02 May 2017

30 THÁNG TƯ – NHỮNG CUỘC CHIẾN CẮT BỎ - Mỹ Trí Tử

Cứ mỗi dịp 30 tháng 4 đến, trong lòng bao người Việt lại như xát muối. Có lẽ họ đã thấm thía được nỗi đau sau khi đất nước thống nhất. Tuy nhiên, nỗi đau đó không ai có thể giãi bày hết bằng lời vì có quá nhiều góc khuất do cuộc sống mang lại – những góc khuất dần dần được phô bày trần trụi để rồi dù người ta có vùng vẫy muốn xé toạc ra, thì lại càng bị vây chặt hơn.


Những góc khuất đó là gì? Là một gánh hàng rong trên đường, bị bắt lên xe của công an phường mà người chủ gánh hàng rong dù có khóc lóc van xin cũng chỉ được đáp lại bằng những lời nhục mạ. Là cảnh tan hoang của chợ chiều trong ngõ nhỏ vốn bị vây đuổi bởi những anh công an trật tự, để rồi sau những trận giằng co, cả khu chợ chiều nhuốm màu tan tác, buồn thảm, chán chường. Là những đớn đau của hiện tại trong đời sống, thông qua mỗi số phận, mỗi nghề nghiệp, mỗi câu chuyện đơn lẻ và những kết quả của sự bất công vô lý đang dày xéo lên bao cuộc đời dưới cách cai trị của nhà cầm quyền. Là tất cả những gì vô lý nhất, nực cười nhất, đau lòng nhất và điên rồ nhất vẫn ngày ngày diễn ra dưới ánh nắng chói chang hay màn đêm thăm thẳm.

Lòng người nào có thước đo. Khi nghèo khổ bần hàn thì hèn nhát, rụt rè và cam chịu, số ít họ cảm thấy cần phải phấn đấu trên mọi mặt để có thể đứng vững trên một nền tảng cân bằng và văn minh. Những cám dỗ đẩy đưa làm cho nhiều người đổi thay theo vật chất, khi giàu có và nắm trong tay quyền lực thì họ sẵn sàng chà đạp lên đồng bào không chút xót thương. Giờ đây, guồng sống đó lan nhanh đến nỗi những người tử tế còn sót lại không khỏi thấy lòng trĩu nặng những lo sợ, bất an.

Cuộc chiến cắt tỉa vỉa hè trong thời gian gần đây cho thấy sự quyết liệt trong cách cai trị của đảng cộng sản đương thời. Xưa họ lạm dụng chức quyền, cho phép cơi nới những quầy hàng ra vỉa hè, rồi cả những bậc tam cấp. Nay, nói rằng để tiện việc đi lại cho người dân, họ ra lệnh phá bỏ những quầy hàng đó, đổi sang “triển khai việc thu phí lòng đường”. Cảnh tượng này đã khiến lòng dân phẫn nộ, đồng thời đưa tới một số hậu quả là vỉa hè sẽ được thay thế bằng những thanh sắt dài ngắn lô nhô, chiếm phần lòng đường dành cho người đi bộ.
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra, rằng liệu làm thế thì đất nước Việt Nam có đẹp hơn Singapore không? Câu trả lời chắc chắn là không. Người dân phải ra vào nhà và đưa xe cộ lên xuống ngôi nhà của mình như thế nào nếu khoảng cách từ mặt đường đến nền nhà có khi từ nửa thước đến một thước. Đám người đưa ra quyết định cắt bỏ này hẳn phải có lòng dạ rất sắt đá. Luật pháp nếu cần chuẩn mực, nghiêm minh thì cũng phải bắt nguồn từ đời sống thực tế. Tuy cần tôn trọng cái lý, vẫn phải uyển chuyển trong cái tình mới có thể đưa ra những luật lệ hợp lòng dân.
Nhiều người từng là lính cộng sản cho rằng họ đã bị lợi dụng triệt để lòng yêu nước thương dân khi xả thân chiến đấu, để rồi khi đất nước thanh bình họ lại bị chính những người cùng chiến tuyến, cùng giống nòi ngồi trên chiếc ghế quyền lực cấu xé, bòn rút. Họ ra sức tham gia kháng chiến, nghĩ rằng mình đang đánh đuổi giặc ngoại xâm, và những tưởng sau bao hy sinh cống hiến, lao tâm lao lực cho đất nước, họ sẽ có được cuộc sống tự do, hạnh phúc. Nhưng ngờ đâu trong cuộc đời chính họ và nhan nhãn nơi xã hội chung quanh, những thống khổ, oan khiên, những nhục nhã, uất hận, những chuyện thương tâm xảy ra ngày càng thêm nhiều, đã biến họ thành những con người dằn vặt nỗi đau đớn, uất nghẹn trong lòng vì đã đặt niềm tin nhầm chỗ.
Nếu ai hiểu nghĩa của hai từ “giải phóng” thì chắc hẳn đã từng xấu hổ và hầu như không có cách nào thoát khỏi sự ám ảnh khi chứng kiến từ đầu đến cuối những cuộc đấu tranh giành quyền lực để tiếp tục cai trị dân chúng từ đó đến nay. Vậy ngày 30 tháng 4 hằng năm lẽ nào lại là ngày có thêm mũi dao cứa vào vết thương vốn vẫn chưa lành của những người dân đang sống dưới chế độ độc tài này? Lẽ nào những tiếng nổ ì ầm cùng những bông hoa pháo rực rỡ đang nở tung lên trên bầu trời lại khiến linh hồn bất an, thêm nhớ da diết và mong được trở lại những tháng ngày chưa “giải phóng”?
Sài Gòn ngày xưa vốn đẹp đẽ và thơ mộng hơn nhiều so với ngày nay. Từ khi tên chính thức của nó bị đổi thành thành phố Hồ Chí Minh, nó đã biến dạng quá nhiều. Người Sài Gòn nào từng sống qua những ngày tháng cũ của Việt Nam Cộng Hòa, chắc phải hối hận nhiều lắm nếu đã từng hớn hở vui mừng trong “ngày giải phóng”. Hẳn họ phải cảm thấy buồn đau khi mỗi ngày phải chứng kiến quá nhiều bất công, thối nát và quá nhiều mất mát khổ đau không lối thoát.
Chẳng biết những con người bị cắt bỏ nguồn sống kia rồi sẽ xoay sở ra sao, nhưng nếu đặt kỳ vọng những người lãnh đạo ở Việt Nam sẽ thay đổi cách cai trị theo chuẩn mực văn minh và công bằng của thế giới thì quả là một sự lạc quan lệch hướng, vì một khi đã hiểu bản chất của chế độ cộng sản ở miền Bắc và sau 1975 ở miền Nam thì đương nhiên chẳng ai còn có thể tin tưởng chứ đừng nói là kỳ vọng.
Thế nhưng đến bây giờ vẫn còn có nhiều người không chịu nhìn nhận rằng chế độ tham tàn, phi nhân này bắt nguồn từ sự sai lầm của cái chủ thuyết hoang tưởng, vô thần mang tên Cộng Sản. Họ đơn thuần nghĩ đó chỉ là những sai phạm vốn dĩ vẫn tồn tại nơi mỗi người nếu bị cám dỗ bởi ma lực của đồng tiền. Và cuối cùng, hầu như ai ai cũng chấp nhận nó như một thứ thỏa thuận không văn tự. Những người dân vốn dĩ chơn chất giờ lại mang một thứ yếu hèn quá sâu đậm trong huyết quản nên đành cam chịu tiếp tục sống dưới sự bất công của chế độ. Họ sẵn lòng chấp nhận ôm nỗi uất nhục cho đến khi tắt thở bởi họ nghĩ một mình họ không thể chống trả nổi. Ai ai cũng đều cảm thấy đơn độc, lẻ loi, nghĩ rằng cần phải sống trong câm lặng, nhẫn nhục, vì nếu có thái độ, hành động phản kháng, chống đối nào sẽ bị nhà cầm quyền “xử lý” ngay lập tức. Người dân đã tự cắt bỏ nơi mình thái độ và hành động của những người biết bảo vệ chính nghĩa.
Môi trường là chứng cứ rõ ràng nhất về sự phá hoại của đám quan chức cộng sản. Không thể kể hết những sự bất lực và dung túng của đám cầm quyền đối với việc phá rừng, gây ô nhiễm nguồn nước sông và nặng nhất là sự ô nhiễm suốt dọc bờ biển miền Trung từ đầu năm 2016 mà tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Nhìn một cách khác, thành tựu của hơn 40 năm thống nhất đất nước chỉ là lạm dụng chữ “cấm”. Khi không giải quyết được những vấn đề lớn nhỏ, đội ngũ cai trị đất nước sẽ họp bàn và ra lệnh cấm. Dần dần, thói quen cấm cũng thành thông lệ, họ áp đặt lên mọi thứ và cho chúng vào guồng quay, để rồi kết quả có được là một đất nước trì trệ, tụt hậu.
Ngày nhuộm đỏ toàn lãnh thổ có thể đặt cái tên mới: “Ngày đen tối”. Và rồi cứ mỗi dịp tháng Tư về, ngày này được ghi vào sổ đen đối với những ai thực sự muốn tỏ bày lòng mình cùng non sông đất nước.
Mỗi một người đang sống ở Việt Nam, liệu có khi nào dám nghĩ đến cuộc chiến cắt bỏ nhân dịp 30 tháng Tư mà lựa chọn cách tốt nhất là cắt bỏ đi những kẻ tham tàn, ngu muội. Chỉ có như thế đất nước mới hy vọng được giải phóng thực sự.

Mỹ Trí Tử
Tháng 4, 2017