Sau khi thất thủ Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3, hàng đoàn
người tháo chạy tán loạn về phía đồng bằng. Tỉnh lộ 7 (QL 25 ngày nay) được
chọn cho con đường di tản. Đã có nhiều tài liệu mô tả về cuộc tháo chạy này,
tưởng không cần nói thêm. Ở đây chỉ nói chuyện thằng Tèo.
Đoàn di tản về tới dốc cây Me thì rẻ phải, đi ngang qua giáo xứ Tịnh Sơn để về
quận lỵ Sơn Hòa với ước mong tìm một sự che chở. Rồi quận lỵ cũng tháo chạy,
đoàn người tản đi về hai phía, một băng xuống Thạnh Hội theo cầu phao đi qua
đường 9, một tiếp tục đi theo đường 7, tất cả đều tuyệt vọng… Theo những gì
được biết bi giờ thì ngày 24/3, “quân giải phóng” đã hoàn toàn làm chủ quận lỵ
nên bây giờ 24/3 là ngày kỷ niệm của địa phương này.
(Quận lỵ Củng Sơn nằm chơ vơ phía tây Phú Yên. Ở đây có giáo xứ Tịnh Sơn lâu
đời nằm cách khoảng 2 km. Năm 1963, vì tình hình an ninh, nhà thờ Tịnh Sơn đóng
cửa, một nhà nguyện nhỏ được xây dựng tại Củng Sơn ngay trung tâm quận lỵ, có
lẽ để nương náu vì trong lịch sử, thời chín năm kháng chiến, Phú Yên đã có 2
linh mục bị sát hại: Cha Dẫn ở Trà Kê và Cha Tôn ở Tịnh Sơn)
Bi giờ ngồi hình dung lại thì thật là bi đát. Dài dòng chỉ thêm niềm uất nghẹn.
Chỉ có Tèo là vô tư vì lúc đó nó có mặt nhưng với tư cách là một sinh linh bị
bỏ lại bên cạnh bờ sông Con ở Ngân Điền. Mấy người nông dân địa phương đi lượm
đồ rơi rớt của người di tản đã bắt gặp Tèo, chưa cắt rún, nằm quấn trong cái
khăn lông trắng muốt của Mỹ. Mọi người bàn tán thằng này chắc con của nhà giàu…
Tèo được đưa về quận lỵ Củng Sơn (lúc đó) giao cho linh mục Nguyễn Cao Hiên,
cha sở nhà thờ. Cha Hiên đón nhận Tèo, cắt rún, ấp ủ và nuôi bằng những gì ngài
có thể.
Cũng trong những ngày này, vợ chồng anh Mười Hòa mừng đón đứa con đầu lòng. Nhà
thương chưa hoạt động lại nên phải nhờ bà mụ vườn. Bà mụ cắt rún bằng cái cật
tre, bốn ngày sau thằng bé chết vì uốn ván, lưng cong vòng. Chôn cất con xong
vợ chồng anh Mười nhớ tới cha Hiên và thằng bé sơ sịnh èo uột. Hai người chở xe
đạp tới nhà thờ đón thằng nhỏ về. Cha Hiên mừng, nói đã rửa tội, có tên thánh,
và dặn vợ chông anh Mười đem về nhớ làm khai sanh cho nó.
Và Tèo đã lớn lên, vượt qua cái xanh xao còm cõi nhờ vào bầu vú sữa của chị
Mười, không nhớ gì về quá vãng, cội nguồn. Cái làng quê nó sống thì tôi có
biết, cũng buồn bã như bao làng quê VN khác sau ngày hòa bình. Có lần tôi tới
chơi thấy nó lon ton chạy quanh sân, lần khác nó đã lớn hơn, cầm roi chận bò
ngoài ruộng. Ngày đó tôi còn trẻ, chẳng quan tâm để ý gì nhiều. Thêm nữa vợ
chồng anh Mười Hòa sinh thêm một đàn con, lo miếng ăn khá vất vả rảnh đâu nghĩ
chuyện tinh thần.
Cũng như nhiều đứa trẻ con khác chỗ nó sống, ngày đó đói khổ quá nên đi học
cũng lôm côm được chăng hay chớ. Tôi cũng vất vả mưu sinh nên cũng thiếu sót
nghĩ tới người khác. Chỉ biết lúc này qua đàm tiếu của thiên hạ thằng Tèo đã
biết nó là con nuôi, là đứa rớt rơi trong ngày di tản. Nó gặng hỏi, anh Mười
nói cứ từ từ lớn rồi đi tìm. Và từ đó trong Tèo có một nỗi niềm đau đáu…
Miết cho tới cách đây vài năm, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của
cô Thu Uyên rộ lên trên truyền hình, thằng Tèo ghi tên rất sớm. Cũng nhiêu khê
lắm cuối cùng đoàn làm phim về Tịnh Sơn gặp Tèo, mô tả, kể lại, nhắn nhủ v.v…
Và ngày tháng trôi đi Tèo không nhận được chút phản hồi nào. Cũng dịp này cậu
bạn bên phía Đức Bình đã được đoàn tụ. Tèo chờ miết nhưng không có dù dữ kiện
của Tèo khá rõ ràng và rành mạch. Bà con làng xóm nói thôi, chắc ba má mày
không qua nỗi sông Con rồi. Mà có qua được sống Con cũng chưa chắc về tới được
Tuy Hòa…
Mười Hòa là anh họ của tôi. Năm này 30/4 trúng ngày chủ nhật,
tôi chạy xe Honda từ Tuy Hòa về Tịnh Sơn 50 cây số, ý là để hỏi thăm thằng Tèo.
Vợ chống anh Mười đã đi từ sớm lên An Khê thăm thằng trai út đi bộ đội, đơn vị
đang đóng ở đó. Lâu quá không gặp nên thằng trai lớn của anh Mười không biết
tôi, tôi chỉ hỏi sơ qua chút đỉnh, biết sau khi đưa thằng Tèo về thì sau đó anh
Mười sinh thêm 6 đứa con nữa. Thằng Tèo cũng đã lấy vợ và đưa vợ con về Gia Lai
sống mấy năm nay. Tôi nghĩ chắc thằng này muốn tìm về nguồn cội, dù chỉ là cái
nguồn cội mù mờ. Có khi nó chỉ cần hít thở bầu không khí mà nó nghĩ trước đây
ba má nó đã hít thở, đi lòng vòng cái không gian mà trước đây ba má nó đã đi,
rồi tưởng tượng ra có người đàn ông nào đó, người đàn bà nào đó là ba và má nó.
Nghĩ vậy để bớt tủi buồn… Tính hỏi tên khai sanh của thằng Tèo nhưng nghĩ lại
không cần. Chắc chắn là cái tên nào đó theo họ của anh Mười thôi, gọi theo tên
ở nhà có khi lại hay hơn. Tèo đã chẳng có tên từ khi bị để rớt ở bờ sống Con
ngày đó…
30/4, đài phát thanh truyền hình rôm rả vui mừng, loa kèn inh ỏi. Tôi đứng bên
bờ sông Con nghĩ tới thằng Tèo.
Lê Phú Hải