
Tôi nhớ suốt đời một buổi ngồi coi TV với một gia đình người
Pháp. Một phóng sự về ẩm thực VN. Một ông đầu bếp cầm dao, rạch bụng con rắn quằn
quại, lấy máu, uống và mời khách.
Ông ta cười cợt, hãnh diện như vừa thực hiện một kỳ công,
trước con mắt hãi hùng của người làm phóng sự. Ông chủ nhà người Pháp nhăn mặt,
bà chủ nhà che mắt không dám nhìn. Nếu nền nhà không bằng xi măng, tôi đã đào một
cái hố chui xuống cho đỡ xấu hổ. Lại thêm một cơ hội muốn chối không phải là
người Việt
Những cảnh bạo lực trong xã hội VN càng ngày càng nhiều trên
Internet, trên Facebook . Những cảnh ẩu đả tàn nhẫn, trẻ em bị đối xử dã
man, bị bắt nhịn ăn, phơi nắng, học sinh kéo bầy đánh đập một cách hung bạo một
em nhỏ yếu ớt hơn, công an tàn nhẫn với dân thấp cổ bé miệng, người ta chửi
nhau thậm tệ, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, sau một tai nạn lưu thông hay một
chuyện bất đồng.
Ở các nước Tây phương, thỉnh thoảng người ta đưa những vidéo
về cảnh súc vật bị đối xử dã man trong các nhà hoả lò. Những vidéo này chiếu
trên TV, gây phẫn nộ, hoả lò bị đóng cửa, ban giám đốc bị cách chức.
Ở VN, người ta đưa những hình ảnh tàn bạo, dã man, không phải
chỉ giữa người với vật, mà giữa người với người. Và đưa lên Internet, ít khi để
tố cáo, nhiều khi để khoe khoang một hành động vẻ vang, anh dũng. Cảnh một tên
lỗ mãng, cầm gậy đập đầu con chó dẫy đành đạch, cắt tiết, uống máu trước máy
quay phim. Cảnh một đàn xúm lại đạp vào đầu, vào mặt một cô bé, một chú
bé gầy yếu. Cảnh ông chủ nắm tay đấm mặt một cô bé sưng vù, trước sự hỗ trợ,
tán thưởng của gia đình, vì cô bé ăn trộm tiền, đưa lên facebook, với dòng chữ :
‘’hãy nhớ mặt con chó này ‘’. Và thiên hạ chuyển đi, thú vị như chuyển một
bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật .
Ở những xứ có văn hóa, luật pháp cấm đưa hình, đưa tên những
vị thành niên trên báo, dù tội nặng tới đâu. Để đương sự có cơ hội làm lại cuộc
đời. Ở VN, người ta đưa hình những cô gái, nhiều khi vị thành niên, bị bắt về tội
mại dâm lên báo, lên mạng, với những lời bình phẩm độc ác, thô bỉ, khiến gia
đình nhục nhã và nạn nhân phải tự vẫn. Những cô gái bán mình để nuôi thân, nuôi
gia đình ở cái tuổi, tại một xứ khác, chắc chắn còn cắp sách đi học, đi coi
hát, đi du lịch, chạy nhẩy, cười đùa với bạn bè
Những người đã rời quê hương từ nhiều năm không tưởng tượng
đất nước mình sa đọa đến như vậy. Người Việt có nhiều khuyết điểm, nhưng
người ta vẫn nghĩ người Việt bản chất hiền lành, từ tâm, chất phác. Ngay
cả cái tính tốt cuối cùng ấy cũng đã mất ? Người ta nói đến một xã hội vô
cảm. Ghê rợn hơn cả một xã hội vô cảm, đó là một xã hội bất nhân.
Bất cứ một người bình thường nào, ở một xứ bình thường nào,
cũng không có can đảm nhìn những video man rợ trên Internet, facebooks
VN, nhưng người Việt ta coi, dửng dưng, thích thú, đồng lõa. Đối xử với
nhau như vậy, trách gì người Tầu đối xử tàn bạo với anh em mình?
Lần đầu tôi có cái cảm tưởng ngỡ ngàng khi tiếp xúc với một
nhóm học sinh du học. Một nhóm nữ sinh viên khả ái, thông minh, có kiến thức,
có kiến thức hơn là tôi nghĩ , với cái thành kiến của những người đứng từ xa
nhìn về. Tôi hỏi : các cô nghĩ VN sẽ có thay đổi gì không. Một cô bé, rất
dễ thương, rất lễ độ, trả lời : ‘’thưa chú, cháu nghĩ đéo có gì thay đổi.
Đâu lại vào đó‘’. Hai người sững sờ là tôi và một ông bạn đã xa nhà từ lâu. Những
cô bạn của người phát biểu không bày tỏ một chút khó chịu. Đó là chuyện tự
nhiên. Chữ “đéo‘’ trở thành một chữ hàng ngày, rất bình thường, như chào ông,
chào bà...
Sự bạo hành bắt đầu bằng ngôn ngữ. Tôi không chê trách cô
bé. Tôi rùng mình. Nếu sống trong xã hội đó, giờ này tôi cũng ăn nói như
vậy. Cũng nói với khách: Dạ, cám ơn, đéo muốn ăn cơm, còn no bụng quá.
Tôi nhìn cô bé, rất dễ thương, ái ngại. Chúng ta chỉ là sản phẩm của xã hội,
của môi trường sống.
Nhưng đó là chuyện nhỏ, so với cái văn hoá man rợ, người này
trèo lên cổ người khác để sống. Hay chỉ để chứng minh mình hiện diện. Đạp mặt
người khác chứng tỏ tôi hiện diện. Je cogne donc je suis (1). Tại sao có thể mất nhân tính đến như vậy? Bởi vì sống trong một xã hội độc
tài, suốt đời bị chèn ép, bị áp bức, bị đối xử như con vật, người ta không có
cách gì giải tỏa hơn là quay lại hành hạ những người yếu hơn mình. Lại càng
kính nể hơn nữa những người sống trong xã hội chụp dựt đó nhưng vẫn giữ cái thiện,
giữ lòng nhân ái.
Tất cả những
nghiên cứu xã hội đứng đắn đều đi tới kết luận : những người có hành vi bạo
hành thường thường đã là nạn nhân của bạo hành. Là nạn nhân, người ta có một
trong hai thái độ. Hoặc đứng về phe kẻ yếu, tranh đấu chống bất công, nhưng rất
hiếm. Hiếm, bởi vì phải có nghị lực và lòng bao dung phi thường. Hoặc để trả
thù đời, trút lên đầu những người yếu hơn mình những cái mình đã phải chịu đựng.
Đó là cái vòng di
truyền luẩn quẩn, bệnh hoạn (cercle vicieux) trong một gia đình. Trên tầm vóc
quốc gia, một đại họa. Mỗi người theo hay chống chủ nghĩa CS vì những lý do
khác nhau. Tôi từ chối chủ nghĩa CS trước hết vì lý do đó : nó làm tiêu
tan cái đẹp của một xã hội tử tế. Nó đưa chúng ta lại gần với thú vật. Ở một xã
hội văn minh, người ta kính trọng , lễ độ với mọi người, kể cả, nhất
là, những người yếu hơn mình.
Trên Internet,
người ta dạy cách trừ chuột hữu hiệu nhất, không cần thuốc độc, không cần bẫy.
Mổ đít con chuột, cắt tinh hoàn của con vật, thay vào đó hai hạt đỗ tương, rồi
khâu lại. Dần dần hạt đậu chương lên, con chuột đau quá, phát khùng, cắn đồng
loại như điên dại. Đám chuột sợ quá, bỏ chạy, nhà hết chuột. Trước đây có một
truyện ngắn, rất hay, tựa là ‘’Khâu đít chuột‘’, quên tên tác giả, nói
bóng nói gió về một xã hội như vậy.
Người Việt ta là
những con chuột bị thiến, bị khâu, nổi khùng, cắn nhau chí choé. Viết mấy giòng
này, tôi nghĩ cả tới những người quá khích, chống bạo lực thì ít, chống nhau, hại
nhau, chụp mũ nhau thì nhiều.
Chúng ta đều là
những con chuột điên cuồng. Bao giờ mới ý thức được mình bị khâu, những người
chung quanh cũng chỉ là nạn nhân bị khâu như mình. Và nhận diện những người
khâu đít chuột, thực sự là những kẻ làm khổ mình, biến đời mình, đất nước mình
thành địa ngục?
Paris,
05 /2017
( 1 ) Je cogne
donc je suis. Tôi đánh đập vậy tôi hiện hữu. Nhại câu nổi tiếng của
Descartes, ‘’Je pense donc je suis ‘’, tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu
Từ
Thức