Mặc dù ông bảo thèm làm thơ như thèm đàn bà, nhưng chưa bao giờ ông nhận
mình là thi sĩ. Chẳng cần tìm vần chọn chữ, ông mặc sức để cho năm giác quan
của mình no nê tận hưởng. Và đây là mùa hè rực rỡ ngọt ngào dưới mắt nhìn thèm
thuồng của ông:
trên cánh đồng mượt tiếng chim ca thanh vắng
người con gái thả đôi vú trần dậy thì thanh tân phơi nắng
và hoa cúc vàng rộ nở chi chít
trên đồi ngực tinh khiết nàng
trên cánh đồng cúc trinh nguyên hực vàng
người con gái ưỡn đôi mông tròn lụa là phơi nắng
và nụ cỏ măng tơ nẩy mầm mọc phủ
khắp đồi mông trắng tinh nàng
trên cánh đồng cỏ tốt tươi gió lắng
người con gái e dè nghiêng gò tình măng tơ phơi nắng
mặt trời thầm kín đưa lưởi mềm ấm
nhẹ lướt khe kín đẫm mật nữ tính nàng
Ba khổ thơ tả một em “tóc vàng sợi nhỏ” nằm phơi nắng, tinh khiết làm sao,
thơm tho làm sao và cũng chi xiết nóng bỏng gợi tình. Khổ đầu tả đôi vú trần
dậy thì. Khổ giữa là đôi mông lụa là. Khổ ba là gò tình măng tơ. Cái làm nên
“văn hiệu”Kiệt Tấn là ông cảm nhận (hay thèm được như) “mặt trời thầm kín đưa
lưỡi mềm ấm nhẹ lướt khe kín đẫm mật nữ tính nàng”
Thơ như thế, đến cả sư phụ ông là Nguyễn Bính hay đại ca Bùi Giáng cũng
không làm nổi, mặc dù cả hai vị đều tự xưng và được tôn xưng là thi sĩ.
Người thèm làm thơ như ông giống như đứa bé lội xuống khe không để nhặt cái
“khuôn vàng” mà để nhặt những hòn cuội lạ. Trong bài Cô đơn được viết năm 22
tuổi khi ông nằm một mình trên gác trọ đìu hiu ở Québec, có những ý rất mới và
rất thơ.
cô đơn
là nỗi buồn dài hơn sải tay
là giọt nắng rơi trên vai vàng kỷ niệm
là miệng chai đắng trên vành môi khô
là sáp môi mòn trong hộc tủ bỏ quên
là sợi tóc dài nằm ngủ trên áo gối lẻ loi…
Chiếc áo, quần jeans, xú chiêng, giầy cao gót … giờ trở thành những bức
tranh tĩnh vật:
chiếc áo đen ngủ trên lưng ghế
quần jeans xanh ngủ dưới chân hồng
chiếc xú chiêng ngủ trên mặt gối
giầy cao gót ngủ trên sàn nhà
giọng ca tình ngủ trong máy hát
điếu thuốc tàn ngủ trong đĩa sành…
Ông cố ý chọn chữ “ngủ” trong suốt 8 câu không vần để nói đến chữ “tĩnh”,
cũng là một cách chơi chữ rất riêng của ông.
Như thế, làm thơ đối với ông tức làm cho đời đẹp hơn, đáng yêu hơn…nên sẽ là
thảm họa nếu những người làm thơ phải im tiếng. Khi đó, “ngày vẫn bắt đầu bằng
buổi sáng, trái đất vẫn quay đúng chu kỳ và đêm vẫn trở về bằng bóng tối”,
nhưng mọi sự sẽ trở nên vô hồn, trần trụi như những gì ông cảm nhận sau đây:
khi những người làm thơ im tiếng
mắt sẽ dùng để thấy tai để nghe miệng để ăn
bút mực để lập vi bằng
ngôn ngữ để mua bán
trí não để mưu toan
đàn bà để làm tình
nhan sắc để làm khí giới
trẻ thơ để đánh đòn
người già để chết
thân xác để bón cây
nghèo đói để tự vận
…
khi những người làm thơ im tiếng
sách vở để vệ sinh
dây đàn để buộc hàng
nước mắt để làm hề
nụ cười để diễu cợt
khổ đau để tán gẫu…
Mà vì sao những người làm thơ phải im tiếng? Vì sao không còn ai làm thơ?
Ông không nói “tháng tư đen”, không nói gì đến “giải phóng”, nhưng đọc những
câu sau đây ai cũng hiểu cội nguồn vì đâu!
…bây giờ không còn ai làm thơ
em đã thôi làm đĩ
chúng ta xếp hàng chờ đóng dấu
no nê hận thù
…bây giờ không còn ai làm thơ
bạo chúa đội lốt anh em đầy đường khắp phố
chúng bắt ta ngợi ca
tự do-độc lập-hòa bình…
chúng bắt ta cắt ruột
chối từ xứ sở
Tập thơ Điệp khúc tình yêu và trái phá của ông xuất bản năm 1966 ở miền nam.
Tập thơ lạc lõng giữa những tiếng nổ của “đại bác đêm đêm dội về thành phố” và
rồi những Mậu thân, những Đại lộ kinh hoàng, đã khiến ông cảm thấy cái ngày
“không còn ai làm thơ” sắp đến. Trong một chuyến tu nghiệp ở Pháp, ông bị kẹt
lại ở Paris.
Dù ở Pháp không ai cấm ông làm thơ, nhưng ông đã bẻ bút xé giấy trong suốt
30 năm. Ông trở thành kẻ bị “cắt ruột xa lìa xứ sở”. Chữ “cắt ruột” rất nam bộ
và rất chính xác cho một người cô đơn dễ xúc cảm như ông. Nhiều đêm ông ra ban
công ngồi khóc một minh, vợ ông phải dỗ dành mãi ông mới vào nhà. Rồi mất ngủ
suốt tám tháng, vợ ông (lại dỗ dành) đưa ông vào bệnh viện tâm thần. Gặp
Evelyne điên xỏa tóc có đỡ hơn, nhưng cái quá khứ đau thương của tuổi thơ ông
và cái hiện tại cũng như cái tương lai “chó má” của cả dân tộc vẫn khiến ông
khật khùng. Cho đến khi ông viết được Việt Nam thương khúc với hơn 3000 câu
song thất lục bát kể lại cuộc đời của chính cha mẹ ông và chính ông, tiếp theo
là non 3000 câu lục bát điên…ông mới tỉnh ra. Tức là lúc ông đã “khạt ra được”
nói như Thánh Thán, cái cục đau, cục giận suốt bao nhiêu năm “khạt chẳng ra
nuốt chẳng vào” ấy.
Giờ, làm thơ đối với ông không phải dấn thân, cũng chẳng phải “khỏa thân với
cuộc đời” như có người đã tán lộ liễu. Làm thơ, giờ là “khóc lẻ loi một mình”.
Khóc thương cha mẹ, khóc thương bà bán đậu lép bà bán cà rem, khóc thương bạn
với viên đạn đồng nằm giữa lồng ngực khi ở tuổi 20.
Bài thơ Dòng sông và con thuyền hai mươi tuổi khá dài nhưng không dở (như
ông dè biểu thơ mình), là một khúc bi ca không vần khóc bạn, khóc cho thế hệ
của chính mình. Tôi xin trích vài đoạn:
…còn nhớ gì không Gia?
những người mất đầu vì cuốn văn phạm ngoại ngữ
những người bị mổ bụng vì mặc biên áo bên trong có in ba màu
những đứa con gái mười tuổi bị phá trinh
những bà lão sáu mươi bị hãm hiếp
…còn nhớ không Gia?
đứa trẻ sơ sinh nào chết trên vú xanh
của người đàn bà lòi óc
…nhớ không Gia?
họ không có thì giờ để cắt cổ từng người một
những người bị lùa vào lẫm lúa cửa khóa then cài
lửa phóng thiêu rụi tiếng la thất thanh
còn nhớ không?
…họ không có thì giờ đào những lỗ huyệt tập thể
những người bị bắt quỳ bên bờ sông
lưỡi phảng phạt xuống trúng tai trúng cổ trúng vai
trúng lưng mặc kệ
…còn nhớ gì không Gia?
từng bầy năm người mười người
cặp giữa hai thanh tre trôi về chật lòng sông
…nhớ gì không hỡi Gia?
những người đàn ông không có thì giờ để làm tình
những người đàn bà không có thì giờ để cưu mang
những bào thai không có thì giờ để chào đời
những trẻ thơ không có thì giờ để nô giỡn
những cơ thể non không có thì giờ để già nua
những kẻ bạc đầu không có thì giờ để chu toàn cái chết…
Đó là thời Việt minh cướp chính quyền, thời mà con chó trung thành bị giết
vì sợ làm lộ bí mật cán bộ trốn trong hầm, thời ám sát thủ tiêu, thời chụp mũ
Việt gian, thời Pháp đi lùng đốt nhà hãm hiếp…
Rồi đến thời VNCH, “đi quân dịch là thương nòi giống”chưa kịp hưởng tuổi 20,
bạn ông đã nằm im “dưới hàng bạch lạp hắt hiu cắm đều khoảng từ đầu đến chân…”
Gia ơi
nhớ lấy hết những bi thương đó
để mai kia
vào những đêm mùa hè thiệt vắng vẻ
mày kể lại cho giun dế nghe
chuyện con thuyền đứt neo
dật dờ trên dòng sông hai mươi tuổi
(Sài Gòn 1965, đêm say chạnh nhớ bạn ta)
Còn tuổi nào bi thiết hơn tuổi 20 ở Việt Nam. Chết tức tưởi, chết quạnh hiu!
Tôi tưởng chừng ông đang ngồi một mình bên bờ sông nào đó với một chai rượu và
rượu vào thì ông khóc. Khóc được là ông bớt rầu.
Trong bài Đưa vợ con về xứ với câu hỏi của vợ:”đất nước ta thanh bình thiệt
sao anh?” và câu hỏi của con “biển chỗ này tên gì mà gió rít rợn người?, tên gì
mà sao nước xoáy dữ tợn”được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như những nhát cắt vô
tình cứa nát lòng ông.
Đừng hỏi, vì anh cũng chưa biết có thanh bình thật không khi mọi sự đã đổi
thay, đến “Sài Gòn mà còn mang tên thằng đồ tể”! Đừng hỏi, vì thằng Khôn là bạn
học đi tập kết giờ là tiến sĩ về cướp nhà bạn cũ, “anh muốn gặp lại xáng nó bạt
tai”. Đừng hỏi con ơi, chỗ nước xoáy đó, chỗ gió rít đó tên gì ba chẳng biết
chỉ biết người thân vượt biên bị chết, chị con đau kiết lỵ sưng cổ họng không
thuốc men, chết xác quăng xa chìm xuống biển sâu.
Và sau cùng:
thôi em đừng hỏi
anh làm bài thơ này tặng ai?( nghi tặng Hoa như hồi nẳm bến đò
trao thơ)
anh biết mình có tật làm thơ vừa dài vừa dở
những người anh muốn đề tặng đã chết từ lâu
thì thôi anh dành tặng bài thơ này cho xứ sở
…anh viết mấy dòng trên vừa khóc vừa cười
bỡi khổ đau
vì em ơi
sau cái thời buổi khốn kiếp này
khi về với quê hương
anh sợ chúng ta không còn được nụ cười nào để cười
và cũng chẳng còn giọt nước mắt nào
để khóc.
Về quê hương mà không còn nụ cười nào để cười, không còn giọt nước mắt nào
để khóc, cay đắng biết chừng nào!
Không chỉ bài thơ này mà cả 3000 câu trong Việt Nam thương khúc, 200 khúc
trong Lục bát điên, cả những truyện ngắn truyện dài ông đều tặng cho xứ sở. Nói
đúng hơn là trả nợ cho quê hương, nơi đã cho ông một “tuổi thơ rộng lượng, trốn
cơn ruồng bố trở về ngủ vẫn nằm mơ” nơi sông nươc tôm cá đặc ngừ, nơi khổ đau
do người lớn gây ra triền miên suốt ba bốn chục năm…
Thơ của ông là như vậy. Không chỉ môi má nồng thơm mà còn ngổn ngang tâm
sự, trải dài 2/3 thế kỷ là cái rầu minh mông bất tận (chữ ông dùng để
viết về Nguyễn Ngọc Tư).
Còn như bảo rằng thơ phải có cái gì đó mới lạ, thì đây, xin mời đọc bài Em
về. Bài thơ 3 chữ mỗi câu nhưng ông kéo thành 5 chữ bằng cách lập lại hai chữ
đầu, cứ như cà lăm, nhưng rất độc đáo. Nhất là ý thơ nhẹ nhàng, dễ
thương. Chiều mưa, dường vắng, trông em về. Em này, áo trắng gót son, chắc là
Ánh, cô nữ sinh ông để dành mai sau làm vợ ông. Xin mở ngoặc, có thể nói vợ ông
còn hơn cả bà Tú Xương, chịu đựng một ông chồng như ông phải nói là hết sức
dũng cảm. Không có Ánh chắc ông đã thân tàn ma dại, chết rấp đâu đó chứ sao mà
viết nổi văn, làm được thơ. Xin ngã mũ kính chào và đóng ngoặc.
ngày phai ngày phai màu
chiều xanh chiều xanh xao
trời mưa trời mưa nặng
em về em về mau
trời mưa trời mưa nặng
em về em về mau
em về em về mau!*
nghe như tiếng lòng ông thắm thiết dội lại, còn hơn cả “tiếng buồn vang
trong mây” của Hồ Dzếnh.
Đây là bài thơ đẹp, theo tôi dù ông không muốn cũng vẫn xứng đáng được gọi
là thi sĩ thứ thiệt với tất cả lòng mến yêu.
06/4/2017
Khuất Đẩu
Ghi chú: Những đoạn thơ trên trích trong Lục bát điên & Thơ rời do Giấy Vụn xuất bản tại Huê kỳ, 2017. Tác giả được tặng (chui) trong lần ra mắt sách bỏ túi tại cà phê Kafka, Sài Gòn.