Thoạt
tiên, một người bạn trong nhóm gởi ra cái email nội dung như sau: “Tối hôm nay
tôi đang nằm đọc sách, chợt nghĩ lơ mơ một điều, muốn đem hỏi các bạn. Câu hỏi
thế này: Trong ngôi nhà mình ở, cái vật gì biểu tượng cho trống vắng và cô đơn
nhất? Hoan nghênh bạn nào trả lời đúng.”
Trưởng
tràng của cả nhóm lên tiếng trước: “Trống vắng hay cô đơn thuộc lãnh vực tình cảm
riêng tư, mỗi người mỗi khác, làm gì có câu trả lời nào là đúng nhất?”
Người
thứ hai không phản bác câu hỏi mà trả lời: Bản thân.
Người
thứ ba không trả lời câu hỏi, cũng không phản bác nhưng sửa lưng câu trả lời của
người thứ hai: “Sai rồi, “cái vật gì” sao lại là con người?”
Người
thứ tư kể ra một lô những vật dụng mà theo anh, có khả năng đáp ứng câu hỏi, nếu
không hoàn toàn đúng thì cũng ở cự ly gần nhất với đúng: Cái gương. Cái lược.
Con dao. Cái trần nhà. Cái ảnh thờ. Cái giường. Kèm theo cũng một lô những lời
dẫn giải lý do vì sao anh chọn từng ấy món?
Người
thứ ba, sau khi phê bình câu trả lời của người thứ hai, đến lượt mình điểm: Cái
cửa sổ. Theo chị, cái cửa sổ không có căn tính mà chỉ hiện hữu cho mọi thứ
khác.
Người
thứ năm vào cuộc chậm nhất và giữa chừng, không nắm tình hình từ đầu nên gõ xuống
bàn phím hai chữ Cái Giường, hoàn toàn không biết giải đáp của mình trùng lắp với
một món người thứ tư trong nhóm đã chọn ra.
Đến
đây, lây sự hào hứng của cả nhóm, người thứ nhất lại nhẩy vào, đưa ra một món rất
ngoạn mục và bất ngờ: cái restroom, nôm na trong tiếng Việt gọi là cái cầu
tiêu.
Luôn
nhậy bén với thực tế thời đại số, trong 15 giây thôi, người thứ ba trả lời vị
trưởng tràng nhanh như chớp: Sai rồi, bây giờ ai vào restroom cũng mang theo
iPhone hết!
Qua
một buổi tối nhặng cả lên với nhau, ngày hôm sau, tác giả câu đố được yêu cầu bạch
hóa câu trả lời đúng nhất.
Chị
từ tốn dẫn giải: “Đó là cái trần nhà. Luôn luôn bị bỏ quên. Luôn luôn trống
trơn, trơ trọi. Nếu có gắn đèn thì cũng là để soi sáng những vật bên dưới nó chứ
không phải chính nó. Mỗi căn phòng có 6 mặt phẳng. Bốn mặt tường đều có trang
hoàng tranh ảnh, kỷ vật. Sàn nhà được trải thảm, bày chậu hoa. Chỉ có trần nhà
ít ai ngó ngàng tới trừ phi nó dột mà sửa xong chỗ dột, lại rơi ngay vào quên
lãng.”
Cả
nhóm nhao lên vì không đồng ý.
Người
thứ hai “pháo” trước: “Trần nhà phòng con gái tôi là toàn bộ thái dương hệ
trong vũ trụ. Trần nhà phòng ăn của tôi lúc nào cũng Giáng Sinh trắng tinh, vui
tươi, rộn rã.”
Người
thứ tư thở hắt một hơi dài thất vọng: “Mèng ơi, một người nằm tênh hênh trên
giường, không nhìn cái trần nhà thì nhìn cái gì? Có lẽ người đang hạnh phúc
cùng mình nên chợt thấy cái trần nhà lạnh băng, im như thóc, bèn động từ tâm mà
đoái thương, nghĩ nó cô đơn, trống vắng! Thế mà làm cả đám suy nghĩ nát cả óc,
chán mớ đời!”
Đành
là có thế nhưng hình như chính anh cũng từng trải qua kinh nghiệm “nằm tênh
hênh trên giường, không nhìn trần nhà thì nhìn cái gì?” Cũng cùng tâm trạng y
như tác giả câu đố, nghĩ nó cô đơn, trống vắng, nên anh đoán trúng phóc ý của
tác giả mặc dù hơi tham, còn cố liệt kê thêm vài món nữa.
Anh
trưởng tràng thấm nhuần triết lý trong Kiều của cụ Nguyễn Du, cười mỉm và phán:
“Thấy chưa? Toàn là suy nghĩ chủ quan, kiểu ‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ,’
cứ áp đặt tâm sự của mình lên ngoại cảnh rồi đem ra đố, làm sao có lời giải
đúng được vì chẳng phải chính chánh chủ khảo đã sai ngay từ đầu rồi ư?” Hà… hà…
Biết
anh trưởng tràng phê phán rất đúng trong “cuộc đố vui không tìm ra lời giải”
này nhưng nếu không đố mà chỉ chia sẻ thì chia sẻ của mỗi người, dù không đạt
được sự đồng cảm, có đáng được cả nhóm tiếp nhận không?
Chia
sẻ của tác giả câu đố cho tôi hình dung ra bạn, một buổi tối yên ả, thư thái ngả
lưng xuống giường đọc cuốn sách. Tôi thậm chí có thể đoán ra nhan đề cuốn sách
trên tay bạn tôi, viết về những người Việt Nam vượt biển tìm tự do nhưng không
may mắn đến được bến bờ mong đợi. Là đề tài chúng tôi đang trao đổi mấy hôm nay
khi cuối Tháng Tư tới gần. Tôi cũng hình dung ra căn phòng bạn tôi đang ở
trong, có khung cửa sổ rộng trông ra ngã ba cái hồ bát ngát như cửa một con
sông lớn; những buổi tối bạn tôi vừa râm ran chuyện trò vừa xoa dầu ở hai bàn
chân sau một ngày đứng nhiều và đi lại nhiều, mùi khuynh diệp thoảng bay làm ấm
cả không gian xung quanh. Tôi đã đến đây không ít lần và thường thức giấc giữa
đêm, nhìn ra mặt hồ nhòa trong sương khuya, thương nhớ con sông của tuổi thơ
tôi tận quê nhà xa tít tắp, xót đau một mái ấm giờ đây cũng mất tăm trong mịt mờ
ký ức. Bạn tôi đang buồn hay đang vui mà bỗng dưng gán cho cái trần nhà sự cô
đơn và trống vắng?
Trở
lại chuyện câu đố, người thứ hai sau anh trưởng tràng, đoán nhanh và chắc nịch,
là “con người.” Trong nhóm chúng tôi, có vẻ cô có cuộc sống nội tâm nhiệm nhặt
và sâu sắc nhất. Cô hay đi bộ một mình trong núi và không lái xe xa lộ. Tôi
đoán cô thường có những khoảng thời gian và không gian tịch lặng để lắng đọng
tâm tư, để khơi trong gạn đục những tầng cảm xúc bên trong mình tựa như người
đãi vàng dưới suối, không chấp nhận để lẫn một hạt sỏi nào. Trong giao tế, cô
ròn rã, nồng ấm nhưng không hiểu vì sao, tôi cứ có cảm giác cô giấu đâu đó một
chỗ đau, một vết thương nhỏ. Có lẽ tại đôi mắt cô đầy nghi ngại và buồn như
đêm. Thế nhưng, chẳng lẽ cô là (sinh) vật cô đơn và trống vắng nhất dưới mái
nhà của mình?
Cô
em khác, người thứ ba, đoán là cái cửa sổ. Trong nhóm, cô ba thông minh và có
tưởng tượng phong phú nhất. Quả thật, đóng hay mở, cửa sổ bao giờ cũng trống vắng
và chỉ hiện diện cho mọi thứ khác như cô mô tả. Tuy vậy, tôi không hình dung ra
được nó cô đơn. Nó luôn luôn bận rộn, đầy ắp một cái gì: cây cối, hoa lá, nắng
gió, những mái nhà nâu, những con chim se sẻ, hồ nước, giòng sông, mặt trời, mặt
trăng, tinh tú, bóng người hàng xóm, v.v… Liệu cô đơn có phải là tình trạng đứng
yên một chỗ nhìn mọi vật di chuyển, thay đổi qua mình, xung quanh mình, trôi tuột
đi, như nắng mưa, như gió mây thoảng bay, không một thứ gì bám víu và ở lại với
nó? Hay nó cô đơn vì nó suốt đời hiện diện bên cạnh cái cửa sổ thứ hai trong
cùng một gian phòng, gần nhất cũng cách nhau một sải tay? Nhìn nhau mà chẳng
nói, có nói cũng khôn cùng! Tội nghiệp ghê!
Thế
còn người thứ tư chọn cái giường, anh ấy nói gì? “Một vật tiêu biểu cho sự cô
đơn, có lẽ cái giường nói lên được nhiều nhất, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa
bóng. Cái giường giữ nhiều kỷ niệm của một người đã không còn nữa hay hai người
mỗi người là một ốc đảo không tình yêu. Chưa kể một ngày nào đó, ai trong chúng
ta cũng sẽ phải đối diện những giấc ngủ chỉ có 1 mình khi mà người vợ hay chồng
như chim vỗ cánh bay đi…Nó cô đơn lắm, hãi hùng lắm.”
Đến
đây thì tôi phục lăn anh trưởng tràng. Bởi vì tuy tôi cũng chọn cái giường như
anh bạn số 4 trong nhóm nhưng do chủ quan, chúng tôi có những liên tưởng khác
nhau. Đối với tôi, ngoài bếp, phòng ngủ trong nhà là nơi hội tụ nhiều sinh khí
nhất. Những lúc đi xa, nhớ nhà, tôi nhớ nhất phòng ngủ và cái giường, địa đàng
nghỉ ngơi của tôi mỗi tối và bình minh mới của tôi hôm sau khi mở mắt ra. Qua một
ngày dài làm việc, thời khắc hạnh phúc nhất của tôi là được ngả lưng xuống giường,
nơi chốn thân cận với tôi như một người bạn chí tình từ khi tôi lọt lòng mẹ cho
tới giờ khắc chia tay cuộc đời ở sân ga cuối, qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Mẹ tôi đã ngồi, đã nằm ở đây, đã ẵm ru tôi những sáng tinh mơ, những đêm khuya
muộn, một đèn, một bóng; đã gói chặt tôi trong tã lót, chèn chăn gối xung quanh
và giao phó tôi từng chập cho giường để gồng gánh công việc trong một ngôi nhà
đông người, luôn luôn bắt đầu từ gà gáy cho đến quá nửa đêm. Hết thời nuôi con
của mẹ, đến thời nuôi con của tôi. Dù nửa thế kỷ đã trôi qua với vô vàn biến động,
mùi thơm da thịt trẻ sơ sinh, mùi sữa hoi hoi từ bầu vú mẹ, hình hài bé nhỏ, mỏng
manh như búp hoa non yếu vừa bung nở của từng đứa con vẫn rỡ ràng trong trí nhớ
tôi như mới vừa đâu đây. Cái giường câm nín chuyên chở nhiều cảnh đời trong nhẫn
nhịn, không đòi hỏi gì cho nó, kể cả chăn gối đẹp mắt, thơm tho, cũng chỉ để
làm vui lòng chủ nhân của nó thôi. Nó cho tôi cả bầu trời hạnh phúc nhưng tôi
chưa bao giờ chuyện trò với giường để biết nó buồn vui và cô quạnh ra sao? Nói
như anh trưởng tràng của nhóm chúng tôi, con người toàn “phịa ra trăm điều”
theo tâm cảm của mình từng lúc. Tôi nhớ câu thơ thời đi học, của
Lamartine: “Objets inanimés, avez-vous donc une âme qui s’attache à notre
âme et la force d’aimer?” Tạm dịch là: Hỡi các vật dụng vô tri, các ngươi có một
linh hồn gắn bó với linh hồn ta và thúc dục nó yêu thương không? Hình như có ai
đó đã nói rằng “Trong mỗi người Việt Nam, có một thi sĩ” (kẻ viết bài này xin
thêm: dù không biết làm thơ) Hình như chỉ cần một trái tim tràn ngập tình yêu,
cho ta nghe được, thấy được, cảm được cả những điều kỳ diệu trong thế giới vô
ngôn của muôn loài trong vũ trụ. Có “phịa” không khi tiếng chim hót chiều trong
các lùm cây, lúc ríu rít du dương, lúc chí chóe cãi nhau, nghe mà thương? Có
“phịa” không khi tiếng sóng biển lúc êm đềm vỗ lên ghềnh đá, lúc đớn đau gầm
thét vì đáy đại dương không yên? Có “phịa” không khi ở nơi này, mỗi buổi tối
người lưu dân trở về nhà, nhìn ngọn đèn trên cửa kiên trì cháy lên như con mắt
buồn bã canh thức niềm hy vọng thấy lại quê hương trong lòng họ? Có “phịa”
không khi tôi muốn thêm vào phần giải đáp câu đố của bạn tôi, khoảng sân lờ mờ
sáng dưới ánh đèn hiu hắt ấy, cả hai cô đơn và hoang vắng tận cùng?
Anh
trưởng tràng ơi, nếu “phịa” cho đời đẹp hơn, vui thêm, thì có nên không?
Bùi Bích Hà