04 May 2017

THƯ CHO CHỊ, MỘNG TÚ - Hồ Đình Nghiêm

Nhà thơ nhà văn Trần Mộng Tú (Ảnh: Uyên Nguyên)
Theo cách hiểu nông cạn của tôi, mộng tú là giấc mơ đẹp. Nhà thơ nữ Trần Mộng Tú đã từng dệt những vần điệu, tạo ra cảnh giới đẹp tựa một giấc mộng nằm ngoài cuộc sống này. Tôi đọc chị đã hơn ba mươi năm, mộng mị cứ thế mãi tiếp diễn và đồ chừng chị đã lần hồi trăn trở, vô tình lấy đi bớt chút ngọt ngào. Muối, hình như là thứ gia vị nằm gần tay chị, khi mặn mà được rắc vào, hơi lỡ tay, kết quả tựu thành là gì? 

Tuỳ tâm cảm của từng cá nhân, ngày ba mươi tháng Tư năm nay, với tôi là một ngày thấm mặn nước mắt. Tôi đọc phải bài “Hành Trình Về Biển” của chị đăng ở diễn đàn Văn Việt đã khiến 30/4 của tôi trở nên đặc biệt hơn mọi lần: Tôi đã khóc! 
Nhận được một món quà, bạn khóc và bạn bần thần suốt cả ngày, dẫu buồn cách mấy bạn cũng phải lắng lòng cám ơn người trao tặng. Tôi xin cảm ơn chị Trần Mộng Tú đã lặn lội đường xa, không quản ngại mang trái tim giàu lòng nhân để bày tỏ một điều thiết thực, rạng ngời hơn cả giấc mơ đẹp.
Thưa chị, tôi là một thuyền nhân lẩn trốn ra đi cùng thời điểm với những chiếc ghe bất hạnh kia.  Tôi ở Huế nên chọn phương Bắc làm chuyến hải hành, năm ngày trên biển cả (không có ngư ông) chỉ có sóng lớn chứ chẳng gặp hải tặc đầy bất trắc và nguy nan như các chuyến ra khơi chùng lén của đồng bào trong Nam. Và trại tỵ nạn ở Kowloon Hong Kong thời điểm 1980 đúng là “thiên đường hạ giới” dành cho bọn boat people vô tổ quốc. Nếu tôi kể ra chi li, e không khéo mà làm phật lòng các anh chị từng khốn khó nắng mưa ở Nam Dương, Mã Lai. Ở phương đó, qua văn phòng Liên Hiệp Quốc, qua Cao Uỷ đặc trách người tỵ nạn, tôi cũng có hay tin thảm trạng của những thuyền nhân xuôi Nam, những phần số bất hạnh, những linh hồn lạc lối… Tôi đã buồn đau, kiểu đồng bệnh tương lân nhưng nước mắt chưa thể tìm tới. Nói có vẻ ích kỷ, tại tôi đang đặt được chân đứng, vừa đi lọt người qua được cánh cửa nhân đạo đang mở. Hong Kong được ví là Cảng Thơm, ngực tôi no căng mùi vị của tự do. Gió mát lồng lộng, bầu trời rộng và mây sao trong xanh đến lạ! Mang thứ tâm lý xét thấy bình thường như vậy nên tôi- nói tội Trời- chẳng quan tâm tới số phận của ai khác. Từ đó đến nay, đếm không xuể những bài viết về thảm cảnh thuyền nhân, nhưng thú thật với chị, dường như bao tinh hoa đã đổ dồn vào trong bài viết của chị. Lại nói một cách hàm hồ: Chị đã “giết tôi không gươm dao”! Tôi buồn lắm chị ạ. Tôi khóc theo những giọt lệ của chị. Và với “tư cách” một đứa thuyền nhân, tôi hổ thẹn khi đọc những gì chị dàn trải. 
Nhà văn nhà thơ Trần Mộng Tú kính mến, đọc một bài thơ hay, người đọc sẽ thầm mang ơn tác giả. Tôi mãi tin những hồn oan phương trời khuất lấp nọ cũng sẽ vơi bớt những nhọc nhằn oan nghiệt khi “nhìn” ra nghĩa cử của chị. Không phải sao, đã có một cánh bướm đen bay chập chờn tiễn chị về lại đất liền như chị viết? Một là đã đủ. Đủ đồng nghĩa với tôn trọng. Cả mấy ngàn con đồng loạt thức giấc thì “căng” quá, khiến người giàu có hảo tâm ngất xỉu thì sẽ là một kết cục chẳng có hậu. 
Nếu ở Seatle, Washington? Nếu nghe chị làm chuyến hành hương (?) về các vùng đảo hoang vu, ắt tôi sẽ xin phép chị cho tôi một vé đi cùng. Tôi là thuyền nhân tốt số, tôi nguyện bày tỏ tấm lòng của bầu đối với bí, để mong sau chuyến đi, nối gót chị, tôi sẽ viết đôi điều sẻ chia. Quý vị lặng lẽ mất đi và tôi luôn nhớ về sự khiếm diện quá cay nghiệt nọ. Giống như chị bày tỏ, quý vị đã viết xuống một trang sử đầy sóng gió, thảm thương. Một trang sử nằm ngoài đất mẹ, cứ chịu rách nát nổi trôi trên sóng vô tình, hằng cửu. 
Tôi chẳng biết nói gì. Chị đã nói thay mấy triệu thuyền nhân xiêu lạc bốn phương trời. Xin cảm ơn chị. Chưa khi nào tôi hiểu, sâu sắc về giá trị của chữ viết do chị vừa mang lại. Tuy lấy đi nước mắt của người đọc nhưng còn đó là những gì lung linh của một giấc mộng, đẹp trong rạn vỡ. Đau trong đằm thắm. Ba mươi tháng Tư năm nay cho tôi gọi thầm tên chị: Trần Mộng Tú. Xa xăm!

Hồ Đình Nghiêm
Montréal, 1 tháng 5.