27 May 2017

ĐỊNH MỆNH HOA XOÀI - Diên Hồng Dương

Tôi thích ngồi một mình, thu trong một quán coffee sân vườn gần nhà. Đơn giản vì chưa biết ngồi thiền và cũng không thích bất cứ ai chạm vào mình, để khai thông hay truyền một luồng điện nào đó, giúp mình tập trung vào luân xa trong bản ngã mà nghe đâu nó có thể mang lại cảm giác rất khỏe khoắn cho cả thể xác lẫn tinh thần. Ngồi ở đây, phóng tầm mắt sâu vào giếng não, một cây xoài đầy hoa sẽ xuất hiện, mùi thơm rất lạ như mùi da thịt tôi nồng nàn. Cứ thế… lâng lâng…


Bạn tôi khuyên: “Cô làm ơn đừng nghĩ về những chuyện điên rồ, đừng viết về người điên được không? Sao không vui vẻ để phác thảo một thiên thần trong thơ nhỉ?”

Ừ thì mấy ngày Tết đã vui rồi, không viết về người điên thì chả có gì để viết.

Mà sao chung quanh tôi người điên nhiều vậy. Cứ đập vào mắt, ngấm vào tim như là người thân, ruột rà từ đời nào, kiếp nào… Còn người tỉnh ư? Toàn là kẻ mang mặt nạ, giấu hình trạng kỹ ghê, soi bằng kính hiển vi cũng không ra. Tôi không đủ kiên nhẫn nhìn người tỉnh để nói chuyện quá ba câu với họ. Sang câu thứ hai là tôi đã thấy ruột gan họ đang sình lên, bốc mùi thối của cục phân dối trá, dù họ đã rất ư lịch sự, ướp toàn nước hoa đắt tiền vào lời nói…
Đành phải chui vào một góc để viết vì lỡ mắc nợ với người điên rồi. Dĩ nhiên trong số người điên ấy có một người đã từng có chung với tôi một tài sản vô giá đó là cô con gái xinh đẹp mà tôi đã mang nặng đẻ đau, cách đây 26 năm.
Eo ôi, rào trước đón sau cũng là muốn nói: “này, nếu một ngày tôi cầm bút viết tình sử của người điên thì câu chuyện đầu tiên chính là chuyện của tôi và anh – gã người điên đáng yêu nhất trên thế gian.
Lần đầu tiên gặp, gã đang uống rượu ở nhà chị bạn đồng nghiệp. Chồng chị mê ca hát, gõ phách, gõ chai inh ỏi và lắc lư với một gã thư sinh độ 40 tuổi. Gã có sóng mũi cao, thanh tú và cặp mắt kính cận dễ thương. Gương mặt hơi dài. Làn da ngăm và cái dáng ngồi như con tôm cong cong…
Gã cố tình làm lơ. Nhưng tôi biết gã đã nhìn trộm mình. Mắt gian như Tào Tháo! Nó ti hí phía sau thấu kính trắng, đủ cho tôi chẳng có chút ưa nào. Tôi, khi ấy nhí nhảnh trẻ trung và non tơ ở cái tuổi 21 nên khá chảnh. Hoàn toàn không mặn mòi gì với các ánh nhìn nuốt người của giống đực. Con gà trống nào chẳng be theo gà mái? Chắc gã cũng không ngoại lệ. Dẫu cố giấu mình, đôi mắt gà trống vẫn ngầu dại rõ.
Thế rồi. Thế rồi… nhiều ngày “mua khế bán chanh”, lui tới nhà chị bạn, gã cũng lấy được lòng tôi. Nhờ trợ giúp của đôi vợ chồng người đồng nghiệp, gã mời mọc tôi ghé cái chòi tranh lý tưởng, nơi gã dạy nhạc trong khuôn viên Tòa Thánh Cao Đài. Đó là một Guitar Club mượn danh của Hội liên hiệp thanh niên để mưu sinh và chơi đàn. Những năm cuối thập niên 80, giới văn nghệ đủ loại, biết thưởng thức hay dốt đặc âm nhạc vẫn cao hứng sau vài ly đế, họ theo phong trào chê Phạm Duy phản quốc và ca ngợi Trịnh Công Sơn thức thời. Riêng gã vẫn một mực: “Xin lỗi nha, Trịnh Công Sơn chỉ là một nhạc sĩ vàng ôm ghita đỏ và nhạc từ đó biến thành màu da cam. Hổng biết nhà thơ nào pha màu hết ý ta…”
Rồi gã cười híp mắt:
– Nguyễn Du là đại thi hào trong thế kỷ 19 của ta thì Phạm Duy là đại nhạc sĩ của thế kỷ 20 trên mảnh đất đầy vết thẹo bị áp xe và mưng mủ này.
Gã quay lại nói với tôi:
– Cô bé, nếu làm vợ anh, anh sẽ dạy em hát”Trường ca trên con đường Cái quan” của Phạm Duy.
Một đêm trăng tháng nào… tôi quên rồi. Có lẽ trăng đã chín trong chu kỳ rụng trứng. Tôi đến lều gã một mình. Gã đưa tôi ra phía hông nhà. Cây xoài ướt mủ, rắc những giọt nhờn trên vai tôi. Tôi để yên cho gã hôn lấy hôn để… và người tôi run lên trong tê dại. Gã cứ để ngón tay như đang đàn trong phím kín vào cái chỗ chưa ai dám đụng. Từng nhịp khẽ khàng. Tôi muốn quỵ vì hai chân cứng lại, không cựa được. Gã hôn nồng say trong men rượu. Tôi tỉnh rụi mà như bị chìm trên một làn sóng cuộn liên hồi… hơi thở tôi như hụt dần. Và lần đầu tiên, tôi dự cảm: định mệnh sao Kế Đô của cuộc đời bắt đầu từ giây phút hoa xoài rụng trắng vai tôi. Chợt tôi tỉnh thức, đẩy gã ra và thốt lên: “Anh là con gà trống tệ nhất trong đám gà trống.” Gã không tự ái. Lại hôn tiếp. Tôi nghe mùi rượu tỏa rồi như “sỉn” cùng gã trong đêm trăng rụng trắng đất, trắng da và trắng cả không gian thơm lừng hoa xoài…
Rồi thì nên vợ nên chồng. Làm vợ gã đúng 10 năm. Không biết có phải tiền kiếp chỉ mắc nợ đến thế? Trừ cái tệ say sỉn, gã vẫn là người chồng tuyệt vời. Vì gã quá tuyệt vời nên tôi mới dễ điên tiết. Tôi đã bắt đầu điên ngay, kể từ khi cột chặt đời với gã.
Quen nhau và kết hôn, thời gian chưa đầy năm. Sau cái đêm tê dại cứ ôm ấp hoa xoài ngan ngát trong mơ… tôi lại nghĩ mình đã thất tiết. Đàn bà thất tiết với chó phải lấy chó, với trâu phải lấy trâu. Nhớ Mẹ tôi hay nhắc chị em tôi: “Khi đứa con gái để cho đàn ông sờ chim là xong đời!”. Câu nói răn đe, ai ngờ trở thành tôn chỉ để lấy chồng. Chỉ mơ hồ say tiếng đàn và cái nghệ sĩ tính của người đàn ông Flamenco đất Sài thành, chỉ có vài phút dưới gốc xoài, tôi như Thị Nở say Chí Phèo. Nhưng Thị Nở còn chia tay Chí Phèo, chứ tôi say gã, sẵn sàng bỏ lại sau lưng tất cả để lấy chồng, một người đàn ông tưng tửng lớn hơn mình 15 tuổi. Ai cũng phản đối, từ ông bà cha mẹ đến họ hàng. Càng bị ngăn cản, tôi càng muốn kết hôn cho lẹ. Học xong đại học sư phạm, ra trường đâu có bao lâu, chưa trả hiếu cho gia đình đã vội đi lấy chồng. Chính quyết định này khiến tôi day dứt cả đời… mãi về sau.
Ác nỗi tôi là người chủ động, giục gã cưới như đứa trẻ đói đòi ăn. Còn gã thấy tôi trẻ người non dạ, sợ tôi manh động, tự tử hay làm chuyện điên khùng nên cũng một liều, hai liều… Gã về thưa ba má. Một đám cưới thời nghèo, đãi toàn bánh ngọt và nước ngọt đã tổ chức chóng vánh. Tôi rất hài lòng. Thôi thì đã trót… xem như không có theo trai lén lút mà đàng hoàng được bông tai, nhẫn cưới, áo dài của mẹ chồng, không cần rước dâu, bởi tôi không muốn làm dâu miễn cưỡng trong một đại gia đình đã có 5 cô dâu rồi. Vả lại, gã điên cũng không muốn cô dâu trẻ gặp rắc rối với mẹ của hắn. Hắn còn sợ sự nghiêm nghị của bà, huống chi tôi…
Đêm động phòng, gã cười sảng khoái như điên và tự thú với tôi là chưa làm mất màng trinh của tôi. Tôi cũng từng nghi nghi… nhưng thời đó, trẻ con mù mờ về kiến thức giới tính, lại hay mắc cở nên dù đọc nhiều loại sách, tôi lại kỳ thị với sách về giới tính, về tâm sinh lý của đàn ông, đàn bà. Một phần, tôi nhỏ tuổi và ngô nghê so với gã, chả lẽ hỏi: “Nếu không lấy anh, em có lấy người khác được không?”. Hình như em còn con gái? Hỏi vậy vô duyên nên cho qua. Đêm đó, gã cảm ơn tôi đã cho gã thú yêu rất trong sáng… Trời ơi, gã còn ghẹo nữa: “Em có đồng ý không, nếu một ngày anh thật sự cho em tự do… mãi mãi em sẽ vẫn trinh trắng để đi bước nữa? “
– Anh điên à, lấy vợ để cho tự do là sao? Mặt tôi nhúm lại như nhúm tàn tro trong lư hương có cặp chân mày là hai khúc chân nhang cháy đến đúng nửa đường thì gãy ngoặt ngang.
– Anh lên Tây Ninh này, thật ra để kiếm đường qua Cambodia… đi xa hơn… đến một nơi tự do… và có một người con gái khác đang đợi anh. Nhưng em dễ thương quá… có một cái gì đó…hi hi…quá… mà người yêu cũ của anh cũng dễ thương như vậy…
Tôi nghe nóng ran. Nhưng tôi vẫn kiên định gút lại bằng lời nói hùng hồn, dù không phải lời thật của trái tim đang tổn thương, muốn bỏ chạy. Đó là âm thanh vó ngựa của một nàng ngựa háo thắng, muốn chinh phục tình yêu, có thể sau đó tôi không cần, có thể tôi sẽ buông bỏ nhưng phải cho gã thấy tôi không phải đồ bỏ. Kẻ nào làm tổn thương tôi sẽ phải yêu tôi…
– Thì đã là vợ chồng. Muốn hay không cũng phải chấp nhận! Tôi đanh giọng và lườm gã bằng ánh mắt rất lẳng.
– Rồi em sẽ ân hận. Anh hư lắm đó!
Gã nói xong bỏ ra ngoài. Bóc cây đàn ra khỏi bao, gã chơi bài: “Giàn thiên lý đã xa.” Gã cố tình hát cho tôi nghe bài đó. Hát cả đêm. Rồi khóc. Rồi uống rượu… lại hát… Rồi những ký ức về cô người yêu cũ hiện… cái thời gã làm lính quèn trong quân đội VNCH và cô ta là con gái của một người chỉ huy quân đội mà gã rất nễ phục… Kệ gã, đau hay buồn trong lúc này là quyền riêng tư. Tôi không giận chi mấy thằng điên thất tình. Đêm đầu đã vậy. Sau này thỉnh thoảng vẫn vậy. Gã hát bài của gã mà tôi thuộc hồi nào không hay. Cũng tội. Nếu hôm nào rảnh thì tôi ngồi chơi với gã. Còn buồn ngủ thì tôi bỏ gã ngồi một mình. Thôi, gã muốn nhớ ai cũng mặc… được cái là gã cho tôi tự do về nhà ba mẹ, thậm chí tự do muốn nhớ bồ cũ cũng không sao. Chưa bao giờ gã nặng nhẹ với tôi. Chăm sóc tôi như chăm một đứa trẻ chỉ để bầu bạn.
Một năm sau khi lấy nhau. Gã có lẽ vui hơn. Lúc trước trong bóp gã có hình cô người yêu. Rồi tự dưng hình biến mất. Mấy tháng sau, dọn dẹp chồng sách cũ, tôi tình cờ phát hiện, gã đút tấm hình cô gái có khuôn mặt hao hao tôi trong cuốn tiểu thuyết “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse. Đây là tác phẩm gã mê số một. Tôi móc tấm hình ra ép vào album. Mắng gã: “Nếu em là cô ấy chắc là sẽ buồn lắm. Anh việc gì phải giấu kỹ. Giấu là yêu trong tối…”
Khi ấy gã cười rất hiền. Ánh mắt hút tôi như đêm hoa xoài rụng…
Tấm ảnh định vị trong album. Gã từ từ định vị tôi trong lòng. Tôi cũng quen dần trong một cái nếp: đi dạy xong về nhà lo cơm nước. Tối tối lại ngồi hát “Trường ca trên con đường cái quan” cùng gã và học trò học nhạc. Chỉ sau khi học trò về hết, gã lại uống rượu. Thỉnh thoảng thở dài…
Khi tôi có bầu, gã cày nhiều hơn. Dạy nhạc, sửa đàn rồi trồng một đám nhân sâm để hái lá, kiếm thêm tiền chợ. Làm gì thì làm, mỗi tối gã lại ép tôi ăn một trái bắp và hai trứng hột vịt lộn. Cái bầu to như người sắp sinh đôi. Tôi và gã bắt đầu mơ chung về thiên thần. Giấc mơ gần 10 tháng tuyệt vời, đẹp nhất là vào những đêm trăng. Hoa xoài rắc lên hai chúng tôi thơm tho mùi sữa mẹ và mồ hôi mặn của cha chờ đến ngày con gái chào đời.
Con tôi được sinh ra đúng vào lúc 7h sáng. Gã sướng lắm sau một đêm trắng mắt, phập phồng ở ngoài chờ mẹ con tôi tung hoành ở trong phòng sanh. Gã cười toe khi các cô điều dưỡng khen: “Con bé xinh quá, từ đầu đến chân… đẹp tất!” Nhìn cái môi sưng vều, nứt nẻ của tôi, gã rơm rớm. Đang xúc động trước cử chỉ yêu thương của gã, tôi nghe bực muốn lên máu sản hậu khi gã đề cập việc đặt tên con, Gã ghép hai cái tên của vợ và người tình, lẽo lự lấy cớ con bé được sinh 7h sáng, đặt nó tên Hồng Mai cho đẹp… (Tôi tức anh ách nhưng kiềm nén. Kệ đi, cho gã sống ảo một chút cũng có ảnh hưởng chi đâu? Mình tức chỉ thiệt thân…)
Người ta nói tôi khùng khi sống nghèo cùng gã. Họ cho là vì lãng mạn mà tôi đánh đổi cả cuộc đời với anh chàng nát rượu. Tôi không cần thanh minh chi. Bởi làm sao họ biết tôi đã từng có nhiều kỷ niệm bên gốc xoài và mái lều tranh với một người luôn ân cần, nhẹ như tơ trong cư xử. Gã có chửi ai hùng hổ thế nào nhưng vợ con xuất hiện thì giọng gã dịu lại. Đúng như một khúc đàn rảy búng nhẹ ngân sâu để kết thúc hợp âm cuối của bài hát…
Chúng tôi chỉ có 10 năm hạnh phúc. Con tôi có 9 năm bên sự che chở của cha. Vì uống rượu nhiều ăn ít, người của chồng tôi gầy hơn que diêm. Tôi đưa anh đi cai rượu, rồi đi nằm viện vì bao tử đã hỏng. Giờ tôi cũng chẳng ghen với quá khứ nếu mỗi đêm, thi thoảng anh lại đàn, lại khóc. Tôi lại vuốt ve và ru anh ngủ trong hương xoài ký ức, sau khi anh say mèm. Cô người tình của anh ở xa lắm. Gia đình cô đi Mỹ lâu rồi. Làm sao cô ta hiểu anh đã yêu và đau như thế nào. Chỉ có tôi, một người thần kinh kim cương mới kiên nhẫn bên anh, chăm anh cho tới những ngày gần cuối. Chỉ là gần cuối. Bởi tôi chịu đựng 10 năm. Nhưng còn một chút tiễn anh về nơi xa… tôi đánh mất kiên nhẫn.
Anh cứ rượu. Cứ ít ăn dần. Cứ thức. Thức đến mù màu. Anh nhìn mọi vật loạng choạng. Rồi ảo giác. Rồi mất cảm giác người bình thường, lúc điên, lúc tỉnh. Tôi phải chạy vạy lo cho anh và con. Rất đuối. Nhưng không than với ai. Chỉ cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Nhiều lúc anh bỏ nhà đi lang thang, tôi phải đi tìm bỏ cả ăn uống. Rồi một hôm đi dạy về, tôi thấy anh xé giấy từ thùng mì viết đầy tên người yêu cũ… khi ấy đang mệt, tôi tá hỏa, nói một tràng. Nói nặng lắm. Xong rồi, tự xấu hổ, cuốn đồ, dắt con về nhà ba má. Anh không buồn năn nỉ. Tôi cũng làm nư không về. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Mười năm đã sống chung, đã chấp nhận sao còn chấp chi? Giờ anh bệnh sao tôi ác vậy? Có lẽ lúc ấy tôi quá trẻ để vượt qua tự ái của một người phụ nữ ngày nào cũng đổ bô cho người bệnh, trái lại người ấy cứ mãi mê điên với Hằng Nga trên cung trăng. Tôi cứ khăng khăng: “Tôi ở bên anh 10 năm, không bằng thời gian cô ta quen anh hai năm sao?” Tôi méc mẹ chồng. Bà khuyên tôi tha thứ và trở về. Tôi lì lắm, không trả lời trả vốn. Chỉ là làm theo tôi. Bà đành đưa con trai về Sài Gòn chăm sóc, mặc cho tôi muốn làm gì thì làm cho hả giận…
Một năm sau, anh mất vào một ngày mưa. Tôi đưa con gái về thọ tang. Con tôi òa khóc nức nở xé lòng. Tôi vẫn lạnh lùng không khóc. Tôi không giải thích được tại sao mình không khóc cho có vẻ tào khang, dù là chút nước mắt thừa. Chỉ là không muốn khóc vì cảm thấy mình không xứng đáng, không có quyền rơi nước mắt đối với người mình bỏ rơi… chỉ là đau râm ran trong lồng ngực cho sự bất lực của mình…
Tôi đã thua trong cuộc tình 10 năm chăng? Nhưng tôi vẫn nhớ rõ những đêm hoa xoài, anh có lúc yêu tôi là thật mà? Tôi xin mẹ chồng mang hũ cốt về quê cho con gái được gần cha. Mẹ thấy phải nên đồng ý. Hai mẹ con tôi trở về nơi nhà cũ trong một ngày mưa tầm tã. Hoa xoài vẫn rụng trắng. Nhưng không còn mùi hương. Gần đó ai đốt lá khô khét lẹt… Bất giác tôi muốn nổi điên, thèm đốt cháy mái lều tranh của tôi và gã… nhưng… đôi mắt con bé y chang ba nó, nhìn tôi tha thiết trong đêm đầu tiên tôi đến đây với gã. Trừ con bé còn có chút ấm, mọi thứ lạnh lùng với tôi đáng sợ. Tôi phải xa nơi này thôi, mang con đi đến một nơi không có hoa xoài để lo nuôi dạy con nên người. Nếu ở đây, tôi sẽ không cân bằng được cảm xúc. Không khéo cái điên của gã lại nhập vào tôi. Tôi chào gã lần cuối để rời nơi đây: “Anh à, thôi thì lâu lâu em sẽ về thăm lại gốc xoài, sẽ nhớ một người hát trường ca, bài hát mềm như cánh hoa xoài trong đêm định mệnh đã cho em hạnh phúc dang dở, dù 10 năm, nhưng cũng đủ rất nhớ rất thương suốt cả một đời….”

Diên Hồng Dương
Tây Ninh. Ngày 5 tháng 3 năm 2017