24 June 2017

SALOON CAO BỒI - Sean Bảo

“Sometimes too much drink is barely enough – Đôi khi uống mãi mà không say.” Xin lược dịch như thế cho câu nói của Mark Twain về những câu chuyện say như men rượu ở các Saloon miền Viễn Tây nước Mỹ, nơi chuyện cũ không bao giờ cạn, nghe hoài không chán. Bởi lẽ hình ảnh một miền Tây Cao-bồi hoang dã luôn gắn liền với các Saloon này.

Hãy bắt đầu từ con đường đất đầy bụi, gió khô khốc, cái nóng khát họng, khách dừng ngựa trước quán, buộc cương trước hiên, qua bậc thang bằng gỗ là đến cánh cửa trước mở khép cả 2 chiều gọi là swing doors. Chúng có hình cánh dơi, lưng lửng ngang vai. Cánh cửa đó gọi mời những kẻ lang bạt, không cần gõ cửa, đi thẳng vào quán. Tấm cửa không cài, quét bụi đường lấm áo và cũng dễ dàng tống tháo một kẻ xấu say sưa ra ngoài lề đường. Hai cánh cửa dưới tầm nhìn để chủ quán có thể thấy khách bước vào, cũng như khách có thể nghe thấy tiếng lao xao gọi mời từ bên trong, cánh cửa thấp cũng để thoáng mát trong miền Tây nóng nực vào thuở chưa có máy lạnh. Từ cửa đi thẳng vào quầy làm bằng gỗ mahogany bóng láng. Sát quầy có thanh đồng cũng bóng láng do khách hàng tì tay. Nhìn vào khuỷu tay chai sần của khách sẽ biết anh ta là khách thường xuyên, dựa tay vào đấy bao năm rồi! Dưới chân dọc theo quầy là một thanh dắt chạy song song cho khách gác chân, nghỉ tựa những đôi giày ủng da có ngôi sao thúc ngựa lấp lánh. Cạnh dưới là ống nhổ thuốc lá ngậm. Dọc quầy treo những chiếc khăn tay để khách lau ngụm bọt beer còn dính vào hàm râu rậm. Những chiếc ghế cao dọc theo quầy, nơi khách uống có thể quay lưng lại cả quán và cũng thấy tất cả ở trong tấm gương lớn phía sau quầy rượu chứa đầy các chai rượu bắt mắt. Trên tường thường trang trí bằng các sừng nai, đầu gấu, bò rừng, nhiều bức tranh vẽ phụ nữ khỏa thân, poster quảng cáo các sản phẩm thời ấy như beer, thuốc lá, rượu, các tay thợ săn và vũ nữ nổi tiếng…Vài bộ bàn ghế cho khách tựa lưng, gác chân trò chuyện hay đen đỏ, hoặc bàn chuyện mua bán…
Ngày đó những ly rượu mang đầy lợi nhuận nên pha tạp. Cồn cao độ trộn với nước đường nấu vàng cháy và thuốc lá nhai nghiền. Bởi vậy chúng được đặt những tên trứ danh như Dynamite (Thuốc nổ), Red Eye (Mắt đỏ), Coffin Varnish (Nước bóng quan tài)…Nhưng từ phổ thông nhất được gọi là Fire Water. Từ được dùng khi các thổ dân da đỏ được các tay buôn da thú trao đổi và uống thử. Uống vào nóng như lửa, đổ vào củi làm bùng lên ngọn lửa. Khách hàng thường kêu rượu uống không pha (straight). Uống một hơi cạn ly. Sẽ là trò cười cho cả quán nếu gọi ly cocktail hay uống nhâm nhi. Bởi đó không phải là kiểu cách của dân Miền Tây. Một thức uống phổ biến khác là Tequila làm từ cây xương rồng, whiskey và rượu lên men từ dâu đen. Các loại rượu này thật nặng, độ cồn đến 50% (100 proof). Các chủ quán đôi khi pha thêm nhựa thông, thuốc súng, ớt cay và a-mô-nhắc. Thời đó cũng đã có bán beer. Những ly beer ấm bởi chưa có nước đá. Mãi đến những năm 1880 thì Adolphus Busch mới có loại beer ướp lạnh và Budweiser trở thành thương hiệu nổi tiếng đến ngày nay.
Các Saloon thường xuyên mở cửa 24 giờ, suốt 7 ngày, đáp ứng cho khách hàng thuộc nhiều tầng lớp, nhân viên địa phương, cảnh sát cũng như tội phạm và dĩ nhiên khách vãng lai. Khách hoàn toàn là người da trắng và quen thuộc. Hiếm khi có khách da đen, ngoại trừ đi cùng bạn da trắng hay chủ nhân. Những người da đỏ không bao giờ dám bén mảng, bởi đó là “luật bất thành văn”. Ngay cả người Hoa kiều, bước vào đó xem như chấp nhận rủi ro mất mạng. Tuy vậy có một loại khách da trắng không được chào đón nơi này, đó là binh lính. Lý do là phần đông những người di dân và về miền Tây đều là dân giang hồ tứ xứ, kẻ buôn lậu, người đào ngũ trong cuộc nội chiến…sự hiện diện của người lính là cái gai trong mắt họ. Và ngay cả phụ nữ. Ngoại trừ họ là gái làm trong Saloon hay là một mệnh phụ phu nhân.
Do đa phần di dân đến đây đều có quá khứ phức tạp, nên mọi người chỉ biết nhau qua tên mà không cần biết họ. Cái tên thường đi kèm một tên lóng đặc trưng…Nhiều vụ tò mò hay tìm hiểu về lai lịch của cư dân thường kết thúc bằng khói súng và xác chết nằm trước Saloon. Người ta cũng không bao giờ hỏi một chủ trang trại có bao nhiêu con bò (cũng như ngày nay không ai dám hỏi bạn khai thuế bao nhiêu.) Một lệ xã giao là luôn mời rượu khách kế bên, dù bạn là kẻ từ nơi xa đến. Cũng như đã vào Saloon mà từ chối lời mời một ly rượu ắt làm lắm kẻ rút súng. Tuy vậy nếu khách vào quán và thú thật rằng mình cháy túi và cần tí men, ít ai có thể chối từ. Nếu không nói ra, uống quịt, thì anh ta sẽ sưng mắt hay tệ hơn bị quăng ra vỉa hè. Địa điểm mở một Saloon bao giờ cũng thuận tiện giữa phố. Lắm khi lại là nơi làm việc chung của thành phố, sở cảnh sát và ngay cả nhà thờ như ở Hays City, Kansas. Một vài tay cảnh sát cũng mở Saloon và chia bài như Wyatt Earp, Doc Holliday…Chính vì sự chông chênh luật pháp và tư thù, quyền lực và công lý bấy giờ mà bao vụ nổ súng chết người xãy ra. Mọi câu chuyện gây gỗ thường bắt đầu ở trong Saloon và kết thúc tại đường phố.
Nói đến Saloon hẳn phải nhắc đến các cô kỹ nữ. Họ là những gái quê theo lời các quảng cáo tìm đến làm với đồng lương cao 10 đô một tuần, cộng thêm hoa hồng từ việc mời khách mua whiskey. Các cô thường uống trà đá hay nước đường nâu trong ly thấp, khách hàng phải trả cho các ly đó với giá của ly whiskey chừng 10 đến 25 xu một ly. Khác với phim ảnh, các cô không làm điếm, thường chỉ nhảy múa và ngồi chơi tâm sự chuyện đời với khách trai xa quê, nhớ nhà, vắng người tình. Đôi khi vui giùm khách một lá bài, lắm khi tựa vào khách chút son phấn quyến rũ. Dù vậy các cô gái luôn được sự mến mộ và quý trọng của khách bụi đời. Mọi cư xử khiếm nhã đều kết thúc bằng một trận đòn đau nhớ đời cho khách say sưa quá chén, lỡ tay. Khách phải bỏ ra 75 xu đến 1 đô để được nhảy với các cô gái thơm tho này. Tuy vậy, các cô lại là hình ảnh đáng ghét của các phụ nữ làm lụng ở nhà hay nông trại, bởi chính họ là người ngày đêm lo chuyện con cái, bếp núc, giúp chồng con lo vụ mùa, bò ngựa. Đây cũng là lý do khiến phụ nữ nổi dậy biểu tình làm nên luật cấm rượu 13 năm sau này.
Các Saloon ngày ấy giờ tàn lụi như Miền Tây vắng bóng những con ngựa và chàng cao-bồi. Ngày nay chỉ còn sót lại hình ảnh của những nơi gọi là Tavern, Club, Country bar. Thi thoảng bạn ghé thăm các thôn quê miền Tây hẽo lánh vẫn còn thấy vài Saloon lạc lỏng trong các khu phố cổ. Vẫn cánh cửa swingdoor, vài chiếc mũ cao-bồi, một vài bước nhảy với ủng da trong điệu nhạc đồng quê. Bạn có da màu như tôi cũng đừng ngại. Khi lòng muốn khuây khỏa làm một ly cho ấm bụng, cho trút bớt muộn phiền chốc lát, thì hãy ghé vào đây lì-một-lam (làm một ly) whiskey, liều-một-đám (làm một điếu) xì gà, thả khói để nhớ về một thời cao-bồi bạt mạng trong các Saloon miền Tây đầy bụi thời gian. Chỉ một ly thôi nhé! Ngày xưa con ngựa nhớ đường cõng chủ say mèm về nhà. Ngày nay con ngựa sắt của bạn mà lạng quạng, bị sheriff quay đèn thì mệt lắm.

Sean Bảo