06 June 2017

AI CÓ TỘI HƠN? - Mạc Ngôn | Đoàn Đức Thanh dịch

Xin cảm tạ và khâm phục các bạn Nhật Bản vì diễn đàn đã chọn đề tài đầy đặn thế này. Xã hội loài người ồn ào náo nhiệt, loạn xì ngầu, đèn đỏ rượu xanh, thanh sắc chó ngựa, xem chừng phức tạp vô lượng, nhưng nghĩ cho ngay thì thấy chẳng qua cũng là chuyện kẻ túng quẫn theo đuổi phú quý, kẻ phú quý theo đuổi lạc thú và kích thích: về cơ bản chỉ là chút chuyện này.

Bậc đại hiền Tư Mã Thiên thời cổ đại Trung Quốc từng nói: “Thiên hạ vui mừng đều vì lợi; thiên hạ nhốn nháo đều vì lợi.” Thánh nhân của Trung Quốc là Khổng Tử nói: “Phú và Quý, người người đều muốn; nghèo và hèn, người người đều ghét.” Người dân thường Trung Quốc nói: “Nghèo ở giữa phố không ai hỏi, giàu ở thâm sơn khối kẻ thăm.” Bất kể thánh nhân hay người thường, bất kể trí thức hay mù chữ đều có nhận thức rõ ràng về quan hệ giữa nghèo túng và phú quý.
Vì kẻ nghèo không thể thỏa sức đáp ứng dục vọng của mình.
Bất luận về ăn uống hay về tình dục, bất luận lòng hư vinh hay lòng chuộng chưng diện, bất luận đi bệnh viện khám bệnh không xếp hàng hay ngồi máy bay khoang hạng nhất, đều cần dùng tiền bạc để thỏa mãn, dùng tiền bạc để đổi lấy, dĩ nhiên, nếu sinh ra trong hoàng thất, hoặc đã giữ chức quan to, muốn thỏa mãn những dục vọng kể trên có lẽ cũng không cần dùng đến kim tiền.
Giàu là vì có tiền, Quý là vì xuất thân, huyết thống và quyền lực. Đương nhiên, nếu có tiền không lo gì Quý, còn dường như có quyền lực cũng không lo không có tiền. Vì Phú và Quý không tách rời nhau nên có thể hợp lại thành một phạm trù.
Kẻ nghèo khó thèm muốn và hy vọng được phú quý, đây là chuyện thường tình của con người, cũng là ham muốn chính đáng, điều này Khổng Tử cũng đã khẳng định, nhưng Khổng Tử nói: Cho dù ham muốn phú quý là chính đáng, nhưng nếu không dùng cách chính đáng để có được phú quý thì không xứng đáng thụ hưởng. Nghèo túng là thứ người người đều ghét, nhưng không dùng cách chính đáng để thoát khỏi nghèo túng là không đáng để ngợi khen.
Cho đến ngày nay, giáo huấn của thánh nhân hơn hai ngàn năm trước sớm đã trở thành kiến thức phổ thông, nhưng trong cuộc sống thực tế kẻ dùng phương thức bất chính để thoát nghèo làm giàu đâu đâu cũng thấy, kẻ dùng phương thức bất chính để thoát nghèo làm giàu nhưng không bị trừng phạt đâu đâu cũng thấy, tuy người ta than vãn những kẻ dùng phương thức bất chính để thoát nghèo thành giàu, nhưng chỉ cần bản thân họ có cơ hội cũng lại hành động giống như những kẻ kia, đây gọi là “Thói đời dưới Mặt trời, lòng người không thành thật.”
Ngày xưa, đa số người quân tử nhân ái không ham tiền tài, không ngưỡng mộ kẻ phú quý. Giống như Nhan Hồi, học trò số một của Khổng Tử nói: “Một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẹp, với người khác thì buồn lo không chịu thấu, riêng Hồi thì niềm vui không đổi.” Quản Ninh, cao nhân thời Tam quốc, khi cuốc đất thấy vàng khua cuốc làm ngơ. Có kẻ cuốc đất cùng sinh lòng tham, nhặt lên xem rồi ném lại xuống đất, tuy lòng sinh ham muốn nhưng phải ném đi vì giữ thể diện, làm được thế cũng không phải dễ dàng.
Trang Tử buông câu tại sông Bộc, vua Sở phái hai sứ thần đến mời ông ra làm quan, ông nói với hai sứ thần: nước Sở có rùa thần, sau khi chết bị Sở vương lột mai, dùng gấm bó lại dâng cho triều đình; với rùa thần, bị dâng cho triều đình tốt hay vẫy đuôi trong vũng bùn tốt? Sứ thần đáp, dĩ nhiên vẫy đuôi trong vũng bùn tốt hơn. Truyện ngụ ngôn về Trang Tử này hàm ý khuyên kiềm chế dục vọng để lánh tai ương.
Dù người xưa gây dựng tấm gương an bần lạc đạo, thanh tâm quả dục cho chúng ta, nhưng hiệu quả thu được rất ít. Mọi người theo đuổi danh lợi như muỗi thích hút máu, như ruồi nhặng thích hôi thối, tạo ra vô số bi kịch từ cổ chí kim, dĩ nhiên cũng gây ra vô số hài kịch. Văn chương là hình thức nghệ thuật phản ánh cuộc sống xã hội nên đương nhiên vấn đề này là nguồn tư liệu quan trọng nhất để tìm hiểu và miêu tả.
Đa số nhà văn cũng ham giàu có danh lợi, nhưng văn chương lại lên án người giàu, ngợi ca người nghèo. Đương nhiên người giàu bị lên án trong văn chương là giàu mà bất nhân, hoặc người giàu trở thành giàu nhờ thủ đoạn bất chính, người nghèo được ngợi ca trong văn chương cũng là người tuy nghèo nhưng không đánh mất tôn nghiêm nhân cách.
Chúng ta chỉ cần dùng chút trí tưởng là có thể nhớ lại được vô số nhân vật điển hình trong văn chương, trong khi nhà văn tạo dựng tính cách của họ, ngoài cho họ trải nghiệm chuyện sinh tử và yêu hận thì thủ đoạn thường được dùng là lấy phú quý làm đá thử vàng thử thách nhân vật, vượt qua được mê hoặc của phú quý dĩ nhiên là quân tử, không vững vàng trước phú quý trở thành tiểu nhân, nô tài, phản bội hoặc đồng phạm. Đương nhiên, cũng có rất nhiều tác phẩm văn chương mà nhân vật chính dùng sức mạnh của tiền bạc để trả thù, phục hận, đạt được mục đích của mình. Cũng có tác phẩm văn chương để nhân vật chính thiện lương của mình có kết cục sum vầy với phú quý, khẳng định giá trị của phú quý từ mặt tích cực.
Dục vọng của loài người là hố đen không thể lấp đầy, người nghèo có dục vọng của người nghèo, người giàu có dục vọng của người giàu. Vợ của ông lão đánh cá ban đầu chỉ khao khát một cái chậu gỗ mới, nhưng sau khi có cái chậu gỗ mới lại muốn có cái nhà gỗ, có cái nhà gỗ lại muốn làm phu nhân, được làm phu nhân lại muốn thành bà hoàng, trở thành bà hoàng lại muốn làm nữ vương biển cả, muốn thỏa mãn dục vọng để cá vàng làm nô bộc cho bà ta, điều này đã vượt quá giới hạn, giống như thổi bong bóng xà phòng, thổi to quá tất nhiên sẽ bể. Phàm việc gì cũng có giới hạn, một khi quá giới hạn dĩ  nhiên sẽ bị trừng phạt, đây là triết học nhân sinh giản dị, cũng là quy luật của vô số sự vật trong giới tự nhiên.
Nhiều câu chuyện khuyên răn ý nghĩa lưu truyền trong dân gian đều cảnh tỉnh mọi người kiềm chế dục vọng bản thân. Nghe nói người Ấn Độ vì muốn bắt khỉ đã chế tác ra một loại lồng gỗ chứa thức ăn, khi khỉ thò tay vào lấy thức ăn thì không thể rút tay ra được. Muốn rút tay ra thì phải bỏ thức ăn, nhưng khỉ tuyệt đối không chịu bỏ thức ăn. Khỉ không có trí tuệ “buông bỏ”. Con người có trí tuệ “buông bỏ” không? Có người có, có người không có. Có người khi có khi không. Có người có khả năng chống lại mê hoặc của kim tiền nhưng chưa hẳn chống lại được mê hoặc của mỹ nữ, có người có thể chống lại được mê hoặc của mỹ nữ nhưng chưa hẳn chống lại được mê hoặc của quyền lực, con người luôn có một số thứ không nỡ buông bỏ, đây chính là nhược điểm của con người, cũng là thể hiện tính phong phú của con người.
Kỳ thực, trong triết học Trung Quốc không thiếu trí tuệ kiểu này, nhưng người ta cứ mãi lặp lại cảnh “Phía sau thừa thãi quên rút tay, trước mắt tuyệt đường mới hối hận.” Tham lam là bản tính của con người, có thể nói là mặt đen tối của tính người. Dùng đạo đức khuyên răn và văn chương giáo thuyết có thể giúp người ta tỉnh được đôi chút, nhưng không thể giải quyết được cái gốc vấn đề. Vì thế mà Phật giáo dùng đến “Vạn sự đều không, vạn vật đều không” nhằm kiềm chế lòng tham của con người, vì tham lam là căn nguyên của vạn điều ác, cũng là căn nguyên của đủ loại đau khổ. Cho nên trong Hồng lâu mộng có bài “Hảo liễu ca”:
Người đời hiểu thần tiên là tốt, duy có công danh không thể quên!
Quan văn quan võ xưa nay đâu? cỏ xanh vùi khuất cả mộ hoang!
Người đời đều hiểu thần tiên tốt, duy có tiền vàng không thể quên!
Suốt ngày chỉ hận tích chưa đủ, cho đến tận khi lìa thế gian!
Người đời đều hiểu thần tiên tốt, duy có ái thê sao nỡ quên!
Khi sống ngày ngày nói ân tình, chết rồi lập tức theo người khác!
Người đời đều hiểu thần tiên tốt, nhưng còn con cháu sao nỡ quên!
Mẹ cha si mê xưa nay nhiều, con cháu hiếu thuận ai thấy chăng?
Muốn khống chế lòng tham của con người, cách hiệu quả nhất vẫn là dùng pháp luật, pháp luật như cái lồng, dục vọng như con thú. Công việc mà xã hội loài người làm hàng ngàn năm qua chính là cuộc vật lộn giữa pháp luật, tôn giáo, đạo đức, văn chương với lòng tham của con người. Cho dù thỉnh thoảng có mãnh thú xổ lồng hại người, nhưng về cơ bản vẫn giữ được cân bằng tương đối. Quan hệ hữu hảo giữa người với người muốn đạt được thì phải biết kiềm chế lòng tham; quan hệ hòa bình giữa các nước muốn đạt được cũng phải biết kiềm chế lòng tham. Một kẻ không còn khả năng kiềm chế lòng tham có thể biến thành kẻ giết người; một quốc gia không thể kiềm chế lòng tham thì sẽ gây chiến tranh. Từ đó cho thấy, quốc gia khống chế lòng tham còn quan trọng hơn mỗi cá nhân khống chế lòng tham.
Chúng ta phải dùng tác phẩm văn chương của mình nhắc nhở những nhà giàu mới nổi, những kẻ đầu cơ, những kẻ cướp bóc, lừa đảo, lưu manh, tham quan, đê hèn, rằng mọi người đều đi chung chiếc thuyền, nếu thuyền chìm thì cho dù kẻ nổi tiếng, mình đầy châu báu, hay kẻ nghèo túng vô danh, chung cuộc cũng không khác gì nhau.
Trong xã hội loài người, ngoài mê hoặc của kim tiền, danh lợi, quyền lực đối với con người, còn có thứ mê hoặc chí mạng khác là mê hoặc của nhan sắc. Tưởng như vấn đề này không liên quan đến nữ giới nhưng thực ra cũng liên quan. Trong lịch sử từng bùng nổ chiến tranh vì tranh giành mỹ nữ, cũng từng có những kẻ thống trị bị mất giang sơn xã tắc vì mỹ nữ. Từ bỏ sắc dục tuyệt đối dĩ nhiên không đúng, vì nếu không có dục vọng thì xã hội loài người sẽ không còn duy trì được.
Về cơ bản, kẻ thống trị trong các triều đại Trung Quốc có thái độ phủ định đối với dục tình của con người, nhưng đa số họ nói một đàng làm một nẻo, cho dù trong thâm cung đầy thê thiếp nhưng lại muốn giảng đạo trời diệt dục trong dân chúng, tình cảm giữa nam với nữ bị xem là hồng thủy tính thú. Quan niệm như thế thể hiện rõ trong pháp luật và đạo đức của các vương triều phong kiến. 
Đối với lòng tham của cải và quyền lực của loài người thì về cơ bản văn chương, pháp luật, đạo đức thống nhất với nhau; nhưng đối với dục tình, đặc biệt là dục tình thăng hoa thành ái tình thì tác phẩm văn chương thường có biểu hiện khác, thậm chí nhiều khi là trợ thủ cổ vũ. Trung Quốc có Mẫu đơn đình, Tây sương ký, Hồng lâu mộng, nước ngoài có Người tình của phu nhân Chatterley. Đây là chủ đề vĩnh hằng của văn chương, không có dục tình giữa nam và nữ, không có tình yêu thì dường như cũng không có văn chương.
Không nghi ngờ gì, giàu nghèo và dục vọng vẫn là mâu thuẫn chủ yếu của thế giới ngày nay, là căn nguyên khiến loài người đau khổ hay vui sướng. Những năm qua đời sống vật chất của người Trung Quốc đã được cải thiện to lớn, độ tự do cá nhân cũng mở rộng hơn nhiều so với trước đây, nhưng cảm giác hạnh phúc của mọi người lại không được nâng cao là bao. Vì bất công trong phân chia của cải, một thiểu số kẻ dùng thủ đoạn xấu xa để được giàu có là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến ổn định xã hội.
Còn thói kiêu ngạo dâm loạn, nhe nanh giơ vuốt của những kẻ bạo phát bằng thủ đoạn đen tối đã khiến muôn người thù hận, dẫn đến hình thành loại tâm lý thù ghét nhà giàu vô cùng mãnh liệt, còn cấu kết giữa kẻ giàu và kẻ quyền thế đã gây ra vô số án oan và chính sách tàn ác, làm cho người dân ngoài tâm lý thù hận kẻ giàu còn có thêm tâm lý thù hận quan chức. Hai loại tâm lý này, thông qua mạng internet, thể hiện cuồn cuộn tuôn trào hết lớp này đến lớp khác, làm cho một số kẻ cứ nghe mạng internet là biến sắc, kẻ hành ác có thể thu kiếm, nhưng tự thân mạng internet lại trở thành nơi ẩn náu của vô số kẻ đê tiện.
Hơn trăm năm trước, giới trí thức tiến bộ của Trung Quốc từng đề ra khẩu hiệu dùng khoa học kỹ thuật cứu nước, hơn ba mươi năm trước, giới chính trị Trung Quốc đề ra khẩu hiệu dùng khoa học kỹ thuật chấn hưng đất nước. Nhưng đến nay, tôi cảm thấy loài người đang đối diện nguy hiểm khủng khiếp nhất, đó là khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến đi cùng với lòng tham con người ngày càng bành trướng. Dưới kích thích của lòng tham, phát triển khoa học kỹ thuật của loài người đã xa rời quỹ đạo bình thường vì nhu cầu sức khỏe, lại đi phát triển điên cuồng vì động cơ chạy theo lợi nhuận, kỳ thực đây là nhu cầu bệnh hoạn của thiểu số kẻ giàu có.
Loài người đang điên cuồng nạo vét Trái Đất. Chúng ta khoan vô số mũi khoan vào Trái Đất, chúng ta làm ô nhiễm sông ngòi, biển cả và bầu không khí, chúng ta chen nhau dùng thép và xi-măng dựng lên những kiến trúc cổ quái hiếm lạ, đặt nó bằng những cái tên mỹ miều và buông thả dục vọng của chúng ta bên trong nó, tạo ra rác rưởi mà không thể tiêu hủy được. So với người nông thôn, người đô thị là kẻ có tội; so với người nghèo, người giàu là kẻ có tội; so với nhân dân, quan chức là kẻ có tội, từ ý nghĩa nhất định, quan càng to thì tội càng nhiều, vì quan càng to thì dục vọng càng nhiều và tài nguyên tiêu phí càng nhiều.
So với quốc gia không phát triển, quốc gia phát triển là có tội, vì dục vọng của quốc gia phát triển nhiều hơn, quốc gia phát triển không chỉ cào xới trên lãnh thổ của mình mà còn đến quốc gia khác, ra ngoài biển cả, đến Bắc Cực và Nam cực, lên Mặt Trăng, lên tận bầu trời cào xới. Khắp Trái Đất bị hun khói, toàn thân run rẩy, đại dương gào thét, cát bụi cuộn bay, hạn lụt bất thường…
Trong thời đại như thế, văn chương của chúng ta kỳ thực gánh vác trách nhiệm trọng đại, là trách nhiệm cứu Trái Đất và loài người.
Chúng ta cần dùng tác phẩm của chúng ta cảnh báo mọi người, đặc biệt là những kẻ không từ thủ đoạn để được giàu có và quyền thế, họ chính là kẻ có tội, thần linh sẽ không phù hộ cho họ.
Chúng ta cần dùng tác phẩm của chúng ta nói cho những nhà chính trị dối trá, cái gọi là lợi ích quốc gia không bao giờ là chí cao vô thượng, thật sự chí cao vô thượng là lợi ích lâu dài của loài người.
Chúng ta cần dùng tác phẩm của chúng ta nói cho những phụ nữ có một ngàn cái váy, một vạn đôi giầy, họ là kẻ có tội; chúng ta cần dùng tác phẩm của chúng ta nói cho những người đàn ông có mười mấy chiếc xe sang trọng, họ là kẻ có tội; chúng ta cần tố cáo những người mua báy bay riêng du thuyền riêng, họ là kẻ có tội, cho dù trên thế giới này có tiền là có thể thỏa mãn ham muốn, nhưng ham muốn của họ là tội phạm của nhân loại, cho dù tiền của họ dùng thủ đoạn hợp pháp để kiếm được.
Chúng ta cần dùng tác phẩm văn chương của chúng ta nói với những nhà giàu mới nổi, những kẻ đầu cơ, cướp đoạt, lừa đảo, xảo quyệt, những tên tham quan, dơ bẩn, rằng mọi người đều ở trên một con thuyền, nếu thuyền chìm thì dù là kẻ nổi tiếng, thân đầy châu báu, hay kẻ vô danh lam lũ, chung cuộc cũng như nhau.
Chúng ta cần dùng tác phẩm văn chương của chúng ta truyền đạt những đạo lý cơ bản nhất cho mọi người: ví như nhà dựng để ở, không phải để đầu cơ; nếu nhà dựng không để ở thì nhà đó không phải là nhà. Chúng ta cần nhắc cho mọi người hiểu rằng, trước khi loài người chưa phát minh ra máy điều hòa nhiệt độ, người bị chết vì nóng không nhiều như hiện nay. Trước khi loài người chưa phát minh ra đèn điện, người cận thị ít hơn nhiều so với hiện nay. Trước khi loài người chưa có truyền hình, thời gian rảnh rỗi của mọi người càng phong phú hơn. Sau khi có mạng internet, trong đầu mọi người không lưu giữ được nhiều thông tin hữu ích hơn so với con người trước đây; trước khi chưa có mạng internet, độ cuồng dại dường như ít hơn hiện nay.
Chúng ta cần dùng tác phẩm văn chương nói cho mọi người biết, tiện lợi của thông tin liên lạc khiến mọi người không còn niềm hạnh phúc của thư từ, dư thừa đồ ăn làm mất mùi vị khi ăn, dễ dãi tình dục khiến làm mất năng lực yêu đương.
Chúng ta cần dùng tác phẩm văn chương nói cho mọi người, không cần phải phát triển tốc độ nhanh như thế, không cần phải làm cho động vật và thực vật lớn nhanh như thế, vì động vật và thực vật lớn nhanh thì ăn không ngon, không có dinh dưỡng, lại chứa chất kích thích và thuốc độc khác.
Chúng ta cần dùng tác phẩm văn chương nói cho mọi người, sự phát triển bệnh hoạn của khoa học nhờ kích thích của quyền thế, lòng tham và tư bản làm loài người đánh mất vô số điều thú vị và gây ra không biết bao nhiêu nguy cơ.
Chúng ta cần dùng tác phẩm văn chương nói cho mọi người hiểu thế nào là giới hạn, sống chậm lại đi, mười phần thông minh dùng năm phần để lại năm phần cho con cháu.
Chúng ta cần dùng tác phẩm văn chương của chúng ta nói cho mọi người, thứ cơ bản giúp loài người duy trì sự sống là không khí, ánh sáng Mặt Trời, đồ ăn và nước, những thứ khác đều là đồ xa xỉ. Ngày tốt đẹp của loài người không còn nhiều. Khi mọi người ở trên sa mạc thì sẽ hiểu nước và đồ ăn quý giá hơn vàng bạc và kim cương nhiều, khi động đất và sóng thần xảy ra, mọi người mới hiểu, bất kể bao nhiêu biệt thự và dinh thự xa hoa, trong bàn tay khổng lồ của đại tự nhiên cũng chỉ là một đống bùn; khi loài người cào xới Trái Đất này đến nỗi không thể cư ngụ được nữa thì khi đó mọi quốc gia, dân tộc, cổ phiếu đều trở thành vô nghĩa, dĩ nhiên văn chương cũng không còn nghĩa gì.
Văn chương của chúng ta liệu có khiến tham-dục của loài người, đặc biệt là tham-dục của quốc gia tiêu tan không? Kết luận là bi quan.
Cho dù kết luận là bi quan, chúng ta cũng không thể ngừng nỗ lực.
Bởi vì, đây không chỉ là cứu người khác, cũng là cứu chính mình.

Mạc Ngôn
Đoàn Đức Thanh dịch
….
Bài Diễn thuyết tại Diễn đàn Văn chương Đông Á tại Nhật Bản của nhà văn Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc được giải Nobel văn chương năm 2012. Tựa bài diễn thuyết “Người nào thì có tội?” (Ná ta nhân thị hữu tội đích). 

Nguyên tác “莫言在日本的演讲很震撼:哪些人是有罪的” tại sohu.com ngày 16/4/2017