đề, chuyện nhỏ nhặt như thuê người sửa chữa đồ dùng trong nhà, chuyện lớn như ly dị hay giúp đỡ người  có thu nhập kinh tế thấp muốn được trợ giúp về mặt pháp luật. Ở đây mấy chục năm tôi biết là người ta chỉ có thể đến với công lý hay được đối xử công bằng khi có tiền. Tôi đã yêu cầu ông giúp đỡ và hướng dẫn cô. Tôi đã mở sẵn một tài khoản ngân hàng, để trả lương cho cô. Tiền lương này, ngoài việc trông chừng nhà cho tôi, còn kèm theo tiền săn sóc con mèo (bốn chân) của tôi. Tôi nuôi nó cả chục năm nay. Nếu tôi có bao giờ yêu thương một người nào đó chắc cũng chỉ bằng với yêu thương con mèo này. Tôi ngại ngần chuyện đi du lịch cũng chỉ vì không ai săn sóc Nora. Tôi có linh tính cô là người kiên nhẫn và yêu thương thú vật. Thật tình, tôi có thể gửi con mèo cho một cơ quan nuôi thú vật, nhưng tôi muốn Nora được chăm sóc và thương yêu như một người bạn nhỏ của tôi.
Tôi có computer cô nên tìm cách học, bắt đầu ở thư viện người ta thường có lớp miễn phí. Cũng có thể nấu ăn cho một vài người nhưng nhiều hơn thì bếp nhà tôi không đủ sức.
Chúc cô vui khỏe và mong rằng ngày tôi trở về hoàn cảnh của cô sẽ khá hơn.
Bạn của cô
An

  1. Có lần cô hỏi về “thư thì mỏng…” mà tôi quên trả lời. Đó là câu thơ tôi quên tên tác giả. Thơ thì mỏng như suốt đời mộng ảo. Tình thì buồn như tất cả chia ly. Những lá thư qua lại giữa chúng ta có thể chẳng đi đến đâu. Nhưng tôi muốn giữ một tình bạn giữa tôi và cô. Người ta không tin là có tình bạn giữa một người đàn ông và một người đàn bà, nhưng tôi thì tin. Tại sao không?

(Dựa theo phim “The Lunchbox” của Đạo diễn Ritesh Batra)
Nguyễn thị Hải Hà